Bài viết được sự cho phép của tác giả Kiên Nguyễn
Khi nói đến hệ điều hành dành cho máy tính, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới Windows – nó như là một suy nghĩ mặc định trong đầu vậy.
Mặc dù được bán với giá khá cao so với thu nhập bình quân của nhiều Quốc gia, nhưng Windows lại đang là hệ điều hành phổ biến nhất thế giới, ít nhất là đối với người dùng cơ bản.
Còn Linux thì sao, trái ngược hoàn toàn với Windows, Linux hướng tới người dùng hơi nâng cao hơn một tí, kho ứng dụng khổng lồ, cộng đồng hỗ trợ luôn có mặt trên toàn thế giới, và hơn hết, nó miễn phí 100%.
Đây là một cuộc chiến không hồi kết đối với 2 hệ điều hành nổi tiếng này trong việc “lôi kéo” người dùng. Vậy có gì khác biệt giữa 2 hệ điều hành này? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu trong bài viết này nhé.
#1. Về lịch sử phát triển
Linux được bắt đầu như một dự án cá nhân của một sinh viên người Phần Lan tên là Linus Torvalds, mục đích ban đầu là để tạo ra một nhân hệ điều hành miễn phí hoàn toàn.
Linux miễn phí và là mã nguồn mở ngay từ khi mới ra đời – năm 1991. Linux bắt đầu như một dự án “chỉ làm cho vui”, nhưng nó đã nhanh chóng trở thành một trong những dự án mã nguồn mở lớn nhất từ trước đến nay.
Ban đầu, Linux theo giấy phép riêng của nó có hạn chế về hoạt động thương mại. Sau đó, dự án đã thông qua GPLv2. Tìm hiểu thêm về loại giấy phép này trên Wikipedia tại đây !
Còn đối với Windows, phiên bản Windows 1.0 của Microsoft được phát hành vào năm 1985 và không giống như Linux, nó là một sản phẩm mã nguồn đóng hoàn toàn được Microsoft bán theo chương trình cấp phép.
#2. Về xử lý, can thiệp vào mã nguồn
Có lẽ, điểm khác biệt lớn nhất của 2 mã nguồn này là khả năng truy cập và chỉnh sửa mã nguồn. Bạn có thể chỉnh sửa, thay đổi các tính năng đối với Linux, nhưng với Windows thì không.
Linux được cấp phép GNU Public License nên nó cho phép người dùng truy cập mã nguồn đến tận lõi của hệ điều hành.
Theo Wikipedia thì: GNU General Public License, viết tắt GNU GPL hay chỉ GPL) là giấy phép phần mềm tự do được sử dụng rộng rãi, đảm bảo cho người dùng cuối tự do chạy, nghiên cứu, sửa đổi và chia sẻ phần mềm.
Còn đối với hệ điều hành Windows thì chắc chắn là không rồi, chỉ trừ khi bạn là kỹ sư trong nhóm phát triển hệ điều hành Windows, còn không thì bạn không có quyền truy cập vào mã nguồn này. Nó được bảo mật vô cùng cẩn thận !
Tính mở của Linux có cả ưu điểm và nhược điểm, một mặt nó cho phép người dùng chỉnh sửa, nâng cấp các phần mềm và hệ điều hành nhanh hơn.
Nhưng mặt khác, nó cũng cho phép các nhà phát triển truy cập vào mã nguồn, nhiều kẻ xấu sẽ tìm kiếm và lợi dụng các lỗ hổng để phát tán các phần mềm độc hại đến người dùng.
Trên Windows, điều này là không thể, nhưng không có nghĩa là nó an toàn 100% nhé. Một lần nữa, với một người sử dụng bình thường thì họ thường không quan tâm đến việc liệu họ có xem được mã nguồn tạo nên hệ điều hành mà họ đang sử dụng hay không.
Mà quan trọng nhất đối với họ vẫn là trải nghiệm sau khi đã hoàn tất việc cài đặt tất tần tật, tít tìn tịt các chương trình, phần mềm… mà hỗ trợ cho công việc của họ thôi. Có đúng không ạ.
#3. Về vấn đề bản quyền
Như mình đã đề cập ở trên, Linux cực kỳ dễ tiếp cận từ góc độ nhà phát triển, trong khi Windows thì nghiễm nhiên là không.
Nhưng để có quyền truy cập mã nguồn Linux thì phải được cấp phép. Cấp phép nghĩa là phần mềm sẽ có quyền được phân phối.
Với giấy phép GPL của Linux, bạn có thể tự do sửa đổi OS đó, tái xuất bản nó và thậm chí bạn có thể thương mại nó, miễn là bạn cung cấp mã nguồn của nó, không giữ bí mật cho riêng mình.
Với giấy phép GPL, bạn cũng có thể tải xuống bản sao của Linux và cài đặt nó trên bao nhiêu máy tùy ý. Giấy phép này là gì thì mình đã để link đến Wikipedia ở phần #1 của bài viết này rồi nhé. Nếu thích bạn có thể tham khảo qua.
Còn giấy phép của Microsoft thì sẽ rất khác với giấy phép này, tức là bạn không thể sửa đổi mã nguồn vì Microsoft không bao giờ công bố mã nguồn của hệ điều hành này cả. Cần câu cơm của họ mà.
Thứ hai nữa, khi bạn mua bản quyền Windows (đối với các cá nhân) thì bạn chỉ sử dụng giấy phép đó cho cho một máy tính duy nhất. Còn các giấy phép dành cho máy doanh nghiệp thì khác, bạn có thể sử dụng 1 key để kích hoạt cho nhiều máy tính. Nhưng tất nhiên loại giấy phép này sẽ đắt hơn rất nhiều.
#4. Về ứng dụng – phần mềm
Với hầu hết các bản phối của hệ điều hành Linux, bạn có một trung tâm để cài đặt các ứng dụng. Điều này giúp bạn dễ dàng thêm các ứng dụng mới và xóa chúng đi khi không còn dùng đến.
Tính năng quản lý gói của Linux cực kỳ hữu ích vì bạn có thể tìm kiếm và cài đặt ứng dụng trực tiếp mà không cần phải dò tìm trên mạng. Và tất nhiên, tất cả đều miễn phí 100%.
Trước đây, Windows không có kho ứng dụng của riêng mình. Với Windows, bạn phải lên Google và tìm kiếm những phần mềm của bên thứ 3 để cài đặt.
Sau đó đến quá trình tải về máy rồi chạy file thực thi *.exe để tiến hành cài đặt. Sau khi ứng dụng đã được cài đặt, bạn cũng không biết nó đã thay đổi bao nhiêu tập tin hệ thống.
Vì đâu phải phần mềm nào cũng an toàn đâu, với nhiều người dùng không có kinh nghiệm, họ rất dễ cài phải các phần mềm rác, phần mềm độc hại…
Tuy nhiên, kể từ phiên bản Windows 8.x, Microsoft đã có kho ứng dụng riêng của mình – nó mang tên Windows Store, mặc dù còn hạn chế so với Linux nhưng nói chung là nó cũng cung cấp khá nhiều phần mềm (cả miễn phí và trả phí), đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dùng.
À, còn một điều nữa mà mình muốn chia sẻ với các bạn:
Đối với Windows thì Registry như là xương sống của con người vậy. Nó là một cơ sở dữ liệu chủ cho toàn bộ các thiết lập của người dùng nằm trên máy tính. Registry nắm giữ thông tin ứng dụng, mật khẩu người dùng, thông tin thiết bị… và rất rất nhiều thứ khác nữa.
Còn đối với Linux thì không, Linux không có Registry. Vâng, các bạn không nghe nhầm đâu.
Các ứng dụng trên Linux sẽ lưu thiết lập trên cơ sở chương trình, dưới sự phân cấp người dùng. Điều này cũng có nghĩa là những cấu hình của Linux sẽ ở dạng mô đun. Bên dưới là cây hệ thống file trên Linux !
#5. Về đối tượng sử dụng
Đối tượng sử dụng của các hệ điều hành này là ai?
Mình không thiên vị hay có ý chê bai nhé, nhưng Linux chủ yếu dành cho những người dùng máy tính thành thạo, những người biết họ đang làm gì.
Cũng đúng thôi, vì đa số hacker trên thế giới đều dùng hệ điều hành nhân Linux mà 😀 [Bạn có biết] Hacker họ thường dùng hệ điều hành (OS) nào ?
Người dùng Linux trung thành với nền tảng của họ đến mức họ có xu hướng trở thành những fan trung thành của nền tảng này ◔◡◔
Điều này chủ yếu là do bạn có toàn quyền kiểm soát hệ thống của mình và một khi bạn đã sử dụng quen Linux thì bạn sẽ muốn chuyển sang hệ điều hành Windows nữa.
Đối với người dùng bình thường, họ chỉ muốn duyệt web, xem video và viết email,… Tất cả đều có thể được thực hiện trên Windows mà không cần phải có kiến thức sâu về xử lý hệ điều hành.
Thành thật mà nói, nếu một người dùng bình thường chuyển từ hệ điều hành Windows sang Linux, khả năng cao là họ sẽ bị lạc lối, choáng ngợp và muốn quay về Windows ngay lập tức.
Vâng, đó là điểm khác biệt lớn giữa một người dùng máy tính phổ thông và một người dùng máy tính chuyên nghiệp…
Nhưng nói gì thì nói, Microsoft đã quá khôn khéo để lôi kéo người dùng. Một phần là vì giao diện đồ họa rất dễ tiếp cận, mọi thao tác, mọi hành động đều hiện sờ sờ trước mắt.
Một phần nữa là họ có vẻ như cố tình để người dùng cá nhân sử dụng chùa Windows thì phải. Chứ mình nghĩ nếu muốn quản lý chặt vấn đề bản quyền thì họ đủ khả năng để làm mạnh tay hơn.
Mục đích của việc này thì có lẽ các bạn đã thừa biết, nó giúp tạo ra một cộng đồng người dùng Windows đông đảo. Mà một khi đã có một cộng đồng lớn mạnh rồi thì làm cái gì cũng dễ. Microsoft chủ yếu thu tiền từ các doanh nghiệp, các cơ quan.. là chủ yếu.
#6. Về khả năng tương thích phần cứng
Vâng, khoảng thời gian từ năm 2005 trở về trước thì Linux đúng là không có cửa gì để so sánh với Windows cả.
Bằng chứng rõ ràng nhất là các nhà sản xuất chỉ coi Linux là một lựa chọn bổ sung thêm mà thôi, có nghĩa là việc bạn cài đặt driver để hỗ trợ cho các phần cứng trên Linux là rất khó khăn.
Nhưng bây giờ tình thế đã khác rồi, cộng đồng LinuxOS đã rất lớn mạnh và đã có thể cạnh tranh sòng phẳng với Windows. Và các nhà phát triển cũng đã đặt vị thế của Linux ngang hàng với Windows.
#7. Về bảo mật
Vâng, một kiến trúc đóng hoàn toàn và được phát triển bởi một công ty phần mềm hàng đầu thế giới – Windows thực sự là một hệ điều hành rất bảo mật.
Nếu bạn kết hợp với một số phần mềm bảo mật bản quyền của bên thứ 3 khác nữa như Kaspersky, ESET, BIT… thì thực sự là rất tuyệt vời.
Tuy nhiên, vì Windows là quá phổ biến nên nó sẽ là mục tiêu hàng đâu của các hacker. Và một điều nữa là do trình độ của người dùng, nhiều người dùng rất chủ quan trong việc sử dụng máy tính, thường xuyên sử dụng các phần mềm lậu, Windows bẻ khóa thì chả bị hack… trách ai bây giờ 😀
Đọc thêm: Lý do bạn nên hạn chế sử dụng phần mềm Crack và bẻ khóa phần mềm ?
=> Nói tóm lại thì mình vẫn đánh giá rất cao sự bảo mật của hệ điều hành Windows.
Còn Linux thì sao nhỉ?
Vâng, mặc dù là một hệ điều hành mã nguồn mở nhưng tính bảo mật của Linux là không thể bàn cãi. Bạn có thể tham khảo qua bài viết bên dưới đây, đã có một bài viết về vấn đề này rồi.
Linux hiện tại đang được các tổ chức doanh nghiệp sử dụng để làm máy chủ và hệ điều hành cho mục đích bảo mật tại các tập đoàn công nghệ như Google, Facebook, Twitter… trong khi đó, Windows chủ yếu được sử dụng bởi các người dùng cá nhân, các doanh nghiệp, hay là game thủ…
Đọc thêm bài viết: Windows, Linux hay macOS: đâu là HĐH an toàn nhất?
=> Nói ngắn gọn thì Linux cũng rất bảo mật !
#8. Về khả năng hỗ trợ
Mặc dù mọi người có thể nghĩ rằng Linux không có đường dây hỗ trợ riêng, nhưng vì nó có một cộng đồng người dùng lớn nên bạn có thể dễ dàng tìm thấy giải pháp cho mọi vấn đề của mình thông qua các diễn đàn, tìm kiếm trên Google và nhiều trang web chuyên về Linux.
Và nếu bạn là một doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào Linux thì bạn cũng có thể nhận được hợp đồng từ các công ty như Red Hat hay là Novell.
Nhưng nói gì thì nói, khâu hỗ trợ vẫn là một điểm yếu chí mạng của Linux. Vì bạn cứ thử hình dung mà xem, với người dùng cá nhân thì OK, không sao cả. Nay không sửa được thì mai sửa, vội đi đâu.
Nhưng với doanh nghiệp thì khác, họ cần ngay lập tức, họ không đủ thời gian để chờ đợi. Làm thế có mà sập tiệm sớm..
Còn Windows là một sản phẩm thương mại hoàn toàn nên chắc chắn về khâu support sẽ tốt hơn, họ cung cấp cho bạn sự hỗ trợ tận tình đến tận răng. Tất nhiên điều này chỉ xảy ra khi bạn mua giấy phép bản quyền từ họ. Còn bạn xài Windows lậu thì ráng mà chịu đi ᵔᴥᵔ
#9. Về khả năng hỗ trợ game
Vâng, tính đến năm 2018 thì theo số lượng thống kê. Tổng số lượng game hỗ trợ cho Windows mà nền tảng phân phối game Steam có được là hơn 20.000 tựa game.
Trong khi đó, Linux chỉ hỗ trợ gần 5000 game và đang tăng lên từng ngày.
=> Vâng, nói chung về khoản chơi game thì rõ ràng rồi, Linux xách dép cho Windows. Chấm hết ^^
#10. Kết luận
Nhìn chung, nếu bạn chỉ là một người dùng bình thường, không quan tâm đến cách hoạt động bên trong của hệ điều hành thì Windows là một sự lựa chọn phù hợp nhất dành cho bạn.
Còn nếu bạn là một kỹ sư hoặc là một người dùng máy tính chuyên nghiệp thực thụ, thậm chí là một người đam mê với các dòng lệnh, muốn toàn quyền kiểm soát hệ thống thì Linux là một lựa chọn tuyệt vời dành cho bạn.
Okay, trên đây là những góc nhìn rất khách quan của mình về Windows và Linux. Còn bạn thì sao, bạn thấy điểm khác biệt lớn nhất giữa Windows và Linux là gì? bạn thích Windows hay Linux?
Bài viết gốc được đăng tải tại blogchiasekienthuc.com
Có thể bạn quan tâm:
- Framework là gì? Sự khác biệt giữa framework và library
- Đâu là điểm khác biệt giữa Solution Architect và Software Architect?
- Phân biệt sự khác nhau giữa C với C++
Xem thêm Việc làm Developer hấp dẫn trên TopDev