IT HelpDesk là một bộ phận trong tổ chức có nhiệm vụ hỗ trợ, tư vấn, cài đặt,… các phần mềm kỹ thuật, setup các thiết bị phần cứng như máy tính, máy in,… đảm bảo quá trình hoạt động của hệ thống được hiệu quả. Với vai trò quan trọng như vậy, các tổ chức, công ty luôn yêu cầu cao cùng chế độ đãi ngộ tốt dành cho các ứng viên IT HelpDesk. Bài viết hôm nay chúng ta cùng nhau điểm qua những câu hỏi phỏng vấn vị trí IT HelpDesk thường gặp nhé.
BIOS là gì? UEFI khác gì BIOS
BIOS – Basic Input/Output System là hệ thống thông tin đầu vào/đầu ra cơ bản; nó là một nhóm lệnh được lưu trữ trên một chip firmware nằm trên bo mạch chủ (mainboard) của máy tính.
Chức năng của BIOS là kiểm soát các tính năng cơ bản của máy tính như kết nối và chạy driver cho các thiết bị ngoại vi, đọc trật tự ổ cứng để khởi động các hệ điều hành, hiển thị tín hiệu màn hình,… Khi máy tính được khởi động, BIOS sẽ “đánh thức” từng linh kiện và kiểm tra xem linh kiện có hoạt động hay không.
UEFI là Unified Extensible Firmware Interface – giao diện firmware mở rộng hợp nhất. UEFI được xem là sự thay thế với BIOS trên hầu hết các máy tính hiện nay. Bản chất UEFI là một hệ điều hành tối giản được lưu trữ trong thư mục /EFI/ của bộ nhớ non-volatile (đảm bảo dữ liệu không bị mất, hỏng khi mất điện). UEFI có trợ giúp sử dụng chuột, các đồ họa như biểu đồ nhiều màu sắc và không bị hạn chế về bộ nhớ, số lượng phân vùng,… như BIOS truyền thống.
Hãy nói về sự khác biệt giữa RAM và ROM
ROM viết tắt của Read Only Memory – bộ nhớ chỉ đọc là loại bộ nhớ không khả biến dùng trong các máy tính hay hệ thống điều khiển mà trong vận hành bình thường của hệ thống thì dữ liệu chỉ được đọc ra mà không được phép ghi vào. ROM trong máy tính chứa dữ liệu chương trình giúp máy tính khởi động được ghi từ trước và được giữ lại keercar khi máy tính tắt nguồn.
RAM viết tắt của Random Access Memory – bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên là loại bộ nhớ tạm thời, cho phép lưu trữ và truy xuất dữ liệu trong thời gian ngắn. Không giống như ROM, khi máy tính bị tắt thì toàn bộ dữ liệu chứa trong bộ nhớ RAM sẽ mất. RAM có tốc độ đọc ghi dữ liệu nhanh hơn nhiều lần so với ROM, dung lượng của RAM cũng thường tính theo đơn vị Gigabyte (GB) còn ROM chỉ thường chứa vài Megabyte (MB) dữ liệu.
Phân biệt định dạng FAT32 và NTFS
FAT32 và NTFS là 2 định dạng ổ cứng phổ biến hiện nay chủ yếu trên các thiết bị chạy hệ điều hành Windows. FAT32 có mặt từ phiên bản Window95 sử dụng không gian địa chỉ 32bit hỗ trợ kích thước phân vùng tối đa là 2TB. NTFS viết tắt của New Technology File System là hệ thống file tiên tiến hơn rất nhiều so với FAT32. Không gian địa chỉ trong NTFS là 64bit, khắc phục được những hạn chế về số lượng cluster độc lập với dung lượng đĩa cứng. Ngoài ra định dạng NTFS có khả năng chịu lỗi, hỗ trợ bảo mật, phân quyền và mã hóa tập tin tốt hơn nhiều so với FAT32. Mặc dù vậy thì định dạng FAT32 vẫn thường được sử dụng nhờ khả năng tương thích với nhiều phần cứng, thiết bị ngoại vi khác chưa hỗ trợ NTFS.
Từ năm 2006, một bản cải tiến của FAT32 là exFAT được ra mắt, tương thích với nhiều hệ điều hành khác nhau từ Windows, MacOS và hạn chế được nhiều lỗi so với định dạng FAT32 cũ.
Blue Screen of Death (BSOD) là gì? Phương án xử lý lỗi này
Blue Screen of Death hay lỗi màn hình xanh là một sự cố khi mà phần cứng gặp lỗi, ví dụ như RAM, HDD, VGA,… không hoạt động, hoặc không được cung cấp nguồn điện hay nhiệt độ quá nóng. Một trường hợp khác có thể gây ra lỗi BSOD là khi trình điều khiển thiết bị (driver) gặp lỗi, xử lý sai lệnh hay bị các phần mềm xâm phạm trái phép.
Về cơ bản thì khi gặp lỗi màn hình xanh, bạn sẽ không thao tác được gì với hệ thống và chỉ chờ đợi việc khởi động lại thiết bị. Nếu lỗi BSOD xảy ra thường xuyên nhiều lần, có một số phương án xử lý lỗi như sau:
- Vệ sinh phần cứng, đảm bảo các thành phần trong máy tính được kết nối chắc chắn và hoạt động đúng. Ngoài ra nếu trong quá trình hoạt động mà nhiệt độ của máy quá cao thì có thể xử lý thay keo tản nhiệt dành cho CPU, thêm xử lý làm mát cho thiết bị.
- Cài đặt lại trình điều khiển driver của các thiết bị ngoại vi cần thiết.
- Sử dụng các phần mềm anti-virus đảm bảo thiết bị của bạn không bị tấn công bởi virus và malware.
- Có thể cài đặt lại hệ điều hành và các phần mềm nếu cần hay Restore (khôi phục) thiết bị về thời điểm trước khi xảy ra lỗi.
Xem thêm tuyển dụng IT Helpdesk lương cao trên TopDev
Phân biệt 2 loại cổng giao tiếp Serial Port và Parallel Port
Port hay cổng là một giao diện vật lý kết nối máy tính với các máy tính khác hoặc thiết bị đầu vào/đầu ra phần cứng. Có 2 loại cổng giao tiếp phổ biến là cổng nối tiếp (Serial Port) và cổng song song (Parallel Port).
Cổng nối tiếp gửi và nhận dữ liệu một lần tại một thời điểm bằng cách sử dụng một cặp dây, trong khi đó cổng song song gửi và nhận dữ liệu nhiều bit cùng một lúc bằng cách sử dụng nhiều dây; nhờ đó mà cổng song song nhanh hơn các cổng nối tiếp. Mặc dù vậy cổng song song cần nhiều đường để truyền dữ liệu hơn vì thế sẽ tốn chi phí và có thể mất dữ liệu trong truyền thông ở khoảng cách xa.
Web Hosting là gì? Phân loại Web Hosting Server
Web Hosting là dịch vụ cho thuê không gian trên máy chủ (Server) để lưu trữ, xử lý dữ liệu Website trên Internet. Server của nhà cung cấp dịch vụ Hosting sẽ có IP riêng và đường truyền cấu hình cao nên hoạt động một cách ổn định với bảo mật tốt. Server sẽ chạy xuyên suốt vì thế đảm bảo việc hoạt động liên tục cho Website của bạn.
Có một số loại Web Hosting Server phổ biến:
- Shared hosting (hosting chia sẻ): Website của bạn sẽ được lưu trữ chung với các trang Web khác trên cùng một server; cùng chia sẻ tài nguyên như CPU hay RAM. Việc chia sẻ giúp loại này có chi phí thấp hơn tuy nhiên hạn chế là việc Website của bạn có thể bị ảnh hưởng từ những Web khác một cách khó kiểm soát hết được.
- Cloud hosting (hosting đám mây): Ưu điểm của việc sử dụng hosting đám mây là khả năng mở rộng cao, chi phí phải trả sẽ phụ thuộc vào nhu cầu lưu trữ của bạn. Mặc dù vậy thì hạn chế là việc quản lý phụ thuộc hoàn toàn vào nhà cung cấp dịch vụ Cloud, việc bảo mật cũng như các vấn đề hỗ trợ sẽ cần cân nhắc tùy theo mục đích sử dụng.
- Managed hosting/Dedicated server (hosting/máy chủ chuyên dụng) là dịch vụ cho thuê máy chủ (server) chuyên dụng và phần cứng dành riêng cho khách hàng, không chia sẻ cho bất kỳ ai. Đây là dịch vụ tốn kém chi phí và đòi hỏi có nhân sự chuyên môn để quản lý.
- VPS hosting (máy chủ ảo) là một máy ảo được một dịch vụ lưu trữ Internet bán dưới dạng dịch vụ. Khách hàng có quyền truy cập superuser vào hệ điều hành và cài mọi phần mềm trên đó. Sử dụng VPS giúp bạn tiết kiệm chi phí nhiều hơn so với máy chủ chuyên dụng, lượng băng thông và phần cứng phụ thuộc vào gói bạn trả. Dù vậy vẫn sẽ có những rủi ro nhất định phụ thuộc vào nhà cung cấp dịch vụ.
Xem việc làm IT helpdesk TPHCM đãi ngộ tốt trên TopDev
Hãy giải thích cách VPNs hoạt động
VPN viết tắt của Virtual Private Network hay mạng riêng ảo là một mạng riêng tư để kết nối các máy tính của các công ty, tập đoàn hay các tổ chức thông qua mạng Internet công cộng. VPN được sử dụng để truyền dữ liệu một cách an toàn và ẩn danh, hoạt động bằng cách ẩn địa chỉ IP của người dùng và mã hóa dữ liệu để chỉ người được cấp quyền nhận dữ liệu mới có thể đọc được.
Kết nối VPN chuyển hướng các gói dữ liệu từ máy của bạn tới một máy chủ từ xa khác trước khi gửi chúng cho các bên thứ ba qua Internet. Cách thức hoạt động VPN như sau:
- VPN tạo ra đường hầm dữ liệu bảo mật giữa máy cục bộ của bạn và một máy chủ VPN khác ở cách xa bạn. Khi truy cập mạng, máy chủ VPN này trở thành nguồn chung cho tất cả dữ liệu của bạn. Nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) của bạn và các bên thứ ba khác sẽ không thể xem nội dung lưu lượng Internet của bạn nữa.
- Giao thức VPN như IPSec làm nhiễu dữ liệu của bạn trước khi gửi chúng qua đường hầm dữ liệu. IPSec là một bộ giao thức bảo mật giao tiếp thông qua giao thức Internet (IP) bằng cách xác thực và mã hóa mỗi gói IP của một dòng dữ liệu. Dịch vụ VPN hoạt động như một bộ lọc khiến dữ liệu của bạn không thể đọc được ở một đầu và chỉ giải mã ở đầu bên kia giúp ngăn ngừa việc sử dụng dữ liệu trái phép.
Kết bài
Trên đây là những câu hỏi mà bạn sẽ có thể gặp phải trong buổi phỏng vấn vị trí IT HelpDesk của mình. Đây là vị trí liên quan nhiều đến phần cứng cũng như đòi hỏi kinh nghiệm về việc thiết lập, xây dựng hệ thống mạng, server. Hy vọng bài viết hữu ích dành cho bạn, hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo của mình.
Tác giả: Phạm Minh Khoa
Có thể bạn quan tâm:
- Cơ hội việc làm IT Helpdesk tại Việt Nam
- Ngành IT rất rộng, bạn đang ở đâu?
- Software Manager là gì? Kỹ năng cần thiết để trở thành Software Manager
- Làm IT Cho Ngân Hàng Có Phải Là Hướng Đi Phù Hợp Cho Lập Trình Viên?
Xem thêm tuyển dụng IT hấp dẫn trên TopDev