Biết đồng nghiệp cùng cấp nhận lương cao hơn mình, thay vì bực tức hay chán nản, hãy bình tĩnh làm những việc sau

3290
Tại hầu hết các công ty, vấn đề lương của nhân viên không được công khai và mỗi người chỉ biết mức lương của chính mình. Tuy nhiên trong trường hợp bạn biết được với cùng một vị trí, đồng nghiệp đang nhận lương cao hơn mình, bạn nên làm gì?

Giữ bình tĩnh

Thông thường khi biết mình đang nhận mức lương thấp hơn đồng nghiệp, đa số mọi người có cảm giác ngạc nhiên, chán nản, thậm chí bức xúc, tức giận. Một số người không điều tiết được cảm xúc, sẽ chạy ngay sang phòng sếp thắc mắc: “Tại sao tôi cũng làm tốt mà lương tôi lại thấp hơn anh A?”, hoặc nhận thấy rất khó để tiếp tục tập trung vào công việc hiện tại. Lúc này hành động cần thiết là chạy ra ngoài hít thở không khí, uống một tách cà phê và suy nghĩ nghiêm túc xem nên làm gì tiếp theo.

Tìm hiểu nguyên nhân vì sao đồng nghiệp hưởng lương cao hơn

Có nhiều yếu tổ ảnh hướng đến mức lương, không chỉ giới hạn ở vị trí và bản chất công việc. Ví dụ nếu đồng nghiệp có học vấn tốt hơn, kinh nghiệm nhiều hơn, kỹ năng giao tiếp tốt hơn… thì khả năng anh ấy nhận lương cao hơn là có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, thời điểm cũng là một yếu tố cần cân nhắc. Những người được tuyển dụng trong thời điểm công ty đang rất cần nhân sự hoặc công ty đang trên đà tăng trưởng mạnh thường được đưa ra mức lương cao hơn các giai đoạn khác.

Một khả năng nữa là trong quá trình phỏng vấn, đồng nghiệp mạnh dạn thương lượng, đề nghị mức lương cao hơn của bạn, và được công ty chấp nhận. Nếu những yếu tố này tồn tại, bạn nên ngừng lăn tăn và quên vấn đề chênh lệch lương đi.

Trải nghiệm công cụ tính lương gross to net chuẩn tại TopDev

Tham khảo mức lương trên thị trường

Việc tham khảo thị trường giúp bạn có cái nhìn đúng đắn hơn về mức lương mình nhận về. Bên cạnh đó cũng giúp bạn nhìn rõ hơn bức tranh toàn cảnh về thang lương hiện tại trong ngành nghề bạn đang làm. Tuy nhiên có một điểm cần nhớ, những yếu tố ngoài lương (chi phí đóng bảo hiểm cao, thời gian nghĩ phép dài hơn, giờ giấc làm việc linh hoạt…) có thể làm mức lương của bạn thấp hơn một chút so với mức trung bình trên thị trường.

Trao đổi với bộ phận nhân sự

Nếu muốn tránh đụng độ với sếp, hãy gặp bộ phận nhân sự để tìm hiểu. Những người này có thể nắm rõ lý do vì sao đồng nghiệp A có mức lương cao hơn bạn, đồng thời đưa ra lộ trình tăng lương của công ty để khuyến khích bạn tiếp tục phấn đấu.

Nói chuyện với sếp

Nếu làm tất cả những bước trên mà vẫn không thấy thỏa đáng, hãy trao đổi trực tiếp với sếp. Tuy nhiên không nên đề cập đến tên tuổi đồng nghiệp mà chỉ nói chung chung như: “Tôi biết có những đồng nghiệp cùng cấp nhận nhiều lương hơn tôi, trên thị trường mức lương của tôi ở vị trí trung bình/thấp, vậy tôi có thể làm gì để cải thiện”. Đi cùng với thái độ tìm hiểu và hợp tác, câu hỏi của bạn có vai trò “đánh tiếng” để sếp biết bạn không hài lòng với mức lương hiện tại và mong muốn nhận được những gì xứng đáng hơn.

Tìm công việc mới

Sau một thời gian trao đổi, nếu sếp không có động thái gì trong khi với khả năng hiện tại, bạn hoàn toàn có thể tìm được công việc khác tốt hơn thì đừng ngại ngần chuyển việc. Nhưng trước khi tìm được việc mới, hãy tiếp tục làm tốt công việc cũ vì bạn vẫn cần chi phí trang trải cho các sinh hoạt hàng ngày.
 

Nguồn: Applancer Careers