Chẳng ai quan tâm bạn chăm chỉ thế nào đâu!

1681

Liệu chúng ta sẽ có thể tách được những nỗ lực và hàng giờ làm việc quần quật ra khỏi cái quy định khen thưởng được không vậy?

Các nhà tâm lý học từ lâu đã nhận thấy được một thứ mà đôi khi được gọi là “ảo giác lao động”: khi đánh giá thành quả công việc của người khác, hầu hết chúng ta sẽ nói rằng mình chỉ chú ý đến việc người ta có hoàn thành công việc nhanh chóng và hiệu quả hay không – nhưng, thực chất, cái chúng ta thực sự để tâm đến lại là sự mệt mỏi và kiệt sức của họ sau khi hoàn thành công việc.

Nhà kinh tế học hành vi Dan Ariely đã kể một câu chuyện về một người thợ sửa khoá, người mà khi tay nghề dần trở nên thành thạo và điêu luyện hơn lại nhận được nhiều lời phàn nàn hơn về giá cả thay vì lời khen và tiền tips.

Mỗi đơn hàng tốn của ông ấy rất ít thời gian và sức lực đến mức khách hàng cảm thấy bị lừa – kể cả khi, một cách khá hiển nhiên, khả năng hoàn thành công việc với tốc độ nhanh (và siêu nhanh) của một thợ khoá là năng lực, chứ không phải lỗi của ông ấy.

Năm 2011, hai nhà nghiên cứu Ryan Buell và Michael Norton từ Trường Kinh doanh Harvard đã tiến hành một nghiên cứu và tìm ra rằng những người sử dụng trang web đặt vé máy bay thực ra thích chờ lâu hơn cho kết quả tìm kiếm – miễn là họ có thể xem được lộ trình chi tiết hiện lên sau đó, cốt để thấy được sự “làm việc chăm chỉ” của website đó khi nó xử lý xử lý cơ sở dữ liệu của từng hàng máy bay một.

Điều này không khác gì một khía cạnh thú vị trong hành vi của khách hàng – nếu không vì thực tế chúng ta thường áp những quy chuẩn kỳ quặc giống hệt nhau lên chính chúng ta. Hãy gọi nó là “Cái Bẫy Của Sự Nỗ Lực”: chúng ta rất dễ có xu hướng thay vì dành ra hai tiếng tập trung cao độ suy nghĩ những vấn đề khó khăn rồi sau đó sẽ có một buổi chiều thảnh thơi và thư giãn, thì chúng ta lại cảm thấy đáng hơn khi ngồi 10 tiếng một ngày chỉ để kiểm tra hòm thư hoặc đợi các cuộc gọi làm ăn. Thế nhưng, bất kỳ một nhà văn, nhà thiết kế hay nhà phát triển web nào sẽ nói với bạn rằng chính hai tiếng tập trung cao độ đó sẽ mang lại hiệu suất công việc cao nhất – cả về hai mặt tiền bạc và trách nhiệm. (Trong cuốn Daily Rituals xuất bản năm 2013 của tác giả Mason Currey, một ấn bản tập hợp những số liệu và hình ảnh về thói quen làm việc hằng ngày của các nghệ sỹ và nhà văn, gần như không có một báo cáo nào về việc có người dành ra nhiều hơn bốn đến năm tiếng một ngày cho những nhiệm vụ sáng tạo chính của họ.)

Đúng vậy, một công việc có giá trị không phải lúc nào cũng kéo theo sự vắt kiệt sức lao động cả: chỉ một vài giờ thật sự chuyên tâm vào nó là đã có thể mang lại cảm giác vô cùng hứng khởi – vậy nên nếu bạn đánh giá chất lượng công việc bằng sự mệt mỏi sau khi đã hoàn thành nó, bạn coi như đã bị lừa rồi.

Để có thể tránh được Cái Bẫy Của Sự Nỗ Lực còn khó khăn gấp đôi, bởi vì văn hoá đã ăn sâu vào tiềm thức của chúng ta với cái ý nghĩ: Làm việc chăm chỉ mới là thứ làm nên chuyện dù thế nào đi chăng nữa. Từ khi còn bé, cha mẹ và thầy cô đã nhồi nhét vào đầu chúng ta giá trị đạo đức của sự nỗ lực và tầm quan trọng của việc “làm hết sức mình”. Vô số phương pháp làm việc hiệu suất cao – thậm chí cả những cái tối ưu nhất, như trong cuốn Getting Things Done của David Allen – đều khuyến khích một lối tư duy “gạch-bỏ-một-thứ-trong-danh-sách”: Những cái danh sách đó ngay từ đầu đã bắt người ta phải liệt kê và theo dõi tiến trình hoàn thành các nhiệm vụ, do đó mà ta quên tự hỏi mình rằng liệu đây có phải là những gạch đầu dòng thích hợp để bắt tay vào công việc hay không.

Và quá nhiều công ty vẫn còn chủ trương truyền đạt đến nhân viên cái ý nghĩ rằng chỉ khi nỗ lực hết sức (một cách thái quá), bằng những giờ làm việc dài đằng đẵng, thì mới có cơ hội được thăng tiến. Mặc dù vậy, trong thực tế, nếu bạn đã hoàn thành xuất sắc công việc và rời văn phòng lúc 3 giờ chiều mỗi ngày, thì một người sếp thực sự tốt là người sẽ không phật ý về chuyện đó. Và điều đó cũng có nghĩa là, bạn không cần thiết phải báo cáo chi tiết hết tất cả những sự nỗ lực bạn đã đặt vào công việc khi đề nghị một sự thăng tiến. Bạn nghĩ một ông sếp người mà chỉ quan tâm đến đầu ra như thế nào sẽ quan tâm ư?

Lời khuyên phổ biến nhất là bạn nên hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng nhất trước tiên khi bắt đầu một ngày làm việc có lẽ vẫn là lời khuyên hữu ích nhất; với phương pháp này, thậm chí khi bạn dần đuối sức trong hàng tấn công việc cần giải quyết, thì bạn vẫn sẽ không lãng phí mức năng lượng tốt nhất của mình. Và nếu điều kiện công việc cho phép, hãy thử thực hành những giờ làm việc bị rút ngắn hết mức có thể: Chính sự hạn chế này sẽ có khả năng đẩy nhiệm vụ quan trọng nhất cần hoàn thành của bạn lên hàng đầu. Bạn nên đặt đồng hồ cho cả ngày, để nó nhắc nhở bạn những lúc bạn cần thay đổi sự tập trung của mình.

Tóm lại, hãy nhớ rằng việc tự vắt kiệt sức lực của bản thân – hay lên kế hoạch từng giây từng phút cho một ngày chỉ với công việc và công việc – không phải là một tiêu chí đánh giá đáng tin cậy cho hiệu suất làm việc của bạn. Hãy khiến cho vấn đề trở nên vui tươi hơn: Con đường tiến đến sự hoàn thành công việc một cách đầy sáng tạo có thể sẽ không cần đến quá nhiều nỗ lực như bạn tưởng đâu.

Nguồn: Applancer Careers via tác giả Oliver Burkeman