Là nhân viên quèn bạn vẫn hoàn toàn có thể lãnh đạo người khác, thời nay lãnh đạo đâu cần đến chức danh

1116

Người ta cho rằng để lãnh đạo được người khác, khiến mọi người làm theo ý mình ta cần tới chức danh, thực tế không phải như vậy khi một người lãnh đạo chân chính được xây dựng nên bởi lòng tin và sự tôn trọng.

Lại một ngày trôi qua, bạn làm rất nhiều việc trên văn phòng, từ dự án này tới đầu việc kia, làm hài lòng tất cả mọi người đặc biệt là sếp. Ngày hôm nay cũng như mọi ngày khác, hết yêu cầu đi họp, hỗ trợ đồng nghiệp, trả lời email, bê nước, thậm chí là pha trà, sếp yêu cầu bạn làm rất nhiều thứ.

Và rồi cuối ngày, khi mọi thứ qua đi bạn nhận thấy rằng mình chỉ đang làm việc dựa trên những yêu cầu của người khác. Hết giờ làm bạn gặp một người quen lâu năm, họ hỏi bạn công việc dạo này sao rồi? “Vẫn tốt thôi, như mọi ngày”, bạn trả lời. Thế chức vụ hiện tại của bạn là gì? “Tôi không biết, nhân viên?”.

Không cần tới chức danh quản lý, phó phòng, trưởng phòng hay giám đốc bạn mới có thể lãnh đạo người khác.

Đã bao giờ bạn tự hỏi mình rằng liệu bạn sinh ra có chỉ để làm những gì người khác bảo bạn phải làm?

Định nghĩa của sự lãnh đạo với nhiều người là khi bạn làm sếp, khi bạn mang trên mình chức danh lãnh đạo, khi người khác gọi bạn là lãnh đạo. Thế nhưng, là một nhân viên quèn, bạn có nhận thấy rằng rất nhiều người khác coi bạn là một lãnh đạo dù bạn chẳng có chức danh gì?

Lãnh đạo sinh ra từ tác phong làm việc và tính cách cá nhân

Giờ ai cũng có thể được gọi là lãnh đạo, một người đưa ra tầm nhìn cho người khác và sử dụng vài cách thức để người khác làm việc cùng mình được coi là lãnh đạo. Giả sử bạn yêu cầu một đồng nghiệp làm đầu việc cùng mình với một cái đích cụ thể, họ đồng ý làm theo. Xong! Bạn vừa lãnh đạo rồi đó.

Trước hết, hãy xác định bạn là lãnh đạo kiểu gì

Tùy thuộc vào mô hình công ty hay ngành nghề, có thể nơi bạn làm chẳng có lãnh đạo hoặc có những nơi ai cũng là lãnh đạo và bạn trở thành một lãnh đạo tinh thần, một người lãnh đạo tiềm năng.

Để nói về lãnh đạo, có 2 kiểu điển hình đó là người lãnh đạo có chức danh và người lãnh đạo quèn chẳng có danh phận gì nhưng ai cũng nghe. Dù là gì đi nữa, 2 kiểu trên cũng có những cách thức hoạt động rất tương đồng nhau.

Họ gắn kết mọi người chứ không phá hoại tập thể

Một người lãnh đạo sẽ biết lắng nghe vấn đề của người khác, xây dựng lòng tin và gắn kết mọi người. Cái đích cuối cùng chính là để gắn kết cả tập thể, mọi người làm việc cùng nhau mà không có bất kì mâu thuẫn nào.

Có những người lãnh đạo tạo ra sự cạnh tranh lẫn nhau trong tập thể, họ phá hoại sự gắn kết chung và rồi cuối cùng yêu cầu nhân sự làm việc theo ý mình. Đây là kiểu lãnh đạo độc tài hay người ta gọi với khái niệm “sếp”, những người chỉ muốn cấp dưới làm theo ý mình. Như vậy, nếu một người lãnh đạo đã biết mọi thứ, coi tất cả những gì mình làm là đúng, giá trị của nhân sự phía dưới ở đâu?

Họ động viên tinh thần cả tập thể

Lãnh đạo là điểm tựa tinh thần của cả tập thể, họ mang lại năng lượng tích cực để mọi người làm việc tốt hơn, môi trường làm việc thú vị hơn. Một người lãnh đạo thực thụ sẽ biết cuốn hút người khác và tạo không khí thoải mái cho tất cả mọi người.

Họ không bao giờ hoảng loạn

Một người lãnh đạo sẽ biết xử trí ra sao khi vấn đề xảy đến. Nhiệm vụ của họ là thống nhất cả tập thể để tìm ra phương pháp giải quyết, họ không ngồi một chỗ phó mặc mọi thứ hay kêu gào thảm thiết về những vấn đề gặp phải, họ nỗ lực để làm mọi thứ tốt hơn.

Họ được tôn trọng

Một người có chức danh lãnh đạo chưa chắc đã được tôn trọng. Sự tôn trọng không tới từ chức danh, nó tới từ tính cách và phương pháp họ làm việc. Một người lãnh đạo có thể nhận được sự tôn trọng qua những gì anh ta làm, thế nên đừng nói, hãy để kết quả làm nó thay bạn. Một khi xây dựng được sự tôn trọng lẫn nhau, không có rào cản nào dừng bước được tập thể của bạn.

Họ mang tới những gì mình hứa

Lãnh đạo có tầm nhìn về những gì tập thể làm, một khi họ thực hiện được tầm nhìn ấy, họ sẽ nhận được những phần thưởng xứng đáng. Nhiều khi không cần thiết là một phần thưởng giá trị, đôi khi nó chỉ là cảm giác thành công khi hoàn thành một vấn đề.

Lãnh đạo chẳng cần đến chức danh

Xem hết phần bên trên rồi chứ? Đó là những thứ mà một người lãnh đạo sẽ làm, chắc chắn rằng dù là một nhân viên quèn bạn cũng đã làm được rất nhiều điều trong số trên. Chính vì thế hãy cứ rèn luyện phong cách lãnh đạo của mình và đưa tập thể đến những cái đích mới.

Và hãy luôn nhớ rằng, một tập thể luôn được tạo nên bởi những người có thế mạnh và điểm yếu khác nhau. Tận dụng đúng thế mạnh của họ để tỏa sáng và tiết chế những yếu điểm bằng cách đưa họ vào những nhóm riêng biệt, những công việc đặc thù để điểm yếu kia không còn khiến họ lạc lõng.

Có rất nhiều thứ bạn chẳng thể làm được nếu không có chức danh, thế nhưng nhớ rằng lãnh đạo đa phần được xây dựng nên nhờ vào khả năng thiết lập mối quan hệ, sự gắn kết trong tập thể. Có khả năng truyền lửa và thuyết phục người khác là điều không phải ai cũng làm được, nó sẽ giúp ích rất nhiều trong cả công việc cũng như cuộc sống.

Nguồn: Cafebiz