Trong mùa tuyển sinh năm 2019 có khá nhiều bất ngờ khi ngành công nghệ thông tin (CNTT) đã “soán ngôi” đầu khi vượt xa điểm chuẩn các ngành y, dược, mặc dù điểm chuẩn của các ngành đã tăng mạnh trong năm nay.
Điểm chuẩn cao nhất cả nước thuộc về ngành CNTT – Khoa học máy tính của ĐH Bách khoa Hà Nội với 27,42 điểm. Như vậy, điểm chuẩn ngành này vượt ngành Y đa khoa (điểm chuẩn là 26,75) của Đại học Y Hà Nội; ngành Y khoa của ĐH Y dược Thái Bình (24,60 điểm); ngành Y khoa của ĐH Y dược Hải Phòng (23,20 điểm). Riêng tại ĐH Quốc gia Hà Nội, nhóm ngành CNTT của ĐH Công nghệ lấy điểm cao nhất 25,85 điểm cho khối A00 và A01. Đây được coi là mức điểm cao nhất trong các khoa, trường thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội. Nhiều chuyên gia cho rằng, xu hướng số hóa doanh nghiệp “làm mưa làm gió” trong những năm qua, nên số thí sinh lựa chọn ngành CNTT nhiều kéo theo điểm chuẩn tăng cao là điều không nằm ngoài dự đoán. Không chỉ có các trường đại học, hiện nay chính phủ cũng có nhiều động thái đẩy mạnh hơn trong quá trình chuyển đổi số.
Điểm chuẩn trường Đại học Tự nhiên TP.HCM, số điểm cao nhất thuộc về nhóm ngành Máy tính và Công nghệ Thông tin – 25.00
Trong một phát ngôn chính thức của mình, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Việt Nam cần phát triển thêm 50.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin (ICT) để đẩy nhanh chuyển đối số Việt Nam. Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, để tiến tới một nền kinh tế số, xã hội số. Các yếu tố nền tảng sẽ được nhấn mạnh, sẽ được đầu tư trước, sẽ đi trước, sẽ phải có thứ hạng cao trên thế giới, phải nằm trong top 50 vào năm 2025 và top 30 vào năm 2030. Cũng chính vì vậy, nhu cầu tăng cao, nguồn cung và đầu ra của đào chưa đủ nên ngành CNTT ngày càng khó khăn trong việc tìm kiếm nhân lực dù mức lương đã rất cao và cạnh tranh.
“Khát” nguồn nhân lực IT
Dù các trường có sức đào tạo mạnh, mức lương thị trường cạnh tranh, doanh nghiệp trải thảm đỏ nhưng việc tuyển dụng nhân sự CNTT vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, 30,802,600 đồng/tháng là mức lương trung bình mà đa phần các nhà tuyển dụng sẵn sàng trả cho một lập trình viên có kinh nghiệm, và tỷ lệ tăng lương 6 tháng đầu năm 2019 đạt 15 -18%. Với mức lương trung bình là 27.610.500 đồng/tháng, C++ đang dẫn đầu trong top 5 ngôn ngữ được trả lương cao nhất, theo sau đó là Python và Java.
Mức lương trung bình theo ngôn ngữ lập trình và vị trí mà các lập trình viên nhận được
Trong đó, vì sự khan hiếm của thị trường nhân lực, các kỹ sư AI/ML hứa hẹn sẽ đạt mức lương khá cao, trung bình là 34.880.100 đồng/tháng. Trong khi đó, đối với các cấp quản lý, con số này không thấp hơn 35.000.000 đồng/tháng với kinh nghiệm trên 5 năm. Tuy nhiên, việc tuyển dụng những vị trí này gặp rất nhiều khó khăn do những đặc thù và yêu cầu gắt gao. Đây cũng là lý do khiến cho thị trường nhân lực IT càng hạn hẹp.
Dù lương và phúc lợi là chìa khoá quyết định giữ chân nhân tài, bức tranh IT toàn cảnh lộ rõ những khiếm khuyết về nhân lực, không chỉ riêng Việt Nam mà còn ở những khu vực lân cận. Đỉnh điểm là bài toán thiếu nhân lực ngành AI – Trí tuệ Nhân tạo tại các công ty Nhật lên đến hơn 100 triệu /tháng nhưng vẫn chưa chắc kiếm được người. Năm 2019 đánh dấu mức tăng kỷ lục trong nhu cầu tuyển dụng đến 56%. Ước tính đến năm 2021, riêng lao động trong ngành lập trình sẽ cần khoảng 400.000 nhân lực trong khi khả năng hiện tại chỉ có khoảng 200.000 lao động đáp ứng được nhu cầu công việc.
Nhu cầu tuyển dụng ngành IT năm 2019 tăng mạnh hơn bao giờ hết
Để lý giải cho việc này, Ông Nguyễn Hữu Bình, CEO TopDev cho biết “Giới công nghệ Việt Nam đang đứng trước hai làn sóng, làn sóng thứ nhất là làn sóng các quỹ đầu tư nước ngoài chú ý và tìm đến Việt Nam ngày càng nhiều hơn, sẽ có thêm nhiều startup mới ra đời để giải quyết rất nhiều vấn đề còn tồn đọng của xã hội bằng công nghệ, làn sóng thứ hai là xu hướng chuyển đổi số (digital transformation – DX) của các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề truyền thống ứng dụng công nghệ để nâng cao cạnh tranh khiến cho ngày càng nhiều công ty có nhu cầu tuyển dụng nhân sự CNTT, vì vậy cũng dẫn đến việc gia tăng mạnh nhu cầu tuyển dụng lượng nhân sự này.”
Ông Nguyễn Hữu Bình còn cho biết thêm “Làn sóng khởi nghiệp công nghệ (tech startup), cũng như việc gia tăng thêm các dự án từ các tập đoàn lớn đã có mặt trên thị trường, cũng góp phần không nhỏ trong xu hướng gia tăng nhu cầu nhân sự CNTT như hiện nay, thị trường khan hiếm và bản thân các nhà lập trình viên đều hiểu rõ giá trị của họ nên giữ chân nhân sự thực sự làm đau đầu nhiều doanh nghiệp”.
Xem đầy đủ báo cáo tại đây: