Vì Sao Mình Viết Blog

765

Bài viết được sự cho phép của tác giả Nguyễn Văn Trọng

Nguyên Do

Bài viết này hơi tự sự 1 chút. Chuyện kể về 1 anh chàng cu đơ lõm bõm chút tiếng Nhật cách đây 4 năm. Rồi tình cờ công việc rơi vào đầu anh và thế là anh trở thành 1 kỹ sư cầu nối bất đắc dĩ. Chỉ ngắn gọn vậy thôi. Rồi cũng tình cờ, sau mấy năm làm cái công việc mà có khi chả khác gì “dâu trăm họ” anh thấy mình chững lại, muốn bứt phá lên 1 mức cao hơn mà ở trên đó anh nghĩ là có nhiều cái mới, cái hay. Đời không như mơ, anh nói chuyện với bạn bè rồi đến các senpai, ai cũng loay hoay với vòng quay cơm áo gạo tiền bon chen cuộc sống, chả hơi đâu lại để ý đến chuyện chia sẻ kinh nghiệm này nọ. Không bỏ cuộc, anh tìm đọc hàng tá blog đủ mọi thể loại ngôn ngữ từ trên mạng rồi anh phát hiện ra 1 sự thật đau lòng : chả có 1 ai chia sẻ về nghiệp “kỹ sư cầu nối”. Thế đó, cái blog này ra đời 1 cách không tình cờ.

  25 blogger IT nổi tiếng mà dân lập trình ai cũng phải biết
  Câu chuyện về cái comment tại một blog nọ

Băn Khoăn

Có những lúc tự hỏi, phải chăng BrSE không phải là 1 cái nghề như bao thứ khác ? mà nó chỉ là bước đệm để cho anh em kỹ sư đạp lên đó mà dấn thân. Nghĩ nhiều vô ích, cho dù là gì đi chăng nữa thì đã – đang và sẽ có những con người tài năng đi qua đoạn đường này. Chi bằng ở trên đó, anh vẽ ra những biển chỉ dẫn – chỗ này nguy hiểm tránh xa – chỗ kia có thú dữ – chỗ nọ có nàng tiên cá … để cho khách bộ hành không dẫm lên những cái bãi lầy mà anh từng đạp ko biết bao lần. Và đôi khi lữ khách có thể tìm ra kho báu hay chỉ đơn giản là viên sỏi óng ánh mang trong mình tinh hoa của tạo hoá thông qua những chỉ dẫn mơ hồ mà anh dựng lên.

1 cánh én không thể làm nên mùa xuân, điều đó anh biết. Nhưng 1 đốm lửa vẩn có thể thiêu rụi cả 1 khu rừng. Nghĩ vậy nên anh càng tự tin hơn để cho ra những bài viết chả có 1 tí gì là văn hoa, lời lẽ thì khô khan, câu cú lủng củng, đôi khi còn nhiều chỗ phiến diện. Không phủ nhận, nhưng có 1 điều chắc chắn, trong những bài viết mà mỗi bạn chỉ đọc có 5panh đã dành ra 5h – có khi là 5 ngày để tổng hợp ý, tìm tài liệu và lục lọi trong ký ức những gì đi qua đã phủ bụi mờ của thời gian. Bạn có biết phương pháp chữa cháy rừng trong lúc nguy cấp là gì không ? không phải múc nước dưới sông lên dập lửa, càng không phải dùng bình cứu hoả – nguy cấp thì lấy đâu ra. Mà đó là ngăn sự lan rộng của ngọn lửa bằng cách vạch lá khô tạo vách ngăn. Ý ở đây là gì, nếu không có sự tiếp nối thì lửa không thể lan được, nó chỉ cháy âm ỷ trong phạm vi hẹp rồi lụi tàn. Thông tin cũng như ngọn lửa, mình thấy cái gì hay mà chỉ ôm – chỉ giữ khư khư thì rồi mình cũng lụi theo nó. Giữ chi vậy ? share ra cho anh em bạn bè đồng nghiệp còn biết chứ, đôi khi trong những cái mình đưa ra mà sai sót gì thì gặp cao nhân người ta còn chỉ giáo cho. Đó chính là suy nghĩ để anh làm động lực cho những bài viết tiếp theo.

Phương Pháp

Có nhiều cách để chia sẻ thông tin với độ lan toả cao như facebook hay twitter sao không chọn, anh chọn wordpress làm gì ? 1 góc nhỏ xíu trong này liệu ai biết để vào xem những cái hay ho của nghề ? đúng là độ lan toả thấp, nhưng đối tượng thì được chọn lọc 1 cách tuyệt vời. Không ai đi tìm hướng đi nghề nghiệp qua facebook cả, những bài viết chất lượng thì thường nằm ở những ngõ nhỏ phố nhỏ như này. Và những bạn tìm đến với anh, cùng gật đầu đồng cảm với ý kiến của anh, hoặc đôi khi là những cú bĩu môi chau mày theo kiểu “cha này viết linh tinh” – nhưng có lẽ không nhiều. Đó đều là những bạn trẻ có tâm với nghề, mong muốn con đường sự nghiệp của mình được tốt hơn.

Cái Tâm Và Tầm

Anh quen nhiều người, dẫu biết các anh – các bạn rất có tâm, nhưng lại ngại chia sẻ. Vì thực sự việc viết ra 1 cái gì đó công khai lên mạng thì đồng nghĩa với gạch đá, búa rìu. Đôi khi không cần phải lên đến mức chuyên gia mình mới có quyền chia sẻ. Ai cũng có cái quyền đó, vì mỗi người có 1 điểm nổi bật riêng mà cuộc đời này đã ban tặng. Có thể những cái bạn biết và nghĩ rằng ai cũng biết cả rồi, nhưng sự thực không phải vậy, trước đây anh cũng nghĩ thế. Đơn cử như vụ El nino – canh cua nấu với rau đay chẳng hạn. Từ khoá tìm kiếm trên google nhiều nhất đó là “El nino là ai” chứ không phải “El nino là gì”, rất nhiều người nghĩ El nino là tên 1 ai đó chứ không phải là 1 hiện tượng thời tiết. Vậy nên những cái anh viết ra có khi là kiến thức cũ mèm với nhiều người nhưng với 1 ai đó, nó lại là những thứ hay ho – mới mẻ. Không cần phải trở thành cá mập mới chia sẻ về đại dương, chỉ cần là cá trích – chú ấy có thể vẽ ra 1 khung cảnh dưới nước lung linh huyền ảo với vô số tầng sinh vật biển để tả lại cho nhưng đàn chym đang bay trên bầu trời. Chỉ cần tâm là đủ rồi.

Lời Đe Doạ

Sau khi đọc bài viết này, nếu có ý tưởng gì hay hãy viết Blog đi – không có gì hay ho cũng viết, dần dần sẽ hay. Bỏ những sts dài ngắn sướt mướt hay những giờ đắm chỳm vào mấy cái tin giật gân trên face liền. Những cái đó chả có ích gì, vì các mảnh thông tin chỉ tồn tại ở vỏ não 1 thời gian ngắn rồi cũng tiêu tan. Khi bắt tay vào viết 1 cái gì đó, lượng kiến thức sẽ hội tụ lại và khắc sâu vào trong các nếp nhăn, sau này chắc chắn sẽ có ích. Không cần ai đọc cũng được, coi việc viết như 1 sự luyện tập diễn đạt mà dân IT cực kỳ thiếu và yếu. Chỉ vì mục đích luyện tập và chia sẻ, đừng nghĩ gì cao xa, bắt tay vào làm ngay trước khi quá già. Hoặc nếu vì lười viết thì chí ít cũng comment bổ sung vào những bài viết để người khác xem và học hỏi, hoặc chỉ đơn giản là share nó ra cho ai cần.

Bài viết gốc được đăng tải tại kysubrse.com

Có thể bạn quan tâm:

Xem thêm Việc làm Developer hấp dẫn trên TopDev