Beautiful UX và ứng dụng Real Time cải thiện trải nghiệm người dùng

1613

Vài năm trước đây, công nghệ như WebSockers đã đạt được những phát triển vượt bậc nhờ vào sự trợ giúp của tính năng Real time. Sau này tính năng Real time được phát triển và được xem như một tính năng “ không – thể – thiếu” trong hầu hết các ứng dụng được yêu thích hiện nay như: Facebook với thông báo qua ứng dụng điện thoại, Uber với hiệu ứng dò tìm địa điểm ngay lập tức, tính năng đa người dùng của Google Docs và chat trực tuyến của Slack,… Tính năng real time có tác dụng truyền tải thông tin đến người dùng ngay tức thì, làm gia tăng những trải nghiệm chân thực nhất cho người dùng. Nhưng làm thế nào để áp dụng tính năng Real time giúp cải thiện sản phẩm và đáp ứng mong muốn của khách hàng?

Anh Đỗ Vũ Hoàng Trình – Director of Project Management của POETA, với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cung ứng giải pháp trải nghiệm người dùng, trong buổi trò chuyện gần đây với TopDev đã có những chia sẻ quý báu về kinh nghiệm cải thiện trải nghiệm người dùng, cũng như những vấn đề cần quan tâm khi tích hợp tính năng real time vào ứng dụng để cải thiện trãi nghiệm người dùng.

1. Anh có thể giới thiệu đôi nét về POETA cho cộng đồng lập trình viên được biết?

Được thành lập năm 2007 với 2 chi nhánh ở Seattle (Mỹ) và ở Việt Nam tên công ty ban đầu là VinaSource. Mục đích là giúp khách hàng dễ đọc, nhanh chóng biết được công ty đang làm gì ? ở đâu? Nhưng qua thời gian thì vấn đề dễ đọc không còn là yếu tố quan trọng hàng đầu, công ty mong muốn mang đến nhiều cảm xúc hơn cho khách hàng, bắt đầu từ chính tên công ty, vì vậy công ty đã quyết định đổi tên thành POETA. Sở dĩ có cái tên POETA (tiếng La Tinh) có nghĩa là nhà thơ, với POETA code không chỉ đơn thuần là code, nó phải thực sự tinh tế mang lại cảm xúc, mang lại giá trị cho người dùng. POETA không tham vọng tạo ra những sản phẩm hàng trăm ngàn người dùng, nhưng mỗi sản phẩm POETA tạo ra là một “tác phẩm nghệ thuật” chính là mang lại cảm xúc cho người dùng.

2. Anh có thể chia sẻ thêm về dự án mà anh tâm đắc nhất cho tới thời điểm hiện tại?

Từng làm qua rất nhiều sản phẩm, nhưng sản phẩm khiến anh tâm đắc nhất cho tới bây giờ đó là 1 sản phẩm về giáo dục từ khách hàng Mỹ. Sản phẩm này cung cấp thư viện những bài test hỗ trợ cho giáo viên đánh giá năng lực sinh viên. Nhớ lại khi đó team chỉ có 2 người, gần như phải tự làm tất cả mọi thứ. Điều khó khăn nhất là khâu thuyết phục khách hàng chấp nhận giải pháp của mình đưa ra thay vì bằng lòng với giải pháp của khách hàng. Giải pháp bên mình đưa ra là một giải pháp toàn diện cả về business chứ không chỉ là giải pháp về kỹ thuật – điều mà rất ít công ty Outsource lúc bấy giờ quan tâm đến. Từ những ngày đầu rất sơ khai bây giờ sản phẩm đó có thể tự scale để đáp ứng được lượng người dùng truy cập lớn. Từ quá trình làm sản phẩm đó, mình học được rất nhiều điều quý báu: quy trình làm hệ thống, biết cách nói chuyện với khách hàng, hiểu khách hàng, làm sao để thiết kế hệ thống đáp ứng được nhiều người dùng,…

3. Tính năng Real time hiện nay được xem là “tính năng không thể thiếu” trong hầu hết các ứng dụng được yêu thích hiện nay, được biết hiện tại POETA cũng có phát triển một số sản phẩm liên quan tới tính năng này, anh có thể chia sẻ thêm về việc áp dụng Real time vào sản phẩm của công ty?

Việc áp dụng tính năng real time vào sản phẩm cải thiện trải nghiệm người dùng rất nhiều. Hiện tại POETA có phát triển một số tính năng real time liên quan đến video. Một sản phẩm mà POETA đã phát triển có áp dụng real time khá thành công liên quan đến du lịch tại chỗ. Về cơ bản sẽ có 1 người là tourguide làm nhiệm vụ hướng dẫn, người dùng sẽ thông qua ứng dụng di động để “điều khiển” tourguide di chuyển theo mong muốn của mình, đi đến những nơi mình muốn, tất nhiên đó hoàn toàn là Real Time. Điều này khiến cho người dùng ứng dụng có được những trải nghiệm du lịch chân thực mà không cần phải đến tân nơi, chỉ cần dùng thiết bị di động.

Khi làm Reat Time cần lưu ý về chất lượng tải, vì làm real time (đặc biệt là với video) phụ thuộc rất nhiều vào đường truyền. Bài toán cần giải quyết là tối ưu hóa tốc độ tải, để ngay cả khi người dùng sử dụng gói dịch vụ giá rẻ thì tốc độ đường truyền vẫn phải đảm bảo, và cần phải chủ ý tới khả năng tự động phát hiện lỗi và cách khắc phục lỗi nhanh nhất.

4. POETA đã có nhiều năm làm việc với trải nghiệm người dùng, vậy anh quan niệm như thế nào là “Beautiful UX”?

Thực ra “đẹp” hay” xấu” cũng chỉ là mang tính cảm tính, có rất nhiều định nghĩa khác nhau về “beautiful UX” như cấu trúc cân đối, đơn giản, tiện dụng, dễ sử dụng,.. Còn đối với anh thì đó là “thôi thúc” hành động.

Beautiful UX phải mang đến trải nghiệm thôi thúc người dùng thực hiện 1 hành động nào đó. Ví dụ: khi làm1 trang web bán hàng phải thôi thúc mua hàng, 1 trang book vé thì phải thôi thúc người dùng book vé.

Để có thể làm được điều đó, điều quan trong nhất là phải hiểu được người dùng. Vì mỗi đối tượng khách hàng khác nhau có đặc điểm nhân khẩu học khác nhau ví như: khách hàng ở Mỹ họ thích những thiết kế đơn giản, rõ ràng với 1 text box rất lớn. Bởi khuynh hướng của người dùng ở Mỹ là vào 1 website là để làm gì đó, còn đối với người dùng ở Nhật, Hàn thì lại rất nhiều chữ và nhiều màu, đối với họ thì nhiều là tốt, nhiều có nghĩa là có nhiều giá trị. Còn đối với người dùng Việt Nam thì vào website là để xem có gì hấp dẫn, thì mới quyết định có hành động tiếp theo. Thói quen người dùng khác nhau, đó là lý do phải nghiên cứu hành vi người dùng thật kỹ trước khi đưa ra thiết kế. Có như vậy mới cho người dùng cái họ muốn.

5. Có ý kiến cho rằng: “Làm Outsource không có tư duy sản phẩm” với nhiều năm kinh nghiệm là Outsource anh nghĩ gì về ý kiến này?

Thực ra, ý kiến này cũng không hoàn toàn sai. Ở Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn làm Outsource cho các công ty nước ngoài là chủ yếu, rất ít có cơ hội được tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, cái mình nhận được chỉ là những yêu cầu. Sự tách biệt với khách hàng là nguyên nhân dẫn đến thiếu tư duy về sản phẩm. Hơn nữa, trong chuỗi quy trình từ tạo ra sản phẩm tới đưa sản phẩm tới người dùng, lập trình viên Outsource chỉ làm ở giai đoạn hiện thực hóa sản phẩm, nhiều khi không được tham gia cả khâu thiết kế, và khâu quan trọng nhất là lấy ý kiến người dùng thì gần như hoàn toàn không được tham dự. Chính vì vậy, tư duy Outsource cũng bắt đầu từ đó. Muốn thay đổi tư duy điều quan trọng là cần có bước chuyển.

Nhìn về bản chất một chút, trong chuỗi giá trị của người dùng, từ giai đoạn nắm bắt nhu cầu người dùng, lên ý tưởng, thiết kế, build sản phẩm, marketing, logictic,… có rất nhiều việc mình có thể làm. Để bắt đầu thì mình cần phải làm tốt hơn yêu cầu của khách hàng. Các công ty Outsource thường suy nghĩ đơn giản là khách hàng yêu cầu gì thì chỉ làm vậy, như thế sẽ không thể làm tốt hơn yêu cầu của khách hàng, tức là đưa ra nhiều lựa chọn tốt hơn (có thể) thay thế cho giải pháp của khách hàng. Để làm được điều đó cần xem khách hàng như những partner của mình, tức là cùng khách hàng phát triển sản phẩm, cùng xây dựng sản phẩm, hơn là chỉ xem khách hàng đơn thuần là những người đưa ra yêu cầu và mình là người thực hiện yêu cầu. Khi đó mình đã có tư duy cùng với khách hàng rồi, mình có thể làm trọn gói phân tích nhu cầu người dùng của họ, sau này mình không chỉ duy trì về mặt công nghệ mà mình còn có thể tham gia vào nhiểu phần khác trong chuỗi giá trị sản phẩm. Đó chính là bước đầu hình thành nên tư duy sản phẩm dù làm Outsource hay làm Product.

6. Anh có thể chia sẻ đôi chút về văn hóa công ty ở POETA?

Môi trường làm việc ở POETA khá thỏa mái, trẻ trung, năng động, khuyến khích sự sáng tạo, nhưng cũng đòi hỏi sự chuyên nghiệp.

Ở POETA không đòi hỏi các bạn lập trình viên phải biết quá nhiều công nghệ, điều các bạn cần nhất là kiến thức căn bản tốt và nắm được tinh thần của ứng dụng mình làm. Mình tâm niệm, công nghệ chưa biết, làm sẽ biết, ngoài ra công ty cũng thường xuyên tổ chức các buổi training cho nhân viên, nên các bạn không cần quá lo lắng.

7. Đối với các bạn lập trình viên ứng tuyển vào POETA, anh có lời khuyên gì dành cho các bạn?

Một điều nữa anh rất quan tâm khi phỏng vấn các bạn lập trình viên là một CV ấn tượng. Anh thấy nhiều bạn ứng viên rất tiềm năng nhưng đọc CV rất chán, hay liệt kê khả năng này, bằng cấp nọ, làm ứng dụng kia,… Nhưng điều anh thực sự muốn biết là các bạn đã làm được gì trong từng dự án và kết quả đạt được là gì thì gần như không thấy. Các bạn lập trình viên cần viết CV sao cho toát lên được giá trị của bản thân, cho nhà tuyển dụng thấy được đam mê của các bạn.

Anh cũng đánh giá rất cao những bạn có đam mê, bởi có đam mê bạn sẽ luôn biết cách làm thế nào để làm tốt mọi việc. Đôi khi niềm vui của coder chỉ là code ra 1 dòng code rút ngắn được thời gian, cảm giác rất “sướng”. Chính anh cũng từng là lập trình viên anh hiểu rõ cảm giác đó như thế nào. Nói về code nhiều bạn vẫn nghĩ là “thợ” nhưng thợ có tâm khác rất nhiều với thợ bình thường. Anh có lời khuyên với các bạn nào cảm thấy code là một gánh nặng thì nên chuyển sang các lĩnh vực khác.

Cảm ơn anh đã nhận lời tham gia phỏng vấn cùng TopDev