Livestreaming dần trở thành công nghệ phổ biến, và được nhiều marketer cân nhắc để đưa vào chiến lược của các doanh nghiệp. Theo Go-Global, đến cuối năm 2020, livestreaming dự kiến sẽ chiếm 82% tổng lưu lượng truy cập Internet.
Vậy đâu là lý do khiến livestreaming phổ biến như vậy và công nghệ đứng đằng sau một hệ thống livesteaming cũng như vai trò của developer trong việc vận hành livestreaming là gì? Hãy cùng TopDev trò chuyện cùng Viễn Nghiêm | Founder tại GoStream để hiểu hơn về chủ đề này.
Đôi nét về khách mời
- Anh Nghiêm Tiến Viễn hiện là CEO của Công ty Cổ phần Công nghệ GoStream.
- GoStream hiện nay đang là công ty chuyên về livestream trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Twitter.
- Hiện nay, GoStream đang là ứng dụng top 1 ở Việt Nam trong lĩnh vực này.
Khi làm việc tại GoStream không, anh có khoảnh khắc đáng nhớ không?
Mình đã đi làm từ rất sớm, từ khi còn là năm nhất sinh viên. Sau khi ra trường mình đã đi làm 2 năm ở công ty cũng về streaming nhưng là streaming VoD, tức là những video đã quay sẵn như những website phim bây giờ, từ đó mình có những kinh nghiệm và kiến thức về lĩnh vực streaming.
Xem thêm Sinh viên IT cần trang bị gì khi tìm việc
Sau đó do nhu cầu công việc mình cũng phải livestream trên Facebook, Youtube, Twitter và mình cảm thấy công việc livestream cần rất nhiều công cụ khác nhau và khá là phức tạp đối với một người dùng bình thường. Và mình là một IT Developer thì mình cảm thấy cái này mình có thể fix được, cuối cùng thì mình có thể tạo ra GoStream. Trước hết là phục vụ cho công việc của mình lúc đấy, sau đó mình đã thương mại hóa và nhận thấy nhu cầu livestream trong xã hội bây giờ đang rất phổ biến và ngày càng phổ biến hơn nữa.
Theo anh, vì sao VinaCapital Ventures lại chọn GoStream?
Theo mình, VinaCapital chọn GoStream vì có 2 lí do: thứ nhất là trong lĩnh vực này và ứng dụng livestream trên mạng xã hội bọn mình đang là ứng viên sáng giá nhất và chiếm toàn bộ thị trường, hầu như là toàn bộ thị trường ở Việt Nam.
Thứ 2 là thị trường livestream đang ngày càng mở rộng ở Việt Nam, chúng ta có thể nhìn sang Trung Quốc để có thể thấy tương lai, Việt Nam cũng sẽ đi theo con đường đấy. Có thể thấy là dư địa để GoStream phát triển còn rất là nhiều.
Anh có thể chia sẻ thêm về dịch vụ và huớng đối tượng của GoStream không?
GoStream cung cấp cho các bạn một công cụ để livestream trên mạng xã hội một cách dễ dàng nhất có thể. Như bạn có thể thấy thì ngày nay, người ta livestream rất nhiều và cái video livestream hấp dẫn người xem ở lại lâu hơn so với một cái video thông thường.
Dựa vào việc đó thì người ta thường xem việc livestream như một hình thức để quảng cáo. Những người bán hàng ở Việt Nam dùng livestream rất nhiều để quảng cáo cái sản phẩm của họ tới người tiêu dùng. Thì đấy là những đối tượng mà bọn mình nhắm tới, bọn mình giúp cho những người bán hàng có thể bán được nhiều hàng hơn và từ đấy thì họ sẽ sẵn sàng trả tiền cho những dịch vụ mà GoStream cung cấp.
Ngoài ra thì cũng có một số đối tượng khác như là những người chuyên sản xuất nội dung video họ cũng có nhu cầu có thêm khán giả cho những video đó, hoặc những người chuyên sản xuất nội dung hoặc quản trị fanpage, họ muốn phát những video có tính thu hút khán giả hơn để đưa người dùng đến với fanpage của họ.
Chia sẻ về công nghệ livestreaming
Về khía cạnh kỹ thuật, cách mà phát trực tiếp được thực hiện trước khi công nghệ livestreaming trở nên phổ biến tại sao lại khó khăn đến như vậy?
Trước khi livestream xuất hiện, người ta thường xem trực tiếp ở trên truyền hình là chủ yếu. Truyền hình có những đặc điểm riêng, ví dụ như kỹ thuật nó rất khó khăn, chẳng hạn các bạn cần có nhiều máy quay ở những góc khác nhau, sau đó những cái máy quay đó đều nối dây cáp về một bàn trội, từ bàn trội đấy có thể phát lên truyền hình hoặc phát lên những nơi khác. Những kỹ thuật và thiết bị đấy hầu như chỉ có nhà đài với nguồn lực kinh tế tốt thì mới phát triển được cái đội ngũ như thế.
Khi livestreaming phát triển, chẳng hạn như từ youtube, đặc biệt là từ sau khi facebook ra mắt tính năng livestream thì nó thay đổi cuộc chơi hoàn toàn. Bạn chỉ cần một cái điện thoại di động các bạn cũng có thể phát được trực tiếp trên trang cá nhân của mình, và khi đấy, mỗi tài khoản cá nhân có thể coi là một kênh truyền hình riêng, việc livestream trở nên cực kỳ đơn giản nhưng nó cũng là một kênh quảng cáo cực kỳ tốt, do đó chúng ta có thể thấy đươc hiệu ứng của nó, đó là lí do mà tất cả mọi người đều livestream.
Để xây dựng một nền tảng hệ thống livestreaming thì có những khó khăn gì, về hạ tầng, kỹ thuật lẫn yếu tố con người?
Khi nói mình làm về livestream, mọi người sẽ nghĩ ngay đến việc mình làm CDN. Tức là livestream nó sẽ có 2 phần giống như những sản phẩm khác, thứ nhất là phần sản xuất và hai là phần phân phối. Phần phân phối ở Việt Nam cũng có một vài đơn vị làm và khi nói mình làm livestream thì mọi người sẽ nghĩ ngay là mình phân phối những cái video đấy đến càng nhiều người dùng càng tốt, nhưng thật ra là không phải. Bọn mình làm phần sản xuất, tức là bọn mình giúp cho những người muốn tạo ra những video livestream, còn phần phân phối thì sẽ do người khác làm. Thứ nhất là khi mình giải thích về livestream với một người khác thì nó hơi khó khăn. Mọi người chưa hình dung ra được đấy là một cái khó khăn của GoStream. Tuy nhiên, những người đã dùng và đã hiểu GoStream quay lại rất là nhiều vì những việc đấy đúng với ý của họ, đúng với cái họ mong muốn để họ bán sản phẩm của mình. Một trong những cái khó khăn của GoStream là làm cho khách hàng hiểu được vì sản phẩm của mình cũng là cái mới trên thị trường.
Bật mí quá trình phát triển livestreaming, và vai trò của developer
Anh có thể chia sẻ cách mà một hệ thống livestreaming hoạt động được không? Về Backend & Frontend thì phải xử lý những gì, có gì khác với backend & frontend thông thường?
Đối với sản phẩm của bọn mình, backend và frontend nó rất khác so với các website thông thường. Đầu tiên là frontend trước chẳng hạn, frontend bọn mình có sản phẩm GoStudio thì nó sẽ lấy webcam của người phát ngay trên trình duyệt web và không cần cài đặt bất cứ một cái phần mềm nào khác, đó là công nghệ web ATC, nó cũng dần dần khá phổ biến ở thời điểm bây giờ. Hai là cái tín hiệu đó được truyền lên server sau đó backend sẽ xử lí, họ sẽ gắn thêm những cái layer như là hình ảnh, text chạy ngang màn hình, như là một cái máy trội ở đài truyền hình thật sự, và việc đấy tiêu tốn khá là nhiều CPU của server. Đó là những khó khăn mà bọn mình gặp phải. Bọn mình phải tốn rất nhiều thời gian để (optimize) tối ưu hóa server chạy cho nó ổn định để có thể phục vụ nhiều người dùng nhất có thể.
Anh có thể chia sẻ vai trò của DevOps trong quá trình vận hành và phát triển live streaming không?
Bọn mình sử dụng rất nhiều các công cụ để deploy code lên server một cách tự động, ngay khi developer commit cái source code lên GitLab thì nó sẽ chạy những cái script tự động để deploy lên một bản staging để bọn mình có thể test trước, sau khi đã pass qua những cái test đấy thì bọn mình sẽ cho deploy tự động lên bản chạy chính thức. Bọn mình cũng áp dụng khá là nhiều các công cụ khác nhau để tự động hóa hết những việc ấy.
Tham khảo thêm các TOP việc làm cho lập trình Devops lương cao
Áp dụng những gì để tối ưu hóa livestreaming cùng những kinh nghiệm thực tế?
Theo em được biết GoStream hoạt động dựa trên hạ tầng của các trang Mạng xã hội để giảm chi phí. Anh có thể giải thích rõ hơn về cách hoạt động của mô hình này không?
Tất cả những mạng xã hội hỗ trợ livestream họ đều có những APA để mình có thể phát livestream lên đấy. Đối với Facebook và Youtube thì nó khá là dễ, tuy nhiên có một số khách hàng ở nước ngoài họ lại dùng Twitter nhiều hơn và họ muốn livestream lên twitter. Ở thời điểm đó cũng khá là khó khăn và có một số bước phải làm thủ công, bọn mình phải cố gắng để liên hệ với twitter rất nhiều lần để xin APA để nó có thể tự động hóa một cách dễ dàng hơn.
Đấy là một quá trình trao đổi rất là lâu và cuối cùng twitter cũng cho phép tụi mình sử dụng APA để có thể phát được lên tất cả các nền tảng đấy. Công cụ của bọn mình hầu như là công cụ duy nhất hiện nay cho phép phát rất nhiều nơi, nhiều nền tảng cùng lúc. Có một số phần mềm mình biết thì nhiều nhất cũng chỉ có 3 điểm phát thôi, còn bọn mình thì không giới hạn.
Không biết là khi livestream với resolution cao thì có khả thi không anh? Và thêm vấn đề FPS, Maximum sẽ dừng lại ở 30FPS hay là 60FPS ạ?
Hiện nay bọn mình có 2 sản phẩm là GoStream và GoStudio, bọn mình có 2 service là livestream thực tế (như mình với bạn ở đây, livestream ở trường quay này) ngay trên Facebook và sự kiện đó diễn ra trực tiếp, thật sự. Sản phẩm đó bọn mình đang support ở chế độ 720p và 30 frame/second. Tất nhiên là bọn mình có thể tăng lên được nhưng với những người dùng bình thường và với việc phát lên mạng xã hội, bọn mình đang để ở mức bình thường như vậy.
Đối với những khách hàng có nhu cầu cao hơn thì bọn mình có thể customize riêng. Thứ 2 là bọn mình có thể quay sẵn 1 cái video đã có sẵn rồi và phát lên những mạng xã hội đó dưới dạng video livestream, những video dạng này có thể phát được ở 1080p và 60 frames per second.
Không biết là khi livestream về các sự kiện âm nhạc, thì chất lượng âm thanh có thể đạt được như Spotify hay iTunes không?
Đúng là bọn mình có sử dụng những công nghệ nén để tối ưu hệ thống. Tuy nhiên, đối với những chương trình cụ thể, những khách hàng cụ thể, họ có những yêu cầu cao hơn về mặt hình ảnh, âm thanh thì đều có thể liên hệ, bọn mình sẽ dành riêng ra một server riêng có những cấu hình riêng biệt để nâng cao chất lượng hình ảnh và âm thanh.
Có những điểm lợi và bất lợi như thế nào so với việc xây dựng một hệ thống live streaming trên nền tảng riêng?
Có những điểm rất lợi thế của bọn mình, đó là chi phí về cơ sở hạ tầng thật sự rất thấp so với ứng dụng tự xây dựng player của họ. Bọn mình chỉ xây dựng phần sản xuất nội dung video livestream thôi, không làm phần phân phối video livestream đấy. Điều đó giúp cho bọn mình có những chi phí rất là tốt và từ đấy có thể duy trì được công ty.
Thứ 2 là khách hàng cũng cần việc đấy. Nếu bọn mình xây dựng nền tảng riêng để livestream thì khách hàng phải lên cái nền tảng đấy để phát và kêu gọi mọi người vào nền tảng đấy để xem, trong khi trên Facebook thì họ đã có sẵn những fan hâm mộ, có sẵn những khách hàng, người ta phải dời tất cả những khách hàng đấy qua một nền tảng mới để xem, thì việc đấy cũng là bất lợi cho khách hàng của bọn mình. Việc bọn mình phát lên facebook, youtube hoặc twitter nó rất phù hợp với bọn mình và cả khách hàng, đó là một điểm rất thuận lợi. Còn có những khó khăn như bọn mình buộc phải optimize hệ thống vì giả sử như mỗi người dùng họ dùng một cái phần mềm và cài đặt trên máy của họ và họ dùng cái đó để phát livestream thì máy tính của họ không cần chịu tải quá nhiều. Tuy nhiên nếu tất cả những người đó cùng chuyển lên server thì server đó buộc phải tối ưu tất cả mọi thứ để phục vụ được tốt nhất.
Theo anh thì vấn đề về độ trễ có thể được khắc phục hoàn toàn khi 5G xuất hiện không?
Thực ra độ trễ lớn nhất là từ server phát cho người xem tới máy của người xem, còn từ server của bên phát tín hiệu đi tới server nhận tín hiệu đấy sẽ rất là thấp. Khi 5G ra đời có thể hỗ trợ từ bên phát đến server bên nhận, tuy nhiên tốc độ đó bây giờ đã là tối ưu rồi, nhanh hơn 1 ít thì cũng không ảnh hưởng lắm. Tuy nhiên công nghệ để phát video livestream tới máy người dùng thì độ trễ đấy là do công nghệ. Nếu bạn muốn độ trễ thấp thì server sẽ phải thiết kế theo một kiểu khác và nó sẽ tốn chi phí hơn rất nhiều lần so với việc phát với độ trễ vừa phải khoảng từ 20 – 40 giây thì chi phí sẽ giảm đi rất là nhiều.
Do đó nên những đơn vị như Facebook hoặc Youtube họ sẽ sử dụng công nghệ thứ 2 là chấp nhận 1 cái độ trễ từ 20 – 40 giây, bù lại chi phí dành cho CDN của họ sẽ thấp hơn. Đây là công nghệ của facebook và youtube nên mình không thể nào can thiệp được vào cái độ trễ đấy.
Thực sự độ trễ đấy cũng làm cho khách hàng của mình phàn nàn rất là nhiều, khi bọn mình muốn triển khai những minigame cần độ tương tác cao ngay trên livestream cũng rất là khó nên dù sao cũng phải cố gắng “sống chung với lũ” thôi.
Sự kiện Covid-19 đã ảnh hưởng thế nào đến thị trường live streaming nói chung và Gostream nói riêng từ góc nhìn của anh – một người trong ngành?
Covid 19 tác động đến bọn mình theo 2 chiều: thứ nhất, những ngành hàng trước dịch livestream nhiều nhất như mỹ phẩm, thời trang,… trong dịch người ta lại ít hàng, ít livestream.
Còn những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trước dịch ít livestream thì trong dịch họ lại livestream nhiều hơn. Cụ thể đối với GoStream trong dịch bọn mình có xu hướng đi xuống, số lượng livestream ít hơn bởi vì những ngành hàng chủ đạo lại đang tạm dừng. Tuy nhiên khi vừa hết dịch là mọi thứ lại bùng lên và ngày càng có nhiều người biết đến GoStream nhiều hơn. Qua đợt dịch này thì những ngành ít livestream lại livestream nhiều hơn và sau dịch thì những ngành đã livestream nhiều lại quay trở lại, nó cũng tạo ra hiệu ứng rất tốt sau dịch.
Còn với những phần mềm khác thì mọi người có thể dễ dàng nhìn ra như Zoom chẳng hạn, một ứng dụng họp trực tuyến đã phát triển rất tốt trong đợt dịch vừa rồi. Những ứng dụng như Zoom hay livetream bọn mình cũng cùng chung một cái kho.
Anh có đánh giá ra sao về nhu cầu nhân sự cho mảng livestreaming trong thời gian tới?
Theo mình nghĩ thì mảng livestreaming nó sẽ phát triển vì thực ra thì khi mọi người nghe đến livestream thường nghĩ nó hơi khác, hơi hiếm và ít có công ty tuyển dụng. Tuy nhiên mọi người có thể nghĩ đến một số những sản phẩm khác có cùng hạ tầng với livestreaming, ví dụ như những công ty về tổng đài ảo là họ đang video call hoặc audio call, họ cũng đang truyền nội dung audio đi dưới dạng realtime trực tiếp cho nhau. Những công ty về tổng đài ảo ở Việt Nam đang phát triển, họ có rất nhiều startup về mảng đấy.
Thứ 2 là những công ty về họp trực tuyến như Zoom thì các bạn có thể thấy nó đang rất phát triển. Mình nghĩ là trong thời gian tới cũng sẽ có những công ty như thế ở Việt Nam và phát triển những sản phẩm tương tự. Do đó mình nghĩ mảng livestreaming trong thời gian tới sẽ có rất nhiều công ty tuyển dụng và nhu cầu sẽ tăng lên.
Dân IT cần trau dồi những gì để theo đuổi lĩnh vực này?
Theo anh những bạn có background chung chung là “dân IT” muốn theo đuổi mảng này thì anh có lời khuyên gì cho các bạn?
Để mà phát triển mảng livestream, các bạn sẽ cần phải trang bị một số kiến thức, ví dụ như là về truyền dẫn nội dung video hoặc audio qua internet, nén và giải nén các bộ mã nội dung video, audio.
Thực ra những vấn đề đó nếu mình đào sâu thì rất là khó, mình có thể sử dụng lại những bộ mã nguồn đã có sẵn, nó cũng phục vụ rất tốt những công việc hiện tại, thời gian để mình học những kiến thức đó cũng sẽ rút ngắn đi rất nhiều, có thể phục vụ được công việc ngay.
Mình khuyên là các bạn cứ bình tĩnh, không phải là một cái gì đó quá ghê gớm, có thể học được thực tế ngay trong công việc.
Xem thêm Các kỹ năng cần có để trở thành một Lập trình viên chuyên nghiệp
Anh có thể recommend nguồn tài liệu nào có thể giúp mình tự học được không?
Thực tế thì mình thường Google là chủ yếu. Mình thường tìm hiểu những công ty lớn trên thế giới họ đã làm như thế nào. Có rất nhiều các bài viết, các bài hướng dẫn, những bài phân tích về việc tại sao họ có thể livestream đến rất nhiều người trong cùng một thời điểm. Mình thường xuyên tìm đọc những bài như thế và chủ yếu là mình sử dụng Google thôi, không có trang cụ thể nào.
Xin cảm ơn những kiến thức rất thực tế về Livestreaming của anh Nghiêm Tiến Viễn. Chúc cho hoạt động của GoStream sẽ ngày càng phát triển và đưa công nghệ Livestreaming đến gần hơn với cộng đồng Internet Việt Nam.
Xem thêm TOP tuyển dụng lập trình IT hấp dẫn tại TopDev