Chia sẻ kinh nghiệm khi chuẩn bị ra trường, xin việc và phỏng vấn (Phần 2)

2223

Bài viết được sự cho phép của tác giả Nguyễn Trương Trung Tín

Mình xin viết tiếp bài post hôm trước về những lần đi phỏng vấn của mình, nó có thể cho bạn 1 chút kinh nghiệm khi chưa đi phỏng vấn lần nào. Còn khi bạn đã phóng vẫn vài lần và kinh nghiệm đầy mình rồi thì có thể đọc chơi xem “lần đầu” của mọi người có cảm giác giống nhau hết hay không. Mình có phỏng vấn 3 lần thì mình xin kể lại và cuối cùng là phần rút ra kinh nghiệm nhé.

  'Toát mồ hôi' phỏng vấn tuyển dụng vào Apple

Những lần phỏng vấn:

Lần 1 – phỏng vấn làm nhân viên chính thức (lúc này mình vừa học xong năm 3):

Không cần nói các bạn cũng biết thì lần đầu lúc nào cũng là lần khó khăn nhất. Một là vì lúc này bạn chưa có kinh nghiệm làm việc ở đâu cả nên rất dể chết trong những câu kiến thức. Lí do khác là vì bạn chưa bao giờ phải moi móc kiến thức mình ra để nói chuyện trực tiếp với người khác lâu đến vậy, trừ khi bạn có đi dạy thêm cho những bạn cùng lứa. Vì vậy, nên lần này sẽ là lần dễ đánh gục bạn nhất. Nhưng không sao cả, Thomas Edison vẫn vĩ đại khi ông có khoảng 10.000 thất bại nên 1 lần của bạn cũng không là cái đinh gì cả. Mình cũng thất bại trong lần này nhé.

Ở lần phóng vấn này mình cũng không chuẩn bị gì nhiều cả vì cũng không có gì chuẩn bị. Nhưng trước hôm phỏng vấn mình có hơi căng thẳng và không ngủ được do mình chỉ nộp CV thử thôi nhưng không ngờ họ lại gọi mình, vì mình mới học xong năm ba và công việc này lại cần người ra trường hoắc 1, 2 năm kinh nghiệm. Do lần đầu nên mình bị stress dữ lắm, trước phỏng vấn mấy ngày cứ lo lắng suốt thôi. Khi vào phòng phỏng vấn, mình mô tả lại xíu là phòng khoảng 10m2, có 2 thánh đang ngồi sẵn đặt CV của bạn trước mặt. lần lượt 2 người đứng dậy bắt tay mình lúc này run không nói được gì luôn, cứng hết cả người. Ngồi xuống lấy lại tí bình tĩnh. Thì câu hỏi đầu tiên của những cuộc phỏng vấn sẽ là giới thiệu bản thân bạn.

Do run quá mình không nói được gì nhiều, hình như họ cũng không đánh giá cao phần này lắm. Rồi họ hỏi vài ba câu đại loại làm quen như hỏi về phần học tập của mình, cấp 3 học trường này hả, chuyên gì… Cuối cùng thì họ sẽ vào vấn đề chính là kiến thức. Ban đầu họ sẽ nhìn CV bạn mà hỏi những thứ bạn ghi chép trong đó. Họ hỏi rất kĩ càng đến khi nào bạn không biết nữa thì thôi. Phần này thì mình ok vì chuẩn bị khá tốt. Nếu bạn có trả lời sai gì họ có thể góp ý cho bạn ngay tại đó để biết mình sai luôn nhé. Tiếp đến sẽ là phần kiến thức họ cần cho công việc, ví dụ như bạn xin vào làm team ứng dụng nghe nhạc. Thì lúc này họ sẽ hỏi những thứ như tạo service để chạy nhạc làm sao, lấy nhạc như thế nào…. Còn 1 phân nữa không thể thiếu là họ sẽ hỏi bạn về OOP và data structure. Những phần này chú ý là bạn nên tìm hiểu kĩ nhá, mình ỷ y không hỏi nên phần này mình hơi ú ớ xíu. Xong xuôi tất cả thì họ sẽ trao đổi những thứ liên quan đến công ty họ, xem bạn có thật sự quan tâm không, bạn đã tìm hiểu gì về họ chưa. Xong thì về và đợi họ gọi báo kết quả, và kết quả của mình là không được gọi…

Lần 2 – phỏng vấn thực tập (vừa sau pv lần 1 vài tuần):

Sau đó ít tuần thì họ có gọi và bảo mình phỏng vấn thực tập. Mình cũng ok và đi thử vận may xem sao. Do cách lần pv trước ko xa nên kiến thức mình không lo lắm, còn về tâm lý thì lần này mình có vẻ đỡ stress hơn vì dù sao mình cũng đã có ít kinh nghiệm với lại tính chất quan trọng lần này cũng không lớn lắm nên cứ vậy mà đi phỏng vấn thôi. Nhưng đời không như là mơ bước vào chổ phỏng vấn thì thấy cả 6 7 người đứng đấy đợi phỏng vấn, quen cũng có mà là cũng có. Mà mình lại là người vào đầu tiên nữa chứ.

Lúc này bao nhiêu tự tin của mình bay hết rồi. Tay chân thì cứng đơ đứng đó, đợi “bị” kêu vào để pv. Lại giống hệt như lần đầu phỏng vấn là phòng nhỏ, 2 người ngồi sẵn đấy (lúc sau có thêm 1 người nữa, sau này vào làm mới biết là sếp to). Mình thì lại tim đập nhanh, miệng thì khô, đầu óc thì ngưng hoạt động, y hệt như lần trước vậy. Nhưng ít ra lần này mình rút kinh nghiệm được 1 tí, chủ động bắt tay, rồi ngồi xuống, rót 1 miếng nước uống lấy lại bình tĩnh và bắt đầu pv. Thì về cách phỏng vấn chẳng khác gì lắm so với lần 1, có điều lần này mấy sếp hỏi hơi kĩ hơn.

Đặc biệt là lúc sếp to xuống hỏi toàn những cái khó bên phần OOP với data structure, phần này thì mình hơi yếu và không kịp ôn nên khi pv xong tự nói luôn là thôi rồi, lần này tạch là cái chắc. Nhưng vì định luật bắt cầu nên lần trước nghĩ đậu thì lại rớt suy ra lần này nghĩ rớt thì lại đậu. Khoảng tuần sau mình được gọi đi pv lần 2. Và cũng biết luôn nguyên nhân mình không pass nhân viên chính thức. Lí do là mình không thể làm fulltime được, nên họ sẽ cho mình vào thực tập để tích lũy kinh nghiệm. Thì lần pv sau này cũng không có gì để kể, như cuộc nói chuyện hỏi thăm làm quen giữa cty và mình, sau đó deal lương và kí hợp đồng thôi.

Lần 3 – phỏng vấn xin học bổng (sau lần 2 khoảng 5 tháng):

Lần phỏng vấn này thì mình đã khá tự tin bà bình tĩnh để bắt đầu rồi. Và do lần này là pv xin học bổng nên cũng không liên quan tới kiến thức lắm (mình đã test kiến thức với họ trước đó rồi). Thường thì họ sẽ hỏi về định hướng tương lai của mình trước, cả gần lẫn xa luôn. Bạn cứ nói thoải mái, không có chuyện gì cả. Nhưng tốt nhất là nên có dự định gì liên quan tới cty họ thì tốt nhất nhé. Sau đó thì họ hỏi xem bạn biết gì về công ty hay chưa, biết thì kể họ nghe. Để xem bạn có quan tâm họ không ấy mà. Về phần pv này mình thấy hơi chán với lại không liên quan gì đến kiến thức cả nên mình pass qua luôn nhé.

Kinh nghiệm bản thân rút ra được:

Sau 3 lần pv thì mình có tích lũy được 1 số kinh nghiệm về việc chuẩn bị trước và trong lúc phỏng vấn để chia sẽ cho các bạn như sau:

Trước khi phỏng vấn:

Theo mình thấy thường thì khoảng thời gian này bạn sẽ có khoảng 1 tuần để chuẩn bị. Vậy các bạn nên chuẩn bị những gì? Kiến thức là thứ chắc chắn sẽ là quan trọng nhất. Bạn nên xem lại tất cả những thứ bạn đã ghi trong CV về công việc đó. Càng kĩ càng tốt. Và đặc biệt xem luôn phần OOP, data structure,… Vì những cái đó hình như là việc nào cũng vần đến cả. Và cuối cùng nên tìm hiểu thêm 1 ít thông tin của công ty bạn sắp vào pv nữa nhé. Ok lúc này nếu kiến thức bạn đã vững rồi thì giờ đến tinh thần. Thứ ảnh hưởng không kém đến chất lượng của màn trình diễn của bạn sắp tới. Chắc luôn là nếu lần đầu thì cả tuần trước khi pv bạn sẽ có 1 số hôm cảm thấy hơi căng thẳng, không làm được gì, lo tới lo lui,… Khi các bạn cảm thấy cảm giác đó thì mình khuyên là đừng cố nhồi nhét thêm kiến thức gì vào lúc đó cả, thư giản đi nhé, có thể xem 1 bộ phim, đá 1 trận banh, hoặc nghe vài list nhạc, những việc đó chỉ mất từ 1->2 tiếng thôi. Không nhiều nhưng đủ cứu cả ngày làm việc của bạn hôm đó đấy. Cứ thư giản đến lúc bạn cảm thấy ok rồi thì hay work tiếp. Nếu bạn đang căng thẳng mà work tiếp sẽ rất dễ gây ra stress và ảnh hưởng rất lâu đến suy nghĩ và đầu óc của bạn. Và nếu kéo dài đến trước lúc bạn phỏng vấn thì sẽ rất khó cho bạn. Trước lúc phỏng vấn thì chỉ có 2 việc đó thôi là kiến thức và tinh thần, bạn chuẩn bị được tốt 2 việc thì quá ok

Khi đến công ti phỏng vấn:

Việc đầu tiên mình lưu ý là khi đến công ty phỏng vấn không nên uống quá nhiều nước nha, và đặc biệt là không được uống nước có chất kích thích như redbull chẳng hạn. Nó sẽ làm đầu óc bạn căng ra đấy. Nên ăn 1 ít trái cây trước khi đi thì tốt hơn.

Còn vấn đề khác là trang phục, nên nhớ phỏng vấn việc gì thì chọn trang phục cho nó hợp với công việc đó xíu nha. Phỏng vấn làm software developer mà mặc sơ mi, đóng thùng, mang cà vạt thì nó hơi không hợp mắt tí nào. Còn 1 lưu ý là nếu bạn phỏng vấn làm mobile thì nếu đang xài cục gạch thì đừng đem ra trước mặt người phỏng vấn nhé. Vì mình nghĩ đơn giản là thợ chụp ảnh không thể được người khác thuê khi trong tay chỉ có máy ảnh dỏm được, thì với dân làm mobile mình cũng nghĩ thế.

Cuối cùng đến lúc vào phòng pv thì trước khi vào nên uống 1 ngụm nước để cổ họng không bị khô nhé. Để gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng thì bạn nên chủ động tươi cười, đưa tay ra bắt tay vói họ và lúc nào cũng giữ trạng thái tươi cười nhé. Một điều cực kì quan trọng mình muốn nói là các bạn đừng nghĩ họ giỏi hơn mình, cứ nghĩ là mình đang nói chuyện với bạn như trong lớp vậy thôi, bạn nó hỏi bài chổ nào thì mình chỉ cho nó hết khả năng. Nếu bạn kiểm soát cuộc pv như là 1 cuộc nói chuyện bình thường giữa những developer với nhau thì bạn đã thành công trong việc giữ bình tĩnh rồi đấy. Cuối cùng là với những câu hỏi bạn không biết thì đừng trả lời bừa nhé, tuyệt đối không được trả lời bừa, mà hãy nói là: “vấn đề này em vẫn chưa được tìm hiểu, nhưng nếu có thời gian em sẽ tìm hiểu nó sau ạ”.

Nói vậy sẽ tạo thiện cảm cho người tuyển dụng hơn.

Chúc các bạn thành công nhé.

Bài viết gốc được đăng tải tại tinntt.github.io

Có thể bạn quan tâm:

Xem thêm Các vị trí tuyển dụng it hấp dẫn trên TopDev