Mẹo nâng cao kỹ năng xã hội để thành công trong công việc

163

Bài viết được sự cho phép của tác giả Lê Tuấn Anh

Khi mình xem các hội nhóm “Review Công Ty” trên Facebook, thấy rất nhiều bài viết và bình luận than phiền về những mối quan hệ trong công ty, những drama, phốt, biến và nhiều thứ kinh khủng khác ngoài phạm vi công việc. Vậy mới thấy, khi đi làm bên cạnh việc hoàn thành tốt những công việc được giao, để sống sót lâu và dài nơi công sở, rất cần những kỹ năng xã hội.

Sự Quan Trọng Của Kỹ Năng Xã Hội

kỹ năng xã hội

Mình là một người không thích nghiên cứu số liệu, nhưng không thể bỏ qua một vài con số dưới đây:

  • Theo một nghiên cứu của Pew Research Center, trong năm 2018 có 42% công việc xếp “kỹ năng xã hội” là kỹ năng quan trọng nhất, quan trọng hơn cả kỹ năng nền tảng hay kỹ năng quản lý.
  • Cũng theo dự báo của Pew Research Center, những công việc phát triển nhanh nhất đến năm 2024 cũng đòi hỏi kỹ năng quan trọng nhất là kỹ năng xã hội.
  • Trong bộ 3 kỹ năng thế kỷ 21 mỗi người đi làm cần có, kỹ năng xã hội là một trong ba kỹ năng được liệt kê.

Vậy Kỹ Năng Xã Hội Là Gì?

Kỹ năng xã hội là một kỹ năng mềm (tức là có thể sử dụng cho nhiều công việc khác nhau), đôi khi được gọi là kỹ năng giao tiếp. Kỹ năng xã hội bao gồm:

  • Giao tiếp bằng lời: giọng nói của bạn, cách phát âm, tốc độ, âm vực…
  • Giao tiếp không lời: ánh mắt, điệu bộ, biểu cảm trên gương mặt…

Nếu bạn đã đi làm (toàn thời gian, thực tập, bán thời gian), hay kể cả tham gia một câu lạc bộ hay chương trình nào đấy, bạn sẽ tự thấy rằng những kỹ năng trên rất quan trọng nơi công sở. Việc bạn giao tiếp tốt với mọi người trong công ty là kỹ năng đầu tiên bạn cần phải có khi đi làm. Nếu công việc của bạn cần phải gặp gỡ đối tác hay khách hàng nhiều, kỹ năng này lại càng quan trọng hơn nữa.

Cách Cải Thiện Kỹ Năng Xã Hội

Có những người có khả năng tự nhiên trong việc trò chuyện với người khác. Tuy nhiên, với nhiều người thì việc trò chuyện 1-1, trình bày ý tưởng và suy nghĩ của mình một cách rõ ràng với người đối diện cũng không phải là việc dễ. Có rất nhiều vấn đề có thể khiến cho việc giao tiếp không trơn tru: ví dụ như mặt bạn trông khó khó, hay bạn sợ nhìn vô mắt người khác. Tuy khó là vậy, nhưng kỹ năng xã hội có thể cải thiện được, với một chút tập luyện mỗi ngày những cách dưới đây.

1/ Đánh giá thực trạng hiện tại. Như mình đã chia sẻ ở trên, có rất nhiều vấn đề có thể dẫn đến việc bạn giao tiếp không tốt. Ví dụ, giọng nói của bạn nhanh quá hay nói không rõ chữ. Lúc đó bạn cần đi học cải thiện giọng nói, ví dụ mình học ở Green Voices, rất hay. Hoặc có thể bạn không tự tin với ngôn ngữ cơ thể hay việc nhìn vào mắt người khác, có lẽ bạn nên tìm đến một số khóa học tâm lý để cải thiện sự tự tin. Có một cách để biết được thực trạng giao tiếp của mình, đó là hỏi người khác.

2/ Quan sát người khác. Khi bạn đi làm, bạn có thể tập quan sát người khác, một người đồng nghiệp trông có vẻ tự tin hoặc một người sếp của mình. Trong cuộc họp cách người ta nói chuyện như thế nào, ngôn ngữ cơ thể trông ra làm sao?

3/ Bắt chước cho đến khi giỏi. Bắt đầu từ việc quan sát ở trên, sau đó bạn có thể bắt chước theo họ. Ví dụ để ý dáng ngồi tự tin của người đó trong cuộc họp. Tập cười với bất kỳ ai bạn gặp ở văn phòng. Tập lắng nghe mà không nhảy vào miệng người ta trong cuộc họp.

4/ Tham gia những lớp học. Ngoài việc đọc sách, việc tham gia một số lớp học để cải thiện kỹ năng giao tiếp. Có vô vàn những khóa học bằng tiếng Anh giá rẻ hoặc miễn phí bạn có thể tham khảo tại đây:

5/ Đặt mục tiêu

Bạn muốn cải thiện điều gì trong giao tiếp: tư thế, nét mặt, ngôn ngữ hay điều gì đó khác? Thay vì cải thiện tất cả mọi thứ, bạn tập trung vào một điều để cải thiện trong một khoảng thời gian 3-6 tháng sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

Mục tiêu của bạn nên S.M.A.R.T (specific, measurable, achievable, relevant, timely), tức là phải có số lượng, có thời gian, có tính hành động. Ví dụ khi mình nhận thấy giọng nói của mình bị nhanh, mình đã đặt mục tiêu tham gia một lớp học giọng nói và dành ít nhất 2 tiếng mỗi tuần để luyện giọng.

Cách Để Bạn Đạt Được Mục Tiêu

Nếu bạn đã hoàn thành bước 5 ở trên, có lẽ bạn đã có một mục tiêu trong đầu. Mục tiêu đó có thể là “Mình sẽ thay đổi tủ đồ trong 6 tháng” hay “Mình sẽ chỉnh lại dáng đi thẳng lưng trong 3 tháng”. Để giúp đạt được những mục tiêu này, bạn cần:

1/ Lên danh sách những việc cần làm: Đầu tiên là mục tiêu theo tháng, rồi bạn chia nhỏ ra theo tuần và theo ngày.

2/ Đặt thời hạn cho các việc cần làm. Ví dụ như để “ăn mặc đẹp hơn”, tuần này bạn làm là đọc 10 bài viết về tủ đồ cơ bản, tuần sau bạn mua 5 món đồ mới, vân vân.

3/ Có thưởng sau khi hoàn thành. Nếu bạn hoàn thành đúng thời hạn những việc trong danh sách bạn ghi ở trên, hãy thưởng cho mình một điều gì đó bạn rất thích nhưng ít khi làm. Có thể là ăn một bữa sang chảnh, hoặc bỏ tiền mua một món đồ công nghệ mới.

4/ Kiếm bạn làm cùng. Tham gia các cộng đồng trên mạng hoặc hỏi bạn bè xem ai có muốn tham gia thay đổi cùng mình không, việc có người làm cùng sẽ giúp bạn có thêm nhiều động lực để đi lâu và xa hơn.

Bài viết gốc được đăng tải tại anhtuanle.com

Xem thêm:

Xem thêm IT Jobs for Developer trên TopDev