Vì sao bạn nên tìm cho mình một Mentor trong sự nghiệp?

706

Bài viết được sự cho phép của tác giả Lê Tuấn Anh

10 năm đi làm ở nhiều công việc và công ty khác nhau, đa số các cơ hội tốt đều đến với mình do người khác giới thiệu. Những người xung quanh mình biết về khả năng viết lách và làm hướng nghiệp của mình nên đã giới thiệu mình đến các công việc liên quan.

Ví dụ 8 năm trước mình được giới thiệu làm quản lý truyền thông cho một dự án phim, nhờ đồng nghiệp cũ khi mình thực tập biết mình học ngành truyền thông. Một ví dụ khác 4 năm trước mình được giới thiệu vào làm ở một công ty bất động sản lớn nhất nhì cả nước, nhờ chị sếp trước đây học cùng mình trong một khoá học hướng nghiệp. Khi bạn tìm việc qua kênh giới thiệu, bạn sẽ bớt được rất nhiều vòng như CV, test, thậm chí cả phỏng vấn – cứ vậy mà vào làm ngay.

Mình từng tham gia hỗ trợ một chương trình tuyển dụng rất hay của hiệp hội kế kiểm ACCA mang tên ACCA Job Fast Track. Khi các bạn ứng viên học kế toán hoặc kiểm toán tham gia chương trình này, các bạn sẽ được miễn một số vòng test và hồ sơ khi nộp đơn và các công ty lớn bên kế kiểm, thậm chí là các công ty trong nhóm Big 4. Lý do là các công ty hợp tác tin rằng ứng viên đã học ACCA và được giới thiệu là một ứng viên tốt.

Những ví dụ trên mình chỉ muốn nói một điều rằng việc có mạng lưới quan hệ chuyên nghiệp là rất quan trọng. Dù bạn là người hướng nội hay hướng ngoại, nếu bạn đã xác định đi làm công sở, start-up hay khởi nghiệp thì đều cần có mạng lưới quan hệ chuyên nghiệp. Vậy cụ thể mạng lưới quan hệ chuyên nghiệp vì sao lại quan trọng (1)? Làm thế nào để mở rộng mạng lưới quan hệ (2), kể cả khi mình là người hướng nội? Khi đã có mạng lưới quan hệ rồi thì mình cần làm gì để “tận dụng” khai thác và duy trì mạng lưới này (3)? Chúng ta sẽ cùng trao đổi về 03 nội dung này bên dưới trong bài viết này nhé.

(1) Vì sao chúng ta cần có “người quen”?

Mình thấy thời bố mẹ các cụ rất năng đi lại quan hệ với những người khác. Một phần lý do là để “sau này cần nhờ đến”. Cái nhờ đến ở đây có thể bao gồm cả việc gửi gắm con cháu làm việc hoặc tìm việc hộ sau khi ra trường, “chạy chọt” để có chân làm việc ở công ty này kia.

Thế hệ trẻ hiện nay mình cổ suý một cách tiếp cận tích cực hơn. Vẫn nên có nhiều mối quan hệ, nhưng đó là những mối quan hệ chuyên nghiệp, cùng giúp nhau đôi bên có lợi chứ không phải chạy tiền để đạt được mục đích. Mình học hướng nghiệp và nhân sự có 2 mô hình như thế này:

cách một công ty tìm ứng viên

Hai ảnh trên mô tả về cách một công ty tìm ứng viên và một ví dụ cụ thể. Thông thường chúng ta chứ nghĩ rằng nếu công ty tìm ứng viên mới thì việc đầu tiên là đăng tuyển trên mạng. Thực tế với rất nhiều công ty lớn khi tìm ứng viên, việc đầu tiên là họ dùng đến mạng lưới ứng viên nội bộ hoặc thông qua nhân viên giới thiệu. Nếu bạn có cơ hội làm một công ty lớn, bạn sẽ thấy phòng nhân sự công ty đó có chính sách giới thiệu nhân viên mới được thưởng tiền. Nhân viên cấp càng cao thưởng càng nhiều tiền. Lý do là vì một người được giới thiệu có sự uy tín cao hơn, ngoài ra việc tìm ứng viên qua kênh này cũng giúp công ty tiết kiệm phần nào ngân sách tuyển dụng.

Từ mô hình trên chúng ta hiểu rằng, nếu chúng ta có nhiều mối quan hệ với những người đang làm công ty lớn và họ biết về khả năng làm việc và điểm mạnh của chúng ta, chúng ta có cơ hội được chính các anh chị ấy giới thiệu khi công ty các anh chị ấy đăng tin tuyển dụng.

công thức tuyển dụng

Ảnh trên là một “công thức” trong lý thuyết hướng nghiệp giúp bạn giải bài toán làm sao có việc làm tốt sau khi ra trường. Có ba yếu tố quan trọng bạn cần có: (1) năng lực làm việc là kĩ năng mềm và kiến thức học được (2) mạng lưới quan hệ bạn có và (3) thị trường lao động cần bạn. Thiếu đi bất kì một yếu tố nào trong ba yếu tố trên cũng làm giảm đi cơ hội cạnh tranh của bạn khi đi tìm việc.

  Cách thiết lập và duy trì mối quan hệ (networking) hiệu quả

  Cải thiện mối quan hệ giữa Lập trình viên VS Sếp: dễ hay khó? (Phần 1)

(2) Làm sao mở rộng mối quan hệ kể cả khi mình hướng nội

Phải làm rõ rằng tác giả bài viết này là một người hướng nội. Bản thân mình không quá quảng giao, không phải người nói nhiều và không thích tham gia các sự kiện nơi đông người. Tuy nhiên trong 10 năm đi làm mình vẫn xây dựng được nhiều mối quan hệ tốt có ảnh hưởng đến công việc của mình. Từ kinh nghiệm cá nhân và kinh nghiệm tư vấn hướng nghiệp cho nhiều bạn, dưới đây là một số cách để bạn mở rộng mối quan hệ dù bạn là người hướng nội.

1/ Giữ tương tác với bạn học cũ, đồng nghiệp cũ

Thay vì tìm cách đi kết bạn mới, một việc mình thấy dễ hơn là giữ quan hệ với những người cũ. Người cũ ở đây có thể là bạn học cùng lớp cũ, bạn bè làm trong CLB hoặc một dự án thời sinh viên, sếp và đồng nghiệp ở công ty cũ (nếu không có chửi lộn). Mình có thể giữ những mối quan hệ này bằng cách kết bạn Facebook, hoặc chuyên nghiệp hơn là LinkedIn để cập nhật tin tức và tương tác với mọi người.

Tham khảo thêm việc làm IT Network lương cao lên đến 3000 USD

2/ Tăng kết nối trên mạng xã hội LinkedIn

Tăng kết nối trên mạng xã hội LinkedIn

Nếu bạn chưa biết xài LinkedIn, bạn có thể đọc bài viết về LinkedIn của mình để hiểu hơn nền tảng này và có cho mình một profile. LinkedIn là một nền tảng mạng xã hội chuyên nghiệp để mình mở rộng mối quan hệ. Ngoài việc kết bạn với những người mình đã biết từ trước trên LinkedIn, mình có thể dùng tính năng Search để tìm những người bạn mới. Những người bạn mới mình khuyến khích các bạn kết bạn trên LinkedIn là:

  • Những người làm nhân sự tuyển dụng (nhóm này trên LinkeIn rất nhiều)
  • Những người đã hoặc đang làm việc tại công ty hoặc lĩnh vực bạn đang thích và quan tâm (xem trên title phần lịch sử làm việc của họ)
  • Những người học cùng trường với bạn (xem phần Education)

3/ Tìm kiếm Mentor thông qua các chương trình Mentorship

Hiện nay có một số chương trình mentorship miễn phí. Tại đó có các anh chị là người đã đi làm họ sẵn sàng dành thời gian để hướng dẫn lại các bạn trẻ còn ít kinh nghiệm. Thường những người đã chịu làm mentor thì tinh thần chia sẻ cao, rất sẵn lòng kết bạn và hỗ trợ người khác. Chúng ta nên tận dụng những mối quan hệ kiểu này.

Nếu là sinh viên, bạn lên Facebook gõ từ khoá “mentoring” và xem một số chương trình mentoring của các trường. Có ba trường mình thấy làm chương trình này hiệu quả là RMIT, UEH và BK.

Một số chương trình khác các bạn tìm theo từ khoá là SME Mentoring, Chevening Mentoring, Menteelogy, Mentori.

4/ Lấy liên hệ diễn giả thông qua các chương trình hội thảo

Là một người thường xuyên tham gia các chương trình ở các trường đại học dưới tư cách diễn giả, mình rất nhớ và vẫn giữ quan hệ lâu dài với những bạn thường xuyên phát biểu trong buổi đó hoặc về nhà kết bạn LinkedIn cùng với mình. Mình tin là nhiều anh chị diễn giả khác cũng như vậy.

Giống như nhóm mentor ở trên, một người đã chịu làm diễn giả các chương trình thì người đó cũng có tinh thần chia sẻ cao và không ngại việc kết nối với người khác. Vậy lần tới khi bạn tham gia một chương trình hội thảo, đừng ngại tìm/xin thông tin liên hệ của các diễn giả khách mời và những người bạn gặp trong buổi hôm đó, về nhà kết bạn mở rộng thêm mối quan hệ.

(3) Nên làm gì với các mối quan hệ của mình?

Duy trì liên hệ và tương tác thường xuyên. Chúng ta đang sống trong thời đại số nên việc duy trì tương tác này dễ hơn rất nhiều. Đơn giản chỉ cần thi thoảng vào trang cá nhân của người đó, tương tác với bài viết họ chia sẻ, hoặc nhắn một tin nhắn chúc mừng năm mới, sinh nhật.

Giúp được gì hãy giúp. Một mối quan hệ tốt là mối quan hệ hai chiều, hai bên cùng có lợi. Có thể profile của bạn không xịn bằng người đó, nhưng vẫn có những thứ mình có thể giúp người ta được. Ví dụ chia sẻ bài viết cho người đó, tìm ứng viên phù hợp giúp công ty các anh chị đó, làm survey khảo sát…

Nhờ các anh chị giới thiệu công việc. Khi bạn và mối quan hệ của bạn đã biết nhau ở một mức độ nhất định, bạn có thể nhờ các anh chị giới thiệu công việc cho bạn. Khi nhờ bạn nên biết rõ mình đang hướng đến công việc gì hoặc bạn có những kĩ năng nào giỏi, như vậy người ta mới biết mà giới thiệu bạn phù hợp. Đừng nói chung chung kiểu “anh chị thấy việc tốt nào giới thiệu em nhé”.

Nhờ các anh chị giới thiệu người khác. Tương tự như trên, bạn có thể nhờ các anh chị ấy giới thiệu với người quen của họ trong ngành. Ví dụ bạn đang quan tâm đến Truyền thông mà không biết ai trong ngành, bạn có thể nhắn sếp cũ xin giới thiệu một anh chị nào đó trong ngành truyền thông để bạn gặp gỡ thêm.

Nhờ các anh chị viết thư giới thiệu. Nếu người này là một người đã làm việc cùng và có ấn tượng tốt về bạn, hãy nhờ người ta viết cho bạn một đoạn giới thiệu trên LinkedIn hoặc một thư giới thiệu giúp bạn đi tìm việc.

Năm mới, chúc các bạn có nhiều các mối quan hệ mới.

Bài viết gốc được đăng tải tại anhtuanle.com

Xem thêm:

Xem thêm Jobs IT for Developers hàng đầu tại TopDev