Làm việc ở Startup hay doanh nghiệp lớn, đâu là lựa chọn thông minh?

3676
Tìm một công việc phù hợp đã khó, tìm một môi trường làm việc phù hợp với tính cách và con đường phát triển của bản thân lại càng thách thức, nhất là với các bạn trẻ nhiều hơn. Vậy, nên làm việc cho startup hay doanh nghiệp lớn? Câu trả lời là: Tuỳ vào định hướng của mỗi người.

Startup

Nếu như bạn có định hướng sẽ “làm chủ” trong 5 đến 7 năm tới thì việc đầu quân vào một công ty non trẻ sẽ là sự lựa chọn hợp lí hơn. BỞI VÌ:

Có cơ hội tiếp xúc với founder khác

Làm chủ một công ty, tổ chức cũng có nghĩa là bạn sẽ nắm trong tay rất nhiều quyền lực và cả trách nhiệm. Những kĩ năng để quản lí nhân sự, phát triển mô hình kinh doanh và duy trì mô hình kinh doanh ấy sẽ được học hỏi tốt nhất ở một người founder đi trước. Chưa kể, tham gia vào một startup, bạn có cơ hội để “mục sở thị” cách những đàn anh đàn chị làm việc, giải quyết khủng hoảng, điều hành, tuyển dụng,…hơn là chỉ nghe hay học qua sách vở, tài liệu hay nghe chia sẻ.

Chứng kiến một tổ chức từ con số không

Chứng kiến một công ty đi lên từ con số không cho đến khi trở thành một công ty kinh doanh vững mạnh, hoặc cũng có thể là…”sập” – trở về con số 0 tròn trĩnh như ban đầu. Dù bạn được chứng kiến quá trình nào thì việc tham gia, trải nghiệm quá trình hình thành và phát triển của một startup là kinh nghiệm vô cùng quý báu cho bản thân bạn sau này.

Phát triển khả năng leadership

Trong một môi trường chưa hoàn thiện, tất cả mọi thứ còn có phần “ngổn ngang” thì việc bản thân bạn phải tự đưa mình vào một khuôn khổ, tự tạo challenge cho mình là điều vô cùng cần thiết.

Khả năng thăng tiến

Chính vì là môi trường mới mẻ, nhiều thách thức, và có phần mạo hiểm hơn những doanh nghiệp lớn, startup có lợi thế về việc mở ra cho các thành viên của mình những cơ hội thăng tiến và thu nhập đáng kể, nếu startup thành công.

Doanh nghiệp lớn

Chuyên môn

Tuy không có sự bùng nổ và sức trẻ như startup, các doanh nghiệp lớn lại mang trong mình lợi thế với bề dày kinh nghiệm. Thích hợp với các những bạn có mong muốn trau dồi kiến thức chuyên môn, trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình và trở thành partner của những công ty lớn. Lúc này, làm việc ở startup sẽ không thể cung cấp đủ cho bạn cả chiều sâu lẫn chiều rộng của kiến thức.

Thời gian

Ở các tổ chức lớn với số lượng lên đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người, người quản lí sẽ cho bạn nhiều thời gian để sai, rút kinh nghiệm và làm tốt hơn. Có khi bạn sẽ mất đến cả năm trời chỉ để làm quen với môi trường làm việc, văn hoá công ty, thử sức mình ở nhiều vị trí khác nhau để tìm ra “nơi nương thân” thích hợp nhất. Trong khi mặc sai lầm như vậy, những đóng góp của bạn cho doanh nghiệp là rất ít, hầu như không có. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lớn vẫn rất nhiệt tình giúp đỡ và đào tạo để bạn có thể gia nhập đội ngũ nhân sự thật sự “làm được việc” của công ty.

Những điều nói trên chắc chắn sẽ không thể có ở các Startup – một môi trường bấp bênh hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp đã tồn tại lâu đời. Bởi vì bản thân chủ doanh nghiệp cũng đang phải lo lắng rất nhiều vấn đề cho sự sống còn của công ty mình. Ở startup không có chỗ cho những sai lầm và thời gian để học hỏi nhiều như doanh nghiệp lớn.

Sự chuyên nghiệp

Với lợi thế là kinh nghiệm và sự ổn định, hầu hết các công việc đều đã được thực hành bởi nhiều người, kinh nghiệm được truyền từ người đi trước, thậm chí, nguồn tài liệu hướng dẫn, cách thức thực hiện một công việc đều có văn bản hướng dẫn cụ thể. Bạn sẽ không phải lăn tăn xem mình làm như vậy đã đúng chưa, bởi luôn có tiêu chuẩn nhất định để bạn đối chiếu kết quả làm việc của mình, bạn cũng sẽ không gặp tình trạng hoanng mang không biết phải làm gì, vì nhiệm vụ đã được phân công rất rõ ràng, cụ thể.

Nhược điểm là bạn sẽ không thể phát triển trên nhiều phương diện đồng thời cùng lúc như ở startup được.

Khả năng thăng tiến

Mặc dù như đã nói ở trên, startup là môi trường dễ thăng tiến nhưng cũng rất dễ chết yểu, thậm chí là chết trong chính tay bạn nếu như bạn chưa đủ kinh nghiệm. Ngược lại, con đường thăng tiến trong các doanh nghiệp lớn, dù khó khăn hơn vì nhưng yếu tố khách quan cũng như chủ quan, lại là con đường “ăn chắc” hơn bởi với lượng nhân lực dồi dào, bạn chắc hẳn phải vượt trội hơn mặt bằng chung để được cất nhắc. Các chủ startup, đôi khi không có quá nhiều lựa chọn trong nhân sự như doanh nghiệp.
Nguồn: Applancer Careers