STAR – Bí quyết chinh phục mọi mục tiêu phỏng vấn

28529

Để tìm được một mảnh ghép hoàn hảo, người tuyển dụng thường đặt ra nhiều câu hỏi có tính hệ thống để khai thác thông tin ở các ứng viên. Điều quan trọng là bạn có nhận ra bẫy câu hỏi để “đáp trả” một cách thông minh đồng thời bộc lộ đầy đủ khả năng của mình với nhà tuyển dụng. Và một trong những chiến thuật đặc biệt giúp bạn giải quyết được vấn đề này chính là phương pháp STAR. 

Loại bỏ những cảm giác lo lắng, hồi hộp, căng thẳng trước buổi phỏng vấn, phương pháp hay kỹ thuật phỏng vấn STAR được xem là một bí quyết giúp bạn chinh phục mọi mục tiêu trong phỏng vấn. 

Phương pháp STAR là gì?

STAR (Situation – Task – Action – Result) là mô hình cho phép bạn có thể trả lời trực tiếp các câu hỏi bằng cách tuân theo trình tự nhất định trong từng lời đáp; hay nói cách chuyên môn hơn, STAR giúp trả lời các câu hỏi mang tính hành vi. Cụ thể, kỹ thuật phỏng vấn STAR được áp dụng đối với các câu hỏi yêu cầu giải đáp những tình huống thực tế mà bạn đã từng thực hiện, xử lý và mang lại cho bạn nhiều trải nghiệm. 

Đó cũng chính là điểm đặc biệt của STAR vì xuyên suốt cuộc phỏng vấn, nhà tuyển dụng và bạn sẽ trao đổi với nhau qua một chuỗi những câu chuyện, sự việc được thiết lập luân phiên nhau theo hệ thống câu hỏi tương ứng. Chính STAR cũng tạo điều kiện cho những chia sẻ của bạn được thể hiện rõ nhất, bạn là ai, bạn như thế nào, bạn có những gì,.. tất cả đều được truy xuất.

Các bước trong mô hình STAR

  • Tình huống (Situation): Mô tả một bức tranh tình huống và những chi tiết kèm theo. Tức là người phát ngôn kể lại tình huống, bối cảnh mà mình thực hiện. Với các thông tin như bạn là ai trong tình huống, sự việc đó – WHO; sự việc đó diễn ra khi nào – WHEN và diễn ra ở đâu – WHEN.
  • Nhiệm vụ (Task): Thuật lại nhiệm vụ chính của bạn trong tình huống này là gì.  Tức là nói về việc vai trò, trách nhiệm, công việc nào mà bạn đảm nhận trong tình huống, sự việc đó. Với các thông tin cụ thể là bạn phải làm cái gì – WHAT và với lý do nào – WHY.
  • Hành động (Action): Diễn tả từng bước cụ thể cách thức bạn thực hiện,  và giải quyết sự việc đó như thế nào – HOW.
  • Kết quả (Result): Chia sẻ kết quả đạt được từ những hành động của bạn.

Ứng dụng kỹ thuật STAR với 4 bước tiêu chuẩn

Bằng cách tuân theo 04 bước tiêu chuẩn này khi trả lời phỏng vấn, ứng viên có thể vạch ra một dàn ý cụ thể giúp câu chuyện của mình đi theo trình tự logic hợp lý nhất và ấn tượng nhất, cũng như giúp nhà tuyển dụng có thể theo được câu trả lời mà không phải lạc lối trong mớ “hỗn độn” đầy những chi tiết được đề cập đến một cách mơ hồ.

1. Tìm một ví dụ điển hình nhất phù hợp câu hỏi

Sự khởi đầu luôn quan trọng để bắt đầu áp dụng mô hình STAR. Bạn cần tìm ra một tình huống phù hợp nhất trong số những trải nghiệm mà bạn có được từ quá khứ. Thông thường, không có cách nào để bạn nắm bắt được suy nghĩ và những câu câu hỏi mà nhà tuyển dụng sẽ hỏi bạn. Vì vậy, để chiến thuật STAR được xây dựng một cách hoàn thiện ngay từ ban đầu, bạn nên chuẩn bị sẵn một số câu chuyện mà bản thân có thể tự linh hoạt thay đổi nhằm thích ứng với mọi câu hỏi mà nhà tuyển dụng có thể đưa ra thách thức bạn.

Nghĩ về những thành quả bạn gặt hái được trước đây và sắp xếp câu chuyện của chúng theo mô hình STAR. Đó là bước chuẩn bị cần thiết cho bạn. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc kết nội nội dung câu chuyện, hãy thoải mái xin phép nhà tuyển dụng cho bạn một vài phút để tập trung suy nghĩ. Nhớ rằng một câu trả lời ấn tượng sau vài phút suy nghĩ sẽ có giá trị hơn một câu trả lời vội vàng nhưng trống rỗng. tiêu đề tuyển dụng

2. Sắp xếp lại các tình huống

Màn “chào sân” ấn tượng bằng việc tìm ra câu chuyện của chính mình là cơ sở quan trọng để thực hiện bước tiếp theo. Đã đến lúc bạn sắp xếp các tình huống trong câu chuyện một cách cụ thể và hợp lý nhất. Hãy thông minh trong việc tổ chức sắp xếp các tình tiết diễn ra trong câu chuyện của bạn, có thể thêm những chi tiết để tạo sự lôi cuốn nhưng vẫn phải cân nhắc.

Mục tiêu của bạn là vẽ ra một bức tranh cụ thể nhất và nhấn mạnh vào trọng tâm của nó để kết quả bạn thể hiện sau đó ấn tượng hơn nhiều. Một nguyên tắc giúp áp dụng thành công kỹ thuật STAR chính là sự đơn giản. Trả lời ngắn gọn, dễ hiểu, đúng vấn đề, đừng trả lời dài dòng và chỉ tập trung vào những gì thật sự liên quan đến câu hỏi. 

Ví dụ, khi được nhà tuyển dụng hỏi về một lần bạn đạt được mục tiêu mà ban đầu bạn nghĩ ngoài tầm với, bạn có thể linh động sắp xếp một tình huống trong 1 – 2 câu như: “Trong vị trí IT mà tôi từng đảm nhận, công ty yêu cầu tôi phải chú trọng đến việc tạo ra nguồn thông tin chính xác thông qua việc cung cấp định hướng và hướng dẫn cho người dùng về phương thức hoạt động của các phần mềm mới .”

Tạo CV mới nhất cho IT

3. Nhấn mạnh nhiệm vụ và cách thực hiện

Ở bước này, bạn cần chia sẻ chi tiết với nhà tuyển dụng phần công việc mà bạn thực hiện.

Một lưu ý đồng thời sẽ là một điểm cộng đó là bạn nên mô tả chân thật những công việc bạn làm thì nhà tuyển dụng dễ đánh giá bạn hơn. Vì khi bạn tận tâm và có trách nhiệm với phần việc được giao, bạn mới có thể chia sẻ rõ ràng và chi tiết. Chẳng hạn với vị trí HR, bạn có thể chia sẻ: “Tôi phụ trách bộ phận tuyển dụng, trong quý đầu tiên, nhiệm vụ của tôi là phải gia tăng 50% các nguồn cung ứng nhân lực từ các trường Đại học, Cao đẳng, đơn vị đào tạo nghề… phù hợp với lĩnh vực kinh doanh của công ty.

Khi đã nêu ra công việc chi tiết, đã đến lúc bạn đi vào chi tiết giải thích việc bạn đã làm. Hãy kể ra và kèm những dẫn chứng về số liệu xác thực thay vì những lời nói mơ hồ như “tôi đã có những nghiên cứu về…” hay “tôi đã cố gắng hết mình để…”. Không phải ai cũng có cơ hội tiếp xúc với các nhà tuyển dụng vì thế đây là một cơ hội tốt cho bạn tạo ấn tượng và tỏa sáng. Bạn làm vị trí gì trong một nhóm, bạn có một bản kế hoạch chi tiết như thế nào? Bạn sử dụng những cách thức, mối liên hệ nào để giải quyết, thực hiện công việc? Hãy chắt lọc và trình bày một cách hấp dẫn để khiến câu trả lời của bạn có giá trị hơn.

4. Trình bày kết quả mang lại

Kết quả chính là đánh giá xác thực nhất cho toàn bộ trải nghiệm của bạn. Điều bạn cần làm là chia sẻ với nhà tuyển dụng bài học, giá trị, hoặc một điều gì đó bạn rút ra từ công việc/dự án mà bạn đã thực hiện. 

Các nhà tuyển dụng có xu hướng không mấy quan tâm đến những gì bạn làm nhưng nếu kết quả là một sự bất ngờ (tức bạn vượt qua được những chỉ tiêu) thì đó sẽ là màn chốt hạ tuyệt vời. Hãy chia sẻ thật kết quả của bạn, bày tỏ những hạn chế và các giải pháp khắc phục (nếu có) vì người thành công luôn biết cách nhận ra những bất cập còn tồn đọng.

Mô hình STAR tuy còn mới mẻ nhưng nếu bạn luyện tập thường xuyên, bạn có thể dễ dàng chinh phục những câu hỏi khó từ nhà tuyển dụng. STAR được ứng dụng nhiều trong việc ứng tuyển qua CV, hay những câu hỏi trong các buổi phỏng vấn vào các tổ chức xã hội, chương trình, câu lạc bộ, đội nhóm,… Hi vọng với STAR, bạn sẽ dần tìm ra được những cách thức trả lời hấp dẫn để chinh phục mục tiêu phỏng vấn đồng thời tiến gần hơn với ước mơ nghề nghiệp. 

Có thể bạn quan tâm:

Xem thêm Top các vị trí tuyển dụng ngành IT trên TopDev