Map Platform: Giải pháp phát triển sản phẩm trong tương lai

3211

Hiện nay trong nhiều ứng dụng, từ xe ôm công nghệ đến tài chính fintech, chúng ta đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh UI UX về bản đồ. Bản đồ là một phần không thể thiếu trong những phần mềm có liên quan đến địa điểm. Tuy nhiên, khi nói đến Map Platform thì không chỉ đơn thuần là những bản đồ nền như vậy mà phía sau đó còn rất nhiều tính năng khác như tìm kiếm địa điểm, đưa ra những đường đi phù hợp tới điểm đến được tìm kiếm. Cùng tìm hiểu về thêm về Map Platform trong phần chia sẻ của anh Lê Yên Thanh trong bài viết dưới đây.

Về diễn giả

  • Anh Lê Yên Thanh là CEO đồng thời là nhà sáng lập của BusMap – nền tảng công nghệ về giao thông công cộng.
  • Anh là cựu sinh viên Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia TP. HCM và từng là thực tập sinh tại Google với mức lương 6.000 USD/tháng.
  • Busmap là sản phẩm được anh Yên Thanh viết từ năm thứ hai đại học, đến nay mỗi ngày nền tảng này có hơn 400.000 người dùng thường xuyên mỗi tháng và đã có hơn 2 triệu lượt người dùng tải app.
  Giải đáp UX: User Empathy Mapping là gì? User Story được form như thế nào?
  Roadmap Frontend Developer - "Con đường tắt" để trở thành cao thủ Frontend Developer
map platform
Map Platform: Giải pháp phát triển sản phẩm trong tương lai

Sơ lược về nền tảng BusMap

BusMap là một ứng dụng chuyên về tìm kiếm lộ trình xe bus và những công nghệ liên quan đến giao thông công cộng thành phố. Một trong những công nghệ lõi của BusMap là công nghệ về bản đồ và thuật toán tìm đường. Đây là công nghệ đã được anh Yên Thanh nghiên cứu từ cách đây khoảng 7 năm. Trong sự kiện Vietnam Web Summit 2020 lần này, anh Thanh sẽ chia sẻ thêm về công nghệ bản đồ và những ứng dụng, những nền tảng map mà lập trình viên hay những nhà phát triển ứng dụng nên tìm hiểu để có thêm kiến thức và phát triển các loại bản đồ phù hợp với sản phẩm của mình.

Map Platform có những nhân tố chính nào?

Hiện tại, Map Platform đang có 3 nhân tố chính là: Base map SDK, Geocoding API, Routing API.

  • Base map SDK: là những UI UX liên quan đến bản đồ nền. Chẳng hạn khi vào một ứng dụng, bạn sẽ nhìn thấy bản đồ và tương tác với nó (zoom in, zoom out, di chuyển, tra cứu tên đường hiển thị), đó chính là bản đồ nền. Khi làm việc với những phần mềm có liên quan đến bản đồ thì bản đồ nền là sản phẩm bạn sẽ sử dụng nhiều nhất.
  • Geocoding API: sẽ liên quan đến những ứng dụng mà khi truy cập vào đó, bản đồ sẽ yêu cầu chúng ta nhập địa chỉ nhà để biết được vị trí ngôi nhà đấy ở đâu. Hoặc khi lấy được GPS trên điện thoại, bản đồ cũng có thể suy ngược lại người dùng đó đang ở đâu.
  • Routing API: làm việc với những ứng dụng liên quan đến logistics như hướng dẫn cho người giao hàng cần phải đi những cung đường nào, chạy như thế nào cho phù hợp,… Những vấn đề này liên quan đến Routing API.
map platform
Map Platform hiện có 3 nhân tố chính

Đây chính là 3 nhân tố chính mà Map Platform cung cấp cho lập trình viên để build những ứng dụng liên quan đến nền tảng này. Ngoài ra còn có những tính năng nâng cao hơn mà map platform cung cấp như phân tích dữ liệu về AI, big data,…

Xem thêm Kỹ thuật làm app bản đồ, tìm đường và tính năng bắt Pokemon GO

Hiện đang có mấy loại base map?

Hiện nay base map được chia thành 2 loại là Vector Map và Raster Map. Đây cũng là 2 công nghệ bản đồ được sử dụng nhiều nhất ở thời điểm hiện tại.

Vector map là loại bản đồ được build dựa trên các dữ liệu liên quan đến vector, mỗi cung đường sẽ là những đoạn thẳng. Những cung đường về việc xe cộ di chuyển như thế nào, những vòng cung, vòng xoay, giao lộ, vị trí nhà người dân, building,… tất cả các dữ liệu  như thế này sẽ được lưu dưới dạng dữ liệu digital. Ví dụ như một đoạn đường sẽ được biểu diễn bằng một đoạn thẳng từ A đến B, cung đường sẽ là các vector cong.

Raster Map ngược lại sẽ chia bản đồ thành từng bức ảnh, vì Raster lưu bản đồ dưới dạng hình ảnh. Nên khi chúng ta zoom bản đồ sẽ càng thấy rõ hơn thì nó sẽ lưu theo từng mức độ zoom khác nhau. Thông thường Raster sẽ chia làm 18 cấp độ zoom, độ zoom nhỏ nhất là 1 và lớn nhất là 18. Với mức độ zoom 1, bạn có thể nhìn thấy toàn bộ hình ảnh trái đất, còn với độ zoom 18 có thể nhìn thấy chi tiết một con đường trông như thế nào.

Ưu và nhược điểm của Vector Map và Raster Map

Chúng ta có thể so sánh Vector Map và Raster Map như 2 file ảnh png và file ảnh svg. Bằng cách so sánh này bạn sẽ không chỉ phân biệt được 2 base map mà còn biết được nắm được cả tính chất của 2 loại map này.

Vector Map: dữ liệu của Vector Map rất đơn giản, dễ lưu và có thể dễ dàng tùy biến. Những hình ảnh được lưu dưới dạng những vector nên khi đưa lên ứng dụng, nó có thể vẽ những cung đường khác nhau và apply những kiểu cách phù hợp mà dev lựa chọn. Khi zoom một bản đồ vector thì dù zoom bao nhiêu hình ảnh cũng không bị vỡ vì nó chỉ load vector đó ra và render cho vector chi tiết hơn mà thôi. Việc load dữ liệu lên cũng tốn ít băng thông, người dùng dữ liệu có thể xem bản đồ cả thành phố cùng một lúc. Vector Map đa phần được dùng trên những ứng dụng mobile.

Raster Map: vì dữ liệu được lưu dưới dạng những ô vuông hình ảnh nên điểm yếu của nó là chỉ có thể zoom đến mức độ 18 mà thôi. Nếu zoom hơn nữa hình ảnh bản đồ sẽ rất mờ. Thêm vào đó, vì là ảnh nên raster map sẽ tốn rất nhiều băng thông. Do những lý do này nên Raster Map không được dùng phổ biến, nó được sử dụng chủ yếu trên những nền tảng web. Tuy nhiên, dù tốn băng thông nhưng raster map lại tốn rất ít resource của web browser và vẽ lên trang web cũng dễ dàng hơn. Trong một số trường hợp nhất định, lập trình viên bắt buộc phải dùng Raster Map như với những hình ảnh chụp vệ tinh chẳng hạn.

Ngoài ra, còn có những loại base map khác, được xem là hybrid của 2 loại này, như Google Map,…

  6 lý do khiến cho nền tảng kết nối (platform) thất bại - Dành cho các founder đang xây dựng platform

Một số Map Platform hiện nay và giá cả

Google Map

Google Map là nền tảng uy tín và được sử dụng nhiều nhất ở thời điểm hiện tại. Với Dynamic Maps, Google cho phép người dùng sử dụng miễn phí trên mobile hoặc tốn 7 USD cho website có trên 1000 request. Nếu tính trung bình 1 user có 1 request thì website có hơn 100.000 lượt truy cập mỗi tháng sẽ tốn khoảng 700 USD cho chi phí hiển thị map. Bên cạnh Dynamic Maps, sẽ còn có nhiều dạng thông tin khác nhau với nhiều mức giá nên các công ty sẽ phải tốn kha khá kinh phí cho việc sử dụng Map Platform của Google Map. Nhưng API liên quan đến Geocoding và Direction của Google Map được đánh giá là một trong những nguồn tốt nhất hiện nay, vì Google Map có nguồn dữ liệu lớn, user sẽ tìm được mọi điểm trên website công ty bạn như khi tìm trên Google Map. Nên đây vẫn là lựa chọn của nhiều công ty.

MapBox

MapBox cũng là một trong những nguồn mà người dùng có thể sử dụng thay thế hiện nay. Nền tảng này hỗ trợ Map SDK trên mobile và web, nó không hỗ trợ nhiều về Geocoding hay Routine. Chi phí khi sử dụng MapBox sẽ rẻ hơn Google Map với mức giá rơi vào khoảng 250 USD mỗi tháng. Đặc điểm nổi trội của MapBox là dev có thể tùy biến, customize về kiểu bản đồ tương ứng với định hướng của công ty mình.

OpenStreetMap

Đây là nền tảng mà mọi người đều có thể đóng góp dữ liệu, nhận được bản đồ thay thế hoàn toàn miễn phí và tốt hơn. Vì mọi thứ đều có trên OpenStreetMap và đều là open source nên bạn cần dành thời gian để xem xét kỹ hơn về những giải pháp mà mình có thể sử dụng để đảm bảo chất lượng tốt nhất.

Ngoài ra, hiện tại cũng có khá nhiều Map Platform khác trên thị trường như Apple Map, Here Map, Vietbando, Vietmap, bMap,… Trong đó bMap là công nghệ bản đồ đang được xây dựng trực tiếp bởi BusMap. bMap cũng dựa trên một phần dữ liệu từ OpenStreetMap và phát triển nó lên để có những platform ở giữa như customize dữ liệu để có thể tùy chỉnh hóa dữ liệu đó.

Làm gì để tiết kiệm chi phí khi triển khai Map Platform?

Cân nhắc Map Platform phù hợp với nguồn dữ liệu hiện có

Nếu hiện nay sản phẩm của công ty bạn đang ở giai đoạn test thì có thể đăng ký sử dụng dữ liệu của Google Map vì Google đang có chính sách miễn phí 200 USD mỗi tháng cho người dùng. Nên nếu bạn chưa sử dụng đến 200 USD một tháng thì sẽ được sử dụng những dữ liệu chất lượng của Google Map hoàn toàn miễn phí.

Còn cách tối ưu hóa chi phí tốt nhất vẫn là sử dụng OpenStreetMap. OpenStreetMap hỗ trợ xây dựng dữ liệu dựa trên cả 3 nhân tố chính là Base Map, GeoCoding API, Routing API. BusMap ban đầu cũng sử dụng OpenStreetMap là chủ yếu. Điểm mạnh của nó là mình có thể tiết kiệm được khá nhiều chi phí cho công ty. Bạn sẽ chỉ tốn chi phí về máy chủ, băng thông để host dữ liệu bản đồ. Tuy nhiên không có giải pháp nào thật sự hoàn hảo. Với OpenStreetMap, bạn sẽ phải tốn khá nhiều thời gian và công sức để có thể setup và customize nên một hệ thống hoàn chỉnh. Chẳng hạn với những địa chỉ liên quan đến chủ quyền đất nước, chúng ta phải customize rất chặt chẽ để không bị ảnh hưởng đến các yếu tố khác. Các ứng dụng của người Việt càng phải chú trọng đến chuyện này hơn.

Hiện nay, bMap ngoài được sử dụng hỗ trợ dữ liệu cho BusMap, cũng đã dần được triển khai nhiều hơn cho các giải pháp liên quan đến bản đồ của những đơn vị khác. bMap hỗ trợ Base Map với đầy đủ vector map và raster map, có SDK sử dụng trên điện thoại khá nhẹ nên hỗ trợ tốt cho những ứng dụng và thiết bị điện thoại yếu hơn. Ngoài ra, bMap cũng hỗ trợ cả chế độ offline mode, người dùng chỉ cần tải về là có thể sử dụng kể cả khi không có mạng.

map platform
Cần có giải pháp hợp lý để tiết kiệm chi phí cho Map Platform

So sánh chi phí và workload để tìm giải pháp phù hợp

Đây là hai yếu tố có vai trò quyết định đến việc lựa chọn Map Platform phù hợp và tối ưu chi phí nhất. Nếu bạn đang phát triển một ứng dụng mang tính demo, thử nghiệm thì có thể sử dụng những platform như Google Map hay MapBox. Nó giúp tiết kiệm khá nhiều thời gian, công sức. Nhưng khi scale lớn hơn bạn sẽ phải chi rất nhiều tiền.

Khi ứng dụng đã phát triển hơn, bạn có thể chọn những platform khác như OpenStreetMap để tự build hoặc có thể sử dụng bMap để đỡ tốn workload. Khi đã có một lượng người dùng lớn rồi thì Thanh vẫn khuyên các bạn nên tìm hiểu thêm nhiều công nghệ bản đồ khác để tiết kiệm kinh phí nhất.

Xem thêm Docker to Serverless (Google Cloud Platform)

Chẳng hạn như BusMap hiện nay có khoảng 400.000 monthly active user, nếu không sử dụng công nghệ bản đồ riêng của mình mà sử dụng hoàn toàn dữ liệu của Google Map thì BusMap sẽ phải trả khoảng 50.000 USD/tháng chỉ riêng cho chi phí về bản đồ.

Với sự phổ biến và quan trọng của bản đồ, việc sử dụng dữ liệu bản đồ trong các ứng dụng của công ty sẽ còn tiếp tục phát triển hơn trong thời gian tới. Nếu muốn tiết kiệm chi phí ở giai đoạn scale các công ty nên nghiên cứu nhiều hơn các công nghệ bản đồ để vừa giúp tiết kiệm chi phí cho platform vừa đưa ra những tính năng tùy biến hơn, có thể kiểm soát tốt hơn về mặt công nghệ bản đồ, dữ liệu cho người dùng.

Bài viết được trích dẫn từ phần trình bày của anh Lê Yên Thanh tại sự kiện Vietnam Web Summit 2020 LIVE do TopDev tổ chức

Có thể bạn quan tâm:

Xem thêm các việc làm Developer hấp dẫn tại TopDev