NFT tiềm năng hay “bong bóng công nghệ”?

854

Bài viết được sự cho phép của tác giả Võ Xuân Phong

Câu chuyện đằng sau sự ra đời của NFT

Chắc các bạn cũng đã biết các hình thức đấu giá, vật được đấu giá có thể là bất kỳ đồ vật nào được mọi người quan tâm, nó mang tính chất khan hiếm, một tính chất hay một niềm tin nào đó, mà người tham gia đấu giá bỏ ra số tiền rất lớn để sở hữu được đồ vật đó bằng được. NFT cũng vậy người mua NFT cũng đang đấu giá để sở hữu được tài sản kỹ thuật số mà họ tin tưởng nó quý hiếm và có thể mang lại lợi nhuận tiềm năng trong tương lai. Tính khan hiếm của tài sản kỹ thuật số và quyền sở hữu tài sản kỹ thuật số đó, có lẽ là điều mà người mua NFT đang quan tâm chăng? Họ có thể quan tâm những thứ khác như mua NFT để đầu tư, đầu cơ lướt sóng thần hay họ bị hiệu ứng FOMO (Fear Of Missing Out) của đám đông tác động v.v. Nó có thể là bất kỳ thứ gì nhưng điều tiên quyết vẫn là tính khan hiếm và quyền sở hữu, bởi vì người sưu tầm ai cũng đồng ý rằng thứ họ săn đuổi phải có số lượng giới hạn.

Đi đến một câu chuyện khác. Để tạo ra được một tác phẩm nghệ thuật như một bức tranh, một bài nhạc hoặc một bộ phim v.v. Các nghệ sĩ và người sáng tạo ra nội dung đó phải mất rất nhiều thời gian và chất xám của mình để hoàn thành tác phẩm. Sau khi hoàn thành tác phẩm nghệ thuật, những người nghệ sĩ buộc phải nhờ đến bên thứ ba để sản phẩm nghệ thuật của họ được truyền bá rộng rãi ra thế giới. Ví dụ như muốn một bài nhạc của nghệ sĩ được truyền bá rộng rãi, bên hãng thu âm và phát hành sẽ hứa hẹn mang lại khả năng sinh lời cho tác phẩm, để đổi lại phần lợi nhuận tương xứng hoặc thậm chí là bản quyền sở hữu của tác phẩm đó.

Lúc này NFT ra đời giúp các chủ thể sáng tạo nội dung lấy lại được vô lăng, bỏ qua sự góp mặt của bên trung gian, và toàn quyền sở hữu, kiểm soát tài sản trí tuệ của mình.

Ví dụ về NFT Everydays: The First 5000 Days của Mike Winkelmann (Beeple). Tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số này đã được bán với giá 69 triệu đô vào tháng 3 năm 2021. Tại sao một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số như thế lại có mức giá trên trời như vậy. Thực sự thì bên trong tác phẩm này là một câu chuyện truyền cảm hứng cho rất nhiều người, kể cả tôi. Beeple đã bắt đầu tạo ra tác phẩm đầu tiên trong bộ sưu tập Everydays của mình vào tháng 5 năm 2007, ông là một nhà khoa học máy tính nên không có nền tảng về nghệ thuật, đơn giản ông chỉ muốn học vẽ và cho rằng việc tạo ra tác phẩm liên tục mỗi ngày sẽ giúp ông tiến bộ và tạo nên kỳ tích. Hơn 5000 tác phẩm đã được tạo ra trong suốt gần 14 năm, đó là cả một quá trình rất dài, ông đã kiên trì, bền bỉ để không bỏ lỡ một ngày nào kể cả là ngày đám cưới và ngày con ông được chào đời. Qua câu chuyện truyền cảm hứng này, thì người sưu tầm NFT này chắc chắn sẽ có lý do đủ thuyết phục để mua nó với mức giá cao như vậy phải không?

Đằng sau NFT còn có nhiều câu chuyện thú vị khác nữa, mình xin được đề cập ở một bài viết khác.

Thời điểm để hòa mình vào dòng xu hướng NFT là năm 2020, nhưng thời điểm tốt thứ hai là ngay bây giờ. (Trích từ: NFT Handbook)

  The Merge – Bước tiến quan trọng của blockchain Ethereum

  Tiềm năng ứng dụng thực tế của blockchain & Web3

NFT là gì?

NFT được viết tắt của Non-Fungible Token, tạm dịch là Token không thể thay thế. Vậy như thế nào là Token không thể thay thế? Trước khi đi vào câu hỏi này thì chúng ta nên hiểu Fungible là gì.

Fungible là tính từ mang ý nghĩa “cùng tính chất, cùng thể loại có thể trao đổi hoặc thay thế một cách tự do, một phần hoặc từng phần cho các vật phẩm khác tương tự (đặc biệt khi nói về các loại hàng hóa)”. Ví dụ mình có tờ 50 ngàn và bạn có 2 tờ 20 ngàn và 1 tờ 10 ngàn thì chúng ta có thể hoàn toàn trao đổi 1 tờ của mình lấy 3 tờ của bạn, vì chúng có cùng chung giá trị. Hoặc hôm trước mình mời bạn uống một lon Coca-Cola và bạn hứa lần sau bạn sẽ mời lại mình một lon Coca-Cola khác. 2 lon Coca-Cola này có thể trao đổi với nhau bởi vì nó không phải là độc nhất và có cùng chung giá trị.

Vậy thì Non-Fungible mang tính độc nhất và không thể dễ dàng thay thế hay trao đổi. Ví dụ như bức tranh Mona Lisa của thiên tài toàn năng Leonardo da Vinci, bức tranh này là độc nhất trên thế giới và không thể thay thế hay trao đổi với một bức tranh khác. Một ví dụ khác như mỗi viên kim cương có kích thước, màu sắc, độ trong và đường cắt khác nhau mang tính độc nhất. Nếu bạn sở hữu một viên kim cương cụ thể nào đó, thì viên kim cương đó không thể dễ dàng hoán đổi hay thay thế bằng một viên kim cương khác.

Còn Token trong NFT được nhiều người hiểu theo nghĩa “kỷ vật”, bởi vì NFT được biết đến như là một đồ sưu tầm kỹ thuật số nhưng nó hoàn toàn không có ý nghĩa như vậy. Token ở đây mang ý nghĩa hoàn toàn khác. Bạn có thể đọc tiếp phần Phân biệt Coin và Token thì bạn sẽ hiểu Token ở đây là gì.

Tham khảo việc làm Blockchain mới nhất tại đây!

Vì sao NFT có giá trị?

Ngoài việc NFT là một tác phẩm hiếm có và số lượng giới hạn, người ta muốn sưu tầm bởi vì nó như một kỷ vật thì NFT có giá trị bởi vì đằng sau NFT đó là một câu chuyện truyền cảm hứng như NFT Everydays: The First 5000 Days của Beeple. Người mua NFT đó ngoài quyền sở hữu các tác phẩm nghệ thuật, còn bị câu chuyện đằng sau nó thuyết phục.

Người mua NFT cũng tin rằng danh tiếng và sự đảm bảo của nghệ sĩ tạo ra NFT đó, sẽ thúc đẩy giá NFT mà họ mua tăng trưởng trong tương lai.

Có nhiều người lầm tưởng rằng cứ đúc NFT ngày hôm nay và đăng bán vào ngày hôm sau trên các sàn giao dịch sẽ có người bỏ tiền ra mua NFT của mình và thu được món hời lớn như những thương vụ NFT đình đám. “Thành công sau một đêm” là chuyện không thể, nó đòi hỏi quá trình gian nan và sự hiểu biết. Chúng ta đã quen với các thuật toán quảng bá của các trang mạng xã hội như Youtube, Tiktok, Facebook v.v. Nhưng các sàn giao dịch không hoạt động dựa trên những thuật toán như vậy, sẽ không ai tìm đến NFT của bạn nếu như bạn không quảng bá nó. Trước hết hãy tìm hiểu về những khán giả hay khách hàng tiềm năng của bạn, và xây dựng một cộng đồng để giới thiệu và quảng bá cho mọi người quá trình mà bạn làm ra NFT đó. Mọi người sẽ hiểu câu chuyện của bạn và sẽ không ngại bỏ tiền ra ủng hộ những tác phẩm nghệ thuật đó.

Blockchain là gì?

Để hiểu rõ hơn về NFT, chúng ta nên hiểu về Blockchain và cách hoạt động của nó. Bởi vì việc mua bán các NFT sẽ dựa trên nền tảng công nghệ Blockchain. Blockchain như cái tên của nó là chuỗi khối, là một chuỗi các khối được liên kết với nhau, mỗi khối sẽ chứa đựng thông tin từng giao dịch một đã xác minh và xảy ra trong Blockchain đó. Mỗi khối sẽ có một dung lượng lưu trữ nhất định, sau khi giao dịch đã được xác minh và khối đã đầy thì khối mới sẽ được tạo ra gắn liền vào khối liền trước đã được xác minh.

Blockchain là mạng lưới phi tập trung bao gồm nhiều máy tính ở khắp nơi trên thế giới liên kết lại với nhau. Mỗi máy tính này lại lưu trữ một bản sao về các khối và thông tin giao dịch trong mỗi khối, nên việc hack và thay thế thông tin trong mạng lưới Blockchain là rất khó, bởi vì hacker phải thay đổi toàn bộ thông tin trên rất nhiều máy tính đó thì mới có thể thao túng và làm giả được các thông tin đã được xác thực trên Blockchain. Bất kỳ thông tin nào không trùng khớp với các khối còn lại thì giao dịch đó sẽ không được công nhận và không được ghi vào mạng lưới Blockchain.

Blockchain hiểu ngắn gọn như là một cuốn sổ cái kế toán dài lê thê, ghi lại các giao dịch trong mạng lưới. Cuốn sổ cái đó được sao chép và phân phát cho mọi người tham gia vào Blockchain đó. Nếu muốn thêm thông tin gì mới vào cuốn sổ cái đó, thì phải được sự đồng ý của tất cả mọi người trong mạng lưới đó chấp thuận. Nếu như một người bị mất cuốn sổ cái, thì có thể sao chép từ mạng lưới Blockchain và luôn chắc rằng cuốn sổ bạn giữ sẽ có đầy đủ thông tin như mọi người trong mạng lưới Blockchain.

Cuốn sổ cái Blockchain là công khai, ai cũng có thể truy cập và xem thông tin từng giao dịch, đó là tính chất minh bạch của Blockchain. Ví dụ các bạn có thể truy cập trang https://etherscan.io để tìm kiếm và xem tất cả các giao dịch của một địa chỉ trong Blockchain của Ethereum, để xem thông tin giao dịch của địa chỉ nào đó trên Blockchain của Bitcoin thì các bạn có thể tìm và truy cập Blockchain explorer https://www.blockchain.com/explorer.

Một số đồng tiền kỹ thuật số như Bitcoin, Ethereum v.v. sẽ có mạng lưới Blockchain riêng của nó. Ngoài việc xác thực việc giao dịch các đồng tiền kỹ thuật số như Bitcoin, Ethereum v.v. Blockchain còn nhiều ứng dụng tuyệt vời khác nữa.

Ứng dụng trong nông nghiệp như truy xuất được nguồn gốc của trái cây, hoa màu v.v. Để có thể đảm bảo được nguồn gốc, chất lượng và độ tin cậy của sản phẩm. Ví dụ như mình sống ở Sài Gòn, đi dọc đường sẽ thấy người ta rao bán dâu tươi Đà Lạt, nhưng liệu đó có phải là dâu Đà Lạt hay không thì cần phải xem xét lại, nguồn gốc của nó vẫn đang là một dấu hỏi lớn.

Trong lĩnh vực sản xuất như quản lý kho bãi và hàng tồn kho, tránh việc hao hụt hay mất mác tài sản của doanh nghiệp v.v.

Ngoài ra Blockchain còn nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, tài chính ngân hàng, các bạn có thể tìm hiểu thêm về các ứng dụng tuyệt vời của Blockchain mang lại.

Phân biệt Coin và Token

Coin là đồng tiền kỹ thuật số có Blockchain của riêng từng loại như Bitcoin, Ethereum, Litecoin v.v. Trong khi đó Token là loại tiền điện tử không sở hữu Blockchain riêng của nó mà nó tận dụng Blockchain của những đồng coin khác. Hiện tại hầu hết các NFT được tạo ra và vận hành trên Blockchain của Ethereum. Môt số NFT được tạo ra  và hoạt động trên WAX, Binance Smart Chain và một số Blockchain khác.

Các loại NFT phổ biến

Các NFT là một sản phẩm kỹ thuật số có thể là:

    – Hình ảnh

    – Video

    – Audio

    – GIF

    – Mô hình 3D

    – Sách và văn bản

    – Tên miền (tên miền trên blockchain)

    – Bất động sản ảo

    – Vật phẩm game

NFT và những nghi hoặc

“Tại sao tôi lại muốn mua một thứ gì đó mà ai cũng có thể xem được trực tuyến, chụp lại màn hình và tuyên bố quyền sở hữu với sản phẩm kỹ thuật số ấy?”. Để trả lời cho câu hỏi này thì chúng ta hãy xem lại mục, tại sao NFT có giá trị và mục đích mà người ta sưu tầm kỹ vật.

NFT là một phương tiện để mua bán trao đổi các sản phẩm kỹ thuật số, vậy còn việc NFT hóa các tài sản thực như một đồ vật nào đó thì sao? Người mua NFT đó chỉ sở hữu NFT và một lời hứa hẹn, và chuyện gì sẽ xảy ra khi người tạo NFT không bàn giao tài sản ở dạng vật chất cho người mua NFT. Điều này đi ngược với giá trị của tài sản Blockchain, khi ta phải phụ thuộc vào bên thứ ba.

Nội dung của NFT ví dụ như hình ảnh, video sẽ không được tải lên Blockchain bởi vì nó có dung lượng lớn và chi phí cao. Trên các sàn giao dịch như OpenSea người đúc và bán NFT sẽ phải cung cấp đường dẫn đến hình ảnh hoặc video đó và chuyện gì sẽ xảy ra khi hình ảnh NFT đó được tải lên một máy chủ tập trung và hiện tại nó đã chết? NFT của bạn sẽ tan tành phải không. Hãy áp dụng những giải pháp lưu trữ phi tập trung như IPFS (InterPlanetary File System) hay những nhà cung cấp dịch vụ đám mây đáng tin cậy như AWS hay Google Cloud. Đừng nên tải nội dung NFT lên các dịch vụ lưu trữ web tập trung, trang web cá nhân hay tài khoản lưu trữ cá nhân.

Các sàn giao dịch NFT

Tên sàn Trang web Mô tả
Open Sea https://opensea.io/ Đây là sàn giao dịch NFT đầu tiên cũng là sàn giao dịch lớn nhất thế giới. Open Sea có vô số các NFT được đúc ra và rao bán, giao diện người dùng đơn giản và dễ tiếp cận.
Nifty Gateway https://www.niftygateway.com/ Là sàn giao dịch chỉ bán NFT của các nghệ sĩ có tên tuổi, ở đây các bạn có thể mua NFT bằng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ.
Super Rare https://superrare.com/ Như tên gọi của nó, đây là sàn giao dịch chỉ bán những NFT có một phiên bản duy nhất. Các NFT kỹ thuật số không mua được ở bất kỳ nơi nào khác thì mới có thể bán được tại Super Rare.
WAX https://wax.atomichub.io/ Sàn WAX dựa trên Blockchain WAX với chi phí giao dịch (phí gas) nhỏ hơn rất nhiều so với phí gas của Ethereum. WAX sử dụng phương thức xác thực proof of stake giúp ít tiêu tốn năng lượng và giảm tác động đến môi trường tự nhiên.
Foundation https://foundation.app/ Cách thiết kế và hoạt động của sàn này ảnh hưởng từ mạng xã hội. Người dùng được Khuyến khích liên kết trang mạng xã hội với Foundation. Ai cũng có thể đăng ký sử dụng Foundation, nhưng nếu muốn bán NFT thì phải nhận được upvote như cộng đồng, điều này khiến cho người dùng khó bán được NFT nhưng phần lớn NFT được cộng đồng đón nhận đều có chất lượng.

Tóm lại

Nhiều nhận định cho rằng thị trường NFT là thị trường đầu cơ, và bong bóng NFT sẽ vỡ như bong bóng dot-com vào cuối thập niên 1990. Nhưng suy cho cùng thị trường NFT đã tạo ra một sân chơi và nhiều lợi ích cho các nghệ sĩ và người sưu tầm kỹ thuật số. NFT nói riêng và Blockchain nói chung đã và đang mang lại những ứng dụng và tiện ích công nghệ không thể phủ nhận.

Bài viết gốc được đăng tải tại anhlamweb.com

Xem thêm:

Top Developer đừng bỏ lỡ Top việc làm IT mới nhất trên TopDev!