Lập trình viên nên HỌC NHIỀU HƠN một ngôn ngữ lập trình?

4608

Bài viết được sự cho phép của blogchiasekienthuc.com

Chào anh em, có lẽ việc học một ngôn ngữ lập trình nào đó là bắt buộc nếu như anh em có ý định làm về IT nói chung, hay làm về lập trình nói riêng.

Thực ra nếu dùng từ “bắt buộc” là không đúng, vì thực tế có nhiều hướng đi trong ngành IT không yêu cầu anh em phải nắm rõ một ngôn ngữ lập trình nào đó.

Nhưng cũng giống như việc ăn cơm, nếu như anh em biết một ngôn ngữ lập trình thì nó cũng giống như kiểu anh em có một đôi đũa trong tay vậy, và mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

  10 lý do cho thấy tại sao bạn nên theo học ngôn ngữ lập trình Java
  4 ngôn ngữ phát triển game indie phổ biến

Nhưng liệu lập trình viên có nên học nhiều hơn một ngôn ngữ lập trình hay không?

Đã có rất nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề này, vậy nên trong bài viết ngày hôm nay mình sẽ đưa ra 5 lý do để các bạn nên học nhiều hơn một ngôn ngữ lập trình.

Do là ý kiến chủ quan của mình nên có thể đúng với người này, không đúng với người khác mong anh em góp ý nha.

#1. Rèn luyện khả năng tiếp cận công nghệ mới

Anh em làm về IT thì biết rồi đấy, công nghệ mới thay đổi liên tục từng giây. Nhiều khi chưa kịp làm chủ công nghệ này thì đã có công nghệ khác tốt hơn và tối ưu hơn rồi.

lap-trinh-vien-nen-hoc-nhieu-hon-mot-ngon-ngu-lap-trinh (1)

Tất nhiên, việc chạy theo công nghệ không phải lúc nào cũng tốt, nhưng ngược lại, cứ khư khư mãi một công nghệ cũ cũng là không nên.

Mà công nghệ mới thường được phát triển dựa trên các ngôn ngữ lập trình khác nhau, nó được cập nhật hàng tuần chứ không muốn nói là hàng ngày.

Mình lấy ví dụ bạn rất giỏi về Java, nhưng lại không biết gì về NodeJS thì các công nghệ mới được phát triển từ NodeJS bạn sẽ tiếp cận khó khăn hơn, vì bạn chưa có nền tảng về NodeJS.

Tất nhiên là nếu nắm được phương pháp và cách tiếp cận thì cũng không mất quá nhiều thời gian, nhưng trong nhiều trường hợp gấp rút (dự án đang rất cần) thì một chút thời gian đó thôi cũng có thể quyết định doanh thu của dự án.

Chính vì vậy, việc học một ngôn ngữ lập trình (ở mức cơ bản, nắm được cú pháp, biết cách dùng) đôi khi sẽ giúp bạn làm chủ công nghệ được nhanh hơn.

#2. Có thêm “vũ khí”

Hồi sinh viên chúng ta thường nghe thầy cô bảo “Ngôn ngữ lập trình chỉ là công cụ thôi, cái quan trọng là tư duy thuật toán”.

lap-trinh-vien-nen-hoc-nhieu-hon-mot-ngon-ngu-lap-trinh (1)

Thì đúng là như vậy, ngôn ngữ lập trình chỉ là công cụ ! Nhưng nếu bạn đã đi làm rồi thì bạn sẽ phải bổ sung câu trên như sau:

“Ngôn ngữ lập trình chỉ là công cụ thôi, cái quan trọng là tư duy thuật toán. Nhưng nếu biết dùng và dùng đúng công cụ thì bài toán đôi khi lại đơn giản hơn rất nhiều”

Thực tế là như vậy anh em à, việc anh em triển khai một thuật toán hồi đi học trong một dự án thực tế thì gần như là rất hiếm. Chủ yếu là sử dụng các phương thức, các hàm có sẵn hoặc thay đổi chúng sao cho phù hợp với bài toán.

Có nhiều bài toán nếu dùng Java có khi cả ngày không ra, nhưng ngược lại khi dùng Python thì lại cho kết quả rất nhanh hoặc ngược lại.

Nhưng để đạt được đến trình độ mà bài toán nào thì sử dụng ngôn ngữ nào là hiệu quả nhất sẽ đòi hỏi anh em phải hiểu về ngôn ngữ và có kinh nghiệm làm việc với nó, chứ không phải đơn thuần học qua qua là làm được ngay.

#3. Dễ dàng thích nghi với thay đổi hơn

lap-trinh-vien-nen-hoc-nhieu-hon-mot-ngon-ngu-lap-trinh (2)

Như mình đã trình bày bên trên, việc học nhiều hơn một ngôn ngữ lập trình sẽ giúp bạn tiếp cận công nghệ mới dễ dàng hơn.

Và thực tế trong quá trình đi làm thì có thể các bạn sẽ phải làm nhiều dự án khác nhau, mỗi dự án sử dụng một công nghệ khác nhau.

Nếu chỉ khư khư một công nghệ nào đó thì mình đảm bảo là các bạn sẽ rất khó để “mở tư duy”, để tiếp cận với các công nghệ khác.

Trong khi khả năng thích nghi gần như là một kỹ năng bắt buộc phải có của một lập trình viên hiện nay, vì không phải công ty nào cũng có đủ nguồn lực để đáp ứng kịp thời theo dự án.

Lập trình viên buộc phải tiếp cận và thích nghi nhanh với công nghệ mới để cho kịp dự án. Đây là sự thật mà anh em chấp nhận khi đi làm, và tất nhiên nếu bạn có nền tảng về các ngôn ngữ lập trình khác nhau thì việc thích nghi sẽ dễ dàng thôi.

#4. Thêm nhiều cơ hội việc làm

lap-trinh-vien-nen-hoc-nhieu-hon-mot-ngon-ngu-lap-trinh (3)

Quay lại với câu chuyện cơ hội nghề nghiệp thì thầy cô đại học thường nói: “Người ta chỉ thuê người giỏi về một thứ gì đó, chứ chẳng bao giờ đi thuê một đứa mà cái gì cũng biết một chút để chẳng biết dùng vào đâu.”

Mình phải công nhận là đúng, vì thực tế mình đi làm và đi thực tập gặp nhiều ông bảo cái gì cũng biết nhưng thực tế thì chẳng làm được gì !

Nhưng điều này có đúng với tất cả mọi người không? Theo mình thì là không, vì đôi khi biết nhiều (hiểu về những gì mình biết) có khi còn có nhiều cơ hội việc làm hơn.

Nhất là trong thị trường lao động như hiện này, các bạn sinh viên mới ra trường (những bạn giỏi xuất sắc mình không nói) còn những bạn cũng bình thường mà nếu lười tìm tòi, học hỏi cái mới thì “chết” là chắc. Chết là chết đói ấy

#5. Nâng cao trình độ

Chắc đọc đến đây thì nhiều anh em sẽ nghĩ tại sao mình không để lý do này lên đầu tiên. Rõ ràng đây mới là một lý do quan trong nhất mà !

lap-trinh-vien-nen-hoc-nhieu-hon-mot-ngon-ngu-lap-trinh (4)

Nhưng thực tế thì không hẳn là như vậy, không hẳn việc học nhiều ngôn ngữ lập trình là sẽ nâng cao trình độ đâu anh em à.

Nếu bạn không có nền tảng tốt về một ngôn ngữ lập trình nào đó, mà cứ học theo kiểu mỗi thứ biết một ít, mỗi ngôn ngữ lập trình học một ít… thì anh em có học 10 ngôn ngữ hay 20 ngôn ngữ thì cũng thế cả thôi.

Chính việc học và tìm hiểu về nhiều ngôn ngữ lập trình đôi khi nó “ngốn” mất thời gian để anh em chuyên sâu vào một công nghệ nào đó.

Nói vậy thì có vẻ học nhiều hơn một ngôn ngữ lập trình là sai vì nó không giúp anh em nâng cao trình độ?

Không, chắc chắn là không phải là như vậy, quan trọng là anh em học thế nào thôi. Nếu biết trau dồi chuyên môn lại vừa học thêm công nghệ, ngôn ngữ mới thì đảm bảo trình độ của anh em sẽ lên rất nhanh.

Quan trọng vẫn là phương pháp thôi: Phương pháp mà mình gợi ý cho anh em là hãy tập trung học thật chuyên sâu vào một ngôn ngữ, sau đó mở rộng thêm các ngôn ngữ khác ở mức độ cơ bản !

#6. Lời kết

Vâng, đó là một vài những quan điểm cá nhân của mình về việc liệu có nên học nhiều hơn một ngôn ngữ lập trình lập trình hay không?

Đặc biệt là những anh em đã đi làm được 1 – 2 năm rồi thì mình nghĩ là anh em nên học thêm một vài ngôn ngữ lập trình khác, ngoài cái mà anh em đang dùng.

Hi vọng là bạn sẽ thích bài viết này. Xin chào và hẹn gặp lại anh em trong các bài viết tiếp theo nha !

CTV: Nguyễn Đức Cảnh – Bài viết gốc tại blogchiasekienthuc.com

Có thể bạn quan tâm:

Truy cập ngay việc làm IT đãi ngộ tốt trên TopDev