List 10 việc cần chuẩn bị trước khi “nhảy việc”

5947

Bài viết được sự cho phép của tác giả Lê Tuấn Anh

Nếu bạn làm việc ở nhiều doanh nghiệp trong một thời gian ngắn (dưới 1 năm), khi đi phỏng vấn hoặc tìm việc mới bạn sẽ gặp phải băn khoăn từ phía nhà tuyển dụng với mác “hay nhảy việc”. Thực tế đây là một lo lắng dễ hiểu từ phía doanh nghiệp, không ai muốn mất công tuyển dụng và đào tạo một nhân viên chỉ để làm một thời gian ngắn rồi người đó đi sang nơi khác.

Vấn đề là có rất nhiều lý do khiến một người nghỉ việc, từ những lý do chủ quan như thay đổi định hướng công việc, stress cho tới những lý do khách quan như công ty cắt giảm, kết thúc dự án. Có sự chuẩn bị kĩ càng trước khi ra quyết định đổi việc sẽ giúp bạn có được những lựa chọn nghề nghiệp hợp lý hơn sau này, cũng như dễ dàng thuyết phục nhà tuyển dụng hơn khi được hỏi về thời gian cam kết làm việc.

Nếu bạn đang có ý định nghỉ công việc hiện tại và tìm kiếm công việc mới, đây là một số điều bạn cần làm trước khi ra quyết định.

1/ Đo lường độ hài lòng với công việc hiện tại.

Trong thời gian đi làm, bạn nên ghi lại trong sổ hoặc note trên máy tính về những việc bạn làm hàng ngày. Việc gì bạn cảm thấy thích? Việc gì làm bạn không thích? Những stress bạn đang có từ công việc này đến từ tính chất công việc, mức lương, con người hay môi trường làm việc? Bạn chỉ đơn giản đang cảm thấy hơi chán hay công việc đang thật sự ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ thể chất và tinh thần của bạn?

Bạn cần phân tích thật kĩ 7 tiêu chí chọn việc để xem mình đang hạnh phúc và không hạnh phúc với tiêu chí nào, như vậy khi tìm kiếm cơ hội mới bạn sẽ có thứ để so sánh. Nếu bạn đang xuống dốc về thể chất, chất lượng giấc ngủ giảm sút, thường xuyên cáu gắt hoặc tâm trang tiêu cực – đó là dấu hiệu đỏ về việc thay đổi.

2/ Đánh giá lại sở thích, kĩ năng và giá trị công việc

Đây là ba yếu tố cốt lõi hình thành bản thân bạn trong công việc. Bạn có thể kiểm tra lại sở thích và kĩ năng thông qua trắc nghiệm Hollandchọn lựa giá trị nghề nghiệp trong danh sách nhiều giá trị khác nhau. Ngoài ra, bạn có thể dành thời gian xem lại một lượt các công việc và dự án mình đã làm từ trước đến giờ, xem trong đó có phần việc nào bạn thích, phần việc nào bạn ghét. Có thể bạn không hài lòng với công việc hiện tại nhưng vẫn có một vài đầu việc nhỏ bạn cảm thấy ổn và vui vẻ, đó là đầu việc gì cần chỉ rõ được ra.

  "Vì sao nghỉ việc tại công ty cũ?": 5 lý do thuyết phục nhà tuyển dụng

3/ Bắt đầu tìm kiếm các vị trí làm việc khác trong lĩnh vực của mình

Nếu bạn nhảy từ lĩnh vực A sang lĩnh vực B, bạn có thể mất rất nhiều thời gian để học lại từ đầu. Chính vì vậy, mình khuyên các bạn hãy bắt đầu bằng việc nghiên cứu thật kĩ xem trong ngành nghề của mình có vị trí công việc nào khác mình có thể thử hay không.

Ví dụ, cùng là lĩnh vực Marketing nhưng có nhiều các đầu việc khác nhau như Sales, SEO, Content, Telemarketing, Email Marketing…, mỗi công việc lại đòi hỏi đặc trưng tính cách khác nhau. Để làm được việc này, bạn cần sử dụng Google. Bạn lên Google tìm “các công việc ngành A” hoặc “jobs in A industry” để xem chi tiết các công việc.

4/ Hoặc tìm kiếm các ngành hàng, thị trường khác với vị trí mình đang làm

Với những vị trí công việc bạn có thể làm việc được trong nhiều kiểu công ty khác nhau. Ví dụ bạn có thể làm nhân sự ở bất kỳ kiểu công ty nào: bất động sản, giáo dục, bảo hiểm, tài chính… Rất có thể bạn đang không hài lòng với môi trường ngành hàng hiện tại mình đang làm, nhưng sẽ vẫn ổn nếu có cơ hội làm việc ở ngành hàng khác. Hãy suy nghĩ theo hướng này.

5/ Phỏng vấn người làm trong mảng đó

Nếu bạn đang quan tâm đến một công ty mới, lĩnh vực mới hoặc một ngành nghề mới mà chưa có cơ hội được trải nghiệm, việc bạn có thể làm là tìm một ai đó trong lĩnh vực đó, kết nối và tìm kiếm thông tin. Thời nay là thời đại thông tin, không lo thiếu thông tin, chỉ lo bạn thiếu sự chủ động. Bạn có thể sử dụng LinkedIn để tìm kiếm, kết nối hoặc tìm đọc về một số nghề tại thư viện nghề nghiệp của hướng nghiệp Sông An.

Tạo CV online miễn phí

6/ Chuẩn bị một khoản tiết kiệm

Nếu bạn không chịu nổi nữa và quyết định nghỉ việc để nghỉ ngơi, bạn nên có một khoản tiết kiệm tối thiểu bằng 3-6 tháng chi tiêu thông thường của bản thân. Trong tài chính cá nhân gọi đây là “Quỹ khẩn cấp“. Nếu chuyên tâm tìm việc, mình tin rằng chỉ cần 2-3 tháng tập trung là bạn có thể tìm được công việc phù hợp. Tuy nhiên trong thời gian đó bạn cũng cần ăn, nên việc có một khoản tiết kiệm giúp bạn cảm thấy thoải mái và đỡ áp lực hơn khi đi tìm việc.

  Nhảy việc thất bại, có nên quay lại công ty cũ làm việc?

7/ Update lại CV và các thông tin trên các trang tuyển dụng

Nếu một thời gian dài không tìm việc, các thông tin trên CV và trên các trang tìm việc như TopDev, TopCV của bạn sẽ bị cũ. Nếu bạn có ý định tìm việc mới, bạn cần dành ra một vài hôm để cập nhật lại CV mới nhất, vừa sử dụng để đi ứng tuyển các công ty, vừa tạo điều kiện khi nhân sự tìm kiếm CV của bạn sẽ có được các thông tin mới nhất. Bạn có thể xem các hướng dẫn cập nhật CV mới nhất tại đây.

8/ Thông báo đến các mối quan hệ

Nếu đến một thời điểm bạn đã quyết định đổi việc và đã có trong đầu một số ý tưởng công việc mới, đừng ngần ngại liên hệ lại những người bạn cũ, sếp cũ, những người bạn đang giữ quan hệ tốt để thông báo về ý định đổi việc của bạn. Bất kì ai cũng có thể là người tiềm năng biết một số những công việc hay ho để giới thiệu cho chúng ta.

9/ Xây dựng thương hiệu cá nhân và dành thời gian học kĩ năng mới

Khoảng thời gian giữa lúc muốn nghỉ công việc cũ và tìm công việc mới thường làm cho chúng ta bị chây ì. Hãy hạn chế việc này bằng việc xây dựng thương hiệu cá nhân cho bản thân hoặc học một thứ gì đó mới. Ví dụ, bạn viết blog hoặc quay Tiktok chia sẻ một số kiến thức về lĩnh vực bạn biết. Hoặc bạn lên Udemy, Coursera để tìm học một khoá học mới về một kĩ năng bất kì trong lĩnh vực mới bạn quan tâm.

10/ Tinh thần và sức khoẻ đi đôi với công việc

Khoảng thời gian suy nghĩ về việc có nên nghỉ việc hay không là khoảng thời gian rất stress với nhiều người. Hãy nhớ rằng cách để giảm bớt stress là bạn có sức khoẻ tinh thần và thể chất tốt. Đừng vì công việc mà bỏ quên việc ăn uống, tập luyện hay ngồi thiền. Dù công việc đang không ổn, dù chưa tìm được việc ưng ý, hãy cố gắng tiếp tục duy trì các thói quen tốt về ăn uống, tập luyện – điều này giúp cho bạn có được tâm trí và tinh thần minh mẫn, tự tin tìm kiếm các công việc tiếp theo.

Khi bạn có ý định đổi việc và vẫn có nhiều băn khoăn, bạn có thể đặt lịch tư vấn hướng nghiệp cùng Tuấn Anh – mình sẽ có các bài tập và các buổi nói chuyện giúp bạn bóc tách vấn đề, tìm kiếm công việc phù hợp và viết lại hồ sơ tốt nhất.

Bài viết gốc được đăng tải tại anhtuanle.com

Có thể bạn quan tâm:

Xem thêm Top tìm việc IT lương cao HOT nhất trên TopDev