Kiến trúc sư phần mềm

3629

Bài viết được sự cho phép của tác giả Thiên Hoàng

Là dân IT hẳn mọi người không còn xa lạ với cụm từ Software Architect (SA) – ở đây tôi tạm dịch là kiến trúc sư phần mềm. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu được vai trò, trách nhiệm, công việc thực sự và con đường sự nghiệp của một SA. Đây là những câu hỏi mà tôi đã từng đặt ra khi bước vào những nấc thang đầu tiên của vị trí này. Tôi tự đi tìm lời giải đáp cho mình.
Kiến trúc sư phần mềm

PHÂN LOẠI KIẾN TRÚC SƯ PHẦN MỀM

Thật ra có nhiều cách để phân loại kiến trúc sư phần mềm. Tuy nhiên, ở đây tôi sử dụng cách phân loại của Microsoft.  Đây cũng là một cách thức phân chia khá phổ biến trong ngành phần mềm hiện nay.

  19 tips cho các kỹ sư phần mềm hữu ích trong 2024
  3 workhack để duy trì năng lượng tích cực tại công sở cho kĩ sư phần mềm
Tên Mô tả
Kiến trúc sư nghiệp vụ (enterprise architect) Là cầu nối giữa chủ sở hữu sản phẩm và đội ngũ kĩ thuật. Họ  là những người có kinh nghiệm chiều sâu trong lĩnh vực mà sản phẩm đang xây dựng.
Chịu trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển yêu cầu – thiết lập viễn cảnh, bộ khung của môi trường IT trong sản phẩm.
Kiến trúc sư hạ tầng (infrastructure architect) Là người chịu trách nhiệm trong việc thiết lập, xây dựng giải pháp về cơ sở hạ tầng IT (ví dụ: mạng, các vấn đề bảo mật, thiết bị/ phương thức lưu trữ, ..) trong sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Kiến trúc sư giải pháp (solution architect) Là người chịu trách nhiệm trong việc thiết kế, xây dựng giải pháp cho những yêu cầu của sản phẩm.
Kiến trúc sư kĩ thuật (Technology-specific architect) Là người chịu trách nhiệm về một hoặc một số lĩnh vực kĩ thuật cụ thể.

Trong một số công ty hiện tại ở Việt Nam, có một vị trí gọi là Technical Architect (kiến trúc sư kĩ thuật) trong tổ chức. Vị trí này chịu trách nhiệm cho việc phân tích, đánh giá giải pháp, xây dựng kiến trúc hệ thống. Nếu ánh xạ với cách phân loại trên thì TA chính là Solution Architect.

NHỮNG TÍNH CÁCH CẦN THIẾT CỦA MỘT KIẾN TRÚC SƯ PHẦN MỀM GIỎI

Cho dù bạn có là kiến trúc sư phần mềm nào, thì dưới đây là những tính cách bắt buộc phải có để đạt được đỉnh cao của nghề này:

1. Nhạy bén về kinh tế: mọi kiến trúc sư khi đưa ra giải pháp cho bất cứ bài toán nào cũng đều phải cân nhắc chi phí, lợi ích tương quan của doanh nghiệp. Đây là yếu tố then chốt đánh giá hiệu quả của một giải pháp.
2. Có tầm nhìn xa: khi tham gia vào một dự án, kiến trúc sư phải cân nhắc những giải pháp, công nghệ sắp xuất hiện, xem xét những thay đổi gần đây trong lĩnh vực công nghiệp đang phát triển… và làm cách nào để tận dụng tối đa giải pháp hiện tại trong tương lai.
3. Nghiên cứu kĩ thuật mới: một kiến trúc sư phải luôn luôn nghiên cứu những hướng kĩ thuật mới, từ kiến trúc IT cho đến những ứng dụng và xu hướng phát triển ứng dụng
4. Hiểu và có khả năng ứng dụng những framework,kiến trúc hệ thống, phương pháp luận trong quá trình phát triển phần mềm
6. Có thể làm việc trên những thông tin còn chưa rõ ràng.
7. Khả năng truyền đạt và giao tiếp

LÀM SAO ĐỂ TÔI CÓ THỂ TRỞ THÀNH MỘT KIẾN TRÚC SƯ PHẦN MỀM

Kiến trúc sư phần mềm là đỉnh cao của thang nghề nghiệp khi bạn chọn đi theo con đường kĩ thuật. Để trở thành một kiến trúc sư phần mềm, bạn nên theo những bước sau:
1. Định hướng rõ ràng về loại kiến trúc sư phần mềm bạn muốn trở thành
2. Xác định và xây dựng những kĩ năng cần thiết. Liên tục bổ sung kiến thức phù hợp cho loại hình kiến trúc sư mà bạn chọn
3. Không ngừng phấn đấu và khẳng định vai trò của một kiến trúc sư trong chính những dự án mà bạn đang tham gia.
4. Cố gắng rèn luyện và lấy những chứng chỉ quốc tế về kiến trúc sư kĩ thuật của những tập đoàn công nghệ lớn (Microsoft hoặc Sun). Microsoft bạn cần lấy được MCA (Microsoft Certificate Architect). Đối với Sun, bạn cần lấy được chứng chỉ: SCEA (Sun Certificate Enterprise Architect)

Con đường để trở thành một kiến trúc sư phần mềm đỉnh cao và chuyên nghiệp vẫn còn ở rất xa. Và có một điều tôi luôn tâm niệm là: dù ở bất kì ngành nghề nào, vị trí nào – việc phấn đấu để đạt được đỉnh cao trong sự nghiệp cũng đều đem lại những lợi ích như nhau so với những vị trí hoặc ngành nghề khác.

CHỈ LÀ MỘT VÀI THỨ TÔI MONG CHỜ Ở MỘT KIẾN TRÚC SƯ PHẦN MỀM (KTSPM).

KTSPM, trước hết, phải thấy xa hơn những gì mà một kĩ sư bình thường thấy và thực sự hiểu rõ về hệ thống. Có một chuyện khá là kì cục là các dự án hay bắt đầu bằng cách cho KTSPM viết ngày viết đêm ra một cái gọi là framework (framework ở đâu ra mà lắm thế), sau đó lui ra, và các kĩ sư bình thường sẽ nhào vô viết thêm tính năng, và chúng ta có một phần mềm. Sau đó có thể có chút trục trặc, chậm chạp thì các KSTPM này lại quay trở lại để dọn rác.

Nhưng hãy để tôi kể câu chuyện về dự án mà tôi đang làm đã. Đầu tiên chúng tôi có một KTSPM. Người này chuẩn bị mọi thứ, từ hệ thống build, database, Spring, Hibernate này kia, và cũng viết một ít làm mẫu. Và vì chỉ là làm giúp nên rời dự án nhanh chóng. Sau đó chúng tôi bỏ một thời gian dài loay hoay vừa muốn giữ cái nền này vừa muốn đập bỏ. Khi yêu cầu phần mềm thay đổi và vấn đề nảy sinh thì cái nền rõ ràng là không phù hợp. Nhưng cái nền là do KTS viết ra mà. Sự thiếu dứt khoát khiến cho mọi thứ trong hệ thống mà chúng tôi xây dựng vẫn còn khá là vá víu và không linh hoạt. Trong giai đoạn này có hai người nữa, một người là KTS và một người gần được KTS. Nhưng họ cũng chỉ viết mã cho một vài phần. Có thể là những phần khó hơn, nhưng nó chỉ là một phần nhỏ của toàn bộ bức tranh. Và nó cũng chứa những sai lầm tiềm ẩn như những nhiều phần khác. Và nó cũng có thể được hoàn thành bởi những kĩ sư khác trong dự án, mặc dù có thể là phải có một chút hướng dẫn. Nói tóm lại, những KTSPM đang làm những việc mà kĩ sư làm, chỉ là (có thể) ở một trình độ tốt hơn.

Vậy những sai lầm mà dự án tôi gặp phải và mắc kẹt là gì. Có thể kể ra những thứ khá cơ bản, như bỏ qua các bước an ninh cơ bản (chống XSS, CSRF), không xây dựng một dạng protocol (hay interface) thống nhất cho các request, bỏ lơ vấn đề cache và performance (cache phía server, cache phía client), không có hệ thống build tự động, không có phương pháp chung để xử lí vấn đề cross-browser, v.v. Đây là những vấn đề có tác động quan trọng tới thiết kế của phần mềm, nên không thể giải quyết một sớm một chiều được. Dĩ nhiên, phần mềm là một hệ thống phức tạp mà khi đã đầy đủ các bộ phận thì việc thay đổi sẽ tốn kém. Vì vậy, không thể ngày hôm nay nghĩ về vấn đề này thì xây dựng nó một kiểu, rồi mai gặp hay chợt nghĩ về vấn đề khác thì sửa đối nó theo kiểu khác.

Tất nhiên KTS vẫn nên là người viết những thành phần quan trọng, để góp phần tạo ra một phần mềm có chất lượng tốt. Nhưng kĩ sư giỏi thì cũng có thể viết được những phần khó, họ cũng có thể đọc sách, tìm hiểu, suy nghĩ. Vậy thì giá trị đặc biệt của KTSPM nằm ở chỗ nào, tại sao họ đứng trên một cấp, và lương cao hơn? Theo tôi nghĩ đấy là vì kĩ sư giỏi là những người chỉ giải quyết được những vấn đề cục bộ, riêng rẽ, chứ không thể quan sát hệ thống một cách tổng thể. KTSPM phải là người định hướng. Họ phải liệt kê ra được những yêu cầu, vấn đề, hoặc thử thách mà dự án sẽ đối mặt, trước mắt và tương lai. Họ phải xây dựng được những quy tắc chung để kĩ sư có thể tuân theo nhằm hạn chế sai sót. Họ phải biết phân bổ nhân lực cho hợp lí với từng phần việc. Và họ phải nắm tình trạng phát triển hiện tại của phần mềm để nhận ra những bài toán hay cải tiến cần được thực hiện một cách thực sự đúng đắn và dứt khoát.

(Bạn nghỉ ngơi một xíu trả lời câu này xem. Nếu bối rối thì chắc chưa phải KSTPM rồi.)

Không chỉ nhìn xa hơn những kĩ sư, KTSPM còn phải cố gắng nhìn xa hơn những gì ông chủ nghĩ. Không phải là về kinh doanh, mà là về chức năng của phần mềm. Họ phải biết trừu tượng hóa các yêu cầu cụ thể để có cái nhìn bao quát cho chức năng mà trong đó yêu cầu của những người phân tích nghiệp vụ chỉ là một lựa chọn, một hướng hiện thực cụ thể. Ý định của con người luôn thay đổi rất nhanh, và yêu cầu cũng vậy, nên không có lí do gì lập trình viên đặt niềm tin là những thứ họ phải làm hiện tại sẽ giống vậy mãi mãi. Chuẩn bị tốt cho những lựa chọn chưa xảy ra sẽ giúp phần mềm linh động với những nhu cầu, đòi hỏi từ thị trường. Và điều quan trọng là thấy trước thay đổi của hệ thống là nhiệm vụ của KSTPM, không cần ai khác phải nói ra, và họ sẽ không thể đổ lỗi đi đâu đó như người phân tích nghiệp vụ, hay người dùng nếu không thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Chẳng hạn, hãy nói việc hỗ trợ bookmark cho những web application dùng AJAX nhiều. Nếu một trang web mà trạng thái của nó, như đang mở tab nào, đang hiện nội dung gì, không được thể hiện trên địa chỉ thì người dùng sẽ không thể bookmark để quay lại trạng thái đó một cách nhanh chóng được. Tuy nhiên, yêu cầu phần mềm thường quên mất chuyện này, trong khi nếu không được thiết kế ngay từ đầu thì việc chỉnh sửa thiết kế của ứng dụng để hỗ trợ chức năng này sẽ khá rắc rối. Do nên KTSPM phải biết tự thấy trước và đáp ứng chức năng ngay khi chưa có yêu cầu.

Có thể tóm lại là KSTPM trước hết phải biết nhìn xa, nhìn trừu tượng, không chỉ xây nên framework mà còn những tiêu chuẩn, quy định, và đường lối cho dự án.

Điều thứ ba, liên quan đến cách mà một KTSPM làm việc với nhân viên (và sẽ không viết ở đây).

Nguồn: fly2universe.wordpress.com

Bài viết gốc được đăng tải tại edwardthienhoang.wordpress.com

Có thể bạn quan tâm:

Xem thêm Việc làm Developer hấp dẫn trên TopDev