Automation Test là gì? Tester cần kỹ năng gì để làm Automation Testing

7883

Automation Test là một phần trong lĩnh vực kiểm thử phần mềm và được xem như cánh tay phải hỗ trợ đắc lực trong việc kiểm tra chương trình, source code. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu suất, giảm thiểu thời gian, lỗi, cũng như sự nhàm chán so với kiểm thử thủ công (Manual Test). Vậy Automation Test là gìTester cần những kỹ năng gì để làm được Automation Test trong dự án; bài viết hôm nay chúng ta cùng nhau trả lời cho câu hỏi trên nhé.

Automation Test là gì?

Kiểm thử tự động, Automation Test được hiểu đơn giản là việc thay vì test chương trình bằng tay, thao tác từng bước như người dùng, thì sẽ sử dụng máy để thực hiện toàn bộ hoặc 1 phần quá trình trên. Automation Testing có thể thay thế Manual Testing trong một hoặc toàn bộ các bước từ khởi động hệ thống, nhập dữ liệu đầu vào, kiểm tra so sánh với dữ liệu đầu ra và ghi kết quả.

Automation Test là gì?

Để thực hiện được công việc kiểm thử một cách tự động thì chúng ta cần sử dụng đến các công cụ kiểm thử gọi là Automation Testing Tool; sau đó viết các đoạn mã (script) tùy theo từng công cụ để cung cấp đầu vào theo từng testcase; phần mềm kiểm thử tự động sẽ hỗ trợ chạy chương trình và thực hiện việc kiểm thử, sau đó cho đầu ra với kết quả tương ứng PASS/FAIL theo từng testcase.

Một số phần mềm kiểm thử tự động nổi tiếng hiện nay gồm:

  • Selenium: phần mềm mã nguồn mở hoàn toàn miễn phí, hỗ trợ hoạt động trên trình duyệt với nhiều nền tảng khác nhau như MacOS, Windows, Linux, … cho các ứng dụng Web. Selenium hỗ trợ bạn viết script bằng nhiều ngôn ngữ lập trình khác nhau từ Java, JavaScript, Python,…
  • Appium: là phần mềm kiểm thử tự động mã nguồn mở dành cho các ứng dụng di động, hỗ trợ các ngôn ngữ lập trình phổ biến như Java, Python, C#, …. Appium có thể sử dụng cho việc kiểm thử các ứng dụng chạy trên nền tảng Android, iOS cho cả các thiết bị giả lập và thiết bị thực.
  • Cypress: là một công cụ kiểm tra giao diện người dùng cho các ứng dụng Web, chạy được trên Windows, Linux và macOS giúp thực thi được nhiều loại test như End-to-End, test tích hợp hay Unit Test.
  • Postman: Postman được biết đến là một công cụ cho phép chúng ta thao tác với API, phổ biến là REST API. Ngoài ra thì Postman cũng là một công cụ kiểm tra tự động hóa được sử dụng khi kiểm thử API đồng thời tích hợp các công cụ CI/CD phổ biến.
  • Apache Jmeter: một công cụ mã nguồn mở nổi tiếng dành cho việc kiểm thử hiệu suất 1 cách tự động, chủ yếu dành cho các ứng dụng Web.

  Triển vọng của automation tester trong tương lai

  Automation testing: Một số công cụ hữu ích cho tester

Quy trình thực hiện kiểm thử tự động

Việc quyết định có lựa chọn Automation Test để thực hiện việc kiểm thử trong quá trình thực hiện dự án hay không phụ thuộc chủ yếu vào tính chất, đặc thù của dự án và khả năng đáp ứng của các thành viên trong team dự án. Kiểm thử tự động đòi hỏi tester cần có kỹ năng viết code hay script cho các công cụ Auto Test.

Quy trình thực hiện kiểm thử tự động

Sau khi xác định lựa chọn Automation Test cho dự án, các bước tiếp theo sẽ được thực hiện để đảm bảo quy trình kiểm thử tự động được thực hiện:

1. Lựa chọn phần mềm kiểm thử

Kiểm thử tự động sẽ được thực hiện bởi một phần mềm (công cụ) kiểm thử nhất định, mỗi phần mềm sẽ có những đặc thù và phục vụ cho những ứng dụng khác nhau; vì vậy bạn nên cân nhắc những điểm sau khi lựa chọn phần mềm:

  • Ngôn ngữ mà phần mềm hỗ trợ: Java, JavaScript, Python,….
  • Phần mềm hỗ trợ những loại kiểm thử nào: kiểm thử tích hợp, kiểm thử đơn vị, kiểm thử hệ thống,…
  • Phần mềm hoạt động trên nền tảng nào: Web, Desktop app, Mobile app, …
  • Chức năng báo cáo của phần mềm hay xuất dữ liệu đầu ra có đảm bảo để phù hợp với yêu cầu của dự án

Xem thêm các vị trí tuyển Tester lương cao trên TopDev

2. Xác định phạm vi test tự động

Kiểm thử tự động sẽ phù hợp với những bài toán có những đặc điểm như dưới đây:

  • Lượng dữ liệu cần kiểm thử lớn
  • Khả năng sử dụng lại các testcase cao ở nhiều màn hình hay chức năng
  • Sự phức tạp của yêu cầu kiểm thử mà Manual Test khó thực hiện được; chẳng hạn như yêu cầu về số lượng truy cập lớn cùng 1 thời điểm
  • Tính khả thi về mặt logic kiểm tra kết quả: chẳng hạn như rất khó để sử dụng Auto test cho việc xác định về mặt UX của ứng dụng

Từ những đặc điểm trên chúng ta sẽ xác định ra được phạm vi mà Automation Test nên được áp dụng vào dự án của mình.

3. Lên kế hoạch thiết kế testcase, viết script (code) thực thi

Giai đoạn này, kiểm thử tự động sẽ dựa trên các testcase cụ thể và chuyển nó thành source code hay script cho phần mềm kiểm thử tương ứng. Nó khá giống với việc chúng ta lập trình viết ra ứng dụng. Việc phát triển source code kiểm thử tự động cũng có thể phát triển thành các bộ kiểm thử tự động có khả năng tái sử dụng trong các dự án, chức năng, màn hình sau này.

4. Thực thi kiểm thử tự động 

Việc thực thi kiểm thử được các phần mềm chạy hoàn toàn tự động; để đảm bảo nó hoạt động đúng thì chúng ta cần thiết lập các thông số đầu vào đúng như yêu cầu. Ngoài ra việc xuất kết quả đầu ra theo đúng định dạng mong muốn cũng nên được quan tâm để giúp có thể nhanh chóng xác định được testcase fail, liên hệ với đội phát triển và nhanh chóng khắc phục.

5. Cập nhật và bảo trì

Như đã đề cập ở trên, mỗi tập hợp Automation Test case đều có thể xem là một dự án nhỏ. Để tối ưu hóa và tái sử dụng một cách hiệu quả, đội kiểm thử cần có sự cập nhật chỉnh sửa và bảo trì thường xuyên đáp ứng được nhu cầu và sự thay đổi của phần mềm, ứng dụng.

Tester cần kỹ năng gì để làm Automation Testing

Tester cần kỹ năng gì để làm Automation Testing

Nếu bạn đang là một Tester và muốn trở thành một Automation Tester; hãy cứ cố gắng trước hết để nắm được các kiến thức liên quan đến kiểm thử; các loại kiểm thử; các kỹ thuật kiểm thử. Bất cứ kỹ thuật nào trong Automation Test đều dựa trên những kiến thức cơ bản về kiểm thử, vì vậy hãy xem AutoTest như một công cụ để phát triển, mở rộng khả năng nghề nghiệp hơn là một hướng đi riêng biệt.

Với một Automation Tester, bạn cần được trang bị thêm các kiến thức như sau:

  • Nguyên lý nhận dạng objects: cách để tìm kiếm và lấy ra đúng phần tử cần thao tác trên ứng dụng thông qua HTML hay Xpath
  • Lựa chọn sử dụng phần mềm kiểm thử tự động: Mặc dù mỗi phần mềm kiểm thử tự động sẽ có cách viết khác nhau, tuy nhiên nguyên lý hoạt động đều khá tương đồng. Bạn nên bắt đầu bằng những phần mềm phổ biến như Selenium cùng sự hỗ trợ lớn từ cộng đồng
  • Sử dụng tốt một ngôn ngữ lập trình cho việc viết source code autotest
  • Các kỹ năng về coding, debugging và cách sử dụng các IDE
  • Thường xuyên học hỏi, update các kiến thức mới, công nghệ, phần mềm liên quan đến Automation Testing.
  Automation Test là gì? Tester cần kỹ năng gì để làm Automation Testing

Kết bài

Kiểm thử tự động là một mảng con trong lĩnh vực kiểm thử phần mềm và đang có xu hướng phát triển và ngày càng có vai trò quan trọng hơn trong phát triển dự án. Trở thành một Automation Tester có thể là hướng đi tốt dành cho sự nghiệp của bạn. Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu được Automation Test là gì và bạn sẽ cần trang bị kỹ năng gì để làm được kiểm thử tự động. Cảm ơn các bạn đã đọc và hẹn gặp lại trong các bài viết tiếp theo của mình.

Tác giả: Phạm Minh Khoa

Xem thêm: 

Tổng hợp tin tuyển dụng việc làm IT lương cao trên TopDev