Chỉ cần một bản CV hay nhiều bản cho nhiều công việc khác nhau?

1022

Bài viết được sự cho phép của tác giả Lê Tuấn Anh

Hiện nay khi đi ứng tuyển công việc trên các trang TopDev, LinkedIn hay các tin tuyển dụng Facebook, chúng ta đều cần có CV. Khi chúng ta tìm việc, chắc chắn chúng ta không chỉ ứng tuyển cho một công việc hoặc một công ty duy nhất. Với việc ứng tuyển cho nhiều vị trí ở nhiều công ty khác nhau, nhiều bạn băn khoăn về việc nên viết một bản CV để rải đi nhiều nơi hay với mỗi nơi nên viết một bản khác nhau? Trong bài viết này mình sẽ giải đáp kỹ cho bạn phần này.

Câu trả lời nhanh là bạn nên có một bản “Master CV” hay “CV Chung” ghi lại tất cả những kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức bạn có – bản này dài bao nhiêu trang cũng được, không dùng bản này để ứng tuyển. Khi ứng tuyển, từ bản “CV Chung” ở trên, bạn chọn lọc thông tin sao cho phù hợp để thành một “CV Riêng”, dành riêng cho công việc bạn định nộp, cộng với việc thêm thắt một số từ khoá phù hợp (mình sẽ hướng dẫn bên dưới), bạn sẽ có một bản CV có cơ hội trúng tuyển cao. Cụ thể “CV Chung” và “CV Riêng” viết sao cho tốt bạn đọc tiếp ở dưới nhé.

1/ Cách viết bản Master CV – CV Chung

Gọi là “Master CV” tức là bạn có thể viết mọi thông tin có thể, giống như một “bách khoa toàn thư” giới thiệu về bản thân. Cụ thể các đề mục bạn có thể có trong một “CV Chung” đó là:

  • Thông tin cá nhân: Tên, Email, Số điện thoại. Địa chỉ LinkedIn với đa số chúng ta hoặc link Blog, Portfolio, Behance, Github với các bạn bên các mảng như Content, Thiết kế, IT.
  • Học vấn: Liệt kê từ học vấn đại học/cao đẳng, cho đến các khoá học ngắn hạn về kỹ năng mềm hoặc chuyên môn bạn học offline hoặc học online – không phân biệt kỹ năng gì hay ngành nghề gì.
  • Kỹ năng: Liệt kê tất cả các kỹ năng mềm (kiểu như giao tiếp, làm việc nhóm, thuyết trình) và kỹ năng cứng (ví dụ Marketing thì cần chạy quảng cáo Facebook, tổ chức sự kiện).
  • Kinh nghiệm & hoạt động ngoại khoá: Liệt kê hết các kinh nghiệm và hoạt động ngoại khoá bạn đã tham gia tại đây, với mỗi công việc cố gắng suy nghĩ 10-15 gạch đầu dòng khác nhau mô tả các đầu việc bạn đã làm (có kết quả công việc trong đó).
  • Thành tích & giải thưởng: Bất kỳ thành tích và giải thưởng nào từ trong trường học cho đến chỗ làm hoặc trong CLB, bạn nêu hết tại đây.
  • Người giới thiệu: Ghi ra tên, email, số điện thoại, chức vụ và công ty của bất kỳ người nào có khả năng nói tốt về bạn vào phần này.

“CV Chung” là nơi dùng để tổng hợp thông tin, vì vậy bạn không cần phải “suy nghĩ nhiều” để chọn lọc cái gì nên ghi cái gì không nên ghi. Khi nghĩ ra bất kỳ thông tin nào, cứ ghi hết vào bản CV này. CV này có thể dài nhiều trang, không nộp cho người khác nên không sao cả. Với bản CV này, mình gợi ý bạn nên dùng Google Doc hoặc Word để tạo, vì bản CV này không cần đẹp, chủ yếu để lưu trữ thông tin.

Tạo CV online miễn phí, nhanh chóng trên TopDev

2/ Cách viết “CV Riêng” – cho riêng từng công việc bạn nộp

Nếu như ở trên bạn có thể viết “xả láng”, với CV dùng để nộp cho công ty, bạn nên chắt lọc trong khoảng tối đa 2 trang đổ lại. Các đề mục trong CV vẫn giống như ở trên, nhưng thông tin cần cắt gọn lại, cụ thể theo hướng dẫn dưới đây:

  • Thông tin cá nhân: viết và trình bày sao cho gọn gàng nhất trong khoảng 1-2 dòng. Đừng để địa chỉ dài (chỉ nên để Quận/Thành phố), đừng để link dài ngoằng kiểu https://www.linkedin.com/in/anhtuanle234/ mà hãy dùng tính năng hyperlink để chèn link (ví dụ: LinkedIn).
  • Kỹ năng: Bạn nên chọn lọc khoảng 6-7 kỹ năng cốt lõi liên quan nhất đến công việc, cố gắng sử dụng nhiều các kỹ năng cứng. Kỹ năng mềm thường ai cũng có, khó làm bạn ấn tượng với người khác. Ví dụ một người làm Content có bộ kỹ năng “Tìm kiếm thông tin”, “Thiết kế hình minh hoạ”, “Viết bài chuẩn SEO” sẽ hay hơn là “Giao tiếp”, “Làm việc nhóm”. Bạn có thể xem chi tiết hướng dẫn viết kỹ năng trong CV tại đây.
  • Kinh nghiệm: Mỗi công việc cũng chỉ nên tập trung khoảng 6-8 gạch đầu dòng. Mỗi gạch đầu dòng phải làm sao để có số liệu kết quả và chứng minh cho một kỹ năng đã viết ở kỹ năng.
  • Học vấn: Ngoài học vấn chính quy, bạn chọn ra 2-3 học vấn phụ bổ sung, đừng nên viết quá nhiều.
  • Thành tích & giải thưởng: có thể cân nhắc gộp chung nếu đó là thành tích của học vấn hoặc thành tích của kinh nghiệm làm việc.

  CV chuẩn ATS là gì? Bí kíp đậu phỏng vấn với CV chuẩn ATS

  Tối ưu hóa CV bằng ChatGPT: Gây ấn tượng nhà tuyển dụng ngay từ lần đầu

Sau khi đã hoàn thành việc cắt gọt ở trên, bạn có thể dành chút thời gian phân tích JD và website công ty để chọn ra những từ khoá hay, đặc trưng của công ty đó để đưa vào CV. Việc này giúp cho CV của bạn thu hút người đọc hơn và tăng cơ hội trúng tuyển hơn.

Chúc các bạn có một bản CV chỉn chu.

Bài viết gốc được đăng tải tại anhtuanle.com

Xem thêm: