Nỗi sầu công việc (Chương 1)

690

Công việc khiến ta thất vọng không phải là ngẫu nhiên, mà là không thể tránh khỏi vì ít nhất là 8 lý do tâm điểm.

Mọi người đều có một cảm xúc chung về công việc, đó là thất bại. Ta thất bại vì ta kiếm ít tiền hơn mong muốn, vì ta bị cho ra rìa trong tổ chức của mình, vì rất nhiều người thân quen của ta thành công, vì kế hoạch của ta vẫn còn đang nằm trên bảng vẽ, vì ta luôn cảm thấy lo lắng và vì ta vẫn luôn, đã từ lâu rồi, rất rất buồn chán.

Ta thường nhìn nhận nỗi sầu thảm của mình trong thâm tâm. Ta tin rằng thất bại có liên hệ mật thiết với tính cách và những sự lựa chọn của mình. Nhưng có một đề xuất cho rằng nguyên nhân lớn nhất dẫn đến thất bại nằm ở thứ mà những người có ý thức, khiêm tốn bình thường đều chán ghét theo bản năng: cái hệ thống ta đang sinh sống. Dù có do dự thế nào, có vẻ như ta đều xứng đáng để nhận định lại ít nhất là một số lời giải thích cho những khốn khổ của mình, không phải từ trải nghiệm cá nhân mà hướng đến những tác động lịch sử và kinh tế quy mô lớn. Dù trong cuộc sống hàng ngày, ta thường vướng vào những rắc rối (những sai lầm, ham muốn, hoảng loạn) khiến ta cảm thấy đó đều là trách nhiệm của bản thân, nhưng nguyên nhân thực sự có thể không phải ở chúng ta mà nằm ở dòng chảy lịch sử to tát, quy mô hơn: nằm ở cách cơ cấu các ngành công nghiệp, cách các chuẩn mực được định ra và cách các giả thiết của chúng ta được thành lập. Chủ nghĩa tư bản từ lâu nay vẫn luôn là một chế độ rất khó để duy trì sự cân bằng, tìm kiếm thanh thản trong tâm hồn, thỏa mãn trong công việc – và rất khó để đối phó. Lỗi không hẳn là ở ta nếu như có lúc – thực chất là rất thường xuyên – ta cảm thấy như một kẻ thất bại.

Bài viết này không nhằm mục đích đào sâu vào chủ nghĩa tư bản, hay đề xuất một chế độ khác dễ dàng hơn. Mọi nền kinh tế từng hiện diện đều ràng buộc với một vài nỗi sầu khổ. Tổ chức một hệ thống công bằng với những khuyến khích, tưởng thưởng và kích thích nằm ngoài khả năng của chúng ta. Ta nên được phép đưa ra những chỉ trích, không phải với mục đích tranh cãi về một chế độ sống lý tưởng, mà là để tách suy nghĩ thất bại ra khỏi bản thân.

Công việc khiến ta thất vọng không phải là ngẫu nhiên, mà là không thể tránh khỏi vì ít nhất tám lý do tâm điểm:

vì quy mô ngành công nghiệp đã cướp đi ý nghĩa của chúng ta,

vì yêu cầu chuyên môn hạn chế tiềm năng của chúng ta,

vì mối quan tâm tư bản vắt kiệt những sáng kiến riêng,

vì giới hạn sự lựa chọn của người tiêu dùng buộc ta phải thương mại hóa sản phẩm của mình quá mức chấp nhận được,

vì cạnh tranh tạo nên những mối lo âu vô hạn,

vì nhu cầu hợp tác khiến ta phát điên,

vì những tham vọng lớn lao khiến ta cay đắng và

vì ý niệm thế giới coi trọng nhân tài đặt lên vai ta gánh nặng trách nhiệm cho những thất bại của mình.

Hiểu được những nỗi sầu khổ của công việc không xóa bỏ chúng một cách thần kỳ, nhưng ít nhất điều này sẽ làm vơi bớt gánh nặng suy nghĩ rằng mình ngu lắm vụng về lắm nên mới phải chịu đựng những bất hạnh này.

Chuyên môn hóa

Một trong những nỗi sầu lớn nhất trong công việc bắt nguồn từ suy nghĩ chỉ một phần rất nhỏ tài năng của ta được áp dụng trong công việc ta làm hằng ngày. Ta có thể làm được nhiều hơn rất nhiều so với những gì công việc ta đảm nhận cho phép. Chức danh trên tấm danh thiếp chỉ là một trong hàng nghìn chức danh ta sở hữu theo lý thuyết.

Trong bài “Song of Myself” (Bài hát về bản thân tôi), xuất bản năm 1855, nhà thơ người Mỹ Walt Whitman đã đưa ra một câu nói đáng nhớ: “Tôi vĩ đại, trong tôi chứa đựng vô vàn điều  hay” – ý ông là trong mỗi cá nhân đều có rất nhiều phiên bản thú vị, hấp dẫn và tài năng, vì vậy nên mỗi người có rất nhiều cách tốt để sống và làm việc, nhưng hiếm trong số đó thực sự trở thành hiện thực trong cuộc đời duy nhất của chúng ta. Thế nên ta luôn âm thầm và đau đớn suy ngẫm về những định mệnh không được hoàn thành – và đôi lúc nhận ra trong khổ sở rằng mình đáng lẽ có thể trở thành một điều gì đó khác, một con người khác.

Một lý do lớn cho việc tại sao ta không thể khám phá tiềm năng của bản thân là vì ta thu được nhiều hơn khi không làm điều đó. Trong quyển The Wealth of Nations (Sự Thịnh Vượng Của Các Quốc Gia), xuất bản năm 1776, nhà kinh tế học và triết học người Scotland Adam Smith lần đầu tiên giải thích vì sao “phân công lao động” là trung tâm dẫn đến gia tăng năng suất của chủ nghĩa tư bản. Smith nhấn mạnh vào sự hiệu quả chói lọi có thể đạt được trong sản xuất cái ghim, nếu mọi người tập trung vào một nhiệm vụ nhỏ hẹp (và ngừng khám phá “những đa dạng” trong bản thân):

Một người kéo sợi dây ra, người khác duỗi thẳng, người thứ ba cắt, người thứ tư mài nhọn, người thứ năm dũa để gắn phần đầu vào; để làm phần đầu cần hai đến ba thao tác riêng biệt; lắp ráp là một công đoạn riêng, tẩy trắng là một công đoạn khác nữa; và ghim nó vào giấy cũng là một cuộc đổi chác; và theo cách này, ngành công nghiệp chế tạo một cái ghim được chia làm khoảng mười tám công đoạn khác nhau, tất cả được thực hiện bằng những bàn tay khác nhau. Tôi đã thấy một xưởng sản xuất nhỏ có thể cho ra trên bốn mươi tám nghìn chiếc ghim một ngày. Nhưng nếu mỗi người trong số họ làm tách biệt và độc lập, và không ai trong số họ được đào tạo về toàn bộ quy trình của ngành kinh doanh này, trong một ngày họ có lẽ chẳng tạo ra nổi một chiếc ghim.

– Adam Smith, The Wealth of Nations, Quyển 1, Chương 1 Of the Division of Labour (Phân công lao động)

Adam Smith

Adam Smith dự liệu như thần. Làm một công việc duy nhất trong hầu hết cuộc đời mang lại ý nghĩa kinh tế hoàn hảo. Nhờ cái thế giới mà Smith đã tiên đoán trước – và góp phần biến nó thành hiện thực – mà hiện tại chúng ta đang làm những công việc chuyên môn như thế, và ta có những chức danh như Thiết kế Bao bì & Thương hiệu Cấp cao, Bác sĩ Tiếp nhận và Phân chia, Quản lý Trung tâm Nghiên cứu, Chuyên viên kiểm soát Rủi ro và Kiểm toán nội bộ và Chuyên viên tư vấn Chính sách Vận chuyển. Ta đã trở thành những chiếc bánh răng tí hon, tương đối giàu có trong bộ máy hiệu suất khổng lồ. Tuy vậy, trong những phút giây trầm lặng, ta lại soi vào những ao ước riêng tư được thể hiện những phiên bản đa dạng của bản thân.

Một trong những độc giả uyên bác và sáng suốt nhất của Adam Smith là nhà kinh tế học người Đức Karl Marx. Marx hoàn toàn đồng tình với phân tích của Smith; chuyên môn hóa thực sự đã thay đổi thế giới và sở hữu năng lực cách mạng để làm giàu cá nhân và quốc gia. Nhưng điểm khác biệt giữa ông và Smith là cách ông thẩm định sự phát triển này sẽ được kỳ vọng đến đâu. Ta chắc chắn có thể khiến bản thân giàu có hơn bằng cách chuyên môn hóa, nhưng ta cũng – như điều Marx chỉ ra với niềm đam mê – khiến cuộc sống trở nên tẻ nhạt và thui chột tài năng. Khi mô tả xã hội Cộng sản không tưởng của mình, Marx nhấn mạnh rất kỹ vào ý niệm mỗi người đều có nhiều công việc khác nhau. Sẽ không có chuyên. Trong một đoạn nói về Smith, Marx đã viết:

Trong xã hội cộng sản… không ai có một lĩnh vực hoạt động riêng biệt mà mỗi người đều có thể đạt được thành tựu trong bất kỳ con đường nào họ muốn… vì vậy tôi có thể làm một việc ngày hôm nay và một việc khác vào ngày mai, săn bắn vào buổi sáng, câu cá vào buổi trưa, chăn nuôi gia súc vào buổi chiều, phê bình sau bữa tối… mà không cần phải trở thành thợ săn, ngư dân, người chăn trại hay nhà phê bình.

– Karl Marx, The German Ideology (Tư tưởng người Đức) (1846)

Một số lý do cho việc tại sao công việc ta đang làm (và công việc ta không làm) lại quan trọng đến vậy là vì nghề nghiệp là yếu tố quyết định hình hài con người chúng ta. Ta thường rất khó để nhận ra tính cách của chúng ta bị ảnh hưởng bởi công việc như thế nào, những góc nhìn ấy rất tự nhiên đối với chúng ta, nhưng ta có thể quan sát được bản chất định hình-định danh của công việc ở người của lĩnh vực khác. Giáo viên tiểu học đối xử với cả người trung niên như thể họ cần được chăm nom kỹ lưỡng, nhà phân tâm học được học cách lắng nghe và tỏ vẻ không xét nét khi để thoát ra một hơi thở ưu tư phản xạ, chính trị gia cuốn trôi trong những bài phát biểu trong bữa tiệc tối thân mật. Mọi nghề nghiệp làm yếu đi hoặc củng cố những khía cạnh trong bản chất của chúng ta. Có những công việc khiến ta bị bó buộc vào khoảnh khắc tức thì (y tá cấp cứu, biên tập thời sự), một số khác rèn luyện sự tập trung vào những rìa xa hơn của dòng thời gian (nhà tương lại học, quy hoạch đô thị, trồng rừng). Những công việc cụ thể mài sắc những nghi ngờ đối với con người, cho rằng sự thật luôn khác xa những gì người ta nói công khai (nhà báo, buôn bán đồ cổ), số khác lại bắt gặp con người tại những thời điểm vô tư, chân thành trong cuộc đời của họ (nhà gây mê, thợ làm tóc, người khâm liệm). Trong một số công việc, điều bạn cần làm để tiến lên được thăng chức là rất rõ ràng (công chức, luật sư, bác sĩ phẫu thuật), động lực đem lại sự điềm tĩnh và bình ổn cho tâm hồn, và giảm thiểu khuynh hướng lập mưu bày kế; trong khi ở những công việc khác (sản xuất chương trình truyền hình, chính trị gia), luật lệ rất lỏng lẻo và thường gắn liền với tình bạn tình cờ và liên minh ngẫu nhiên, gia tăng tỷ lệ lo âu, hoài nghi và lệch lạc.

Tâm lý học liên quan đến công việc không chỉ ở yên chốn công sở, nó tô vẽ nên con người mà chúng ta sẽ trở thành. Ta bắt đầu hành xử theo cách công việc đòi hỏi ở ta xuyên suốt cuộc đời. Đồng thời, nó sẽ thu hẹp tính cách của chúng ta. Khi những cách suy nghĩ nhất định được triệu hồi thường xuyên, người khác sẽ bắt đầu cảm thấy kỳ dị và bị đe dọa. Bằng cách hy sinh một phần lớn cuộc sống cho một nghề nghiệp chuyên môn, người ta cần phải đánh mất cân bằng của những lĩnh vực tiềm năng ẩn giấu khác. Công việc có thể khuếch trương tính cách, và công việc cũng sở hữu năng lực mạnh mẽ để cầm tù tinh thần của chúng ta.

Ta có thể đặt ra câu hỏi tự truyện chua chát rằng ta sẽ trở thành một người như thế nào nếu ngày trước có cơ hội làm một điều gì đó khác. Có một số phần trong bản thân mà ta phải giết chết hoặc nhấn chìm trong bóng tối, nhưng lại giật nhao nhao lên mỗi chiều chủ nhật. Trên những con đường sự nghiệp khác kia chính là những phiên bản khác của con người chúng ta – khi ta có cái gan để suy tưởng về điều ấy, chúng sẽ bộc lộ ra những nhân tố quan trọng, nhưng đã bị hy sinh và chưa được phát triển, trong tính cách của chúng ta.

Ta được định chỉ gắn bó với một công việc duy nhất, nhưng lại thực sự có tài năng ở rất nhiều công việc mà ta không có cơ hội để khám phá hết. Ta có thể hiểu nguồn gốc của sụ bồn chồn ấy khi nhìn lại về tuổi thơ. Khi còn nhỏ, trong một buổi sáng chủ nhật, có khi ta mặc thêm một cái áo liền quần và tưởng tượng mình là nhà thám hiểm Bắc cực, sau đó lại có một khoảng thời gian ngắn làm kiến trúc sư xây một căn nhà Lego, một ngôi sao nhạc rock sáng tác bài hát về ngũ cốc và nhà phát minh tìm cách tô màu nhanh hơn bằng cách dán bốn cây bú màu lại với nhau; ta dành một vài phút làm thành viên đội cứu hộ khẩn cấp sau đó thử làm phi công hạ cánh máy bay chở hàng một cách xuất sắc trên thảm hành lang; ta thực hiện phẫu thuật cứu người trên con thỏ len và cuối cùng ta làm bếp phó giúp chuẩn bị sandwich giăm bông phô mai cho bữa trưa. Mỗi một “trò chơi” đều có thể là khởi đầu của một sự nghiệp. Nhưng ta chỉ đưa ra một sự lựa chọn duy nhất, và thực hiện công việc ấy lặp đi lặp lại trong suốt 50 năm.

So với trò chơi khi bé, ta đang sống một cuộc sống hạn chế đến tàn nhẫn. Không có phương thuốc dễ dàng nào cả. Theo lời Adam Smith, nguyên nhân không nằm ở lỗi cá nhân mà ta phạm phải. Đó là một giới hạn đè nặng lên ta bởi luận lý về một nền kinh tế thị trường cạnh tranh, năng suất cao. Nhưng ta có thể cho phép bản thân than khóc rằng sẽ có nhiều khía cạnh trong tính cách của chúng ta không được thỏa mãn. Ta không ngốc nghếch hay vô ơn. Đó đơn giản chỉ là xung đột giữa nhu cầu tuyển dụng thị trường và tiềm năng rộng lớn, không bị bó buộc của mỗi con người. Cái nhìn này mang lại chút ưu buồn. Nhưng nên nhớ rằng cảm giác không trọn vẹn này sẽ luôn theo ta trong bất kỳ ngành nghề nào ta chọn: ta không nên cố gắng vượt qua nó bằng cách đổi ngành. Không có một công việc nào là đủ cả.

Có một so sánh song song giữa trải nghiệm xung quanh công việc và những chuyện xảy ra trong các mối quan hệ. Chắc chắn là ta có thể có những mối quan hệ tốt với hàng chục, hay hàng trăm người khác nhau (mà không bị bạn đời hiện tại trách móc). Họ sẽ phơi bày ra những mặt khác trong tính cách của ta, khiến ta hài lòng (và tức giận) theo nhiều cách khác nhau và giới thiệu với ta những niềm vui mới. Tuy nhiên, đối với công việc, chuyên môn hóa mang lại nhiều lợi thế: điều đó có nghĩa ta có thể tập trung, nuôi dạy con cái trong một môi trường ổn định, và học những nguyên tắc thỏa hiệp. Trong tình yêu và công việc, cuộc sống đòi hỏi ta phải là có chuyên môn dù bản chất ta phù hợp với việc khám phá trường kỳ. Và vì thế ta mang theo trong lòng, dưới hình hài của những phôi thai, rất nhiều phiên bản quyến rũ của bản thân mà ta không bao giờ có cơ hội thực hiện. Đó là suy nghĩ ảm đạm nhưng cũng an ủi. Những khổ nhọc của ta rất đau đớn nhưng nó cũng có một phẩm giá lạ kỳ, vì với ai nó cũng như thế. CEO cũng như thực tập sinh, họa sĩ cũng như kế toán. Ai cũng có thể tìm thấy rất nhiều phiên bản hạnh phúc đang trốn tránh họ. Chịu đựng đau khổ này, ta đang là một con người bình thường. Ta có thể xóa trang tìm kiếm việc làm khỏi mục dấu trang và hủy đăng ký trang hẹn hò với niềm tự hào u uất khi nhận ra sự thật rằng – dù ta có làm gì – một phần tiềm năng của ta vẫn sẽ không được phát triển và phải chết đi mà không có cơ hội được lớn lên – để phục vụ cho lợi ích của sự tập trung và chuyên môn hóa.

Nguồn bài: tamlyhoctoipham.com

(còn tiếp)