Phương pháp ra quyết định có nên đổi việc hay không?

485

Bài viết được sự cho phép của tác giả Lê Tuấn Anh

Có nhiều bạn tìm đến mình tư vấn hướng nghiệp với ý định và mong muốn đổi sang một lĩnh vực, ngành nghề mới. Có rất nhiều lý do cho việc thay đổi này như: cảm thấy không còn động lực trong công việc cũ, thấy lĩnh vực mới đang ‘hot’ trên thị trường, muốn thử sức bản thân và ra khỏi vùng an toàn, vân vân.

Để hỗ trợ các bạn ra quyết định có nên đổi nghề đổi việc hay không, mình sử dụng nhiều phương pháp khác nhau tuỳ theo từng trường hợp. Có bạn cần thực hiện các bài trắc nghiệm tính cách để hiểu bản thân. Có bạn cần đào sâu vào các trải nghiệm công việc quá khứ để tìm ra điểm chung. Có bạn cần đầu tư và làm CV và cải thiện kĩ năng tìm việc. Một trong những kĩ thuật được mình sử dụng nhiều là phương pháp tưởng tượng. Bạn dành thời gian tưởng tượng về các khía cạnh khác nhau ở công việc bạn đang quan tâm và so sánh độc thích thú của bản thân so với công việc hiện tại.

Phương pháp tưởng tượng có ích trong việc giúp bạn mở rộng góc nhìn về một công việc, có bức tranh thực tế hơn về công việc đó. Nhiều khi mình chỉ thích một công việc vì thấy bức tranh được ‘vẽ’ một cách hào nhoáng về những kết quả như lương cao, ổn định, được đi du lịch nhiều. Mình chưa biết hết được các khía cạnh ‘tối’ của công việc đó. Phương pháp tưởng tượng kết hợp phỏng vấn người làm trong nghề giúp bạn có được góc nhìn sâu hơn này.

Bây giờ lấy ví dụ bạn đang là một người làm công việc Nhân sự hoặc Marketing ở một công ty lớn và đang băn khoăn có nên đi ra ngoài làm tự do (freelance) hay không. Bạn sử dụng phương pháp tưởng tượng để nhìn sâu về các khía cạnh sau của công việc freelance.

  Hướng nghiệp CNTT - Định hướng nghề nghiệp cho các bạn trẻ

  Nhảy việc thất bại, có nên quay lại công ty cũ làm việc?

 có nên đổi việc hay không?

1/ Kiến thức

Bạn tưởng tượng mình sẽ sử dụng kiến thức gì khi làm công việc freelance? Hiện nay để làm được công việc freelance bạn cần một số kiến thức tốt như kiến thức công nghệ, kiến thức viết lách, kiến thức Marketing, kiến thức thiết kế. Bạn có kiến thức nào ở trên, so với 5 người bạn xung quanh bạn có khá hơn những người đó hay không?

2/ Kĩ năng

Bạn tiếp tục tưởng tượng xem một người làm freelance cần có những kĩ năng gì để làm tốt? Ví dụ người làm tự do cần có kĩ năng tự quản lý và sắp xếp thời gian, xây dựng mạng lưới quan hệ, tự Marketing bản thân, quản lý tài chính cá nhân và nhiều kĩ năng khác. Bạn suy nghĩ xem nếu được sử dụng các kĩ năng trên mỗi ngày bạn sẽ cảm thấy vui vẻ hay mệt mỏi?

3/ Con người

Trong công việc mới bạn sẽ thường xuyên tiếp xúc với những kiểu người như thế nào? Cố gắng mô tả cụ thể về kiểu người đó bao gồm giới tính, tính cách, độ tuổi, suy nghĩ, quan điểm sống. Con người ở đây có thể bao gồm sếp, đồng nghiệp, khách hàng là những người tương tác với bạn mỗi ngày.

Lấy ví dụ khi mình tưởng tượng về công việc Sale mình biết rằng mình cần tiếp xúc với những người chịu khó nói, thích thuyết phục người khác, hào sảng, hay quan tâm đến chủ đề làm giàu. Đây là những điều mình không thích nên mình thường né công việc Sale ra.

4/ Vị trí địa lý

Đây là một điều nhỏ những bạn cũng nên suy nghĩ và tưởng tượng về công việc mới. Công việc đó bạn sẽ làm ở đâu, gần nhà hay xa nhà? Nếu gần thì thời gian tiết kiệm được bạn dành làm gì, nếu xa thì thời gian di chuyển đến chỗ làm có đáng để bạn bỏ ra hay không?

5/ Môi trường làm việc

Bạn tưởng tượng về không gian làm việc của mình ở trong công việc mới. Ví dụ một người làm tự do thường ngồi quán cafe làm việc một mình, ít có cơ hội tương tác trò chuyện tán gẫu với đồng nghiệp như trong văn phòng, sẽ tốn tiền mua nước, có thể có sự ồn ào trong không gian quán cafe. Những điều trên có làm bạn phiền lòng hay không?

6/ Giá trị công việc

Đây là một điều quan trọng và khó tưởng tượng nhất. Mỗi công việc đều hướng đến những giá trị khác nhau. Bạn nên phân biệt giữa giá trị cốt lõi sâu xa mà công ty thường rao giảng và giá trị thực tế. Ví dụ có nhiều công ty rao giảng về giá trị đóng góp phục vụ cộng đồng, nhưng thực tế giá trị thật là làm sao bán được càng nhiều doanh thu càng tốt. Không có gì sai nếu công ty muốn tăng doanh thu, tuy nhiên việc nhìn rõ vào giá trị công việc sẽ giúp bạn có động lực làm việc hơn. Một doanh nghiệp cung cấp những sản phẩm và có những giá trị phù hợp với giá trị sống của bạn là doanh nghiệp khiến bạn hạnh phúc hơn. Bạn có thể tìm hiểu về giá trị sống của bản thân tại đây.

7/ Thu nhập

Cuối cùng hãy tưởng tượng về thu nhập của bạn trong công việc mới. Mức lương cố định mỗi tháng là như thế nào? Ngoài cố định có thêm những khoản đãi ngộ nào, thưởng nào phát sinh hay không?

Sau khi bạn tưởng tượng đủ sâu về cả 7 yếu tố trên, bạn có thể sử dụng để đặt lên bàn cân giữa 2 công việc khác nhau và so sánh xem đâu là những lựa chọn mình thích hơn. Sẽ có những mục hợp với công việc này, có mục lại hợp với công việc khác. Lúc này việc bạn cần làm là sắp xếp xem mục nào là quan trọng nhất với bạn ở thời điểm hiện tại.

Bài viết gốc được đăng tải tại anhtuanle.com

Xem thêm:

Xem thêm việc làm Developers hàng đầu tại TopDev