Từ năm 2016, bối cảnh của cộng đồng Tech startup Việt đã có những bước tiến lớn khi liên tục đón nhận các tin vui như kế hoạch cấp vốn đầu tư trị giá 10 triệu USD từ quỹ đầu tư danh giá 500 Startups, sự xuất hiện của gần 40 quỹ đầu tư nước ngoài với giá trị vốn trên dưới 50 triệu USD, hay hàng loạt các thương vụ đầu tư đình đám vào các startup hoạt động ở nhiều mảng khác nhau như Tiki, Foody, Giao hàng nhanh, …
Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Điều hành của Tập đoàn IDG Đông Nam Á chia sẻ, trên 60% công ty khởi nghiệp thất bại, trong đó 70% thất bại ngay trong năm đầu tiên, 90% trong năm thứ hai, và năm thứ ba gặp nhiều khó khăn.
Vậy, cơ hội nào dành cho các Tech startup Việt tiến ra biển lớn? Hãy cùng Techtalk trò chuyện với anh Uy Trần – Managing Director của UpStar Labs tìm hiểu ưu – nhược điểm của các công ty khởi nghiệp Việt và chiến lược chinh phục thị trường thế giới.
1. Thực trạng của cộng đồng Tech startup Việt
Theo anh Uy, các công ty khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam đang có nhiều thuận lợi lớn cần được tận dụng.
Tuy Việt Nam vẫn còn đi sau các nước phát triển khác, nhưng điều này lại là cơ hội cho các startup công nghệ trong nước khi có thể tận dụng nhiều ý tưởng, sản phẩm đã định hình và các bài học kinh doanh trong chiến lược phát triển ở thị trường nước ngoài. Ví dụ như lĩnh vực thương mại điện tử đã có những ông lớn như Amazon, Alibaba,… hay lĩnh vực dịch vụ có Airbnb, Uber,… mà ta có thể học hỏi.
Bên cạnh đó, người dùng Việt khá cởi mở, tiếp nhận công nghệ nhanh chóng, đi cùng với sự phát triển của cơ sở hạ tầng có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng quốc tế với giá thành thấp, giúp các công ty khởi nghiệp tiếp cận được khách hàng và thị trường mục tiêu nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Nhóm khách hàng mục tiêu mà các công ty startup công nghệ có thể khai thác đa số tập trung tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, giúp giảm chi phí marketing và tiếp cận khách hàng. Hơn thế nữa, từ năm 2014, nhà nước có nhiều chính sách khuyến khích khởi nghiệp, thành lập nhiều hiệp hội hỗ trợ startup, là một thuận lợi lớn.
Về năng lực kỹ thuật, các startup công nghệ Việt gần như bắt kịp với tốc độ phát triển của thế giới. Nhìn chung, ngoại trừ các công nghệ có tính chất rất đặc thù, khả năng của lập trình viên Việt Nam vẫn đứng trong Top 20 của thế giới.
Tuy nhiên, đi cùng với đó cộng đồng khởi nghiệp Việt còn phải đối mặt với vô số những khó khăn.
Mặc dù tinh thần và văn hóa khởi nghiệp đã được cổ vũ mạnh mẽ ở Việt Nam trong thời gian gần đây, tuy nhiên, các founder trong nước đa số còn thiếu các kiến thức, kỹ năng để quản lý doanh nghiệp do không được đào tạo bài bản, cũng như thiếu cơ hội tiếp cận với những mô hình khởi nghiệp thành công trên thế giới.
Mặt khác, tư duy vận hành của founder Việt cũng là một thử thách không nhỏ. Đa phần các công ty khởi nghiệp công nghệ Việt khi thành lập chỉ mới chú trọng vào các công việc thường ngày như phát triển phần mềm, lập trình… Tuy nhiên, dù có ý tưởng kinh doanh tốt nhưng khách hàng, thị trường mục tiêu không rõ ràng, kỹ năng lãnh đạo và quy trình quản lý không hiệu quả cũng sẽ khiến công ty khó thành công.
Ngoài ra, với tốc độ phát triển công nghệ như hiện nay, các công ty phải luôn trau dồi, cập nhật kiến thức nhanh chóng và kịp thời để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng cũng như tăng tính cạnh tranh của mình trên thị trường khi quyết định cho ra một tính năng mới cho sản phẩm.
Hơn thế nữa, cách sử dụng tiền đầu tư hiệu quả hợp lý cũng là một vấn đề cần được lưu tâm. Một số trường hợp sau khi thành công trong việc gọi vốn lại điều chỉnh chiến lược sản phẩm hay đầu tư trái ngành thay vì tập trung cho định hướng phát triển ban đầu, dẫn đến tình trạng “chết yểu” vì hết vốn chỉ sau một đến hai năm.
2. Những hành trang quan trọng trước khi ra “biển lớn”
Từ những điểm xuất phát thuận lợi và khó khăn ấy, để chinh phục thị trường nước ngoài, các startup công nghệ Việt cần chuẩn bị một chiến lược rõ ràng, phù hợp với môi trường quốc tế, từ văn hóa, ngôn ngữ, đến cách tiếp cận người dùng, chiến lược marketing và đặc biệt là vấn đề bản quyền cũng như pháp lý. Theo anh Uy, sản phẩm nội địa có thể sẽ gặp nhiều khó khăn và thời gian để triển khai ra thị trường quốc tế dù đạt được nhiều thành công trong nước.
Yếu tố đầu tiên các startup Việt cần chú ý chính là công nghệ. Thường các công nghệ được chọn áp dụng ở Việt Nam dựa trên yếu tố nguồn nhân lực giá rẻ sẵn có. Tuy nhiên, để có thể phát triển nhanh chóng và tạo được tiếng vang ở thị trường quốc tế, công nghệ được lựa chọn nên mới nhất và được chấp nhận rộng rãi.
Bên cạnh nền tảng công nghệ, chiến lược marketing cũng cần được xem xét, chuẩn bị và lên kế hoạch một cách kỹ lưỡng. Kỹ thuật phần mềm có thể sửa đổi được nếu có đủ nhân sự, nhưng phương thức làm marketing rất khó điều chỉnh trong khoảng thời gian ngắn. Cụ thể hơn, cách tiếp cận người dùng ở Việt Nam khác nhiều so với quốc tế, đặc biệt là kênh nội dung.
Ví dụ: Facebook fanpage là kênh xã hội phổ biến nhất ở nước ta. Tuy nhiên, người Mỹ lại thích sử dụng Twitter hơn Facebook.
Một điểm cần chú ý khác là việc giao tiếp nội dung. Cụ thể, những thông tin khi được phiên dịch thường không được chính xác hay thậm chí sai chính tả sẽ ảnh hưởng nhiều đến khả năng tiếp thu và cảm xúc của người dùng. Vì thế, khi có định hướng chiến lược phát triển ra nước ngoài, founder nên tuyển dụng những bạn có kinh nghiệm phát triển sản phẩm cho thị trường quốc tế, những người đã làm việc tại nước ngoài để giúp tư vấn về văn hóa và cách tiếp cận người dùng địa phương nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.
Pháp lý là thử thách cuối cùng mà các Tech startup Việt cần chuẩn bị. Quan trọng nhất là việc xây dựng mối quan hệ lâu dài với các tổ chức chuyên về sở hữu trí tuệ và tham khảo từ họ cách hoạt động ở nước ngoài trước khi triển khai để tránh những vấn đề không đáng có.
3. UpStar Labs – Bệ phóng dành cho các Tech Startup Việt
Với mong muốn hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác nâng tầm các sản phẩm công nghệ Việt có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, vườn ươm UpStar Labs được thành lập vào tháng 6/2017.
UpStar Labs không phải là một quỹ đầu tư, mà là vườn ươm (Incubator), nên không chỉ tập trung đầu tư vốn vào một công ty. Vườn ươm hỗ trợ các startup từ giai đoạn phát triển ý tưởng đến khi có Minimum Feasible Product, hoặc Minimum Lovable Product – giai đoạn người dùng có thể thấy được giá trị hoặc cảm thấy sản phẩm đó sẽ đem lại giá trị cho họ nếu chưa dùng được. UpStar Labs khác biệt các mô hình vườn ươm hiện nay bởi:
- Đầu tư tập trung. Thay vì đầu tư vào nhiều mảng khác nhau, UpStar Labs chỉ tập trung vào sản phẩm phần mềm, đặc biệt ưu tiên mở rộng ra thị trường quốc tế thay vì chỉ gói gọn ở nước nhà hay khu vực Đông Nam Á.
- Đầu tư vào những công nghệ tiên phong. Cụ thể hơn, hiện nay, công ty đang tập trung triển khai các sản phẩm được xây dựng với công nghệ Blockchain và AI.
- Không chỉ là đầu tư, UpStar Labs mong muốn được lâu dài cùng các startup. Vườn ươm sẽ đồng hành với các dự án từ lúc còn sơ khai và cùng nhau hợp tác phát triển lâu dài nên mỗi năm, chỉ từ 2 – 3 dự án được chọn để triển khai nhằm đảm bảo sự thành công cho các dự án. Ngoài ra, UpStar Labs sẽ không làm những dự án quá nhỏ hay quá lớn. Các đơn vị tài chính tương tự thường tập trung vào phân khúc từ $15.000 đến $30.000, nhưng UpStar Labs sẽ đầu tư từ $50.000 đến $100.000 cho vòng đầu tiên kèm theo sự hợp tác chặt chẽ xuyên suốt quá trình phát triển sản phẩm.
- Đội ngũ nhân lực sẵn sàng. Sự giúp đỡ từ bộ máy hơn 800 nhân viên của KMS Technology với nhiều kinh nghiệm cùng cơ sở hạ tầng tốt sẽ là một đòn bẩy thuận lợi cho các startup công nghệ.
Anh có thông điệp gì muốn gửi đến các tech startup Việt hiện nay không?
==============
Thông tin chi tiết về UpStar Labs
UpStar Labs là vườn ươm ý tưởng khởi nghiệp, thành viên KMS Technology. Mục tiêu của UpStar Labs là đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với những cá nhân và tổ chức có ý tưởng với mong muốn xây dựng những sản phẩm công nghệ cao có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế với niềm tin trong tương lai Việt Nam sẽ có những Google, Uber, Facebook.
Website: https://www.UpStarlabs.com/
Việc làm tại KMS Technology & UpStar Labs: https://www.facebook.com/kmscareers/
TopDev via Techtalk