So sánh WordPress và Drupal: Lựa chọn CMS nào sẽ tốt hơn?

1567

Nhắc đến Hệ quản trị nội dung thì WordPress và Drupal là 2 cái tên phổ biến, luôn có mặt trong top những phần mềm CMS tốt nhất hiện nay. Cả 2 đều được viết bằng ngôn ngữ lập trình PHP, ra mắt đầu những năm 2000 và trở thành nền tảng được yêu thích sử dụng trong các website hàng đầu hiện nay. Hôm nay chúng ta cùng nhau so sánh WordPress và Drupal để xem 2 nền tảng này có sự giống và khác nhau gì, để trả lời cho câu hỏi nên lựa chọn CMS nào cho website của bạn nhé.

Tìm hiểu về WordPress và Drupal

1. WordPress là gì? Điểm mạnh của WordPress

WordPress là một hệ quản trị nội dung (CMS) mã nguồn mở được viết bằng PHP và sử dụng hệ quản trị cơ sở dữ liệu MySQL. Với giao diện thân thiện và dễ sử dụng, WordPress cho phép người dùng tạo và chỉnh sửa nội dung một cách dễ dàng, mà không yêu cầu kiến thức lập trình.

Nó cung cấp hàng ngàn theme (giao diện) và plugin (tiện ích) mở rộng, cho phép người dùng tùy chỉnh trang web theo ý muốn. WordPress cũng hỗ trợ cộng đồng lớn và đa dạng, với tài liệu phong phú và sự hỗ trợ từ cộng đồng người dùng trên toàn thế giới.

Wordpress là gì?

Ưu điểm của WordPress:

  • Dễ sử dụng: Giao diện người dùng thân thiện và trực quan của WordPress làm cho việc tạo và quản lý nội dung trở nên dễ dàng cho cả người mới bắt đầu và người không có kỹ năng lập trình.
  • Tính linh hoạt: WordPress cung cấp hàng ngàn theme và plugin, cho phép người dùng tùy chỉnh giao diện và mở rộng chức năng của trang web theo nhu cầu riêng.
  • Cộng đồng lớn: WordPress có một cộng đồng người dùng rộng lớn, với tài liệu phong phú và sự hỗ trợ từ cộng đồng. Người dùng có thể tìm kiếm câu trả lời và giải pháp cho các vấn đề thông qua diễn đàn và nhóm thảo luận.
  • Tối ưu hóa SEO: WordPress được xây dựng với cấu trúc tốt cho việc tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO). Nó cung cấp các plugin và công cụ hỗ trợ để cải thiện hiệu suất SEO của trang web.
  • Khả năng mở rộng: WordPress cho phép người dùng mở rộng trang web của mình một cách dễ dàng bằng cách thêm các tính năng mới thông qua việc cài đặt các plugin và widget.

  26 đoạn code hay dùng trong lập trình theme WordPress

  Top 5 câu hỏi phỏng vấn Drupal Developer không phải ai cũng biết

2. Drupal là gì? Điểm mạnh của Drupal

Drupal là một hệ quản trị nội dung (CMS) mã nguồn mở PHP mạnh mẽ và linh hoạt. Nó được sử dụng để xây dựng và quản lý các trang web phức tạp. Với Drupal, người dùng có khả năng tùy chỉnh cao và kiểm soát đầy đủ về cấu trúc và nội dung trang web.

Nó cung cấp một hệ thống module mạnh mẽ, cho phép người dùng mở rộng chức năng và tính năng của trang web theo ý muốn. Drupal cũng không ngừng được cải tiến và tích hợp thêm nhiều tính năng mới hỗ trợ người dùng.

Drupal là gì?

Ưu điểm của Drupal

  • Linh hoạt và mở rộng: Drupal cho phép người dùng tùy chỉnh cao và kiểm soát đầy đủ về cấu trúc và nội dung trang web.
  • Đa chức năng: Drupal hỗ trợ xây dựng các trang web phức tạp và đa dạng, bao gồm trang web doanh nghiệp, trang web chính phủ, cộng đồng trực tuyến, trang web thương mại điện tử, và nhiều hơn nữa.
  • Hiệu suất tốt: Drupal được tối ưu hóa để xử lý lưu lượng truy cập lớn và dữ liệu phức tạp. Nó có khả năng xử lý nội dung lớn mà không ảnh hưởng đến hiệu suất trang web.
  • Cộng đồng hỗ trợ: Drupal có một cộng đồng người dùng lớn và nhiều kinh nghiệm. Người dùng có thể tìm kiếm và chia sẻ kiến thức, tài liệu, và giải pháp thông qua các diễn đàn, trang web và sự kiện Drupal.

Tham khảo việc làm WordPress hấp dẫn trên TopDev!

So sánh WordPress và Drupal: Nên chọn cái nào?

Wordpress và Drupal

Tính khả dụng

Tính khả dụng đề cập đến việc một CMS có dễ dàng cài đặt và sử dụng ngay cả đối với những người không có nhiều kiến thức về lập trình. Ở khía cạnh này thì WordPress tỏ ra vượt trội hơn vì tính đơn giản, dễ hiểu và dễ sử dụng. Cụ thể:

  • Drupal: Để cài đặt Drupal và sử dụng, trung bình cần hơn 10 phút với những thao tác thủ công và có đòi hỏi kiến thức về lập trình Web. Mã nguồn của Drupal cũng có nhiều bản cài khác nhau gọi là các bản distributions giúp bạn lựa chọn phù hợp với yêu cầu, loại website bạn cần.
  • WordPress: Thời gian cài đặt thủ công trung bình của WP mất khoảng 5 phút với những thiết lập khá đơn giản. Hầu hết các nhà cung cấp hosting hiện nay đều tích hợp WordPress giúp việc cài đặt và sử dụng đơn giản hơn chỉ bằng một cú nhấp chuột. 

Có một điểm chung cả 2 CMS này đều là mã nguồn mở và hoàn toàn miễn phí, và không chỉ WP thì một số nhà cung cấp hosting hiện nay cũng đã tích hợp Drupal để hỗ trợ cài đặt trực tiếp (không cần thao tác download về và upload lên server).

So sánh WordPress và Drupal

Khả năng tối ưu hóa SEO

SEO (Search Engine Optimization) hay tối ưu hóa công cụ tìm kiếm giúp website của bạn chất lượng và lưu lượng truy cập, thu hút người dùng.

  • Drupal: với Drupal, để giữ cho website của bạn luôn được cập nhật các phiên bản mới nhất là một điều tương đối khó khăn và thường chỉ là công việc của các lập trình viên. Drupal hỗ trợ tốt cho SEO với nhiều công cụ giúp bạn hoàn thiện SEO Website như Yoast SEO, đặc biệt là nó được đi kèm sẵn trong mã nguồn của Drupal.
  • WordPress: WP có rất nhiều plugin tuyệt vời dành cho SEO như All in One SEO Pack hay Yoast SEO. Một yếu tố nữa là nhờ sự phổ biến của cộng đồng WordPress mà việc SEO các site WP cũng trở nên hiệu quả hơn.

So sánh WordPress và Drupal

Tốc độ và hiệu năng

Tốc độ và hiệu năng của một website bị tác động chủ yếu nhờ các kỹ thuật lập trình áp dụng trong source code cộng thêm một số các kỹ thuật tăng tốc độ tải và xử lý đến từ server, hosting. Về điểm này thì Drupal thường được cộng đồng lập trình viên đánh giá cao hơn, cụ thể:

  • Drupal: Về mặt kỹ thuật thì Drupal là tiên tiến hơn so với WP, nhờ vậy nó luôn được đánh giá cao về tốc độ và hiệu năng. Nó tiêu tốn ít tài nguyên máy chủ, không yêu cầu lưu trữ hay thiết lập nhiều vì đó site làm bằng Drupal thường tải nhanh hơn, thời gian đáp ứng cũng tốt hơn WP.
  • WordPress: tốc độ là một trong những vấn đề lớn nhất của WP, nếu không phải là một người có kinh nghiệm lập trình và làm việc với WordPress thì việc tối ưu tốc độ cho CMS này là một bài toán khó. Bù lại thì WP cũng có sẵn một số plugins hỗ trợ tăng tốc site, hơn nữa một số hosting còn có những tính năng để tối ưu hóa hiệu năng các site chạy bằng WP; điều đó giúp site của bạn được cải thiện rõ rệt hơn.

Tính bảo mật

Tính bảo mật và độ an toàn của một CMS phụ thuộc nhiều vào khả năng quản trị server cũng như kiểm soát tốt source code ứng dụng, mặc dù vậy cũng có những điểm đặc trưng giữa 2 CMS trên.

  • Drupal: Drupal xây dựng được danh tiếng là hệ quản trị nội dung an toàn nhất với việc từng được dùng làm website của nhà Trắng và những website thuộc chính phủ nhờ việc áp dụng chuẩn bảo mật cao cấp. Drupal không có nhiều theme và plugin, cũng nhờ vậy mà hạn chế được lỗi bảo mật không mong muốn xảy ra.
  • WordPress: bản thân mã nguồn gốc của WP rất an toàn, mặc dù vậy do sự mở rộng plugin và themes vô cùng lớn cũng kèm theo là việc tạo ra nhiều lỗ hổng bảo mật hơn. Thực tế cho thấy WordPress là CMS bị hack nhiều nhất, chủ yếu với những site lỗi thời hay sử dụng plugins lỗi. Mặc dù vậy nếu bạn kiểm soát tốt được các plugins, themes cài đặt và hiểu biết một chút về bảo mật thì có thể giảm thiểu khả năng bị tấn công xuống mức thấp nhất. 

So sánh WordPress và Drupal

Tính linh hoạt

Tính linh hoạt thể hiện ở việc CMS có khả năng tùy chỉnh từ giao diện đến tính năng. Ở tiêu chí này, nhờ cộng đồng hỗ trợ rất lớn của mình, WordPress có số lượng plugin và themes vô cùng phong phú giúp người dùng có thể dễ dàng thay đổi, bổ sung, nâng cấp cho CMS của mình. Mặc dù vậy thì Drupal không phải không có ưu điểm của nó, cụ thể:

  • Drupal: người dùng có thể tùy chỉnh bằng modules và extensions tương tự cách dùng plugins hay themes đối với WordPress. Drupal hỗ trợ chỉnh sửa rất sâu bên trong sourcecode, tác động toàn bộ đến site CMS; mặc dù vậy bạn cần kiến thức về lập trình vì các chỉnh sửa là hoàn toàn thủ công, không hỗ trợ cài đặt giao diện như WP.
  • WordPress: lý do lớn nhất cho việc WP trở thành CMS số 1 hiện nay là nhờ kho plugins và themes đồ sộ, bao gồm cả miễn phí và trả phí. Bạn dễ dàng cài đặt thông qua giao diện trên CMS với vài thao tác cơ bản.

Tóm lại

Drupal là một CMS có rất nhiều tính năng nổi trội được tích hợp, tối ưu cho tốc độ và bảo mật ngay từ ban đầu, tuy nhiên nó đòi hỏi một kiến thức lập trình nhất định để có thể tận dụng được khả năng của Drupal. Nếu là một lập trình viên hay có kiến thức nhất định về lập trình Web, về hosting, domain, server,… hãy tự tin lựa chọn Drupal cho CMS của mình. WordPress dễ cài đặt, dễ dùng, mức độ phổ biến cao và vì thế nó phù hợp với phần đông đối tượng người dùng hơn. WordPress cũng hoàn toàn có thể sử dụng để xây dựng các website lớn với các tùy chỉnh chuyên sâu, tuy vậy thì nhìn chung WordPress phù hợp hơn với những người mới bắt đầu.

Hy vọng bài viết hữu ích dành cho bạn trong việc lựa chọn CMS cho website sắp tới, hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo của mình.

Tác giả: Phạm Minh Khoa

Bạn có thể xem thêm:

Dev đừng bỏ lỡ Top tin tuyển dụng IT tại TopDev nhé!