20 mẹo xây dựng thương hiệu cá nhân hiệu quả trên LinkedIn (Phần 1)

1078

Bài viết được sự cho phép của tác giả Lê Tuấn Anh

LinkedIn hiện tại không chỉ là một kênh tìm việc tốt, xây dựng mối quan hệ tốt mà còn là nền tảng phù hợp để những ai đang đi làm xây dựng thương hiệu cá nhân chuyên nghiệp. Sau 8 năm sử dụng LinkedIn ở nhiều vai trò khác nhau từ ứng viên, người làm tuyển dụng và người xây dựng nội dung với hơn 21,000 lượt theo dõi, mình thấy rằng LinkedIn đã mang lại cho bản thân rất nhiều lợi ích và cơ hội.

Xung quanh mình đã nhiều người biết đến LinkedIn, nhưng có thể chưa dành thời gian đào sâu tìm hiểu và tận dụng triệt để các tính năng. Vì vậy trong bài viết này, mình chia sẻ đến các bạn 20 tips ngắn gọn để xây dựng thương hiệu cá nhân thu hút trên LinkedIn. Một thương hiệu cá nhân thu hút sẽ giúp bạn tìm việc tốt hơn hoặc xây dựng các mối quan hệ chất lượng hơn trên nền tảng mạng xã hội nghề nghiệp này.

Trong Phần 1, mình sẽ chia sẻ 10 tips đầu tiên.

1. Cá nhân hoá đường dẫn (URL)

Có hai đường dẫn như bên dưới, bạn thấy đường dẫn nào trông gọn gàng hơn?

  1. https://www.linkedin.com/in/anhtuanle234/
  2. https://www.linkedin.com/in/abcd-pham-2726a2148/

Không cần bàn cãi, lựa chọn 1 gọn gàng hơn đúng không nè? LinkedIn cho phép bạn tự viết lại đường dẫn và bạn nên thực hiện việc này. Link đường dẫn có tên bạn giúp bạn dễ nhận diện hơn, đính kèm vào các hồ sơ tìm việc, email trông chuyên nghiệp hơn. Trong trường hợp tên bạn bị trùng, bạn có thể thêm 1-2 con số phía sau, không nên thêm thắt quá nhiều từ. Sửa URL ở góc phải nhé.

2. Sửa Headline bên dưới tên

Headline dưới tên bạn giống như slogan của một công ty, là thứ đầu tiên hiện lên cùng với tên khi người khác tìm thông tin của bạn trên LinkedIn. Thông thường phần này để mặc định là tên công việc bạn đang làm. Tuy nhiên, bạn có thể đổi lại tuỳ theo mục đích đang tìm việc hay xây dựng mạng lưới quan hệ hay với mục đích khác. Hãy cứ tưởng tượng là có người đang tìm kiếm thông tin về bạn, bạn muốn họ tìm thấy bạn với thông tin gì?

Ví dụ, Tuấn Anh muốn mọi người tìm đến mình để thuê mình làm tư vấn hướng nghiệp hoặc viết lách, vì vậy Tuấn Anh để headline là A career consultant & a writer, vậy khi ai đó tìm “career consultant” hoặc tìm “writer” thì sẽ ra thông tin của mình. Mới mấy hôm trước khi viết bài này có một doanh nghiệp bên Italia đang tìm người viết ở thị trường Việt Nam và tìm ra mình bằng cách này.

Giới hạn cho phần này là 220 ký tự, trong đó chỉ 60-65 ký tự đầu tiên hiển thị cùng tên bạn khi bạn comment hoặc xuất hiện ở trang của ai đó. Vậy nên hãy chọn lọc từ ngữ kỹ càng nhé.

Ví dụ bên dưới là một số người đã vào xem LinkedIn của Tuấn Anh kèm tên và Headlines của các bạn/anh/chị ấy.

3. Sử dụng avatar chuyên nghiệp chất lượng cao

Bên cạnh tên, headline như đã nói ở trên, hình là thứ xuất hiện đầu tiên khi người khác tìm thông tin về bạn trên LinkedIn. Các cụ hay nói “nhìn mặt mà bắt hình dong”, có nghĩa là nếu hình chỉn chu, chuyên nghiệp thì cơ hội được để mắt tới của bạn cũng cao hơn.

Hạn chế để hình selfie, hình chất lượng thấp hoặc có background lộn xộn. Nên để những tấm hình rõ mặt, có thể là hình thẻ (phải đẹp nha), hoặc hình bạn trong môi trường làm việc chuyên nghiệp. Vì đa số trường hợp ảnh LinkedIn của bạn sẽ xuất hiện nhỏ (trong comment, trong thanh công cụ tìm kiếm), nên cố gắng làm sao rõ mặt nhất có thể. Màu sắc cũng có thể ảnh hưởng phần nào đến cảm quan của người xem, nên bạn cân nhắc chọn màu phù hợp, thông thường màu xám nền là đơn giản và chuyên nghiệp nhé.

Kích cỡ hình là 400 x 400 pixels và giới hạn lên đến 8MBs, thoải mái. Nếu chưa có tấm hình nào chuyên nghiệp, mình khuyến khích bạn bớt chút xiền đi làm ngay một bộ. Bạn có thể xem ảnh ở phần 1 trên để mường tượng hình của mình.

  Cách Viết Summary Trên LinkedIn Để Thu Hút Các Nhà Tuyển Dụng

  9 kênh tuyển dụng IT hiệu quả bạn nên sử dụng

4. Tận dụng ảnh Cover

Bên cạnh ảnh avatar thì trên đầu LinkedIn có một ảnh cover kích cỡ 1586 x 396 pixels. Bạn có thể để bất kỳ ảnh gì ở đây. Vì phần này cũng không xuất hiện nhiều như avatar (chỉ khi người xem ấn vào Profile bạn mới thấy), bạn có thể chọn để ảnh đơn giản về background công ty bạn đang làm (nếu muốn xây dựng quan hệ), hình ngành nghề bạn đang theo đuổi (nếu đang tìm việc), hoặc một hình bất kỳ bạn thiết kế.

5. Phần “About” nên viết thế nào cho hay?

‘About’ là phần quan trọng nhất trong LinkedIn. Phần này nên nói rõ bạn là ai, bạn đã đạt được những gì và bạn đang mong muốn nhận lại gì từ LinkedIn. Phần này tối đa 2,000 ký tự nên bạn có thể viết thoải mái mà không lo thiếu.

Đoạn đầu tiên nên dùng để giới thiệu nhanh về bạn, có bao nhiêu năm kinh nghiệm trong ngành gì và có kỹ năng gì nổi trội. Những đoạn tiếp theo bạn có thể dùng để tóm gọn về 1 hay nhiều thành tích nổi bật bạn đã có trong công việc. Đoạn cuối bạn dùng để nói về nhu cầu bạn mong muốn qua LinkedIn (tìm việc kiểu gì, xây dựng mối quan hệ với ai), kèm theo thông tin liên lạc của bạn. Tuỳ thuộc vào mục đích tìm việc mà bạn có thể chọn ghi tiếng Anh hoặc tiếng Việt.

6. Tập trung vào những “từ khoá” quan trọng

Giống như khi làm bài đọc tiếng Anh cần tìm ra những từ khoá quan trọng, khi viết các nội dung trong LinkedIn bạn cũng cần có những từ khoá quan trọng cho riêng mình. Mỗi ngành nghề lại có những từ khoá chuyên môn và chuyên ngành riêng thường được sử dụng. Các từ khoá này thường được sử dụng trong các tin tuyển dụng hoặc được người trong ngành tìm kiếm trên LinkedIn.

Để LinkedIn của bạn xuất hiện nhiều hơn trên thanh tìm kiếm và được tìm kiếm đến đúng chỗ, bạn nên bắt đầu phân tích từ khoá liên quan đến ngành nghề bạn đang làm và đưa vào các vị trí khác nhau trong LinkedIn của bạn. Ví dụ, bạn đang hướng đến Digital Marketing, bạn lên Google gõ “digital marketing keywords” sẽ cho ra các từ khoá như seo, target ad, affiliate marketing, social media marketing, marketing strategy, email marketing. Việc của bạn là phải làm sao để các từ khoá này xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau như Headline tiêu đề, phần About, phần kinh nghiệm làm việc, phần kỹ năng.

Xem thêm Cách viết thư trả lời kết quả phỏng vấn siêu chuẩn

“Featured” là một phần mới của LinkedIn mà nhiều bạn chưa để ý. Nó hiện ở ngay đầu và bạn có thể để hình ảnh, link ở phần này.

Các phần khác của LinkedIn chỉ để được chữ, phần này bạn có thể kèm theo link bài viết, video, hình ảnh. Nếu bạn có một video giới thiệu bản thân thì để chỗ này rất phù hợp.

Phần này cũng phù hợp để bạn khoe những sản phẩm nổi bật như sách đã xuất bản, Portfolio công việc, Resume hoặc Cover Letter.

8. Sự khác nhau của Skills trong CV và LinkedIn?

Trong cả CV và LinkedIn bạn đều có thể để phần Skills. Tuy nhiên điểm khác ở LinkedIn là người khác có thể “chứng nhận”, “endorse” cho Skills bạn ghi. Càng nhiều người chứng nhận, càng uy tín. Bạn có thể ghi đến 50 kỹ năng khác nhau ở phần này.

Bạn có thể kêu gọn bạn bè vào “chứng nhận” cho mình và bản thân bạn cũng có thể đi chứng nhận cho người khác. Có nhiều người chứng nhận cho một kỹ năng nào đó sẽ làm cho phần kỹ năng của bạn rất nổi bật. Tip nhỏ là mới bắt đầu đừng viết nhiều kỹ năng, tập trung 6-8 kỹ năng chính để bạn nhận được nhiều votes nhất có thể.

9. Đẩy mạnh thương hiệu cá nhân qua status

04 – 06 nội dung viết gần nhất sẽ hiện lên đầu trang LinkedIn của bạn. Bạn không cần phải nhận nhiều Likes hay nhiều Comments từ những bài viết này, hãy cứ chăm chỉ viết và chia sẻ một vài nội dung liên quan đến bạn hoặc ngành nghề bạn đang làm, vì biết đâu một ngày nào đó một ai đó vào xem hồ sơ của bạn sẽ thấy ấn tượng về những điều này.

Tuỳ thuộc mục đích và nhóm ngành nghề bạn tập trung và bạn có thể chia sẻ những chủ đề khác nhau. Ví dụ, Tuấn Anh làm tư vấn hướng nghiệp, mình chia sẻ các kiến thức về tìm việc, khám phá bản thân và xây dựng thương hiệu cá nhân trên LinkedIn.

10. Thêm phần Industry vào công việc

Mọi người có xu hướng tìm ứng viên hoặc kết nối với người trong lĩnh vực họ đang làm. Trong phần kinh nghiệm làm việc của LinkedIn có một phần nhỏ là Industry, bạn nhớ đừng bỏ qua phần này. Có thông tin ở phần này giúp hồ sơ của bạn có thể lên thanh Search nhiều hơn khi có người tìm kiếm về ngành nghề, lĩnh vực đó.

Tạm hết phần 01 tại đây, trong tuần tới Tuấn Anh sẽ chia sẻ với bạn thêm 10 tips nữa. Nếu bạn thấy bài viết này hay đừng ngần ngại chia sẻ nhé.

Bài viết gốc được đăng tải tại anhtuanle.com

Xem thêm:

Xem thêm Việc làm Developer hấp dẫn trên TopDev