Bài viết được sự cho phép của tác giả Nguyễn Văn Trọng
Sau 6 tháng trời bỏ bê thì nay mình quay lại viết lách một chút. Đợt rồi có xuất bản sách nhưng thiết nghĩ những gì viết trong đó đều ở mức rất cơ bản. Không biết thì không làm được nhưng cho dù biết hết cũng chưa chắc giỏi được. Bởi vậy mình sẽ quyết định viết tiếp cho tới khi nào anh em chán đọc thì dừng. Chắc không ai chán tại viết hay thế kia mà (muahaaa, tự an ủi).
Vào luôn chủ đề chính, nay mình tản mạn một chút về các tố chất cần thiết để có thể theo nghề này.
– Kiên trì
– Tập trung
– Thích nghi
Có rất nhiều yếu tố để tạo nên thành công trong sự nghiệp mỗi người. Mình không tự nhận bản thân đã làm được gì to tát nhưng nếu không có những tố chất trên thì rất khó để đi xa được cho tới ngày hôm nay. Bởi vì nó quá cần thiết nên muốn chia sẻ ngay cho anh em.
Tuyển dụng kỹ sư cầu nối lương cao lên đến 3000 USD
Kiên Trì
Nếu chọn đích đến là BrSE thực thụ thì cần có 3 kỹ năng chính : Code, JP và kỹ năng mềm. Cái này mình đã nói nhiều lần, vậy nên cho dù xuất phát điểm làm NonIT-JPN2 +, IT + NonJP, hoặc không có cái gì hết … thì cũng tới đích được, thời gian dài ngắn tuỳ điểm bắt đầu cũng như nỗ lực từng người. Cuối cùng người kiên trì nhất mới là người tới đích.
Ví dụ như việc học tiếng Nhật. Hồi sinh viên cũng chỉ tình cờ đi phỏng vấn 1 công ty Nhật về trường tuyển và pass, cũng không hiểu sao lại được chọn với tỉ lệ 40/1000 sinh viên, chắc tại đẹp trai. Sau đấy là một khoảng thời gian vật lộn với biết bao cám dỗ (game, nhậu, bóng đá …) để theo lớp tới cùng, và mình là một trong 9 người còn lại của lớp đấy trong khi mấy bạn khác bỏ hết. Sau đấy dù cố thế nào thì hợp đồng bị huỷ do khủng hoảng, vậy là hơn 6 tháng công sức đổ biển. Sau đấy ra trường đi làm, trong khi các bạn khác bỏ luôn thì mình vẫn miệt mài đi học thêm JP ở các lớp buổi tối, rồi tham gia khoá BrSE cho tới lúc có thể nghe nói đọc viết tốt và sang được JP. Nhưng sau đấy lại phải học thêm vì nghe khách nói chả hiểu mie gì, nói năng lắp ba lắp bắp nhưng trước đấy cứ nghĩ mình ngon rồi. Tiếp tục mài dùi cho tới bây giờ vẫn vậy.
Đó chính là tính kiên trì. Vậy nên nếu bạn nào đang bơ vơ lạc lõng thấy học mãi không vào thì cứ so đi, mình mất gần 10 năm học, các bạn đã bỏ ra bao lâu thời gian mà ngồi đấy than ? Không chỉ tiếng Nhật, code và kỹ năng mềm nó cũng vậy, cứ đi tiếp thì dù nhanh chậm thế nào cũng sẽ tới đích.
Tập Trung
Tập trung có thể hay bị nhầm với kiên trì. Thực sự không phải. Có những người rất kiên trì học, học JP không ổn học tiếng Anh, học không xong chuyển qua tiếng Hàn, và cứ kiên trì trong việc “HỌC NGOẠI NGỮ” nhưng quên mất rằng do thiếu sự tập trung nên chả đi tới đâu, có thể đi du lịch vòng quanh thế giới, tới đâu chào hỏi bằng thứ ngôn ngữ đó có vẻ rất siêu phàm nhưng chừng đó không đủ để làm việc – họp hành – đàm phán.
Huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long có một câu nói : “Tôi không sợ người luyện tập 10.000 cú đá chỉ một lần mà chỉ sợ người thực hành một cú đá 10.000 lần”. Và chính câu nói này đã giúp mình rất nhiều qua năm tháng.
Trong việc học code cũng thế, kiên trì học năm này qua năm khác, C# học 3 tháng chuyển qua Java, rồi vài tháng sau nhảy qua Python, chưa hết, khi thấy người ta thi nhau học trí tuệ nhân tạo, blockchain thì lại bỏ ngang cái đang học tiếp tục lao vào cái mới. Cứ thế đến cuối cùng cái gì cũng biết sơ sơ nhưng chả thạo, mà không thạo rất khó dùng. Có những kỹ sư chỉ biết mỗi 1 ngôn ngữ họ vẫn sống rất tốt, lương rất cao vì họ cực kỳ tập trung trau dồi cái mình mạnh nhất. Cắt nghĩa 1 chút để các bạn đỡ hiểu nhầm, vì có lần mình đã khuyên nên học để biết thật nhiều ngôn ngữ, nhưng nên nhớ phải có một thứ nổi bật nhất, giỏi nhất chứ không phải biết cho rộng nhưng không cái nào dùng được.
Lúc đi phỏng vấn thường các bài thi code người ta sẽ cho mình chọn một ngôn ngữ tự tin nhất để giải đề, dù ngôn ngữ nào cũng sẽ cho ra cùng 1 kết quả. Đó chính là lúc dùng sự tinh nhuệ. Còn trong trường hợp một dự án sử dụng nhiều loại ngôn ngữ khác nhau ví dụ : Front-End dùng html+css+Javascript+Angular+Node, Back-End dùng Java Spring Boot, Bath dùng C++(để chạy cho nhẹ trong đồng bộ dữ liệu). Đây chính là lúc cần sự hiểu rộng.
Tóm lại phải tập trung để mang lại cho mình một thứ giỏi nhất nhưng đừng quên tìm hiểu rộng ra để hình dung được mọi thứ xung quanh.
Thích Nghi
Xưa lúc còn làm công ty cũ, ktx có phòng dành cho 2 người. Vừa tiết kiệm tiền nhà cho công ty, vừa có bạn cũng vui. Mình có ở cùng ông anh hơn 3 tuổi. Cũng là kỹ sư, onsite như nhau nhưng thấy anh khó ăn khó uống, chỉ ăn được đồ Việt không ăn đồ Nhật nên 6 tháng công tác toàn nấu cho ăn, sau đó mình chuyển chỗ, anh ăn mỳ tôm 2 tháng chịu không nổi nên xin về nước. Còn mình thì cuộc sống nhẹ nhàng, thích ăn gì ăn thích ngủ đâu ngủ, có bữa còn ngủ ở ga tàu đợi 5h sáng tàu chạy mới về nhà ngủ tiếp :))) đàn hát bóng đá bóng chuyền bơi lội cái gì cũng tham gia hoà mình vào. Ngày đi làm, tối đứng bếp nấu ăn ngon không thua gì các mẹ các chị. Việc nhiều làm nhiều, việc ít thì dành thời gian đọc cái này cái kia, rồi luyện kỹ năng viết lách. Khách dễ thì mình vui, gặp khách khó chửi bới om sòm thì mình coi như gặp “thầy”, họ dạy mình để sau này gặp khách bớt khó hơn sẽ coi là dễ. Đi nhậu, khách uống bia mình bia, họ rượu mình rượu, ăn cá sống cũng ăn, ngay cả thịt gà sống người ta làm susi cũng ăn thử cho biết. Không có gì phải ngại.
Trong suốt 10 năm làm nghề đã từng rất nhiều lần chuyển dự án, chuyển team, bộ phận và kể cả chuyển việc. Mình khá quen với việc thoát ra khỏi vùng an toàn và tập thích nghi với cái mới. Phải tập vì ban đầu cái gì cũng khó khăn, và đều vượt qua cả. Như con tắc kè, nhảy vào chỗ nào lập tức đổi màu theo môi trường xung quanh để tránh bị ăn thịt. Bản thân mình cũng thế, tự biết chả giỏi giang gì nên mỗi lần tới đâu luôn cố tránh sự khác biệt nhất có thể, và không bao giờ làm mình nổi bật để người ta ghét. Nhập gia tuỳ tục, vào dự án thấy team OT thấy bà nội thì cũng xắn tay làm tới khuya cùng mọi người, cuối tuần người ta tụ tập hát hò thì cũng sắp xếp đi theo, vài buổi cũng được. Chứ đừng có kiểu chảnh chó bảo trước giờ làm 4-5 công ty, hàng chục dự án chưa phải OT lần nào, tụi bây làm gì làm, cứ kẻng đánh 6h chiều xách mông về. Vậy chỉ có làm việc với dế, trừ khi anh có thực tài làm được những việc không ai làm được thì mới được hưởng những đặc ân không ai có. Nên nhớ kỹ điều này.
Kết
Tính thích nghi nó cũng liên quan tới kiên trì, vì việc tập làm quen cái mới bao giờ cũng cần thời gian. Còn kiên trì thì bắt buộc phải tập trung thì mới có hiệu quả. 3 tố chất này bổ trợ cho nhau giúp bạn đi tới đích. Không phải ai ban đầu cũng hội tụ đủ, nhưng nếu có quyết tâm cùng với thời gian trau dồi sẽ tự khắc tiến bộ. Và chắc chắn đường xa mấy cũng tới nơi, quan trọng có chịu đi hay không, vấp ngã có tự đứng dậy hay dọc đường thấy tiên nữ tắm suối quên luôn mục đích ban đầu ?
Lâu rồi mới viết lại, thấy vẫn giữ phong độ như trước. Tay nghề không hề mai một, và đặc biệt là độ tự tin không hề suy giảm, biết dở nhưng vẫn tự khen hay kkk.
Bài viết gốc được đăng tải tại kysubrse.com
Có thể bạn quan tâm:
- 25 blogger IT nổi tiếng mà dân lập trình ai cũng phải biết
- Những kỹ năng cần có của 1 BrSE
- Tản Mạn Về Con Đường Trở Thành BrSE
Xem thêm Việc làm Developer hấp dẫn trên TopDev