Học cách đối phó nếu bạn phải làm việc với 4 kiểu sếp tồi phổ biến sau

1587

Những vị sếp xấu tính không chỉ tồn tại trên phim, nhưng rất may là bạn vẫn có thể đối phó với họ.

Những vị sếp xấu tính không chỉ tồn tại trong các bộ phim kiểu như “Horrible Bosses” hay “Office Space”. Phiên bản đời thực của những nhân vật này cũng khá phổ biến trong môi trường công sở hiện đại.

Mới đây, LaSalle Network đã tiến hành một cuộc khảo sát với hơn 1.000 nhân viên văn phòng tại Mỹ. Tỷ lệ tố cáo họ có một vị sếp tồi tệ cao đến bất ngờ: 84%.

Ngoài ra, 43% trong số này cho biết họ đã phải bỏ chỗ làm chỉ vì sếp.

Một người sếp tồi có thể gây ra tác động rất tiêu cực lên các nhân viên dưới quyền, cả về mặt cảm xúc lẫn hiệu quả công việc. Theo báo cáo của hãng Gallup, lãnh đạo quyết định ít nhất 70% mức độ gắn kết của một nhân viên với chỗ làm.

Tất nhiên, bạn không bỏ việc chỉ vì có một người sếp không ra gì. Nếu bạn thích công ty đó, môi trường và êkip của mình, dưới đây là bí quyết để đối phó với 4 kiểu sếp xấu tính phổ biến nhất.

Yêu bản thân

Những vị sếp này quan tâm đến sự thăng tiến của bản thân mình hơn bất cứ ai khác. Họ chỉ muốn được nghe tán tụng mình giỏi đến mức nào và hiếm khi đề nghị nhân viên phản hồi về hiệu quả điều hành, bởi họ không bao giờ tin được mình “có vấn đề”.

Khi bộ phận được khen, họ tự nhận tất cả công lao về mình và sẵn sàng quy lỗi cho nhân viên khi xảy ra sự cố.

Cách đối phó: Nếu bạn hạnh phúc với cương vị hiện tại của mình và muốn tiếp tục ở lại công ty, hãy “hài hước hóa” sếp của mình.

Tuân theo nguyên tắc của ông ấy/bà ấy và cố gắng sửa sai bằng sự bao dung. Đừng tiếc lời khen dành cho họ mỗi khi họ đưa ra lời khuyên nào với bạn. Thông báo đầy đủ với họ về tất cả những trao đổi mà bạn đã tiến hành với khách hàng. Họ cần cảm thấy mình đang kiểm soát và biết mọi việc.

Khía cạnh tích cực: Những người xung quanh sẽ biết không chỉ có mỗi sếp bạn tham gia vào dự án. Họ thậm chí có thể khen ngợi, hoặc chí ít là ghi nhận bạn vì đã đủ kiên nhẫn và vị tha để không nhảy lên tranh công.

Bóng ma

Những vị sếp kiểu này luôn nói họ quan tâm đến sự phát triển của nhân viên cấp dưới, nhưng cứ thử đợi họ hướng dẫn hay hỗ trợ xem. Họ chẳng mấy khi phản hồi về hiệu quả công việc của bạn và cũng hiếm khi trả lời các câu hỏi. Những email của họ rất ngắn, nhát gừng và chẳng có mấy thông tin.

Cách đối phó: Dù cho sếp của bạn đang bận đánh golf hay thường xuyên phải đi công tác, đừng bao giờ có ý nghĩ “đi cho khuất mắt”. Hãy tiếp tục làm việc chăm chỉ và kết nối tích cực với êkip của mình về diễn tiến của dự án.

Hãy tìm nhiều cách khác nhau để khai thác thông tin và có câu trả lời đối với những vấn đề mình quan tâm. Nếu như không thể có được hồi đáp từ một sếp, hãy tìm ai đó khác có thể bật đèn xanh cho quyết định của bạn.

Khía cạnh tích cực: Thiếu định hướng có thể khiến bạn thất vọng, nhưng thực ra cũng là cơ hội để bạn chứng tỏ năng lực của mình. Bạn cũng có thể nhân đó tiếp cận với các lãnh đạo khác trong tổ chức để hỏi thông tin. Hệ quả là bạn sẽ gây dựng được các quan hệ bên ngoài êkip hiện tại của mình.

Bạn thân

Những vị sếp này luôn muốn nhân viên phải yêu quý họ. Họ muốn tham gia mọi cuộc tán gẫu hay được mời đi nhậu sau giờ làm.

Cách đối phó: Đây thực ra không phải là kiểu sếp quá tệ, nhưng sự thân thiết và “yêu chiều” nhau quá mức sẽ khiến bạn không thể phát triển được. Đôi khi những chỉ trích mang tính xây dựng là rất cần thiết.

Khía cạnh tích cực: Người ta có xu hướng thích làm việc với những người mình quý, và nếu như bạn có thể phát triển một quan hệ tốt đẹp với sếp của mình, trong đa số trường hợp, bạn sẽ làm việc năng suất hơn, chăm chỉ hơn và gắn bó với tổ chức lâu hơn.

Lốc xoáy

Những vị sếp kiểu này luôn xuất hiện rồi biến mất như một cơn lốc. Dù họ muốn được cập nhật thông tin về dự án, họ cũng chẳng có nổi quá 1 phút để nghe bạn trình bày.

Họ yêu cầu bạn làm một việc gì đó nhưng xong lại quên ngay, kết quả là một mớ lộn xộn.

Cách đối phó: Hãy gửi báo cáo tuần ngắn gọn cho họ, tóm tắt diễn tiến của dự án mà bạn đang theo. Bằng cách đó, sếp của bạn có thể cập nhật thông tin và bạn có thể sử dụng quãng thời gian ít ỏi gặp sếp để hỏi những thắc mắc cụ thể.

Khía cạnh tích cực: Bạn được chủ động làm việc của mình. Trong thế giới tương tác bị hạn chế, bạn sẽ trau đồi được kỹ năng phát biểu tự tin, chính xác và ngắn gọn.

Nguồn: Applancer Careers via Trí Thức Trẻ/CNBC