Hỏi đáp về việc tăng lương tối thiểu vùng

1519

Bài viết được sự cho phép của hrvnacademy.com

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Hỏi đáp về việc tăng lương tối thiểu vùng 2022

Chào mừng các bạn đang đến với series Hỏi đáp Nghề Nhân sự cho người mới (newbie) hoàn toàn miễn phí. Tôi là Thành HR sẽ đồng hành cùng bạn trong khoá học này. Và chủ đề mà chúng ta cùng nhau tìm hiểu ngày hôm nay là Hỏi đáp về việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2022.

Với những bạn đang học chuyên nghành Nhân sự, Quản trị nguồn nhân lực, hoặc các bạn đang mới tìm hiểu về công việc C&B có thể sẽ có những băn khoăn thế nào là mức lương tối thiểu vùng, cách áp dụng ra sao? Vậy thì bài học này sẽ giúp các bạn làm rõ thêm một số thông tin.

Thông tin tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2022 đã chính thức chưa?

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Tức là tới thời điểm này, việc tăng lương tối thiểu vùng đã được thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2022.

Đối tượng áp dụng bao gồm những ai?

Mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với các đối tượng sau:

– Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động;

– Người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động gồm: Doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp; cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận.

– Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định này.

Mức tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2022 là bao nhiêu?

Về mức lương tối thiểu tháng, Nghị định quy định các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng:

– Vùng I tăng 260.000 đồng, từ 4.420.000 đồng/tháng lên 4.680.000 đồng/tháng.

– Vùng II tăng 240.000 đồng, từ 3.920.000 đồng/tháng lên 4.160.000 đồng/tháng.

– Vùng III tăng 210.000 đồng từ 3.430.000 đồng/tháng lên 3.640.000 đồng/tháng.

– Vùng IV tăng 180.000 đồng từ 3.070.000 đồng/tháng lên 3.250.000 đồng/tháng.

Vậy có thể thấy mức tăng nằm trong khoảng 180k đến 260k tuỳ theo vùng, khoảng 6%. Mức lương tối thiểu vùng gần nhất là vào tháng 1 năm 2020.

Mức tăng lương này chưa bao gồm +7% cho các đối tượng Người lao động đã qua đào tạo, mình sẽ làm rõ thêm vào một bài học khác.

Tính chính xác lương thực nhận với công cụ tính lương gross sang net của TopDev

Mức tăng lương tối thiểu vùng theo giờ là như thế nào?

Mức lương tối thiểu giờ là quy định mới dành cho nhóm lao động làm những công việc linh hoạt, bán thời gian…Ngoài lương tối thiểu vùng theo tháng, một điểm mới trong dự thảo này là lần đầu tiên đề xuất lương tối thiểu giờ theo 4 vùng:

– Vùng I là 22.500 đồng/giờ,

– Vùng II là 20.000 đồng/giờ

– Vùng III là 17.500 đồng/giờ

– Vùng IV  là 15.600 đồng/giờ.

Mức lương tối thiểu vùng theo giờ là một khái niệm mới, nên sẽ chờ thêm các nghị định hoặc thông tin hướng dẫn chi tiết, mình sẽ bổ sung thêm cho các bạn vào bài học sau này.

luong khoi diem

Về địa bàn phân vùng có thay đổi gì không?

Ngoài đề xuất thêm mức lương tối thiểu theo giờ, dự thảo còn đề xuất thay đổi địa bàn thuộc các vùng áp dụng mức lương tối thiểu vùng. (Thông tin chưa chính thức, sẽ update lại)

– Điều chỉnh từ vùng 2 lên vùng 1 đối với: Thành phố Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh, huyện Xuân Lộc thuộc tỉnh Đồng Nai.

– Điều chỉnh từ vùng 3 lên vùng 2 đối với: các thị xã Quảng Yên, Đông Triều thuộc tỉnh Quảng Ninh; thành phố Hoà Bình và huyện Lương Sơn thuộc tỉnh Hòa Bình; thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò và các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên thuộc tỉnh Nghệ An; thị xã Hòa Thành thuộc tỉnh Tây Ninh; thành phố Bạc Liêu thuộc tỉnh Bạc Liêu; thành phố Vĩnh Long, thị xã Bình Minh thuộc tỉnh Vĩnh Long.

– Điều chỉnh từ vùng 4 lên vùng 3 đối với: các huyện Vân Đồn, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên thuộc tỉnh Quảng Ninh; các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương, Nam Đàn, Nghĩa Đàn và các thị xã Thái Hòa, Hoàng Mai thuộc tỉnh Nghệ An; huyện Hòa Bình thuộc tỉnh Bạc Liêu; huyện Mang Thít thuộc tỉnh Vĩnh Long.

=> Như vậy, những lao động ở các khu vực được điều chỉnh địa bàn phân vùng này sẽ được hưởng mức tăng lương cơ bản cao hơn vì vừa được tăng theo chính sách chung, vừa được tăng do thay đổi phân vùng.

  Tìm hiểu hệ thống lương 3P
  Tài liệu hay cho người làm đào tạo tại doanh nghiệp

Mức lương tối thiểu vùng là gì?

Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường để đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Mức lương tối thiểu theo vùng được Chính phủ quy định dựa trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia. Mức lương tối thiểu theo vùng này được thay đổi hàng năm để phù hợp với nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Mức lương tối thiểu vùng theo tháng và theo giờ là như thế nào?

Nghị định cũng nêu rõ mức lương tối thiểu tháng: là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.

Mức lương tối thiểu giờ: là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc trong một giờ và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ.

Đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tuần hoặc theo ngày hoặc theo sản phẩm hoặc lương khoán: thì mức lương của các hình thức trả lương này nếu quy đổi theo tháng hoặc theo giờ không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ.

Nội dung bài học tiếp theo

Trong bài học tiếp theo, mình sẽ cùng nhau làm rõ sự khác nhau giữa lương tối thiểu vùng và mức lương cơ sở, lương cơ bản; Ai sẽ được tăng lương từ việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng này, có phải tất cả mọi người đều được tăng lương; Công ty cần chuẩn bị gì cho việc thay đổi mức lương tối thiểu vùng này…Các bạn nhớ đón xem nhé!

Trên đây là một số nội dung chính liên quan đến Hỏi đáp về việc tăng lương tối thiểu vùng 2022. Mặc dù đã cố gắng kiểm tra kỹ nội dung cung cấp, tuy nhiên vẫn có thể có những sai sót nhỏ ngoài mong muốn, bạn có thể để lại phản hồi hoặc câu hỏi vào comment bên dưới để mình ghi nhận và giải đáp cho các bạn nhé! Trân trọng!

Bài viết gốc được đăng tải tại hrvnacademy.com

Bài viết liên quan:

Đừng bỏ lỡ việc làm IT hấp dẫn trên TopDev!