Kỹ năng xây dựng thương hiệu cho người bắt đầu tìm việc

796

Đây là bài thứ 2 trong loạt bài kỹ năng của Huyền Chip. Mình dành rất nhiều thời gian và công sức viết loạt bài này vì mình tin rằng những kỹ năng này là thực sự cần thiết cho các bạn trẻ. Mình hy vọng các bạn chịu khó dành thời gian đọc.

Hôm nay mình tham gia một buổi hội thảo về việc tuyển dụng ở các công ty lớn. Các quản lý thừa nhận rằng mỗi khi nhận được hồ sơ ứng tuyển, họ sẽ kiểm tra thương hiệu của người này bằng hai cách. Thứ nhất là tìm kiếm thông tin về người đó trên mạng. Thứ hai là hỏi trực tiếp những người biết ứng cử viên này. Thông tin trên mạng và những gì những người xung quanh nói về bạn tạo nên thương hiệu cá nhân của bạn. Thương hiệu cá nhân tốt hay xấu nhiều khi trở thành yếu tố quyết định để bạn có được cuộc phỏng vấn cho công việc mơ ước hay không.

Mỗi khi nói chuyện với các bạn trẻ Việt Nam, mình thấy ngạc nhiên là rất nhiều bạn than thở tìm việc vất vả thế này thế kia nhưng lại rất thờ ơ với việc xây dựng thương hiệu cá nhân. Résumé của họ rất lem nhem, thậm chí nhiều người còn không có résumé. Họ không có sự hiện diện chuyên nghiệp nào trên mạng — gõ tên của họ lên mạng sẽ chỉ thấy một số bức ảnh kỳ cục trên Facebook hay một số lời bình phẩm nhăng nhít trên các diễn đàn, hoặc không có gì. Nếu hỏi có ai có thể nói tốt đẹp về năng lực của họ — không có ai. Là người tham gia vào thị trường lao động, bạn không cần xây dựng thương hiệu đến mức nổi tiếng, nhưng bạn sẽ cần có thương hiệu đủ tốt để người mua hàng (nhà tuyển dụng) chú ý đến bạn.

Mình may mắn là ý thức về thương hiệu cá nhân từ rất sớm. Mình biết, thương hiệu cá nhân của mình tốt hay xấu là một điều gây tranh cãi. Nhưng từ khía cạnh công việc, thương hiệu cá nhân của mình khá thành công. Mình từ quê lên Hà Nội học cấp 3, không quen biết ai, trong ba năm học cấp 3 ấy, mình đã xây dựng thương hiệu cá nhân đủ để được nhận vào nhiều công ty lớn như Báo Mới (nay thuộc VNG), VCCorp, Cốc Cốc.

Khi sang Mỹ, mình đã phải xây dựng thương hiệu cá nhân lại từ đầu. Sau ba năm, mình đã có thương hiệu cá nhân đủ để thường xuyên nhận được lời mời phỏng vấn từ các công ty lớn như Google, Facebook, Netflix cũng như nhiều công ty khởi nghiệp. Hiện tại, mình làm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo ở Netflix.

Quá trình xây dựng thương hiệu cá nhân suốt 10 năm qua đã dạy cho mình rất nhiều điều. Hôm nay, mình muốn chia sẻ những kinh nghiệm mình thu thập được với các bạn.

1. Viết một résumé chuyên nghiệp

Một trong những thứ đầu tiên nhà tuyển dụng nhìn thấy là résumé. Có một résumé chuyên nghiệp, hay ít nhất là không phản cảm, là vô cùng quan trọng.

Ngày trước ở Việt Nam, mình hay nhầm lẫn résumé với CV. Résumé là bản tóm tắt kinh nghiệm, quá trình học tập, năng lực bản thân. Résumé thường chỉ dài một đến hai trang, nhưng mình thực sự tha thiết mong các bạn chỉ nên giữ résumé của mình ở một trang thôi. Đến cả những thường thành công với ti tỉ công việc như Elon Musk cũng vẫn có thể giữ résumé ở mức một trang nữa là dân đen như mình.

CV là viết tắt của curriculum vitae, cụm từ tiếng Latin dịch nôm na là quá trình sống. CV có thể bao gồm tất tần tật chi tiết những kinh nghiệm học tập, làm việc, thành tích của bạn.

Các công ty tuyển dụng thường sẽ muốn xem résumé của bạn vì không ai có thời gian đọc CV dài ngoằng. Bản thân mình thì chưa bao giờ viết CV, cũng chưa có công ty nào từng hỏi mình gửi CV. Nhưng mình thấy các giáo sư của mình thường có CV liệt kê dài ngoằng những bài báo khoa học họ đã đăng cũng như những giải thưởng của họ.

Khả năng viết một résumé súc tích, dễ hiểu phản ánh năng lực làm việc của bạn. Có nhiều để viết résumé, nhưng nó thường sẽ bao gồm những phần sau:

  • Mục đích: Bạn đang tìm gì — công việc toàn thời gian, bán thời gian, thực tập — trong ngành gì, vào khoảng thời gian nào.
  • Thông tin liên lạc: số điện thoại, email, trang web cá nhân (nếu có, và mình khuyên các bạn nên có) hoặc nơi mà nhà tuyển dụng có thể tìm hiểu thêm thông tin về sự nghiệp của bạn.
  • Thông tin giáo dục: ngành nghề, trường học, năm tốt nghiệp. Nếu điểm phẩy của bạn cao thì đưa vào. Nhưng thường thì nếu bạn đã đi làm một thời gian thì chẳng ai quan tâm đến điểm phẩy của bạn cả.
  • Kinh nghiệm làm việc: Khoảng 3 – 6 kinh nghiệm làm việc trước đây của bạn. Nó có thể là vị trí quản lý trong một câu lạc bộ sinh viên, kinh nghiệm thực tập, tổ chức sự kiện. Để có thêm chi tiết, bạn có thể đọc phần Làm những điều giúp ích cho résumé của bạn.
  • Dự án cá nhân: Những dự án mà bạn làm trong thời gian rảnh rỗi. Nó thể hiện niềm đam mê và tinh thần khởi xướng dẫn đầu của bạn. Bạn có thể đọc phần Làm những điều giúp cho ích résumé của bạn để biết thêm chi tiết.
  • Giải thưởng (nếu có): Nó có thể bao gồm thành tích học tập, công tác, hay giải thưởng các cuộc thi, hackathon.
  • Các môn học liên quan (tuỳ trường hợp): Nếu bạn có ít kinh nghiệm liên quan đến công việc bạn đang ứng tuyển, bạn có thể liệt kê những môn học giúp ích cho công việc mà bạn đã học.
  • Kỹ năng và sở thích: Bạn có thể liệt kê những kỹ năng mình có, ví dụ nếu là lập trình viên, bạn có thể liệt kê những ngôn ngữ lập trình bạn thành thạo, những framework bạn quen thuộc, hay nếu bạn làm marketing thì có thể liệt kê những công cụ marketing bạn dùng như A/B testing, Google Analytics.
  • References: Danh sách hai người có thể chứng thực cho năng lực làm việc của bạn.

Đây là link đến résumé cũ của mình để mọi người có thể tham khảo. Mình sẽ phân tích một số điểm ở résumé của mình để các bạn có thể áp dụng vào résumé của các bạn.

Mình không có phần mục đích vì đây là résumé chung chung đưa lên làm hàng, chứ mình chưa dùng nó để nộp đơn vào đâu.

Trong phần giáo dục, mình chỉ đưa thông tin bằng đại học và thạc sĩ của mình mà không đưa thông tin cấp 3 vì hai lý do. Thứ nhất, mình nghĩ đại học và thạc sĩ là đủ rồi. Thứ hai, chả ai ở Mỹ quan tâm đến một trường cấp 3 ở Việt Nam cả. Nếu bạn là sinh viên đại học ở Việt Nam và theo học một trường cấp 3 tốt tốt một tí, thì bạn có thể đưa thông tin về trường cấp 3 của bạn vào.

Phần kinh nghiệm làm việc của mình có đến 7 vị trí. Mình thấy nó hơi dài, nên mình đang tính sẽ bỏ bớt đi một kinh nghiệm. Bạn đọc bài này nếu có lời khuyên nên bỏ kinh nghiệm nào, xin hãy comment ở dưới. Mình tò mò muốn biết kinh nghiệm nào các bạn coi là quan trọng, cái nào là không quan trọng.

Mình vẫn còn phần Relevant Coursework, những môn học liên quan, vì mình có nó từ hồi làm résumé năm đầu. Mình đang nghĩ vì phần kinh nghiệm của mình đã khá dài, mình sẽ bỏ phần này đi.

Mình không có phần references vì khi gửi résumé, mình hoặc sẽ gửi kèm references trong cover letter, hoặc bảo là sẽ gửi references nếu người tuyển dụng quan tâm.

2. Làm những điều giúp ích cho résumé của bạn

Một điều mình hay nghe bạn bè mình nói bên này là: “Mặc dù tao không thích nó lắm nhưng nó sẽ rất tốt cho résumé của tao” hay “Công việc này không trả tiền nhưng nó sẽ rất tốt cho résumé của tao.” Sẽ thật tuyệt vời nếu những điều bạn thích làm cũng sẽ trả bạn nhiều tiền lại giúp ích cho résumé của bạn, nhưng không phải lúc nào cuộc sống cũng hoàn hảo như thế. Khi mình còn trẻ, chưa có nhiều cái để khoe trên résumé, mình sẽ phải chịu khó làm những việc mình không thích, hay làm không công.

2a. Tham gia các câu lạc bộ sinh viên

Một cách dễ dàng để sinh viên có kinh nghiệm cho vào résumé là tham gia các câu lạc bộ sinh viên, trong hoặc ngoài trường. Câu lạc bộ là gì thực sự không quan trọng. Bạn có thể tham gia câu lạc bộ khởi nghiệp, marketing, tranh biện, thám hiểm vũ trụ, lập trình, thậm chí hiphop, trà đạo, tung hứng, bất cứ cái gì mà bạn thích. Nếu không tìm được câu lạc bộ bạn yêu thích, hãy thành lập câu lạc bộ của chính bạn. Ở Việt Nam mình có quá trời cơ hội để thành lập câu lạc bộ, có lợi không chỉ cho bản thân bạn mà còn cho những người quan tâm đến chủ đề đấy. Hồi học cấp 3, mình thành lập Free Hugs Vietnam — tổ chức ôm tự do! Mọi người cứ nghĩ ôm ấp linh tinh thì ích lợi gì cho công việc, nhưng tổ chức này đã dạy cho mình rất nhiều kỹ năng: tuyển thành viên, duy trì thành viên, tổ chức sự kiện, quảng bá sự kiện, xin tài trợ, … Với Free Hugs Vietnam, mình nộp đơn tham gia một hội thảo ở Malaysia, được tài trợ sang đấy, gây ấn tượng với một diễn giả, và ông mời mình sang đó làm việc khi mình mới học xong cấp 3. Anh chàng Jaime trong cuốn sách về Stanford của mình nhận được lời mời nói chuyện ở NASA và vô số công ty khác là nhờ sự tham gia của anh chàng trong câu lạc bộ thám hiểm vũ trụ.

Trong câu lạc bộ, bạn cần thể hiện năng lực lãnh đạo. Bạn có thể tham gia vào ví trí quản lý, đề xuất phương hướng hoạt động, tổ chức sự kiện, tham gia thi đấu. Nếu sự kiện bạn tổ chức có đến vài trăm người tham gia hay bạn thắng giải gì đó thì càng tốt. Nhưng bạn đừng tham lam làm ba bốn câu lạc bộ một lúc. Khi đọc résumé, mình đánh giá cao những ai có lòng kiên trì và trung thành với đam mê của mình. Người đó tham gia một câu lạc bộ hay một dự án thôi nhưng đóng góp to lớn cho sự thành công của câu lạc bộ hay dự án đó.

2b. Chọn việc vì kỹ năng, thay vì tiền

Điều thứ hai là làm những công việc sinh viên mà bạn biết sẽ cho bạn những kỹ năng cần thiết để hấp dẫn nhà tuyển dụng cho công việc mơ ước của bạn. Các công việc đó có thể là trợ giảng, tình nguyện viên với các tổ chức quốc tế, cộng tác với các báo, làm quản trị ở các diễn đàn chuyên nghiệp. Những công việc này trả lương thấp, thậm chí không trả lương, nhưng sẽ giúp bạn làm quen với môi trường làm việc chuyên nghiệp, giúp bạn xây dựng mối quan hệ, và giúp bạn làm đẹp résumé. Ví dụ, hồi học cấp 3, mình quan tâm đến tài chính nên tham gia làm biên tập cho saga.vn, diễn đàn cho những người khởi nghiệp. Mình học được rất nhiều ở đây, và các anh chị trong Saga giúp mình viết bài đăng trên tạp chí Thị Trường Chứng Khoán khi mình vẫn còn đang là con bé học cấp 3.

Khi mới sang Mỹ, bắt đầu tham gia vào ngành khoa học máy tính, mình nhận ra một điều rằng các công ty bên này rất thích tuyển người làm section leader (trợ giảng) cho một lớp lập trình căn bản trong trường. Họ tin rằng section leader phải hiểu rất rõ các lý thuyết cơ bản, có kỹ năng debug tốt, có khả năng liên lạc tốt. Yêu cầu làm section leader chỉ là học xong lớp căn bản đó. Mình học lớp đó, nộp đơn, và được nhận. Bạn bè mình nhiều người chê công việc trả lương thấp, nhưng với mình, lương thực sự không quan trọng. Mình làm công việc đó vì mình biết nó dạy cho mình nhiều kỹ năng cần thiết và làm đẹp cho résumé của mình. Nhờ công việc đó, mình đã nhận được lời mời phỏng vấn từ cả Google, Facebook, và Microsoft.

Mình đọc trên mạng thấy nhiều bạn mới ra trường đòi lương thế này thế kia mới làm việc. Mình không có vấn đề gì với việc người ứng tuyển đòi lương cao. Thị trường lao động là một thị trường, thuận mua vừa bán. Nhưng mình nghĩ với những bạn mới ra trường, mục tiêu các bạn hướng tới không nên là tiền, mà nên là kỹ năng. Một khi bạn đã thu thập đủ những kỹ năng cần thiết cho công việc mơ ước của bạn, bạn sẽ kiếm được nhiều tiền hơn mức 6-7 triệu/tháng.

2c. Làm những dự án cá nhân

Trong thời gian rảnh rỗi, thay vì ngồi trà đá hay than thở “chán thế”, bạn có thể dành thời gian làm những dự án nhỏ cho riêng bạn. Nếu những dự án này liên quan đến công việc mơ ước của bạn thì càng tốt. Nhưng thường thì dự án nào, miễn là bạn dành thời gian và công sức cho nó, đều có thể dạy cho bạn nhiều kỹ năng.

Vậy bạn có thể làm dự án gì? Trời ơi, vô số ý tưởng. Bạn thích gì thì làm điều đấy. Ví dụ, nếu bạn muốn trở thành nhà báo, bạn có thể có một dự án phỏng vấn những người có nghề nghiệp kỳ lạ. Nếu bạn muốn trở thành kỹ sư thông tin (data scientist), bạn có thể lên Kaggle tham gia các cuộc thi trên đó. Nếu quan tâm đến văn hoá, bạn có thể có dự án tìm hiểu các loại bánh ở Việt Nam. Anh bạn mình thích chơi các trò chơi trí tuệ đã tự mình thiết kế một trò chơi mới. Hồi học cấp 2, mình có một dự án trao đổi sách giáo khoa: bạn có thể quyên góp bộ sách giáo khoa năm trước của mình để đổi lấy bộ sách giáo khoa năm học tiếp theo của bạn. Lên cấp 3, mình làm dự án quyên góp tiền mua bánh trung thu cho trẻ em đường phố.

Các bạn có thể nhờ bạn bè mình cùng nghĩ ra ý tưởng rồi chọn ý tưởng thú vị nhất để thực hiện.

2d. Thương hiệu ăn theo

Mình không thích điều này, nhưng thực tế là nhiều nhà tuyển dụng vẫn đánh giá ứng cử viên dựa vào các mác. Một số trường đại học có giá hơn những trường còn lại, một số công ty cũng có giá hơn những công ty còn lại. Nhiều bạn bè mình vào làm Google không phải vì họ thích làm việc với nhà khổng lồ này, mà vì họ biết, một khi đã có mác Google, họ có thể lựa chọn làm việc ở nhiều công ty lớn khác.

Mình hiểu là không phải ai cũng có cơ hội vào làm Google. Mình muốn chỉ ra rằng các bạn nên ý thức một chút về thương hiệu của tổ chức mà bạn chọn tham gia: trường bạn học, giáo sư bạn làm việc cùng, công ty bạn thực tập. Những thương hiệu đó có thể sẽ giúp ích cho thương hiệu cá nhân của bạn.

3. Xây dựng sự hiện diện trên mạng

Không phải công ty nào cũng thừa nhận điều này, nhưng khả năng nhà tuyển dụng tìm kiếm thông tin về bạn trên mạng là hoàn toàn có thể. Bạn cần xây dựng sự diện diện chuyên nghiệp trên mạng của bạn để thương hiệu cá nhân của bạn trở nên hấp dẫn hơn với nhà tuyển dụng.

Trang đầu tiên bạn nên có là LinkedIn. Đây có thể là trang đầu tiên nhà tuyển dụng tìm đến để biết thêm thông tin về bạn. LinkedIn là mạng xã hội cho người tuyển dụng và người tìm việc. Bạn có trang cá nhân của bạn, khá giống như résumé, nhưng cho bạn nhiều đất hơn. Nhiều người có thể nói dối trên résumé, nhưng LinkedIn là một cái công khai, rất ít người dám liều lĩnh khai gian đến đó. Nó cũng là công cụ để bạn mở rộng mối quan hệ. Bạn có thể xem mối quan hệ giữa bạn và người bạn muốn kết nối, ví dụ, hai người có một mối quan hệ chung và nhờ mối quan hệ chung đó giới thiệu bạn với người bạn muốn kết nối.

Nhiều công ty đăng tuyển dụng trên LinkedIn, bạn có thể ứng tuyển dễ dàng với hồ sơ LinkedIn của mình.

Ngoài LinkedIn là cái tối thiểu nhất ra, kênh trên mạng của bạn tuỳ thuộc vào ngành nghề bạn hướng tới. Nếu bạn là nhà thiết kế hay hoạ sĩ, Behance là một trang bạn nên biết. Với người lập trình, GitHub vô cùng quan trọng. Các cây bút có thể chú ý đến Medium, Goodreads, hoặc tạo blog. Tương tự, sẽ có các trang khác nhau cho nhiếp ảnh gia, kiến trúc sư, người khởi nghiệp.

Nếu bạn muốn có một trang với tất tần tất thông tin về sự nghiệp của bạn, bạn có thể tạo một trang web cá nhân. Tạo một trang web cá nhân khá đơn giản và hoàn toàn miễn phí nếu bạn muốn – bạn thường chỉ trả tiền nếu bạn muốn có domain riêng. Domain riêng chỉ tổn khoảng $10/năm. Mình nói nó không khó vì mình đã có website riêng từ hồi học cấp 3, khi mà mình còn rất nghèo, nói tiếng Anh vẫn rất dở, và không biết lập trình.

Bạn cần phải ý thức rằng bất cứ thông tin gì bạn đưa lên mạng có thể sẽ được sử dụng để chống lại trong quá trình tuyển dụng. Không có gì bạn đưa lên mạng là mang tính cá nhân cả, và không có gì có thể đảm bảo rằng không ai biết bạn làm gì trên mạng. Bạn nghĩ rằng một bình luận không đâu vào đâu trên YouTube hay VOZ sẽ chẳng ảnh hưởng đến ai, nhưng bạn không bao giờ biết được rằng liệu nhà tuyển dụng tương lai có đọc được cái đấy hay không. Mình từ lâu đã không có tài khoản trên các diễn đàn, cũng như ngừng đưa các bức ảnh ăn chơi lên Facebook hay Instagram. Nó vừa giúp mình tiết kiệm thời gian, vừa giúp cho sự hiện diện trên mạng của mình “sạch” hơn.

Sau đây là ví dụ về một số sự hiện diện trên mạng của mình.

Là người tham gia vào thị trường lao động, dĩ nhiên mình có LinkedIn. Mỗi tuần, tên của mình xuất hiện trong khoảng gần 300 tìm kiếm. Một tháng, LinkedIn của mình có khoảng 300 – 400 người xem. Mình nhận được rất nhiều lời mời phỏng vấn từ LinkedIn.

kỹ sư khoa học máy tính, mình đầu tư vào GitHub. Một repo của mình có 1.8k stars (khá cao theo tiêu chuẩn GitHub) và được fork hơn 700 lần. Mình cũng nhận được khá nhiều thư từ những người thú vị qua GitHub.

Là nhà văn, mình bắt đầu đầu tư vào Goodreads của mình. Goodreads liệt kê các cuốn sách mình đã viết, nhưng mình cũng dùng nó để theo sát quá trình đọc của mình. Mỗi khi đọc cuốn sách nào, mình viết nhận xét về cuốn sách đó. Goodreads cho phép mình đọc nhận xét các cuốn sách khác, và giúp mình chọn sách mình muốn đọc.

Mình dùng Twitter chủ yếu để theo dõi những người làm trong ngành mình quan tâm và đọc tin họ đưa, chứ bản thân ít đưa tin.

Trang dạng diễn đàn duy nhất mình tham gia là Quora — nơi mà mình đọc nhiều hơn là tham gia trả lời. Quora là một cộng đồng khá tốt với sự tham gia của rất nhiều chuyên gia. Các câu hỏi bạn đưa ra ở đây thường nhận được những câu trả lời nghiêm túc từ các chuyên gia đầu ngành.

Trước đây, mình có trang web cá nhân (huyenchip.com), nhưng gần đây đã thấy nó không cần thiết. Mình có giữ blog learn365project.com, ý tưởng là mỗi ngày mình học một cái gì đó mới và viết về điều đó.

Nguồn: FB Huyen Chip