10 năm đã qua, tại sao vẫn chưa có một ứng dụng nổi bật nào dành cho Blockchain?

1625

Bài viết được sự cho phép của tác giả Edward Thiên Hoàng

Là một fan của Blockchain nhưng cũng phải thừa nhận rằng chưa thấy đường tiến cho công nghệ này.

Cho đến nay, danh tiếng của blockchain chủ yếu vẫn xuất hiện trong các hoạt động đầu cơ tiền tệ và đôi khi cả các giao dịch bất hợp pháp, vẫn chưa có ứng dụng thực sự nào nổi bật trong thực tiễn cho nền tảng công nghệ mới này.

Mọi người đều nói về blockchain, công nghệ nền tảng cho các loại tiền mã hóa như Bitcoin, sẽ thay đổi MỌI THỨ. Tuy nhiên, sau nhiều năm nỗ lực không mệt mỏi và hàng tỷ USD đầu tư, vẫn không có gì thực sự nổi bật lên từ việc ứng dụng blockchain – ngoại trừ hoạt động đầu cơ tiền tệ và các giao dịch bất hợp pháp.

Mỗi mục đích sử dụng của blockchain – từ thanh toán tới các tài liệu pháp lý, từ việc giao kèo tới các hệ thống bỏ phiếu – cuối cùng chỉ xoay quanh việc bổ sung dữ liệu vào một sổ cái phân tán, mã hóa, hoặc ẩn danh nào đó, những thứ mà chẳng ai cần. Phải chăng chẳng có ứng dụng thực sự nào cho sổ cái phân tán? Phải chăng 10 năm sau khi được phát minh ra, nguyên nhân của việc chẳng ai chấp nhận sổ cái phân tán ở một quy mô hợp lý là vì chẳng ai muốn nó cả?

Tham khảo tuyển dụng blockchain lương cao tại đây

Thanh toán và ngân hàng

Ý tưởng ban đầu của blockchain là cung cấp cho các tiền mã hóa như Bitcoin một cách để lưu trữ và trao đổi giá trị như các loại tiền tệ khác. Giờ đây mọi người sẽ có trong tay một cách để trao đổi giá trị tức thời, không mất phí và không có bên trung gian, cũng như không phải dựa trên một hệ thống tiền tệ do các chính phủ kiểm soát. Một cuộc cách mạng về ngân hàng và tiền tệ.

Thế nhưng rất nhanh sau đó, giấc mơ tan vỡ. Trên thực tế, đã có một cách để trao đổi giá trị tức thời, không mất phí cũng như không có bên trung gian: tiền mặt. Trong khi đó, các dịch vụ thanh toán như Visa hay MasterCard, dù mất phí, nhưng đi kèm là hàng loạt dịch vụ gia tăng như giúp các ngân hàng lần theo các bên lừa đảo và xác định danh tính bên mua và bên bán.

Không những vậy, đây cũng không phải một hệ thống thanh toán tốt. Trong khi Visa có thể xử lý 60.000 giao dịch mỗi giây, còn mức cao lịch sử của Bitcoin chỉ là 7 giao dịch mỗi giây. Dù có nhiều chỉnh sửa về mặt kỹ thuật để cải thiện hiệu quả của Bitcoin, nhưng vẫn không đủ. Ngoài ra, tốc độ 7 giao dịch Bitcoin mỗi giây này còn tiêu tốn năng lượng gấp 35 lần so với Visa. Nếu bạn đẩy khối lượng giao dịch Bitcoin lên ngang với Visa, nó sẽ ngốn một lượng năng lượng bằng cả phần còn lại của thế giới cộng lại.

  Blockchain cơ bản - Học về Solidity (P2)
  Blockchain là gì? Nguyên lý hoạt động và ưu điểm nổi bật của Blockchain

Tự do giao dịch không có sự giám sát của chính phủ

Trong ý nghĩ của rất nhiều người, khả năng che giấu một số thứ khỏi sự giám sát của chính quyền có thể làm thế giới tốt đẹp hơn. Nhưng vẫn còn có hai lý do quan trọng làm điều này không hoàn toàn tuyệt vời như người ta tưởng: đó là các lợi ích của chính phủ với cá nhân và các lợi ích của chính phủ với xã hội.

Sàn giao dịch bitcoin, Mt. Gox đã phải đóng cửa khi làm mất tiền của nhà đầu tư.

Các ngân hàng nhà nước do chính phủ hỗ trợ có thể đưa ra các khoản bảo hiểm tiền gửi, đảo ngược lại các thanh toán bù trừ tự động (hệ thống ACH), xác định danh tính, phát hành các tiêu chuẩn kiểm toán, và điều tra khi có sai lầm xẩy ra. Trong khi đó, theo thiết kế của Bitcoin, nó không thể có được những điều này.

Những câu chuyện về việc người dùng mất sạch số Bitcoin của mình khi email bị hack và mật khẩu bị đánh cắp đầy rẫy trên mặt báo. Không những thế, vào năm 2014, khi sàn giao dịch Bitcoin số một lúc đó, Mt. Gox bị mât 400 triệu USD tiền của nhà đầu tư do các lỗ hổng bảo mật, không ai lấy lại được tiền cho đến gần đây. Tương tự như vậy là trường hợp của Bitfinex.

Ngoài ra, các chính sách của chính phủ cũng được thiết kế để phá vỡ các hoạt động tài trợ khủng bố và tội phạm có tổ chức, ngăn chặn đường đi của các hàng hóa bất hợp pháp. Ưu tiên chính của điều này là đảm bảo tính riêng tư của giao dịch nhưng vẫn có thể phát hiện ra nếu có lệnh của tòa. Sự tự do của Bitcoin sẽ bớt thú vị đi rất nhiều nếu 100% băng thông của nó dùng cho các hàng hóa và dịch vụ bất hợp pháp.

Thanh toán nhỏ (micropayment) và chuyển khoản liên ngân hàng

Đây là hai ứng dụng thanh toán làm mọi người đặc biệt phấn khích về các loại tiền mã hóa dựa trên blockchain. Mọi người kỳ vọng rằng, với blockchain, các giao dịch Bitcoin sẽ miễn phí và tức thời. Vì vậy, nhiều người đề xuất sử dụng nó trong các khoản thanh toán nhỏ, ví dụ, 2 cent cho một bài hát họ nghe trên internet hay 4 cent để đọc một bài báo.

Trên thực tế, mỗi giao dịch Bitcoin mất khoảng 8 phút để hoàn thành và chi phí 4 cent để xử lý. Và thay vì các khoản thanh toán nhỏ như trên, những nhà cung cấp nội dung đã đưa ra các gói thuê bao trả phí, và người dùng không phải đợi đến 8 phút để đọc bài báo mình muốn nữa, họ chỉ việc click chuột, và nội dung họ yêu cầu sẽ hiện ra.

Còn đối với chuyển tiền liên ngân hàng, cái tên Ripple thường được nhắc đến như một cái tên đầy hứa hẹn. Thế nhưng sau ba năm có mặt tại các ngân hàng chiếm đến 90% lượng ngoại tệ giao dịch trên toàn thế giới, trong 30 ngày cuối năm 2017, mạng lưới Ripple mới chỉ xử lý khoảng 2 tỷ USD – quá nhỏ bé so với quy mô mạng lưới liên ngân hàng SWIFT hiện tại.

Tại sao các ngân hàng không mặn mà với công nghệ mới này? Câu trả lời nằm ở việc cổng thanh toán Ripple Gateway thực ra không khác nhiều so với hệ thống tài khoản đối ứng hiện tại – ngoại trừ việc mất mật khẩu hay token bảo mật sẽ gây ra các thiệt hại lớn hơn nhiều. Ngoài ra các ngân hàng cũng đã có sổ cái, và không cần phải phân tán chúng, ẩn danh, mã hóa, công bố chúng, và làm chúng không thể đảo ngược để hoạt động hiệu quả.

Hợp đồng thông minh

Các hợp đồng thông minh là những hợp đồng được viết bằng phần mềm, thay vì các ngôn ngữ pháp lý. Vì bạn có thể mã hóa chúng trực tiếp trên blockchain, chúng có thể truyền giá trị dựa trên sự đồng thuận về mã hóa của các bên liên quan. Về mặt lý thuyết, các hợp đồng viết bằng phần mềm sẽ rẻ hơn khi diễn giải – bởi vì hoạt động của chúng hoàn toàn là toán học và tự động. Điều này cũng có nghĩa là các cuộc chiến pháp lý đắt đỏ sẽ không còn cần đến nữa.

Những nhà đầu tư và các startup trong lĩnh vực hợp đồng thông minh hứa hẹn rằng, blockchain sẽ cho phép việc thực thi và thanh toán diễn ra siêu nhanh. Ví dụ trong việc mua bảo hiểm y tế, “thay vì phải chờ đến 90-180 ngày để xử lý yêu cầu, hay chờ hàng giờ trên điện thoại để thanh toán hóa đơn, về lý thuyết nó có thể được thực hiện chỉ trong nháy mắt.”

Thế nhưng, điều này cũng đúng đối với bất kỳ hệ thống mua hàng dựa trên phần mềm nào. Ví dụ việc mở rộng sức mạnh máy chủ đám mây Amazon có thể diễn ra tự động dựa trên lượng truy cập vào website và tính phí trên những gì người mua sử dụng.

Ý tưởng cho rằng hợp đồng thông minh có thể thay đổi điều này là một sự ngộ nhận – họ cho rằng mình có thể dùng để thực thi hợp đồng pháp lý trong khi bản thân hợp đồng pháp lý đó đã được lập trình như phần mềm.

Điều khoản dịch vụ của Amazon không phải là hợp đồng thông minh, nhưng hệ thống thanh toán của họ đã thực thi các điều khoản đó như hợp đồng thông minh. Điều tương tự cũng đúng với việc thanh toán bảo hiểm y tế. Có lẽ ý tưởng của hợp đồng thông minh để tự động hóa việc thực thi rất thú vị nhưng nó giống như việc phát minh lại bánh xe vậy, mọi thứ đã có sẵn rồi.

Lưu trữ, điện toán và nhắn tin phi tập trung

Một ý tưởng đáng chú ý khác của blockchain là sử dụng nó như một cơ chế lưu trữ phân tán. Về cơ bản, bạn sẽ đặt tài liệu của mình vào các block, mã hóa chúng và đặt chúng vào một sổ cái phân tán … Nó sẽ được sao lưu ở nhiều nơi, bảo mật và dễ theo dõi xem điều gì đang xảy ra.

Nhưng cũng như các ứng dụng về hợp đồng thông minh hay khả năng chuyển khoản trực tiếp giữa các ngân hàng, các tác vụ về lưu trữ và điện toán này đã được các công ty cung cấp dịch vụ đám mây như Dropbox, Box.com, Microsoft, Google, Amazon hay thậm chí Apple, đều đang làm rất tốt. Không những thế, các công ty này còn đang cung cấp nhiều tính năng bổ sung khác rất có giá trị, hiệu quả hơn nhiều so với việc lưu trữ trên blockchain.

Ngoài ra, vẫn còn các vấn đề về bảo mật của blockchain. Đầu tiên, bạn dựa vào một lớp mã hóa duy nhất – mã khóa của riêng bạn – và nó sẽ kém hơn các hệ thống tinh vi với xác thực hai lớp, phát hiện xâm nhập, tường lửa và điều khiển IP từ xa, cũng như khả năng ngắt kết nối hệ thống trong trường hợp khẩn cấp xảy ra.

Hơn nữa, việc vận hành các chuỗi blockchain đang cho thấy hoạt động này thiểu hiệu quả năng lượng đến mức nào. Chuỗi blockchain Bitcoin tiêu tốn đến hàng tỷ USD tiền điện chỉ để mã hóa một lượng dữ liệu mà với 6 USD phí thuê bao hàng tháng, bạn có thể có được chúng từ các công ty dịch vụ lưu trữ đám mây kể trên.

Lập luận tương tự cũng đúng với các ứng dụng nhắn tin bảo mật hay điện toán phân tán trên blockchain. Việc mã hóa dữ liệu, lưu trữ và đồng bộ nó trên toàn bộ mạng lưới kéo theo vô số chi phí liên quan so với những gì bạn nhận được. Các giải pháp hữu hiệu và tuyệt vời cho các tác vụ này đã có sẵn trên thị trường, cũng như có khả năng mã hóa và đồng bộ mà mọi người cần và còn nhiều tính năng hữu ích khác nữa – tốt hơn nhiều so với giải pháp dựa trên blockchain.

Xác thực danh tính

Một ý tưởng khác cho tiềm năng blockchain là sử dụng khả năng đưa ra các tuyên bố công khai nhưng không thể chỉnh sửa hay xóa bỏ để ghi lại số phiếu bầu, xác nhận nguồn gốc của hàng hóa có thương hiệu, xác thực danh tính người dùng, giải quyết vấn đề về sở hữu tên miền, tiết lộ bằng sáng chế tạm thời, hoặc công chứng tài liệu, ….

Nhưng cũng như các ứng dụng trên của blockchain, lý do cho đến nay chúng chưa trở nên nổi bật trong thực tế là vì nó không thực sự là một bước đột phá so với những giải pháp truyền thống. Đối với việc bỏ phiếu, để đảm bảo tính ẩn danh của người bỏ phiếu cũng như lá phiếu bầu và người bỏ phiếu là một và chỉ một, các tờ giấy làm tốt hơn nhiều so với blockchain.

Còn với việc xác thực danh tính ư, công nghệ mã khóa công khai PGP đã có sẵn cho điều này. Còn nếu bạn muốn xác thực viên kim cương hay chiếc túi da bạn mua có nguồn gốc hợp pháp, công ty sản xuất chỉ cần đính kèm một chứng nhận xác thực online, như cách họ đã làm trong quá khứ.

Đối với việc sở hữu tên miền, dù lời hứa hẹn về một bản ghi kỹ thuật số cho các hợp đồng thông minh có vẻ hấp dẫn, nhưng trong thực tế, vẫn có khả năng các tên miền giá trị bị lọt vào tay các tên trộm do vấn đề về bảo mật, lúc này người ta thực sự cần ghi đè lên sổ cái để lấy lại tên miền đó. Việc chấp nhận blockchain có thể làm cho việc mạo danh hoặc trộm cắp còn nhiều hơn nữa chứ không ít đi.

Vậy còn lại gì cho blockchain?

Như đã thấy ở trên, với đại đa số các ý tưởng ứng dụng đáng chú ý nhất của blockchain cho đến thời điểm này, chúng đều đang được triển khai trên thực tiễn. Không chỉ vậy, chúng còn đều đang được thực hiện hiệu quả hơn hẳn so với việc triển khai trên blockchain, với chi phí thấp hơn hẳn so với khối lượng công việc nó triển khai được.

Vấn đề không chỉ nằm ở phía các ý tưởng ứng dụng blockchain, mà còn xuống sâu hơn khi nó đụng đến vấn đề bản chất của nền tảng này. Trong khi các chuỗi blockchain đều phụ thuộc vào mạng lưới phân tán từ người dùng với các máy tính có phần cứng hạn chế, các công ty cung cấp dịch vụ điện toán tập trung lại có ưu thế hơn hẳn về sức mạnh phần cứng và phần mềm tối ưu.

Bất chấp những lời hứa hẹn về tiềm năng của một nền tảng phân tán, việc chi phí quá lớn và hiệu năng thấp so với các giải pháp hiện tại khi thực hiện một tác vụ nào đó làm các ý tưởng ứng dụng cho blockchain vẫn cứ mãi nằm ở dạng tiềm năng. Việc đánh đổi quá lớn giữa chi phí lớn cho các lợi ích mơ hồ càng khiến nó trở nên xa cách hơn với người dùng thông thường.

Do vậy không lạ khi cho đến nay, ứng dụng phổ biến nhất của blockchain vẫn chỉ là các hoạt động đầu cơ tiền tệ và đôi khi đi kèm với nó là các giao dịch bất hợp pháp. Có lẽ tiềm năng của nó sẽ trở nên rõ ràng hơn khi năng lực phần cứng mạnh mẽ hơn trong tương lai, nhưng cho đến lúc đó, có lẽ hai ứng dụng này vẫn sẽ là những gì người ta nhắc đến nhiều nhất khi nói về blockchain.

Bài viết gốc được đăng tải tại edwardthienhoang.wordpress.com

Có thể bạn quan tâm:

Xem thêm tuyển dụng ngành cntt hấp dẫn trên TopDev