Vừa đủ để đi (go)

4006

Bài viết được sự cho phép của tác giả Nguyễn Việt Hưng

Series bài viết giúp lập trình viên đã biết Python bắt đầu code Go mượt mà hơn – tài liệu bổ trợ cho Go tour chứ không để thay thế – phần 1.

Golang là gì

golang

Go (hay còn gọi là Golang theo tên trang chủ golang.org) là một ngôn ngữ lập trình mới xuất hiện trong công chúng vào năm 2009 (vs: Python 1991, Java 1995), tại Google.

Go được thiết kế ra với mục tiêu thay thế cho C++, nhưng khi tung ra cộng đồng, nó lại trở thành ngôn ngữ hấp dẫn đối với các lập trình viên dùng ngôn ngữ bậc cao hơn như PythonRuby, PHP, NodeJS… nhờ khả năng chạy code nhanh, dùng ít tài nguyên hơn, deploy dễ hơn so với các ngôn ngữ này.

Go trở thành một trào lưu (trend) công nghệ trên internet, với các bài viết “Write X in Go” luôn trở thành bài hot (và giờ thì tới Rust). Go được sử dụng như một ngôn ngữ “backend”, rất thịnh hành tại các startup công nghệ để viết “service” trong các hệ thống “microservice”, web API. Go còn được dùng phổ biến để viết các câu lệnh command line.

Go đã ở giai đoạn “production ready”, đủ ổn định và đã được chạy trên các hệ thống lớn trên toàn cầu. Các sản phẩm opensource viết bằng Go được dùng rộng rãi như: Kubernetes, Docker, Terraform, InfluxDB, Prometheus, Grafana, …

Những lĩnh vực khác cũng đã có mặt Go nhưng chưa thực sự thành công: mobile, frontend (JavaScript), làm website (như Django/RubyOnRails), Machine Learning.

Những ưu điểm nổi bật của Go

    • Ngôn ngữ đơn giản: Go có ít khái niệm hơn các ngôn ngữ lập trình khác C++/Java/Python/Ruby… Go tại năm 2020 có 25 keywordsPython 3.8 có 35 keywords. Hầu hết các công ty tuyển lập trình viên Go đều không yêu cầu kinh nghiệm code Go, chỉ cần tuyển 1 lập trình viên đã dùng ngôn ngữ khác, qua training 1-2 tuần là đã có thể viết code production, trông không khác gì lập trình viên lâu năm.
    • Code Go viết bằng chính Go, ai cũng có thể đọc kiểu dữ liệu map được viết thế nào – so với Python (CPython) sẽ phải đọc code C.
    • Hệ thống thư viện có sẵn (stardard library) đa dạng, đầy đủ – ngang ngửa Python, thậm chí còn hơn: gửi HTTP request chỉ cần dùng net/http, không phải cài requests như Python (mặc dù Python có thể dùng urllib nhưng không mấy ai dùng), đầy đủ jsonregexp, cho tới HTTP server sẵn sàng chạy production.
    • Compile nhanh: so với các ngôn ngữ C/C++/Java/C#… thì Go compile nhanh gấp nhiều lần
    • Sản phẩm compile tạo ra là 1 file binary. Sau đó chỉ cần mang file này đi chạy là xong – điểm này khác biệt lớn so với Python, NodeJS, Ruby – phải cài các “dependency” (pip/npm/gem) rồi mới chạy được code (Go cũng cần tải các dependency, nhưng chỉ cần thực hiện trước khi compile ra file binary).
    • Code chạy nhanh: Go tuy không nhanh bằng C/C++/C#/Java trong hầu hết các trường hợp, chậm hơn cỡ 2-5 lần, nhưng nhanh hơn Python/Ruby cỡ 20-100 lần,
    • Tốn ít memory – bộ nhớ: ít hơn Ruby cỡ 15 lần
    • Quản lý bộ nhớ tự động (tương tự Python/Ruby/Java…)
  • Dễ viết code concurrency, dùng multi-core (thay vì dùng thread/async).

Những khác biệt chủ yếu với Python

Cách viết và chạy code

Go là compiled language, trước khi chạy được code phải qua 1 bước compile để tạo ra file binary, rồi sau đó mới chạy được file này. Go không có sẵn REPL, không bật lên gõ code trực tiếp như Python được. Mỗi lần sửa gì, thử gì, phải compile lại rồi mới chạy được.

go build
./filename

Vậy nên cách nhanh nhất để thử 1 đoạn code trong Go có lẽ là viết unittest. test rất phổ biến với một Go project, là một phần có sẵn trong bộ công cụ dev.

Với 1 file code đơn giản, có thể dùng lệnh go run main.go để làm gộp 2 bước, compile rồi chạy file kết quả luôn.

Auto format – go fmt

Go là ngôn ngữ lập trình đầu tiên đưa 1 công cụ format code tự động vào tiêu chuẩn, chấm dứt mọi tranh cãi về code-style/format code. Ý tưởng tuyệt vời này sau được copy sang nhiều ngôn ngữ khác (như Python black)

go fmt

Static typing

Python là ngôn ngữ dynamic typing, Go là static typing. Nếu chưa từng code ngôn ngữ static typing hay chưa dùng type annotation của Python, khác biệt này sẽ gây chút khó khăn lúc bắt đầu code Go.

Theo python wiki

In a statically typed language, the type of variables must be known (and usually declared) at the point at which it is used. Attempting to use it will be an error. In a dynamically typed language, objects still have a type, but it is determined at runtime. You are free to bind names (variables) to different objects with a different type. So long as you only perform operations valid for the type the interpreter doesn’t care what type they actually are.

Static/dynamic typing nói tới kiểu (type) của 1 biến (variable/name). Trong dynamic typing, kiểu của 1 biến có thể thay đổi:

x = 10
x = "PyMi"

Trong static typing, kiểu của 1 biến là cố định, và được khai báo ngay từ trước khi dùng, code sau sẽ gặp lỗi khi compile, và không tạo ra binary nào để chạy.

var x int = 10
x = "PyMi"
cannot use "PyMi" (type untyped string) as type int in assignment

Trong Python3.6+, sử dụng type annotation, kết hợp với mypy để check cũng sẽ cho lỗi tương tự (nhưng vẫn chạy được).

x: int = 10
x = "PyMi"
print(x)
$ mypy typetest.py
typetest.py:2: error: Incompatible types in assignment (expression has type "str", variable has type "int")
Found 1 error in 1 file (checked 1 source file)

Kiểu của các biến trong Go nói chung phải khai báo (declare), Go có thể tự suy luận (type inference) được trong một vài trường hợp đơn giản.

x := 10
s := "PyMi"

Low level

Được thiết kế nhằm thay C/C++ pha lẫn sự đơn giản dễ đọc của Python, code Go thường đơn giản hơn code C/C++ nhưng khá “thủ công”/”low level” so với code Python. Lập trình viên Python code Go nên quen với việc bỏ bớt đi nhiều tính năng tiện lợi, phải viết nhiều code hơn.

  • Go không có list comprehension
  • Go không có map/filter
  • Go không có kiểu set
  • Go không có 4 in [2,3,4] để kiểm tra phần tử có trong list không
  • Sort trong Go chắc chắn dài hơn L.sort(reverse=True)
  • Reverse string sẽ không phải làs[::-1] mà dài cả mét
  • Không đơn giản chỉ json.loads để biến str thành dict mà phải định nghĩa struct theo cấu trúc của JSON.

Code Go nhìn chung sẽ dài hơn code Python, vậy nên lập trình viên nên sắm cho mình một IDE xịn (như GoLand/IntelliJ IDEA , VSCode hay vim + vim-go), với khả năng dùng snippet để sinh code.

Sự bất tiện này sẽ đỡ khó chịu đi nhiều khi đã quen dùng snippet.

Học lập trình Go (khi đã biết Python)

Bao nhiêu là đủ? Em vui là được có phải không!

Không ai đọc hết quyển từ điển tiếng Việt rồi mới ra nói câu đầu tiên, không ai học lên tiến sỹ âm nhạc rồi mới chạm tay vào đánh đàn. Khi học Python tại PyMi.vn, ta học từng chút, dùng từng chút, chứ không học hết lý thuyết cả Python rồi mới thực hành. Cũng không phải học asyncthreadingmetaclass rồi mới chịu đi làm.

Học Go cũng vậy, dùng gì học đấy, cần gì học đấy. Cần gì thì phụ thuộc vào bạn định làm gì, một Python web developer sẽ học Django, ORM, làm việc với database trong khi một SysAdmin/DevOps engineer lại làm việc với file, process…

Tài liệu

Viết code Go

Cài Go lên máy rồi viết code ra file, hoặc code online trên trang Play https://play.golang.org/

Go chạy code từ function main thuộc package main. code “Hello world!” như sau:

package main

import "fmt"

func main() {
    fmt.Println("Hello, world.")
}

Naming

Go dùng camelCase, với ý nghĩa đặc biệt khi chữ cái đầu viết hoa hay viết thường. Nếu viết hoa, var/function/type đó sẽ trở thành “public”, code bên ngoài package hiện tại truy cập được, còn không viết hoa sẽ là “private”.

Data types

Built-in

  • nil: nil là một giá trị, không có kiểu, đại diện cho sự “không tồn tại”.
  • bool: kiểu boolean gồm 2 giá trị true false, các boolean operator && (and), || (or) tuân theo short-circuit.
  • int: các kiểu số trong Go đều có kích thước, int có kích thước 32 hoặc 64 bits tùy theo bản (chủ yếu 64 bits). Các kiểu cụ thể int8 int16 int32 int64, có kích thước là 2 mũ n, int8 int16 thường chỉ dùng khi tối ưu về memory. int64 biểu diễn được giá trị trong khoảng (-2**64/2, 2**64/2), muốn tính giá trị lớn có thể sử dụng package có sẵn math/big.
  • float32 hoặc float64: chú ý không có kiểu floatTuân theo chuẩn IEE754 nên x, y, z := 0.1, 0.1, 0.1 thì x + y + z == 0.3 sẽ trả về false. Chú ý ở trên tạo các biến để các giá trị 0.1 có kiểu float64, nếu viết trực tiếp 0.1 + 0.1 + 0.1 == 0.3 sẽ là so sánh constants và trả về true https://play.golang.org/p/TWRRr_lM7jk. Đọc thêm về constants tại blog Go.
  • string: giống như string của Python, immutable, có thể truy cập các chữ cái bằng cách chuyển thành runes (s := []rune(sting)) rồi dùng index: s[3]. String bên dưới là 1 chuỗi các byte, hay một byte array/byte slice []byte{'h', 'e', 'l', 'l', 'o'}, có thể convert thành string: string(bytes). Python cũng có kiểu bytes, cũng chuyển thành str bằng cách decode b'abc'.decode('utf-8').
  • array/slice: Go array giống như C, các phần tử phải cùng kiểu, và kích thước cố định không đổi. Array ít được dùng trực tiếp nó được dùng bên dưới slice và slice linh hoạt như list trong Python. Ví dụ về slice
    ns := []int{0, 1}
    fmt.Printf("%vn", ns)
    ns = append(ns, 2)
    fmt.Printf("%vn", ns)
    ns = append(ns, ns...)  // như extend trong python list
    fmt.Printf("%vn", ns)

https://play.golang.org/p/SCW8F0EqCmW

  • map: giống dict của Python, key phải so sánh == được, map và slice không làm key được, key không theo thứ tự (unordered). Map trong Go dùng khi cần nối key-value, tìm kiếm nhanh, nhưng không dùng như 1 object như dict Python. Do map phải có kiểu cố định cho key, value. Xem code
    users := make(map[int]string)

    users[20081269] = "Pymier69"
    users[20081234] = "Pymier1"
    users[20081239] = "Pymier2"
    for k, v := range users {
        fmt.Printf("%d: %sn", k, v)
    }
    println(users[20081239])

Cú pháp composite literal giúp tạo giá trị cho struct/slice/array/map.

  xs := []int{3,2,1}
  m := map[int]string{
         123: "foo",
         345: "bar",
     }

Các kiểu khác structpointerfunctioninterfacechannel sẽ được nhắc tới sau, xem đầy đủ tại spec.

Struct & method

Python có class, cung cấp đủ các tính năng tiêu chuẩn của OOP (object-oriented programming – lập trình hướng đối tượng). Định nghĩa 1 class tạo ra 1 kiểu dữ liệu mới và cho phép đóng gói dữ liệu (data) với tính năng (method) lại với nhau.

Go struct: A struct is a collection of fields.

struct không cung cấp các tính năng của OOP (như inheritance), nhưng cũng tạo ra 1 kiểu dữ liệu mới và cho phép đóng gói dữ liệu (data) với tính năng (method) lại với nhau. https://play.golang.org/p/tQMPLn9OXcj

type Rectangle struct {
    Width  float64
    Height float64
}

func (r Rectangle) Area() float64 {
    return r.Width * r.Height
}

func main() {
    r := Rectangle{Width: 2, Height: 3}
    fmt.Printf("%f %T", r, r.Area())
}

Code tương tự trong Python3, với type annotation

class Rectangle():
    def __init__(self, width: float, height: float):
        self.width = width
        self.height = height

    def area(self) -> float:
        return self.width * self.height

def main():
    print(Rectangle(width=2, height=3).area())

Trong Go, function gắn với các struct gọi là method, (r Rectangle) gọi là receiver, đứng trước tên Area() trông lạ so với các ngôn ngữ khác, nhưng nó đóng vai trò như self trong Python method.

Remember: a method is just a function with a receiver argument.

interface, type assertion, type switch

Một interface type định nghĩa 1 tập hợp các method.

An interface type is defined as a set of method signatures.

Một value của type interface có thể chứa bất kỳ giá trị nào implement các method qui định trong interface đó.

Empty interface interface{} là trường hợp đặc biệt, nó có thể chứa mọi giá trị do không cần có method nào.

Một value kiểu interface{} đánh sập mọi đảm bảo về type trong Golang, biến Go thành dynamic typing như Python. Nó như lối thoát linh hoạt giữa mọi sự cứng nhắc/static.

Sử dụng type assertion để truy cập giá trị ẩn dưới interface{}:

    var anything interface{}
    anything = "PyMi.vn"
    fmt.Printf("%v %Tn", anything, anything)
    anything = 42
    fmt.Printf("%v %Tn", anything, anything)
    x := 10
    fmt.Printf("%v %Tn", x+anything.(int), anything.(int))

https://play.golang.org/p/mNXTI-4C3pU

hoặc dùng switch để xử lý các kiểu khác nhau:

    switch v := i.(type) {
    case int:
        fmt.Printf("Twice %v is %vn", v, v*2)
    case string:
        fmt.Printf("%q is %v bytes longn", v, len(v))

Control flow (if/else/for)

Go không có while, dùng for để loop đủ kiểu. Để lặp vô hạn như while, dùng for { }.

if cho phép định nghĩa một biến chỉ dùng trong if, khá giống với warus operator của Python 3.8.

    y := 3
    if x := y + 2; x > 2 {
        println("big number")
    } else {
        println("We don't talk any more")
    }
    ns := []string{"meo", "bo", "ga"}

    for key, value := range ns {
        if len(value) < 3 {
            fmt.Printf("%d %sn", key, value)
        }
    }

https://play.golang.org/p/rHJP4ghomzo

Function

Định nghĩa function không khác Python đáng kể, ngoại trừ việc thay vì return tuple, Go có thể return nhiều giá trị (và không có kiểu tuple).

func TwiceAndThrice(x int) (int, int) {
    return x * 2, x * 3
}

Go không hỗ trợ overloading – một function dùng với số lượng argument khác nhau , nên cũng không hỗ trợ default argument pyfunc(x, y=10).

Cách duy nhất để gọi function là đưa vào các argument theo thứ tự, không có keyword argument như Python (python_function(x=5, y=7)).

Có thể dùng function làm argument của function khác, việc này rất phổ biến trong Go, khái niệm này có tên first class function. Function nhận function khác làm argument được gọi là higher order function.

Error handling

Go không có exception, lỗi không được xử lý khiến chương trình kết thúc qua việc gọi function “panic” (runtime error). Ví dụ khi dùng type assertion để truy cập kiểu string dưới 1 empty interface chứa giá trị int.

panic: interface conversion: interface {} is int, not string

Các function thay vì tạo ra exception, thường trả về giá trị Error kèm kết quả. Ví dụ function trong package strconv dùng để convert string thành int:

func Atoi(s string) (int, error)

Nếu thành công, error sẽ là nil còn biến kiểu int chứa giá trị, nếu s không phải dạng string của 1 số int, error sẽ có giá trị khác nil và thường chứa chi tiết về lỗi xảy ra. error là kiểu dữ liệu interface.

type error interface {
    Error() string
}

mọi kiểu dữ liệu có method Error() return string đều có thể là 1 error.

Do các function đều viết theo cách này, nên code gọi 1 function trong Go thường đi kèm với 1 đoạn kiểm tra error ngay sau đó rồi mới xử lý giá trị nhận được:

    s := "42"
    value, err := strconv.Atoi(s)
    if err != nil {
        log.Fatal(err)
    }
    println(value / 2)

Cách làm này gây nhiều tranh cãi, nhưng vẫn là cách làm chính thống của Go. Go dễ dãi hơn so với Java (khi 1 function xảy ra exception gì thì phải khai báo có thể xảy ra exception, và code gọi bắt buộc phải xử lý). Bỏ qua giá trị của err là chuyện hoàn toàn làm được, như viết code Python không xử lý exception, khi có error xảy ra, chương trình thường sẽ… chết.

Cách return error này không ÉP được lập trình viên phải xử lý mọi lỗi, nhưng tạo ra 1 nền văn hóa trong cộng đồng code Golang: luôn xử lý (hay ít nhất là nghĩ tới) error mọi lúc, mọi nơi.

Import

Cú pháp tương tự Python

import "packagename"
import "fmt"

rồi gọi function qua package.Function, vd: fmt.Println

Package & Install 3rd packages

Đầu mỗi file code Go phải bắt đầu bằng

package packagename

Tất cả các file go trong cùng 1 thư mục (không tính thư mục con) phải khai báo cùng package, chúng sẽ được gộp lại làm một (trừ phần import, mỗi file phải tự import thư viện mình dùng). Có thể coi việc các file khác nhau chỉ để thuận tiện tổ chức code, chứ vẫn là trong 1 file. Các function trong cùng 1 package (khác file) có thể gọi nhau thoải mái, không cần import lẫn nhau.

Việc này khác với Python, mỗi file.py tự động là 1 module riêng biệt.

Go cài package bằng lệnh go get, sau đó import tên package – là một đường dẫn theo cấu trúc URL online.

Package “testing” của Go không có “assert”, cài package từ github rồi dùng assert.Equal để kiểm tra 2 giá trị có bằng nhau không, và message hiển thị khi chúng không bằng nhau.

// main_test.go
package main

import (
    "github.com/stretchr/testify/assert"
    "testing"
)

func TestSomething(t *testing.T) {
    // assert equality
    assert.Equal(t, 123, 123, "they should be equal")
}
 $ go test -v
=== RUN   TestSomething
--- PASS: TestSomething (0.00s)
PASS
ok      _/home/hvn/MyData   0.002s

Danh sách các package xem tại awesome-go và godoc

IO: read/write file

Đọc file từng dòng và ghi file:

Ghi file:

  • Tạo file với os.Create, thu được 1 File struct
  • Gọi method File.WriteString để ghi string
    file, err := os.Create("bundau.mamtom")
    if err != nil {
        log.Fatal(err)
    }
    defer file.Close()
    _, err = file.WriteString("bundaun")
    if err != nil {
        log.Fatal(err)
    }

Nếu bỏ qua phần xử lý error thì cũng không khác Python là mấy.

Đọc file:

  • Mở file bằng os.Open, thu được 1 File struct
  • Tạo 1 “Scanner” để giúp xử lý logic đọc file theo từng dòng
  • Lặp qua scanner.Scan() để lấy từng dòng qua scanner.Text()
    file, err := os.Open("bundau.mamtom")
    if err != nil {
        log.Fatal(err)
    }
    defer file.Close()

    scanner := bufio.NewScanner(file)

    var lines []string
    for scanner.Scan() {
        lines = append(lines, scanner.Text())
    }
    if err := scanner.Err(); err != nil {
        log.Fatal(err)

    }

https://play.golang.org/p/Jv80_bRJc2H

Hành động của chúng ta

Giải bài Project Euler 1 bằng Go:

Find the sum of all the multiples of 3 or 5 below 1000.

package main

import "fmt"

func main() {
    sum := 0
    for i := 0; i < 1000; i++ {
        if i%3 == 0 || i%5 == 0 {
            sum = sum + i
        }
    }
    fmt.Printf("%dn", sum)
}

Giải bài Project Euler 16

What is the sum of the digits of the number 2 to the power of 1000?

package main

import (
    "fmt"
    "math/big"
    "strconv"
)

func main() {
    var twoToThePowerOf1000 big.Int
    twoToThePowerOf1000.Exp(big.NewInt(2), big.NewInt(1000), nil)
    // Có thể tính sum luôn nhưng bài này minh họa slice
    digits := []int{}
    for _, c := range twoToThePowerOf1000.String() {
        digit, _ := strconv.Atoi(string(c))
        digits = append(digits, digit)
    }
    sum := 0
    for _, v := range digits {
        sum = sum + v
    }
    fmt.Printf("%dn", sum)
}

People & Community

Go có cộng đồng trên toàn cầu, có forum/slack/IRC để thảo luận, xem tại help – có cả bằng Tiếng Việt.

Những nhân vật đáng chú ý/follow trong cộng đồng Go gồm các tác giả, core dev, …

Kết luận

Go là một ngôn ngữ lập trình đơn giản và thú vị, với những kiến thức trong bài này, ta đã có thể bắt đầu dùng Go để viết các chương trình không hề đơn giản. Phần tiếp sẽ trình bày chi tiết về các khái niệm chỉ có trong Go mà không có trong Python như Pointer, sự khác biệt về cách tổ chức package trong Go, declaration & initialization (khai báo và khởi tạo variable), cùng các standard library quan trọng nhất cho một SysAdmin/DevOps.

Bài viết gốc được đăng tải tại pp.pymi.vn

Có thể bạn quan tâm:

Xem thêm các việc làm lập trình it hấp dẫn tại TopDev