Những kỹ năng cần thiết cho freelancer

10135

Tác giả: Thi Trần

Trước khi qua Singapore làm việc, mình đã có 1 khoảng thời gian khá dài là 1 freelancer chuyên nhận những dự án phần mềm trực tiếp từ khách hàng và ngoài ra mình cũng làm đầu mối đưa cho bạn bè thực hiện nhiều dự án khác nhau. Nhờ đó mình tích lũy được 1 số kinh nghiệm cũng như rút ra được những kỹ năng cần có để trở thành 1 freelancer tốt.

Kỹ năng chuyên môn

Mình nghĩ đây là yếu tố tiên quyết để bạn có thể nhận dự án. Mình thường thấy các bạn freelancer thường bắt đầu làm ở 1 cty rồi mới tách ra làm riêng khi đã tích lũy đủ kiến thức, kinh nghiệm. Cũng có bạn có khả năng kết nối công việc cho những freelancer khác thì có thể không cần chuyên môn nhưng bài viết này mình sẽ tập trung cho bạn nào làm trực tiếp với khách hàng nhé.

Kỹ năng “deal” cho dự án

1. Làm thế nào để ước tính giá trị cho 1 dự án freelancer?

Nhiều bạn mới bắt đầu làm 1 dự án riêng thường phân vân không biết định giá thế nào hay hỏi mình câu này lắm. Đa số những dự án mình đã thực hiện được ước tính dựa trên “hour rate”, nghĩa là giá tiền/giờ. Sau đó mình sẽ ước lượng tổng số giờ thực hiện xong dự án và cộng thêm khoảng 15% dành cho việc phản hồi, chỉnh sửa từ khách hàng.

Ví dụ hour rate trước đây của mình là 20USD/giờ, giả sử dự án mình ước tính phải thực hiện trong 50 giờ thì tổng chi phí của mình được tính ra như sau:

Tổng chi phí = 20 * (50 + 50 * 0.15) = 1150 USD

Ngoài ra, bạn sẽ phải gặp 1 số dạng dự án mà khách hàng đưa ra mức tiền tối đa thì lúc đó phải tính theo phương pháp khác. Đó là tính ngược lại để ra tổng số giờ, dựa trên số giờ đó để tính ra số lượng giờ thực hiện cho các chức năng, dùng thư viện, framework có sẵn hay không để giảm bớt công sức bạn phải bỏ ra.

2. Làm thế nào để ước tính thời gian cho 1 dự án freelancer?

Cái này phải dựa trên kinh nghiệm thực chiến, càng làm nhiều thì bạn sẽ dễ dàng đánh giá được từng chức năng tốn thời gian bao nhiêu, có rủi ro gì không,… hoặc nếu bạn quen ai đó có kinh nghiệm thì có thể trao đổi thử rồi đưa ra ước lượng. Kinh nghiệm của mình là bạn có thể tăng 1 số giờ cho các chức năng bạn đã xác định được lên 1 chút để có thể bù lại cho chức năng bạn vẫn chưa chắc chắn thì sẽ giảm rủi ro hơn.

3. Chốt deal với khách những chức năng cần có

Đây là 1 thao tác CỰC KỲ QUAN TRỌNG nếu như bạn không muốn ôm hận về sau. Trước khi chốt hạ với khách, bạn cần lên được 1 danh sách những chức năng sẽ làm, tốt nhất là 1 bảng báo giá cụ thể để khách xem rồi sau đó yêu cầu họ làm 1 bảng hợp đồng thỏa thuận 2 bên rõ ràng để nếu họ có yêu cầu thêm những chức năng không nằm trong đó cũng có cái để làm bằng chứng. Hầu như dự án nào cũng sẽ có phần phát sinh, bạn cũng nên cân nhắc nếu phần đó không tốn quá nhiều thời gian thì cũng nên hỗ trợ miễn phí để họ vui và biết đâu dự án tới họ sẽ tìm đến bạn.

Mình nhắc lại là PHẢI CÓ HỢP ĐỒNG, đặc biệt là lần đầu tiên làm việc với họ bởi giấy trắng mực đen là cái đem ra trao đổi dễ nhất và ngay cả khách hàng của bạn cũng sẽ cần cái đó để đảm bảo bạn có thực hiện theo cam kết hay không. Mình có 1 khách hàng làm khá nhiều dự án, đến lần thứ 4, thứ 5 mình bỏ qua bước làm hợp đồng này và cuối cùng phải chịu thiệt làm thêm 1 số cái cũng như thời gian chuyển khoản bị delay.

4. Deal với những thứ phát sinh bằng đàm phán

Mình chắc chắn dự án kiểu này luôn có phần phát sinh và bạn phải là người linh hoạt xử lý sao cho mềm mại, thuyết phục khách hàng bằng lý lẽ vì chất lượng của dự án để không làm họ khó chịu. Nhiều bạn gặp phần này thường rất khó xử, hoặc đôi khi mất bình tỉnh nhưng nên giữ cái đầu lạnh, nếu cần thiết thì lấy bản hợp đồng ra nói chuyện nhé. Có 1 số cái trao đổi miệng thì sau buổi họp bạn cần gửi 1 tin nhắn hoặc 1 email để chốt lại để có bằng chứng nhé.

Kỹ năng sắp xếp độ ưu tiên

Mình nghĩ phần này quan trọng hơn cả sắp xếp thời gian, bởi khi làm việc với khách hàng, bạn phải biết họ cần xem gì theo từng giai đoạn. Cách đây mình giao 1 dự án cho đứa em làm và bị khách phàn nàn vì sau cả tuần vẫn không thấy có gì thay đổi. Mình trao đổi với em nó thì mới biết em nó tập trung làm phần backend nhiều quá. Nên cố gắng tập trung cho khách hàng thấy sự thay đổi theo tiến độ, đừng để tư duy “tech” ảnh hưởng bởi có những khách hàng họ không cần quan tâm bên dưới thế nào đâu.

Kỹ năng giải quyết vấn đề

Do tính chất mỗi dự án mỗi khác, có nhiều vấn đề khác nhau nên đòi hỏi bạn phải có khả năng nghiên cứu, giải quyết vấn đề bằng “mọi thủ đoạn” để “get shit done”. Cần phải luôn dựa trên số thời gian đã xác định từ đầu để bạn đưa ra giải pháp hợp lý, tránh bị sa đà quá cỡ dẫn tới chịu thiệt thòi. Nhưng nếu bạn chủ động chịu thiệt thòi để học hỏi thì thoải mái nhé.

Kỹ năng giao tiếp

Phải có 1 kênh giao tiếp để giữ liên lạc thường xuyên với khách hàng để họ thấy bạn làm việc chuyên nghiệp. Có những bạn mình biết khi dự án bị trễ tiến độ hoặc có vấn đề thì thường tỏ ra sợ hãi hoặc có dấu hiệu “mất tích” không xem tin nhắn khách hàng. Đừng như vậy, lớn hết rồi, cứ thẳng thắn trao đổi với khách hàng vấn đề bạn đang gặp phải và đưa ra hướng giải quyết. Có nhiều bạn lấy lý do này nọ kiểu nhà em bị mất internet, điện thoại em hỏng, máy em hư các kiểu mà không có phương án tự giải quyết thì chỉ làm khách hàng cảm thấy khó chịu hơn thôi. Họ thuê bạn để giải quyết vấn đề cho họ chứ không phải họ giải quyết vấn đề của bạn.

Kỹ năng xây dựng thương hiệu cá nhân

Dù hiện giờ mình ở Singapore nhưng vẫn thường xuyên có bạn bè nhờ làm các dự án freelancer, ít nhất đã có 5 dự án mình đã giới thiệu lại cho mấy đứa em ở Việt Nam từ khi mình qua đây.

Và điều cuối cùng mình lưu ý đó chính là sức khỏe. Nên chia đều thời gian ra để làm, đừng để đến giai đoạn cuối mới bắt đầu bức tốc thì rất dễ cạn kiệt sức lực. Chúng ta kiếm tiền để tận hưởng cuộc sống chứ không phải kiếm tiền để mua thuốc trị bệnh. Nến hãy cố gắng cân bằng thời gian, ăn uống điều độ thì mới có đủ sức khỏe cày cuốc được nhiều dự án khác nữa nhé.

Bài viết gốc được đăng tải tại Medium