Nỗi sầu công việc (Chương 2)

897

Những công việc nhàm chán thực chất là một phần vốn có và gần như không thể tránh khỏi trong nền kinh tế hiện đại.

Chuẩn hoá

Những nỗi sầu công việc không chỉ giới hạn ở việc bị bó buộc ở một lĩnh vực duy nhất trong suốt sự nghiệp; tệ hơn, lĩnh vực mà ta lựa chọn thực chất lại rất nhàm chán. Ta lại nghĩ rằng vai trò tẻ nhạt ấy là do lỗi của chính mình, là dấu hiệu của sự vụng về, nhưng nếu ta xét một cách vô cảm, những công việc nhàm chán thực chất là một phần vốn có và gần như không thể tránh khỏi trong nền kinh tế hiện đại.

Khi nhắc đến công việc trái ngược với nhàm chán, một công việc thú vị, ta có khuynh hướng nghĩ đến những công việc cho phép tự trị, chủ động và sáng tạo (từ này không mang ý nghĩa chỉ nghệ thuật). Trong một công việc thú vị, ta không chỉ đơn giản là làm theo lệnh, ta sẽ biết được chính xác cần chọn con đường nào để đạt được mục tiêu hoặc để tìm ra giải pháp đúng đắn cho vấn đề. Một công việc tốt được định nghĩa là công việc thừa nhận sự cá nhân hóa: con người thật của chúng ta có cơ hội được để lại dấu ấn trong công việc ta thực hiện. Ta sẽ có thể nhìn thấy được những điều tốt đẹp nhất ở tính cách của mình trong những sự vật hay dịch vụ mình tạo ra.

Có thể đọc những bài viết về bản chất công việc ra đời ở châu Âu và Mỹ vào thế kỷ 19 để hiểu vì sao cá nhân hóa lại biến mất khỏi thị trường lao động (dù cho tiền lương gia tăng). Nhà phê bình nghệ thuật và cải cách xã hội John Ruskin đưa ra ý kiến cho rằng ngành công nghiệp xây dựng Trung Cổ có dấu ấn cá nhân hóa rất lớn, thể hiện rõ ở cách các thợ thủ công điêu khắc những bức tượng gargoyle – những gương mặt thú hoặc người kỳ quặc – với hình thù độc đáo trên mái nhà của các nhà thờ. Những người thợ có lẽ đã vạch ra một thiết kế tổng thể cố định và công việc của họ không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng các gargoyle biểu trưng cho sự tự do cơ bản trong việc để lại dấu ấn trong công việc. Riskin cũng buồn rầu cho rằng những cải tiển nhà ở của thời đại công nghiệp không có chỗ cho sự tự do như vậy, cũng không có chỗ cho chủ nghĩa cá nhân nảy nở trong lực lượng lao động.

Môn đồ tận tụy nhất của Ruskin, nhà thơ và nhà thiết kế William Morris mở rộng phạm vi của ý niệm cá nhân hóa trong một cuộc bàn luận về nội thất, lĩnh vực chuyên môn của ông. Morris cho rằng cách chế tạo bàn ghế truyền thống cho phép các nghệ nhân nhìn thấy bản thân mình phản chiếu trên tính chất của những đồ vật họ tạo ra. Mỗi chiếc ghế làm thủ công đều riêng biệt như chính người đã làm ra nó. Trong thời kỳ tiền công nghiệp, hàng nghìn người ở khắp nơi tham gia thiết kế ghế và mỗi một nghệ nhân đều có thể phát triển những ý tưởng với sắc thái khác nhau về một chiếc ghế đẹp sẽ như thế nào

Nhưng một phần không thể tránh khỏi trong chủ nghĩa tư bản là quá trình tập trung và chuẩn hóa. Tiền, chuyên môn, ảnh hưởng thị trường và các hệ thống phân phối tinh vi có xu hướng tập hợp lại bởi một vài con người tầm cỡ, người đè bẹp và nghiền nát đối thủ để đạt được vị trí chí tôn trên thị trường. Những rào cản gia nhập gia tăng theo câp số mũ. Hoạt động quản lý tài chính tốt có thể cắt giảm chi phí, chú tâm nghiên cứu thị hiếu tiêu dùng, áp dụng công nghệ tiên tiến nhất và cung cấp sản phẩm thu hút người tiêu dùng với giá cả tốt nhất có thể. Kết quả là, sản xuất kiểu nghệ thuật không thể cạnh tranh nổi, Morris đã nhận ra điều đó khi xưởng truyền thống mà ông thành lập để chế tạo ghế cho tầng lớp trung lưu thời Victoria bị buộc phải thanh lý tài sản sau chiến tranh giá cả.

Ngày nay tất nhiên vẫn còn một số ít nhà thiết kế nội thất, một số người còn rất nổi tiếng, nhưng điều này không thể che đậy một sự thật rằng ta gọi “thiết kế” là một lĩnh vực khác thường, một thị trường ngách chỉ tuyển dụng rất ít nhân lực. Đa số những người liên quan đến công việc làm ra và buôn bán nội thất sẽ không hề có cơ hội để lại dấu ấu của bản thân trên những đồ vật ấy. Thay vào đó họ thuộc về một đội quân lao động hiệu suất cao nhắm đến những công đoạn vô danh nghiêm ngặt.

Dù không mang mục đích thiếu quan tâm hay thờ ơ với niềm vui trong công việc, chủ nghĩa tư bản đã làm giảm đáng kể số lượng công việc cho phép sự cá nhân hóa.

Ví dụ, chiếc ghế Eames, được thiết kế bởi Charles và Ray Eames, được đưa vào sản xuất năm 1956. Đây là một sản phẩm độc đáo phản ánh sâu sắc những lý tưởng và triển vọng của người đã thiết kế ra nó. Nếu họ là những thợ thủ công, làm việc tại nhà xưởng nhỏ, có lẽ cả đời họ chỉ bán được vài chục chiếc ghế như thế cho khách địa phương. Thay vào đó, vì họ làm việc dưới chế độ tư bản cho Herman Miller – một văn phòng thương mại và tập đoàn sản xuất nội thất nhà cửa khổng lồ – hàng trăm nghìn sản phẩm được bán suốt nhiều thập kỷ cho đến ngày nay. Thành công này cũng đã thâu tóm thị trường ghế có thiết kế đẹp. Ngày nay bất cứu ai muốn làm ra một chiếc ghế công sở đều phải đối mặt với việc hiện tại người ta đã có khả năng mua một chiếc ghế rất tốt, được thiết kế bởi hai thiên tài, và được giao hàng nhanh chóng bởi một công ty toàn cầu với mức giá cạnh tranh và mạng lưới chi nhánh rộng lớn.

Ta đã quá quen với ý niệm rằng tài sản của thế giới hầu hết nằm trong lòng bàn tay của một nhóm rất ít người – nhóm 1% khét tiếng. Nhưng chủ nghĩa tư bản không chỉ đem lại tiền bạc. Có một sự thật chua chát hơn, ít người biết hơn, rằng chỉ có rất ít người – một nhóm 1% khác với nhóm trên, nhưng cũng có một số người thuộc cả hai nhóm – có thể làm một công việc thú vị, một công việc được “cá nhân hóa”.

Điều này cho thấy chúng ta cuồng những cá nhân thiên tài. Xã hội của chúng ta tôn sùng những câu chuyện về hành trình khai phá của những công ty khởi nghiệp xuất sắc, những tín đồ thời trang đầy màu sắc, những nhà làm phim và nghệ sĩ xuất chúng, nhũng con người nhào nặn thế giới theo hình ảnh của riêng mình và để lại con dấu cá nhân trên những gì họ làm và những vật họ tạo ra. Có thể ta nghĩ mình quan tâm đến những con người ấy để tìm kiếm nguồn cảm hứng. Nhưng có khi ta đang lợi dụng họ để bù đắp cho những khoảng trống đau thương của chúng ta. Những câu chuyện cá nhân hóa thành công hiện ra vào lúc cơ hội công việc cá nhân hóa trên thực tiễn đã tan biến – cũng giống như ở thế kỷ 19, thời kỳ di cư hàng loạt đến thành thị, những tiểu thuyết về cuộc sống nông thôn nhận được sự yêu thích chưa từng có từ độc giả đô thị. Qua sự ham muốn những câu chuyện về các thiên tài sáng tạo đơn độc, có thể ta đang cố gắng vẽ nên nguồn sống từ những phẩm chất thiếu thốn đến thảm thương trong cuộc sống công việc hàng ngày.

Mức độ phổ biến của những câu chuyện về cá nhân sáng tạo nuôi dưỡng ảo tưởng rằng công việc cá nhân hóa bình thường hơn hơn thực tế. Rất nhiều cuộc phỏng vấn và hồ sơ cho thấy sự thật là – đối với hầu hết chúng ta – gần như không thể nào cạnh tranh nổi với những thế lực chuẩn hóa khổng lồ. Vì lý do này, chứ không phải do ta đã làm gì sai, đa số chúng ta có khuynh hướng cảm nhận phần lớn công việc của mình rất tẻ nhạt và không có chút cơ hội nào để chạm khắc nên con gargoyle của riêng mình.

(còn tiếp)