Tìm hiểu ngôn ngữ lập trình và xếp hạng 15 NNLT phổ biến nhất năm 2024

26797

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và nhu cầu sử dụng phần mềm ngày càng tăng, số lượng của các ngôn ngữ lập trình theo đó cũng tăng lên không ngừng. Vậy đâu là những ngôn ngữ lập trình phổ biến nhất? Đặc điểm của những ngôn ngữ lập trình đó là gì?  Bài viết này, TopDev sẽ giới thiệu bạn Top 15 ngôn ngữ trình được sử dụng nhiều nhất và lý do tại sao chúng lại được ưa chuộng như vậy.

Tìm hiểu ngôn ngữ lập trình và xếp hạng 15 NNLT phổ biến nhất năm 2024

Ngôn ngữ lập trình là gì?

Ngôn ngữ lập trình (tiếng Anh: Programming Language) là một phương tiện mà các lập trình viên sử dụng để giao tiếp với máy tính. Nó là một tập hợp các quy ước, cú pháp đặc biệt được sử dụng để tạo ra các chương trình máy tính.

Hay nói đơn giản, ngôn ngữ lập trình là dạng “ngôn ngữ” mà con người có thể hiểu được (human code), sau đó được biên dịch thành mã máy (machine code) bởi trình biên dịch để giao tiếp với các thiết bị công nghệ số.

Các ngôn ngữ lập trình khác nhau có thể được sử dụng để phát triển các loại phần mềm khác nhau, từ các ứng dụng di động, trang web cho đến phần mềm máy tính và các hệ thống nhúng. Những ngôn ngữ lập trình càng phổ biến thì càng có nhiều người sử dụng và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các sản phẩm công nghệ.

Lịch sử hình thành và phát triển của ngôn ngữ lập trình

Ngôn ngữ lập trình có lịch sử phát triển gắn liền với sự ra đời của máy tính. Vào những năm 1800, Charles Babbage đã phát minh ra mô hình máy tính đầu tiên, và Ada Lovelace đã viết chương trình đầu tiên cho máy tính này.

Trong những năm 1940 và 1950, các ngôn ngữ lập trình đầu tiên như Fortran, Algol, và Lisp ra đời, phục vụ cho tính toán khoa học và điều khiển thiết bị. Đến thập niên 1960, COBOL xuất hiện, trở thành ngôn ngữ phổ biến trong các ứng dụng kinh doanh.

Thập niên 1970 đánh dấu sự ra đời của ngôn ngữ C, một ngôn ngữ nền tảng cho nhiều ngôn ngữ hiện đại. Trong những năm 1990, JavaPython ra mắt, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của lập trình web với các ngôn ngữ như PHPJavaScript.

Ngày nay, ngôn ngữ lập trình tiếp tục phát triển để đáp ứng các nhu cầu công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo và Internet of Things (IoT).

Thành phần và cấu trúc của ngôn ngữ lập trình

Hiểu rõ các thành phần cấu trúc của một ngôn ngữ lập trình là điều cần thiết để lập trình viên sử dụng ngôn ngữ một cách hiệu quả. Dưới đây là các thành phần chính:

Bộ ký tự (Character set)

Bộ ký tự của một ngôn ngữ lập trình bao gồm các ký tự và biểu tượng cần thiết để tạo nên mã nguồn. Điều này bao gồm các chữ cái, số, toán tử, từ khóa, ký hiệu đặc biệt và khoảng trắng. Mỗi ngôn ngữ lập trình có một bộ ký tự riêng biệt, phù hợp với cú pháp và cách thức hoạt động của nó.

Cú pháp (Syntax)

Cú pháp (syntax) là tập hợp các quy tắc xác định cách sắp xếp và cấu trúc các thành phần trong một chương trình. Nó giúp developer viết code đúng syntax và không có lỗi cú pháp. Các quy tắc cú pháp bao gồm cách đặt tên biến, định nghĩa hàm, sử dụng câu lệnh điều khiển,… Việc code đúng cú pháp là bắt buộc để chương trình có thể chạy đúng cách.

Ngữ nghĩa (Semantics)

Ngữ nghĩa liên quan đến ý nghĩa và mục đích của các câu lệnh, biểu thức và cấu trúc mã trong ngôn ngữ lập trình. Ngữ nghĩa được xác định bởi các quy tắc lập trình và cú pháp của ngôn ngữ. Hiểu ngữ nghĩa là điều quan trọng để phát triển và duy trì các ứng dụng phần mềm chất lượng cao.

Các thành phần này tạo nên nền tảng cho việc viết mã và phát triển ứng dụng trong bất kỳ ngôn ngữ lập trình nào.

Top 15 ngôn ngữ lập trình phổ biến nhất hiện nay 

Dưới đây là danh sách top 16 ngôn ngữ lập trình phổ biến nhất hiện nay (Update August 2024) – nguồn TIOBE Programming Community

Python

top 1 - ngôn ngữ lập trình python

Đứng đầu trong danh sách các ngôn ngữ lập trình phổ biến nhất năm 2024 chính là Python. Đây là một ngôn ngữ lập trình mã nguồn mở, được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, phát triển web, đến quản lý hệ thống và giáo dục.

Python được thiết kế để có cú pháp rõ ràng và dễ đọc, giúp các lập trình viên dễ dàng hiểu và thao tác với mã nguồn. Nó cũng được tích hợp với nhiều thư viện và framework phổ biến như Pandas, Django và Flask, giúp cho việc phát triển các ứng dụng trở nên dễ dàng hơn và nhanh chóng hơn.

Đặc biệt, Python còn là một trong những ngôn ngữ lập trình được sử dụng nhiều nhất trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, với các thư viện như TensorFlow và PyTorch giúp cho việc phát triển các mô hình học máy và deep learning trở nên dễ dàng hơn. Tuy vậy, Python còn hoạt động khá chậm do hoạt động với trình thông dịch.

C

Mặc dù đã ra đời từ lâu, C vẫn giữ vững vị trí của mình trong top các ngôn ngữ lập trình phổ biến nhờ vào sự đơn giản, hiệu quả và khả năng kiểm soát phần cứng chặt chẽ. Nhiều ngôn ngữ lập trình hiện đại như C++, C#, Java, và Python đều chịu ảnh hưởng sâu sắc từ C, thậm chí nhiều trình biên dịch, hệ điều hành, và các phần mềm hiệu suất cao khác cũng được viết bằng C.

C cho phép lập trình viên tương tác trực tiếp với phần cứng, quản lý bộ nhớ và điều khiển luồng dữ liệu một cách chi tiết. Điều này làm cho C trở thành lựa chọn lý tưởng cho các ứng dụng yêu cầu hiệu suất cao, chẳng hạn như hệ điều hành, trình biên dịch, và các phần mềm nhúng.

C là ngôn ngữ lập trình đầu tiên mà nhiều lập trình viên học vì nó là nền tảng của nhiều hệ thống và là ngôn ngữ quan trọng cho các kỹ sư phần mềm, nhà phát triển hệ thống và những ai làm việc với các ứng dụng yêu cầu hiệu suất cao.

Java

Java thường được gọi vui là “ngôn ngữ viết một lần chạy mọi nơi” bởi tính đa năng, hướng đối tượng và khả năng sử dụng ở bất cứ nền tảng nào. Các lập trình viên chỉ cần viết một lần là sẽ chạy được trên nhiều nền tảng khác nhau mà không cần phải viết lại mã nguồn.

Java cũng được sử dụng rộng rãi trong phát triển ứng dụng di động, phát triển ứng dụng trên máy chủ và phát triển ứng dụng web. Nó cũng được sử dụng để phát triển các ứng dụng trong các lĩnh vực như tài chính, giáo dục, y tế và nhiều lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, Java vẫn có nhược điểm là không phù hợp với các chương trình chạy trên nền tảng đám mây. Đồng thời, khi vận hạnh sẽ tiêu tốn nhiều bộ nhớ và tốc độ cũng không nhanh bằng các ngôn ngữ lập trình khác.

JavaScript

Đã từng là ngôn ngữ đứng đầu danh sách các ngôn ngữ lập trình phổ biến nhất không ai khác chính là JavaScript, tuy nhiên JavaScript đã tuột xuống hạng 3. Đây là một ngôn ngữ lập trình hướng đối tượng, được thiết kế để tương tác với HTML và CSS. Với JavaScript, các nhà phát triển có thể tạo ra các ứng dụng web dễ dàng, từ các trò chơi đơn giản đến các ứng dụng web động và thậm chí là các ứng dụng web phức tạp như trang thương mại điện tử.

JavaScript là một ngôn ngữ linh hoạt và có thể được sử dụng cả trên phía máy chủ và phía client. Ngoài ra, JavaScript còn có rất nhiều thư viện và framework phổ biến như ReactJS, AngularJS, VueJS, giúp cho việc phát triển các ứng dụng web trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.

Nhiều ông lớn trong ngành công nghệ như Google, PayPal, Microsoft đã và đang sử dụng JavaScript. Do đó, sự phổ biến của JavaScript vẫn đang tiếp tục tăng lên và là một trong những ngôn ngữ lập trình quan trọng nhất trong thời đại số ngày nay.

  Cách viết "Hello World" với 28 Ngôn ngữ Lập trình

  Ngôn ngữ lập trình bậc cao - Cao thấp do đâu?

SQL

SQL (Structured Query Language) là một ngôn ngữ lập trình chuyên dụng được sử dụng để quản lý và thao tác các cơ sở dữ liệu quan hệ. Được phát triển lần đầu vào những năm 1970 bởi IBM, SQL đã trở thành tiêu chuẩn quốc tế cho việc truy vấn và xử lý dữ liệu trong các hệ quản trị cơ sở dữ liệu (DBMS) như MySQL, PostgreSQL, Oracle Database, và Microsoft SQL Server.

SQL hiện nay là một trong những ngôn ngữ lập trình phổ biến nhất trên thế giới, xếp thứ 7 trong danh sách các ngôn ngữ lập trình phổ biến. Điều này không chỉ do tính quan trọng của SQL trong việc quản lý dữ liệu mà còn bởi tính đơn giản, dễ học và khả năng áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, từ phát triển phần mềm, phân tích dữ liệu, đến khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.

Golang

Golang (hay còn gọi là Go) là một ngôn ngữ lập trình mới được phát triển bởi Google vào năm 2007 và chính thức ra mắt vào năm 2009. Golang được tích hợp một bộ sưu tập các công cụ, thư viện và framework tiện ích, giúp cho việc phát triển và triển khai các ứng dụng nhanh chóng, dễ dàng hơn.

Golang được sử dụng rộng rãi trong các ứng dụng web và các hệ thống phân tán, đặc biệt là các hệ thống liên quan đến lĩnh vực tài chính và các ứng dụng big data. Golang cũng được sử dụng để phát triển các công cụ và dịch vụ của Google, và được coi là một trong những ngôn ngữ lập trình phổ biến nhất hiện nay.

R

R là một ngôn ngữ lập trình chuyên dụng được thiết kế cho phân tích dữ liệu và thống kê. Được phát triển đầu tiên bởi các nhà thống kê, R nhanh chóng trở thành một công cụ quan trọng và phổ biến trong lĩnh vực khoa học dữ liệu, thống kê và phân tích dữ liệu.

R cung cấp một loạt các công cụ mạnh mẽ cho việc phân tích và trực quan hóa dữ liệu, từ những phép tính thống kê cơ bản đến các mô hình dự đoán phức tạp.

R cũng được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), nơi các nhà khoa học dữ liệu tận dụng khả năng phân tích dữ liệu mạnh mẽ của nó để phát triển các mô hình học máy và các ứng dụng AI khác. Với khả năng xử lý dữ liệu lớn, R là công cụ được nhiều tổ chức, doanh nghiệp và trường đại học tin dùng trong các dự án phân tích dữ liệu và thống kê trên quy mô lớn.

PHP

ngôn ngữ lập trình PHP

Theo thống kê, có hơn 80% website hiện nay được tạo nên dựa trên PHP, điều này cho thấy mức độ phổ biến của ngôn ngữ lập trình này. PHP là một ngôn ngữ lập trình mã nguồn mở được phát triển cho mục đích tạo ra các trang web động. Ngoài ra, PHP có thể chạy trên nhiều hệ điều hành khác nhau và được hỗ trợ bởi hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ web.

PHP được sử dụng rộng rãi trong các ứng dụng web như blog, trang thương mại điện tử, hệ thống quản lý nội dung (CMS), diễn đàn và các ứng dụng web khác. Với cộng đồng lập trình viên lớn và các tài liệu hướng dẫn phong phú, PHP là một trong những ngôn ngữ lập trình phổ biến nhất trên thế giới và vẫn tiếp tục phát triển để đáp ứng nhu cầu của các ứng dụng web hiện đại.

Việc làm Back-end Developer hấp dẫn đang chờ bạn tại TopDev

TypeScript

TypeScript là một ngôn ngữ lập trình mã nguồn mở được phát triển và duy trì bởi Microsoft. Được coi là một phần mở rộng của JavaScript, TypeScript giữ nguyên cú pháp của JavaScript trong khi bổ sung các tính năng mạnh mẽ như kiểm tra kiểu tĩnh (static typing) và hỗ trợ lập trình hướng đối tượng (object-oriented). TypeScript được thiết kế để giải quyết những hạn chế của JavaScript, đặc biệt trong các dự án lớn và phức tạp, nơi việc quản lý các kiểu dữ liệu (data types) trở nên quan trọng.

Một trong những ưu điểm chính của TypeScript là khả năng phát hiện lỗi ngay trong quá trình phát triển nhờ tính năng kiểm tra kiểu tĩnh, giúp lập trình viên phát hiện và sửa lỗi sớm hơn. TypeScript cũng cho phép lập trình viên sử dụng các tính năng tiên tiến của JavaScript (như ES6) ngay cả khi trình duyệt không hỗ trợ trực tiếp, bằng cách biên dịch mã TypeScript về JavaScript tương thích.

C#

C# là một ngôn ngữ lập trình được phát triển bởi Microsoft, được thiết kế để tạo ra các ứng dụng Windows và ứng dụng web, và có thể được sử dụng để phát triển các ứng dụng trên nhiều nền tảng khác nhau, bao gồm cả Android và iOS.

C# được thiết kế dựa trên ngôn ngữ C++ và có cú pháp tương tự như Java. Vì vậy, nếu muốn thực hiện tốt các thao tác người dùng phải có kiến thức về các ngôn ngữ lập trình phổ biến như C, C++, Java.

Nhược điểm của C# là ít linh hoạt bằng các ngôn ngữ khác vì phụ thuộc vào .NET framework của Microsoft. Thêm nữa, việc tìm lỗi và gỡ lỗi trên C# cũng gây khó khăn cho các lập trình viên.

C++

C++ nằm trong top các ngôn ngữ lập trình phổ biến nhất bởi tính đa năng và khả năng sử dụng mạnh mẽ. C++ được phát triển từ ngôn ngữ C, với việc bổ sung thêm các tính năng hướng đối tượng và một số tính năng khác. Đây là ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi trong lập trình game, do tính năng xử lý đa luồng của nó và khả năng tối ưu hóa mã. C++ cũng được sử dụng trong phát triển các ứng dụng desktop và phần mềm nhúng, nơi yêu cầu hiệu suất cao và kiểm soát bộ nhớ chặt chẽ.

Kotlin

Kotlin là một ngôn ngữ lập trình cấp cao, được phát triển bởi JetBrains, cùng với việc được hỗ trợ chính thức bởi Google cho việc phát triển ứng dụng Android. Với Kotlin, lập trình viên có thể viết code ngắn gọn hơn so với Java, nhưng vẫn đảm bảo tính hiệu quả và tính chính xác. Kotlin cũng cung cấp một số tính năng mới, bao gồm hỗ trợ lập trình hướng đối tượng, lập trình hàm, và lập trình phi tuyến tính.

Với sự hỗ trợ của Google, Kotlin đã trở thành một trong những ngôn ngữ lập trình phổ biến nhất cho phát triển ứng dụng Android. Nó cũng được sử dụng trong nhiều dự án khác, từ phát triển web đến phát triển phần mềm máy tính và ứng dụng nhúng.

Swift

ngôn ngữ lập trình swift

Swift là một ngôn ngữ lập trình mới được phát triển bởi Apple, dùng để phát triển các ứng dụng cho hệ điều hành iOS, macOS hoặc watchOS. Nó được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2014 và đã nhanh chóng trở thành một trong những ngôn ngữ lập trình phổ biến nhất hiện nay.

Swift được xây dựng trên nền tảng của Objective-C, nhưng nó có cú pháp đơn giản hơn, dễ đọc và dễ viết hơn nhiều so với Objective-C. Nó cũng có hỗ trợ tốt cho các tính năng mới của iOS và macOS, bao gồm phát hiện và xử lý lỗi, thao tác với các tập tin và cơ sở dữ liệu, và xử lý đa luồng.

Ruby

Ruby là một ngôn ngữ lập trình mã nguồn mở, được sử dụng phổ biến cho phát triển các ứng dụng web. Ruby cũng có một thư viện phong phú và mạnh mẽ, gồm các công cụ để xử lý chuỗi, số học, đồ họa, cơ sở dữ liệu, và nhiều hơn nữa.

Ruby thường có tốc độ khá chậm so với các ngôn ngữ lập trình khác. Hơn nữa, khi viết chương trình bằng Ruby sẽ rất khó để gỡ lỗi.

Rust

Rust là một ngôn ngữ lập trình hệ thống hiện đại, được phát triển bởi Mozilla Research và ra mắt lần đầu vào năm 2010. Rust nổi bật với khả năng quản lý bộ nhớ an toàn và hiệu quả, kết hợp với hiệu suất cao tương tự như C và C++, nhưng với một hệ thống kiểm tra lỗi mạnh mẽ giúp tránh các lỗi bảo mật phổ biến như lỗi tràn bộ nhớ (buffer overflow) và lỗi trỏ null (null pointer).

Rust trở thành một lựa chọn lý tưởng cho các ứng dụng yêu cầu xử lý nhanh và hiệu suất cao, như hệ thống nhúng, game, và các ứng dụng đòi hỏi tài nguyên lớn.

Tóm lại

Các ngôn ngữ lập trình đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển các ứng dụng web, mobile, game và nhiều lĩnh vực khác. Các nhà phát triển sẽ luôn cần tìm hiểu và nắm vững các ngôn ngữ lập trình mới để có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của ngành công nghiệp công nghệ thông tin.

Hy vọng thông qua bài viết này, bạn đã có được cái nhìn tổng quan về các ngôn ngữ lập trình phổ biến nhất hiện nay và hiểu rõ hơn về vai trò, tầm quan trọng của chúng trong thế giới công nghệ thông tin.

Xem thêm:

Đừng bỏ lỡ hàng loạt IT job hot tại TopDev