Nhiều người than thở không thể tìm được việc dù đã nỗ lực tìm kiếm, trau chuốt hồ sơ, học cách tham gia phỏng vấn… Vậy vấn đề nằm ở đâu?
Theo các chuyên gia nhân sự, có nhiều lý do khiến một ứng viên bị loại, trong đó có những lý do phổ biến như ứng viên không tìm hiểu kỹ thông tin về công ty, về vị trí họ ứng tuyển… Thậm chí có ứng viên khi đi phỏng vấn đã “bê nguyên” phần giới thiệu trên trang web công ty để trả lời khi được hỏi “Anh/chị biết gì về công ty chúng tôi?”…
Vậy phải tìm hiểu thông tin công ty ra sao và trả lời phỏng vấn thế nào để gây ấn tượng? Các chuyên gia tuyển dụng mách bạn một số bí quyết:
1. Nói có mục đích. Hãy nói những điều giúp nhà tuyển dụng thấy được chuyên môn, kỹ năng của bạn cũng như phong cách làm việc, thành tích trước đây.
Nếu có thể hãy kể lại một vài tình huống mà bạn/công ty cũ đối mặt, và cách bạn giải quyết chúng. Có thể dành ít phút để nói về cảm giác của bạn lúc đó và những điều bạn rút ra được từ các thách thức này.
2. Nói đơn giản, không dùng ngôn từ khó hiểu. Hãy nói về bản thân một cách đơn giản, dễ hiểu, không lạm dụng các cụm từ hay các câu sáo rỗng. Nếu bạn nói: “Tôi là một người làm theo nhóm hướng tới kết quả, có động lực cao để thành công”, thì cho dù mô tả này là đúng, bạn cũng không gây ấn tượng được với nhà tuyển dụng.
3. Đừng là “máy nói”. Bạn tìm việc, đương nhiên nên tham khảo phần giới thiệu (About us) trên trang web công ty để nắm thông tin. Nhưng đừng lặp lại như vẹt các thông tin này khi đi phỏng vấn.
Thay vào đó, hãy tìm kiếm thêm thông tin về công ty từ nhiều nguồn khác nhau (báo chí, mạng xã hội, người quen, người làm cùng lĩnh vực với công ty…), chắt lọc và cô đọng các thông tin giá trị. Sau đó, dùng nó để chứng minh sự hiểu biết của mình về công ty, bạn sẽ khiến nhà tuyển dụng ấn tượng đấy!
4. Kể những câu chuyện có liên quan. Hãy chuẩn bị trả lời những câu hỏi mà qua đó nhà tuyển dụng muốn thăm dò về phong cách làm việc, tính cách và đạo đức của bạn. Họ sẽ phân tích câu trả lời của bạn một cách cẩn thận để xem liệu bạn có thích hợp với môi trường làm việc của công ty không.
Do đó, hãy chuẩn bị các câu chuyện minh họa ngắn để nhà tuyển dụng thấy bạn đã xử lý các tình huống căng thẳng trong công việc ra sao, bạn giải quyết xung đột cá nhân như thế nào; cho họ thấy bạn có thể đóng góp gì cho nhóm, khả năng giải quyết vấn đề/khả năng lãnh đạo nhóm của bạn ra sao…
5. Nhiệt tình và mỉm cười. Nếu bạn tỏ ra căng thẳng hoặc thiếu tự tin, hoặc nếu bạn ra vẻ quá tôn kính, bạn đã tự khiến mình mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Thay vào đó hãy thả lỏng, tỏ ra lạc quan và sẵn sàng đối mặt với các câu hỏi khó, nhà tuyển dụng sẽ thấy thú vị với bạn đấy!
6. Hỏi sâu sắc. Những câu hỏi tiết lộ rất nhiều điều về bạn. Đó là cách để bạn chứng minh rằng mình đã suy nghĩ về vai trò đang tìm kiếm ở công ty. Thay vì hỏi: “Tôi sẽ làm việc X?” hãy hỏi: “Tôi có cơ hội để làm việc X?”, hoặc “Bạn làm việc X theo cách này hay cách kia?”.
7. Thận trọng khi nói về sếp cũ/nơi làm việc cũ. Công việc của người phỏng vấn là tạo ra môi trường thân thiện, tôn trọng để bạn cảm thấy thoải mái và bộc lộ bản thân. Tuy nhiên đừng nhầm lẫn nhà tuyển dụng là bạn, rồi “tuôn” ra hết mọi thứ trong lòng bạn, như bạn đã gặp phải ông sếp cũ khó chịu thế nào, các đồng nghiệp thiếu chuyên nghiệp ra sao…
Làm thế, bạn đã tự đánh mất cơ hội của mình, bởi không nhà tuyển dụng nào ưa một người chưa chi đã “nói xấu” người khác. Ngoài ra, những điều bạn nói cũng có thể sẽ tới tai sếp cũ/công ty cũ của bạn, phá hỏng mối quan hệ của bạn và họ.
Cạnh đó, cũng không hỏi xem liệu bạn có được tuyển, bạn sẽ được trả lương bao nhiêu hoặc bạn được nghỉ mấy ngày trong tháng/trong năm vì chưa phải lúc.
Nguồn: tuoitre.vn