8 “mẹo” nhỏ cần làm để tìm việc mới hiệu quả

632

Bài viết được sự cho phép của tác giả Lê Tuấn Anh

Tìm việc là một quá trình tốn thời gian và năng lượng. Có nhiều việc bạn cần phải làm như: đọc tin tuyển dụng, viết hồ sơ, chuẩn bị phỏng vấn. Để tìm việc hiệu quả, bạn cần xem chuyện tìm việc giống như một dự án của bản thân – bạn là trưởng dự án. Để quản lý dự án tìm việc cho bản thân tốt, bạn cần có một danh sách rõ ràng các việc cần phải làm. Dưới đây là danh sách 8 điều cần làm để giúp bạn theo dõi quá trình tìm việc và tìm được công việc đúng với đam mê và sở trường của bản thân.

1/ Công ty đang quan tâm

Tuỳ theo lĩnh vực và ngành nghề bạn đang theo đuổi, bạn nên bắt đầu với danh sách 10-15 công ty tiềm năng trong mảng này. Danh sách 10-15 công ty này rất quan trọng vì nó giúp cho quá trình tìm việc của bạn dễ dàng tìm kiếm và quản lý thông tin hơn. Khi bạn có trong tay tên 10-15 công ty, bạn có thể bắt đầu vào website công ty xem họ đang tuyển vị trí gì, có cựu sinh viên nào của trường mình đang làm việc ở đó hay không, có sự kiện nào có sự tham gia của nhân sự công ty đó, có người bạn nào trên Facebook hay LinkedIn đang làm tại công ty đó hay không?

Công ty đang quan tâm

Thay vì nói chung chung với người khác rằng “tôi muốn tìm việc trong mảng tài chính“, bạn nên nói cụ thể hơn “tôi muốn làm việc cho công ty A (mảng tài chính)” hoặc “tôi muốn làm công việc tài chính trong một công ty công nghệ“, như vậy sẽ dễ dàng hơn để người khác kết nối và giới thiệu bạn với những mối quan hệ mà họ có trong ngành.

Ví dụ, Tuấn Anh có thể đăng một tin trên Facebook hoặc nói với bạn bè mình rằng “tôi muốn làm một vị trí nào đó trong các trường đại học, liên quan đến giảng dạy hoặc hướng nghiệp càng tốt“. Một số bạn bè trong mối quan hệ của mình đang làm việc tại trường đại học đã liên hệ với mình để giới thiệu những tin tuyển dụng mà họ biết.

Nếu bạn chưa biết mình thích công ty này, có thể tham khảo các danh sách như Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (cập nhật hàng năm) hoặc danh sách các công ty top theo từng lĩnh vực.

2/ Vị trí và vai trò của vị trí đó

Từ điểm mạnh của bản thân và lịch sử làm việc trong quá khứ, bạn có thể lọc ra được một vài từ khoá liên quan đến công việc mà bạn đang quan tâm. Từ những từ khoá này, bạn gõ vào thanh tìm kiếm của các trang tuyển dụng như TopDev, Glints, Vietnamwork, LinkedIn để cho ra các gợi ý công việc. Ví dụ Tuấn Anh tìm các công việc liên quan đến các từ khoá như “tư vấn hướng nghiệp”, “giảng dạy kỹ năng”, “nhân sự”, “đào tạo”.

Khi đã tìm ra những vị trí ưng ý, bạn không chỉ nên đọc tiêu đề tên công việc mà còn nên đọc kỹ cả các gạch đầu dòng mô tả công việc đó. Hiện nay có nhiều công ty viết tiêu đề công việc một đằng, mô tả công việc một nẻo, hoặc cố tình dùng từ ngữ hoa mĩ để thu hút. Ví dụ những công việc kiểu “business development”, “consultant” nghe rất hay nhưng rất nhiều công việc trong số đó bản chất là “sale” – bán hàng chứ không phải tư vấn và phát triển chiến lược. Vì vậy, phải đọc kĩ từng gạch đầu dòng trong tin tuyển dụng.

  Cách Viết Summary Trên LinkedIn Để Thu Hút Các Nhà Tuyển Dụng

  Những tác động to lớn của trí tuệ nhân tạo trong tuyển dụng

3/ Những mối quan hệ quen biết

Bạn cần có một danh sách những người bạn biết và có khả năng giới thiệu công việc cho bạn, liên hệ với những người này một cách cá nhân qua Facebook, Zalo hoặc một cách chuyên nghiệp qua email.

tìm việc qua mối quan hệ

Khi liên hệ, bạn nên nói về các ý bao gồm: Bạn có thể làm gì? Bạn thích kiểu công việc như thế nào hoặc đang tìm kiếm vị trí gì?, đồng thời nhờ người đó giới thiệu nếu biết có cơ hội nào. Khi nhà tuyển dụng tìm người, kênh đầu tiên thường được ưu tiên là qua các mối quan hệ. Vì vậy cách này có thể giúp bạn tiếp cận được những công việc tốt hơn là các trang tuyển dụng. Bạn cũng có thể sử dụng LinkedIn, tìm các cá nhân đang làm tại công ty bạn thích, kết nối với người ta và giới thiệu về bản thân bạn.

4/ Tham gia các chương trình Mentor / Networking / Hội thảo nghề nghiệp

Hiện nay có rất nhiều người làm nhân sự của các công ty thường xuyên đi làm Mentor cho các chương trình, làm diễn giả các hội thảo hoặc tham gia các sự kiện networking trong ngành. Bạn nên canh những chương trình này và tới để làm quen với những người này. Khi gặp những người này, bạn có thể giới thiệu nhanh về bản thân, xin thông tin liên lạc để về nhà gửi email giới thiệu kĩ hơn kèm CV của bạn.

Một số cộng đồng chuyên ngành bạn cân nhắc:

Một số chương trình Mentor:

5/ Chuẩn bị cách trả lời những câu hỏi phỏng vấn

Chuẩn bị cách trả lời những câu hỏi phỏng vấn

Tuỳ theo người phỏng vấn và công ty mà các câu hỏi có thể khác nhau, tuy nhiên vẫn có những câu hỏi thông dụng như “Giới thiệu bản thân“, “Điểm mạnh của bạn là gì?” hoặc là “Mục tiêu 3-5 năm tới“. Bạn nên xem danh sách các câu hỏi phỏng vấn thông dụng và tập chuẩn bị trước cách trả lời các câu hỏi này ở nhà. Hãy tưởng tượng mình là một vận động viên thể thao, trước khi bước ra sân thi đấu thì cần rất nhiều thời gian tập luyện.

6/ Những mong muốn của bản thân ở chỗ làm

Bạn nên làm rõ những mong muốn cụ thể của bản thân từ mức lương, vị trí địa lý chỗ làm, tính cách của sếp hay cách bài trí văn phòng. Những mong muốn này giúp bạn lựa chọn công việc tốt hơn, tránh việc đi làm một thời gian thấy không đúng ý mình, cũng như có thêm chất liệu để đặt ra câu hỏi ngược lại cho nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn. Ví dụ bạn có thể hỏi: “Ngoài lương, các chính sách đãi ngộ khác của công ty mình như thế nào?” hoặc hỏi người sếp quản lý trực tiếp là “Phong cách lãnh đạo của anh là gì?”.

Bạn có thể đọc thêm bài viết này để hiểu hơn về 7 yếu tố ảnh hưởng công việc, từ đó vạch ra được các mong muốn cụ thể của bản thân.

7/ Theo dõi thư ứng tuyển

Đừng chỉ gửi đơn ứng tuyển và ngồi chờ phản hồi – vì rất có thể nhiều nhà tuyển dụng sẽ không phản hồi đâu. Việc của bạn là sau khi gửi một đơn đi thì nên ghi chú lại, khoảng 1-2 tuần sau khi gửi thì nên email hoặc gọi điện hỏi thông tin nếu chưa nhận được phản hồi. Ngoài ra, khi đi phỏng vấn về bạn cũng nên gửi một thư cảm ơn và bổ sung thông tin nếu cần.

8/ Xây dựng bảng kế hoạch tìm việc

Như đã nói ở đầu bài, hãy coi việc tìm việc như một dự án cần giải quyết – mỗi ngày bạn cần có mục tiêu và các bước hành động. Ví dụ hôm nay kết bạn với XX người trên LinkedIn, ngày mai tuốt tát lại CV, ngày kia ứng tuyển XX vị trí. Mình từng có một ví dụ về lịch trình một ngày có thể phân công như thế nào để tìm việc, bạn có thể tham khảo tại đây.

Bài viết gốc được đăng tải tại anhtuanle.com

Có thể bạn quan tâm:

Xem thêm việc làm ngành IT hàng đầu tại TopDev