Lập trình viên là gì? Kỹ năng cần có để trở thành Developer

17503

Lập trình viên hiện nay là nghề được rất nhiều bạn trẻ theo đuổi, được mệnh danh và “vua của mọi nghề” và mức lương cao ngất ngưỡng. Sự thật có phải như vậy không? Bạn đã thật sự hiểu rõ nghề lập trình viên là gì, công việc cụ thể như thế nào? Cùng Topdev tìm hiểu tổng quan về ngành lập trình.

Lập trình viên là ai?

Lập trình viên là gì
Lập trình viên là ai?

Lập trình viên (còn được gọi bằng nhiều cái tên khác như dân IT, developer (dev), coder, programmer…) là người chuyên viết và phát triển phần mềm và ứng dụng bằng cách sử dụng các ngôn ngữ lập trình như Java, Python, C++, JavaScript, PHP và nhiều ngôn ngữ khác. Họ có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau như phát triển web, ứng dụng di động, hệ thống nhúng, trí tuệ nhân tạo, và nhiều lĩnh vực khác.

Lập trình viên có thể chia thành nhiều loại khác nhau tùy theo ngôn ngữ lập trình, mục đích và phạm vi của chương trình mà họ tạo ra. Ví dụ:

  • Lập trình viên web: là người thiết kế và xây dựng các trang web, bao gồm cả giao diện và chức năng của web.
  • Lập trình viên ứng dụng: là người phát triển các ứng dụng cho các hệ điều hành khác nhau, như Windows, Android, iOS, v.v.
  • Lập trình viên phần mềm: là người tạo ra các phần mềm cho các mục đích khác nhau, như giáo dục, giải trí, kinh doanh, v.v.
  • Lập trình viên game: là người thiết kế và phát triển các trò chơi điện tử cho các nền tảng khác nhau, như PC, console, mobile, v.v.

Công việc của lập trình viên (developer)

Lập trình gồm rất nhiều mảng khác nhau: phần mền, ứng dụng, thiết kế app mobile,… Thế nên tùy thuộc vào vị trí đảm nhận cũng như mô hình của công ty mà mỗi lập trình viên sẽ làm các công việc cụ thể khác nhau, bao gồm một số công việc chính:

  1. Phân tích và thiết kế: Đầu tiên, developer cần đọc hiểu yêu cầu và có kế hoạch thiết kế cấu trúc chương trình.
  2. Viết code: Sau khi đã có hướng đi cụ thể, các programmer sẽ sử dụng ngôn ngữ lập trình phù hợp để triển khai các chức năng.
  3. Chạy thử và fix lỗi: Chạy thử chương trình, kiểm tra và fix bug (phần này là khiến nhiều anh em coder sợ nhất).
  4. Bảo trì và nâng cấp: Duy trì và cập nhật chương trình.
  5. Hợp tác làm việc nhóm: Phối hợp với đồng nghiệp khác, ví dụ bộ phận SEO hay designer để hoàn thành dự án.

Các kỹ năng cần có để trở thành một lập trình viên

Các kỹ năng cần có để trở thành một lập trình viên
Các kỹ năng cần có để trở thành một lập trình viên

Kỹ năng chuyên môn

  1. Sử dụng thành thạo một hoặc nhiều ngôn ngữ lập trình như Java, Python, C++, JavaScript,…
  2. Một trong các kỹ năng quan trọng của dev là cấu trúc dữ liệu và giải thuật, nó cho thấy được tư duy của lập trình viên. Đây là phần các nhà tuyển dụng rất coi trọng và có mặt hầu hết trong các bài test phỏng vấn.
  3. Có kỹ năng làm việc với các hệ quản trị cơ sở dữ liệu như MySQL, PostgreSQL, MongoDB.
  4. Sử dụng thành thạo các công cụ Version Control System (VCS) như Git.
  5. Có khả năng tư duy thiết kế dài hạn, triển khai và phát triển mở rộng hệ thống.

Kỹ năng mềm

  • Kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm: Truyền đạt rõ ràng các giải pháp kỹ thuật và ý tưởng của mình cho đồng nghiệp và khách hàng, sẵn sàng tiếp nhận góp ý và thay đổi.
  • Giải quyết vấn đề:
    • Phân tích: Khả năng phân tích vấn đề một cách logic và có hệ thống.
    • Sáng tạo giải pháp: Tìm kiếm các giải pháp hiệu quả và sáng tạo cho các vấn đề kỹ thuật.
  • Quản lý thời gian: Xây dựng kế hoạch làm việc rõ ràng và hiệu quả, xác định các công việc ưu tiên và thực hiện chúng trước.
  • Tính kiên nhẫn và tỉ mỉ:
    • Kiên trì: Theo đuổi việc giải quyết vấn đề đến cùng mà không bỏ cuộc.
    • Chú ý đến chi tiết: Đảm bảo mã nguồn và các giải pháp kỹ thuật không có lỗi nhỏ.
  • Khả năng học hỏi:
    • Tự học: Khả năng tự nghiên cứu và cập nhật kiến thức mới.
    • Thích nghi: Thích ứng nhanh với công nghệ mới và các thay đổi trong môi trường làm việc.
  • Ngoại ngữ: Hiện nay ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) được các doanh nghiệp rất chú trọng khi chọn ứng viên. Đặc thù ngành lập trình là nhiều tài liệu tham khảo tiếng Anh, nên bạn cần có kỹ năng đọc hiểu. Hơn nữa, số lượng các công ty nước ngoài đầu tư vào ngành IT ở Việt Nam ngày càng lớn, vì thế để có được công việc tốt với mức lương cao bạn cần có ngoại ngữ.

Học ngành gì để làm được lập trình viên?

Để trở thành lập trình viên, bạn có thể theo học các ngành sau:

  • Khoa học Máy tính: Bao gồm các kiến thức về thuật toán, cấu trúc dữ liệu, lập trình, hệ điều hành, và cơ sở dữ liệu.
  • Kỹ thuật Phần mềm: Tập trung vào quy trình phát triển phần mềm, quản lý dự án, và kiểm thử phần mềm.
  • Công nghệ Thông tin: Cung cấp kiến thức về mạng máy tính, bảo mật thông tin, và quản trị hệ thống.
  • Kỹ thuật Máy tính: Kết hợp giữa phần cứng và phần mềm, bao gồm thiết kế vi mạch và lập trình hệ thống nhúng.

Nghề lập trình viên có những ưu nhược điểm gì?

Ưu điểm

Thu nhập hấp dẫn

Nhu cầu về kỹ thuật viên và lập trình viên đang tăng lên, đặc biệt là trong bối cảnh của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Do đó, nguồn cung cầu lao động của lập trình viên đang tăng lên, làm tăng giá trị của nghề nghiệp này.

Thêm nữa, lập trình viên có thể kiếm được một số tiền khá lớn nhờ vào kinh nghiệm và kỹ năng của mình. Nếu bạn có kỹ năng về các ngôn ngữ lập trình phổ biến như Java, Python, C++, hoặc Ruby on Rails, bạn có thể tìm được một số công việc lương cao. Bên cạnh đó, các lập trình viên có thể cải thiện thu nhập của mình bằng cách chuyển sang các lĩnh vực như quản lý dự án, giám sát, hoặc đào tạo lập trình viên mới.

Cơ hội nghề nghiệp rộng mở

Cơ hội việc làm của lập trình viên ngàng càng cao
Cơ hội việc làm của lập trình viên ngàng càng cao

Hiện nay, các công ty CNTT đang phát triển rất nhanh chóng và đa dạng với nhiều lĩnh vực, từ phát triển ứng dụng di động, trò chơi, trí tuệ nhân tạo, đến an ninh mạng, khoa học dữ liệu và điện toán đám mây. Điều này tạo ra cơ hội cho lập trình viên để phát triển và chuyển đổi sang các lĩnh vực khác nhau nếu họ muốn thay đổi công việc hoặc mở rộng kiến thức của mình.

Bên cạnh đó, lập trình viên có thể làm việc trong các lĩnh vực khác nhau như y tế, giáo dục, tài chính, thương mại điện tử và các ngành công nghiệp khác. Điều này mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp cho các lập trình viên và giúp họ khai thác tiềm năng của mình trong các lĩnh vực khác nhau.

Việc làm IT Fresher dành cho bạn

Môi trường làm việc linh hoạt

Lập trình viên thường làm việc trong ngành công nghệ thông tin, nơi mà các công ty thường có nhu cầu cao về sự sáng tạo và sự sẵn sàng đáp ứng với các thay đổi nhanh chóng trong thị trường. Vì vậy, môi trường làm việc của lập trình viên thường được thiết kế để tạo ra một sự linh hoạt và đa dạng trong các dự án và nhiệm vụ.

Một điểm đáng chú ý là các công ty công nghệ thường cho phép lập trình viên làm việc từ xa hoặc có thời gian làm việc linh hoạt. Điều này đặc biệt hữu ích đối với những lập trình viên có nhu cầu về thời gian và không muốn bị giới hạn bởi giờ làm việc cố định.

Công việc mang tính toàn cầu

Với sự phát triển của công nghệ thông tin, các công ty phần mềm và công nghệ thông tin đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Những công ty này thường tìm kiếm các lập trình viên có kỹ năng và khả năng làm việc tốt trong môi trường toàn cầu.

Điều này có nghĩa là lập trình viên có thể làm việc cho các công ty và tổ chức trên toàn thế giới. Điều này mang lại cho lập trình viên nhiều cơ hội hơn để tìm kiếm các dự án và việc làm mới, tăng cơ hội cho sự phát triển nghề nghiệp và thu nhập.

Nhược điểm

Công nghệ thay đổi liên tục – Đòi hỏi sự nhạy bén

Nghề lập trình viên có những ưu nhược điểm gì?
Nghề lập trình viên có những ưu nhược điểm gì?

Các công nghệ mới được phát triển và giới thiệu liên tục, điều này đòi hỏi lập trình viên phải cập nhật và học tập những công nghệ mới để giữ được sự cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Với tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ, việc học tập và cập nhật liên tục là một yêu cầu bắt buộc đối với lập trình viên. Tuy nhiên, nếu không đủ tư duy linh hoạt và không đủ nỗ lực học tập, các bạn có thể rơi vào tình trạng lạc hậu và khó tìm được việc làm trong thị trường lao động.

Lương cao đi đôi với áp lực

Lập trình viên thường phải đối mặt với các dự án có thời hạn ngắn, yêu cầu chính xác và tính chất phức tạp. Việc hoàn thành các dự án trong thời gian ngắn và đáp ứng yêu cầu của khách hàng có thể tạo ra áp lực rất lớn cho lập trình viên.

Thêm vào đó, lập trình viên thường phải làm việc với các bug, lỗi phát sinh trong quá trình phát triển sản phẩm. Việc tìm kiếm và sửa lỗi có thể mất rất nhiều thời gian và công sức, đồng thời làm tăng áp lực và đòi hỏi kỹ năng giải quyết vấn đề của lập trình viên.

Trong doanh nghiệp hoạt động nhiều dự án, các developer có thể đối mặt với áp lực để đáp ứng các yêu cầu của nhiều dự án cùng lúc. Việc phải quản lý và phân chia thời gian giữa các dự án có thể làm giảm hiệu quả công việc, cũng như ảnh hưởng đến sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân.

Tiềm ẩn rủi ro về sức khỏe

Lập trình viên thường phải làm việc nhiều giờ liên tục trên máy tính, đồng thời thường phải ngồi ở vị trí cố định trong nhiều giờ mỗi ngày. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe như đau lưng, đau cổ, đau vai và bệnh lý về mắt như căng thẳng mắt, mỏi mắt, và khô mắt.

Thêm vào đó, việc làm việc nhiều giờ liên tục và áp lực công việc cũng có thể dẫn đến căng thẳng và stress, gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm lý như lo âu, trầm cảm và rối loạn giấc ngủ.

Cơ hội việc làm và mức lương ngành lập trình

Cơ hội việc làm

Ngành lập trình cung cấp nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn trong các lĩnh vực như phát triển phần mềm, phát triển web, phát triển ứng dụng di động, trí tuệ nhân tạo, và an ninh mạng. Các công ty công nghệ, tổ chức tài chính, doanh nghiệp bán lẻ, và các tổ chức giáo dục đều cần các lập trình viên để xây dựng và duy trì hệ thống của họ. Với sự bùng nổ của công nghệ, nhu cầu về lập trình viên ngày càng tăng, đảm bảo cơ hội việc làm ổn định và đa dạng. Ngoài ra nhiều công ty cho phép làm việc từ xa, mở ra cơ hội việc làm toàn cầu cho các lập trình viên.

Mức lương

  1. Mức lương khởi điểm: Lập trình viên mới ra trường thường có mức lương khởi điểm từ 13 – 20 triệu VND/tháng tại Việt Nam.
  2. Lập trình viên có kinh nghiệm: Mức lương của senior developer có kinh nghiệm từ 3 – 5 năm có thể dao động từ 30 – 50 triệu VND/tháng.
  3. Vị trí cao cấp: Các vị trí cao cấp như Tech Lead, Project Manager hoặc CTO có thể nhận mức lương từ 60 triệu VND/tháng trở lên.

TopDev đã cùng bạn tìm hiểu chi tiết về nghề lập trình viên. Đây là một ngành nghề đang hot và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt với mức lương tương đối cao. Bạn đang tìm kiếm việc lập trình viên? Truy cập trang việc làm của chúng tôi với hơn 1000+ cơ hội việc làm developer. Chúc các bạn thành công!