Bạn trẻ ‘đu dây điện, ở trên mây’ khi phỏng vấn xin việc?

2957

“99/100 em đi phỏng vấn đều chém câu “Em muốn làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp!”

Chính vì sự nôn nóng mà nhiều bạn trẻ không tạo được ấn tượng ngay từ vòng đầu phỏng vấn, nhất là việc chỉ đưa ra điều kiện bản thân nhưng lại thiếu hiểu biết về công ty ứng tuyển.

Có hay không bạn trẻ “đu dây điện”?

Trong một bài chia sẻ trên mạng gây sốt mới đây, tác giả Thùy Vân – một chuyên viên truyền thông – thuật lại rằng “99/100 em đi phỏng vấn đều chém câu “Em muốn làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp!”.

“Nghe thì hay, nhưng khi đi vào thực tế nó lại trở thành điều vô cùng khôi hài, nó phản ánh tính hài hước không giới hạn của các em” – Thùy Vân viết trên facebook.

Cô cho rằng “môi trường chuyên nghiệp” theo tưởng tượng của các bạn trẻ (công ty lớn, văn phòng đẹp, lương cao, thưởng đều, nhân viên ăn mặc đẹp, thơm tho, sếp hiền như bà tiên, ông bụt…), trong khi thực tế “môi trường làm việc chuyên nghiệp” – theo Thùy Vân – thì phải là có Quy trình chuyên nghiệp (nhân viên cần biết công việc cần làm bắt đầu từ đâu, kết thúc thế nào, phối hợp với ai, trong bao lâu phải hoàn thành); Chính sách minh bạch (thưởng phạt phân minh); Con người chuyên nghiệp (việc đã giao thì phải hoàn thành)…

Thùy Vân cho rằng “đi phỏng vấn, thay vì nói “em muốn làm việc trong một môi trường chuyên nghiêp”, hãy tự hỏi “mình đã chuyên nghiệp đủ với môi trường đó hay chưa”.

Bảo Minh – một quản lí truyền thông – cho rằng những quan điểm của Thùy Vân là thiếu cơ sở và không thông cảm cho giới trẻ. Bảo Minh viết: “Số bạn trẻ ảo tưởng không phải là không có nhưng số doanh nhân ảo tưởng cũng nhiều không kém. Tôi đã trải qua các công ty và ở công ty nào tôi cũng nhận thấy rằng mỗi khi tuyển người họ đều tự cho mình là môi trường chuyên nghiệp.

Với các em mới ra trường kinh nghiệm còn non và họ đòi một môi trường chuyên nghiệp thì tôi nghĩ chúng ta cũng không nên cười cợt và khinh khi. Nếu một người đi làm 5-10 năm với mức lương cao thì chả ai đòi hỏi câu đó, cứ trả đúng khả năng thì làm thôi”.

Tạo CV mới nhất chuẩn IT

Cần hiểu rõ cái gì quan trọng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thùy Vân giải thích: “Thông điệp được truyền tải không phải là “bạn chưa chuyên nghiệp nên bạn không có quyền đòi hỏi môi trường chuyên nghiệp”, mà phải là bạn mong muốn làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, nhưng khi được yêu cầu làm việc một cách chuyên nghiệp (đúng quy trình, đúng tiến độ…) thì bạn không làm”.

Thùy Vân góp ý rằng để giới trẻ không vấp phải những thiếu sót trong quá trình xin việc, cần phải: “Ứng viên ngoài kiến thức chuyên môn cần xác định thái độ nghiêm túc cho vị trí công việc mình ứng tuyển và sẽ làm việc trong tương lai. Điều này khác với “kỹ năng trả lời phỏng vấn”, bởi nó không phải việc bạn có “đối phó” được với nhà tuyển dụng hay không, mà là bạn sẽ cho nhà tuyển dụng thấy mình thực sự phù hợp và mong muốn gắn bó với vị trí tuyển dụng như thế nào”.

Chị Thanh Định – người có kinh nghiệm tuyển lựa nhân sự nhiều năng cho công ty Uniiik Saigon – cho hay: “Hầu hết những bạn trẻ, người mới ra trường đều muốn tìm một công việc ổn định. Tuy nhiên, cũng chính vì sự nôn nóng mà họ không tạo được ấn tượng ngay từ vòng đầu phỏng vấn. Nhất là việc chỉ đưa ra điều kiện bản thân nhưng lại thiếu hiểu biết về công ty ứng tuyển.

Hỏi đúng cách sẽ giúp các bạn trẻ hiểu hơn về công ty, tổ chức mình đang làm. Đây là cách để chứng tỏ ứng viên có hiểu biết, có quan tâm đến công việc, không phải là người thụ động. Ứng  viên không nên im lặng mà hãy tận dụng cơ hội để hỏi ngược lại người phỏng vấn”.

Nguồn: tuoitre.vn