Tìm hiểu về lập trình hướng đối tượng trong PHP

1108

Vào đầu những năm 2000, phiên bản PHP 5.0 được team phát triển ra mắt với việc giới thiệu các tính năng lập trình hướng đối tượng và duy trì cấu trúc đó cho đến những phiên bản mới nhất hiện nay. Điều này có ý nghĩa rất lớn và cho thấy sự đúng đắn của nó khi mà PHP vẫn đang là một trong những ngôn ngữ phổ biến nhất hiện tại; đồng thời các framework PHP được ưa chuộng cũng đang sử dụng hướng đối tượng để triển khai source code của nó.

Trong bài viết này chúng ta cùng nhau tìm hiểu về cách để thực hiện lập trình hướng đối tượng trong PHP để giúp bạn tự tin hơn trong khi làm việc với ngôn ngữ này nhé.

Lập trình hướng đối tượng

Trước tiên chúng ta cùng nhắc lại một chút về lập trình hướng đối tượng nhé. Object-Oriented Programming (OOP) là một kỹ thuật lập trình cho phép chúng ta tạo ra các đối tượng trong code trừu tượng hóa các đối tượng trong thực tế. Ví dụ như ở hình dưới đây ô tô, xe đạp hay tàu thủy đều là những đối tượng (object) phương tiện giao thông nên chúng ta có thể xếp nó vào chung 1 lớp (class) là Vehicle. Trong đó, xe đạp và ô tô lại có chung đặc điểm là có bánh xe, nên chúng ta xếp chúng vào 1 lớp là Wheeled Vehicle.

Lập trình hướng đối tượng trong PHP

Việc gom nhóm thành các lớp giúp chúng ta dễ dàng mô tả đặc điểm của từng đối tượng trong nhóm thông qua việc gán cho nó các thuộc tính (properties) và các phương thức (methods); tạo ra một cấu trúc phân cấp có khả năng kế thừa, tái sử dụng source code một cách rõ ràng.

2 khái niệm cơ bản nhất trong OOP chính là class (lớp) và object (đối tượng): bạn có thể hiểu class như một khuôn mẫu còn đối tượng là một thực thể thể hiện khuôn mẫu đó.

Lập trình hướng đối tượng trong PHP

4 nguyên lý cơ bản của OOP bao gồm:

  • Tính đóng gói (Encapsulation)
  • Tính kế thừa (Inheritance)
  • Tính đa hình (Polymorphism)
  • Tính trừu tượng (Abstraction)

Lập trình hướng đối tượng trong PHP

Như vậy để chúng ta có thể lập trình hướng đối tượng trong một dự án sử dụng ngôn ngữ cụ thể thì trong source code luôn phải định nghĩa được ra những khái niệm ở trên, đồng thời đáp ứng đủ 4 nguyên lý cơ bản giúp triển khai OOP một cách hiệu quả. Tiếp theo chúng ta cùng đi cụ thể vào việc sử dụng PHP để triển khai OOP trong code như thế nào nhé.

  Lập trình hướng đối tượng (OOPs) trong Java

  Các hàm xử lý chuỗi thường dùng trong PHP

OOP trong PHP

Khi mới bắt đầu học PHP, thường các hướng dẫn, ví dụ đơn giản sẽ viết code PHP theo kiểu lập trình hướng thủ tục. Tuy nhiên khi source code của chúng ta trở nên nhiều hơn một chút thì việc viết code theo hướng đối tượng là lựa chọn tốt hơn, và thực tế là các framework PHP hiện nay cũng phần lớn được viết để triển khai OOP.

1. Định nghĩa class và tạo object

Trong PHP,  chúng ta dễ dàng định nghĩa một class trong cặp dấu ngoặc nhọn với các khai báo thuộc tính, hàm khởi tạo cùng các phương thức bên trong; sau đó khởi tạo một object thuộc lớp trên với từ khóa new. Việc gọi hàm thông qua object giúp truy cập đến phương thức đã định nghĩa trong class.

<?php
class Vehicle {
    // Properties
    public $Vehicle;
    // Constructor
    function __construct($Vehicle) {
        $this->Vehicle = $Vehicle;
    }

    // Methods
    function getVehicleName() {
        return 'The Vehicle's name: ' . $this->Vehicle;
    }
}

// Create an object
$ship = new Vehicle('Ship');

// Call method
echo $ship->getVehicleName(); // The Vehicle's name: Ship

2. Tính kế thừa

Tính kế thừa thể hiện quan hệ cha con giữa các lớp, giúp các lớp con kế thừa các thuộc tính, phương thức từ lớp cha; từ đó xây dựng được một cấu trúc phân cấp rõ ràng trong chương trình, đồng thời tối ưu được việc tái sử dụng source code.

class WheeledVehicle extends Vehicle {
} 
$bike = new WheeledVehicle('Bike');
echo $bike->getVehicleName(); // The Vehicle's name: Bike

Từ khóa extends giúp chúng ta tạo ra một class WheeledVehicle kế thừa class Vehicle; và khi đối tượng bike được tạo ra, nó đã có sẵn phương thức getVehicleName mà không cần phải khai báo lại.

Xem thêm tuyển dụng PHP lương cao trên TopDev

3. Tính đa hình

Tính đa hình thể hiện việc các lớp khác nhau có thể triển khai cùng một phương thức theo các cách khác nhau. Có nhiều cách để triển khai tính đa hình trong PHP, miễn rằng đảm bảo được việc các class có quan hệ kế thừa với cùng 1 class cha và sẽ triển khai phương thức đa hình trong từng lớp con. Từ khóa abstract được sử dụng để tạo phương thức đa hình, hoặc sử dụng từ khóa override cho việc ghi đè.

<?php
abstract class Person
{
    abstract public function greet();
}
class English extends Person
{
    public function greet()
    {
        return 'Hello!';
    }
}
class French extends Person
{
    public function greet()
    {
        return 'Bonjour!';
    }
}

Ở ví dụ trên, chúng ta tạo ra một abstract class Person trong đó khai báo phương thức greet (chào hỏi). Với 2 lớp con English (người Anh) và French (người Pháp) kế thừa từ class cha Person, việc triển khai 2 lớp này khác nhau trong từng lớp con sẽ cho chúng ta kết quả khác nhau khi cùng hành động chào hỏi (greet) là người Anh sẽ chào Hello, còn người Pháp sẽ chào Bonjour.

4. Tính đóng gói

Tính đóng gói thể hiện phạm vi truy cập đến các biến trong một lớp, giúp che giấu hoặc ngăn chặn việc chỉnh dữ liệu từ bên ngoài của một đối tượng. PHP hỗ trợ cả 3 từ khóa khai báo phạm vi truy cập biến tương tự như Java gồm public, protected và private.

<?php
class Car
{
    // data inaccessible outside the class body:
    private $model;
    public function getModel()
    {
        return $this->model;
    }
    public function setModel($modelValue)
    {
        $this->model = $modelValue;
    }
}
$car = new Car();
$car->setModel("Toyota Corolla");
// echo "Model: " + $car->model; => Fatal error: Uncaught Error: Cannot access private property
echo "Model: " . $car->getModel() . "n";

Ở ví dụ trên, chúng ta không thể truy cập trực tiếp vào thuộc tính model trong đối tượng car thuộc lớp Car; nếu cố tình truy cập đến thì sẽ nhận về lỗi Fatal error: Uncaught Error: Cannot access private property. Việc truy cập bắt buộc thông qua các phương thức get, set được định nghĩa public trong lớp. Điều này đảm bảo rằng biến car không bị can thiệp, chỉnh sửa sai trong quá trình chạy chương trình.

5. Tính trừu tượng

Tính trừu tượng trong OOP thể hiện ở việc chỉ trình bày lên những thông tin cần thiết cho người dùng, bỏ qua những thứ không cần thiết và giấu kín nó. Cụ thể chúng ta xem xét ví dụ dưới đây:

<?php
class Triangle
{
    private $a;
    private $b;
    private $c;
    public function __construct($aVal, $bVal, $cVal)
    {
        $this->a = $aVal;
        $this->b = $bVal;
        $this->c = $cVal;
    }
    public function calcArea()
    {
        $a = $this->a;
        $b = $this->b;
        $c = $this->c;
        $p = ($a + $b + $c) / 2;
        $area = sqrt($p * ($p - $a) * ($p - $b) * ($p - $c));
        return $area;
    }
}
$triangle = new Triangle(3, 4, 5);
echo "Area = " . $triangle->calcArea();

Trong đoạn code trên thì người sử dụng class Triangle chỉ quan tâm đến diện tích (Area) của tam giác, không cần bận tâm đến các biến a, b, c được khai báo hay các bước tính toán diện tích tam giác. 

Kết bài

Như vậy qua bài viết này chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu sâu hơn về cách triển khai lập trình hướng đối tượng trong PHP. Nắm vững được kiến thức này sẽ giúp bạn viết code một cách tự tin hơn, đảm bảo cấu trúc dự án và khả năng mở rộng chương trình trong tương lai. Hy vọng bài viết hữu ích dành cho bạn và hẹn gặp lại trong các bài viết tiếp theo của mình.

Tác giả: Phạm Minh Khoa

Có thể bạn quan tâm:

Truy cập ngay việc làm IT đãi ngộ tốt trên TopDev