Bài viết được sự cho phép của blogchiasekienthuc.com
Chào anh em, đối với dân lập trình nói riêng và dân IT nói chung thì việc học và tiếp thu kiến thức mới mỗi ngày là một việc vô cùng quan trọng.
Mình có một bài viết chia sẻ về việc: lập trình viên có nên học nhiều hơn một ngôn ngữ lập trình không? Nếu bạn nào muốn đọc thì có thể tham khảo tại đây nhé:
Vậy một câu hỏi đặt ra lúc này là, nếu học nhiều thứ cùng một lúc thì phải học làm sao cho hiệu quả? Học như thế nào để có được kết quả tốt nhất?
Mình tin đây là câu hỏi mà mọi người đều trăn trở, một câu hỏi mà ai cũng muốn biết được câu trả lời chính xác nhất ᵔᴥᵔ Vâng, thực ra mỗi người sẽ có một cách học khác nhau.
Và ở trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ với bạn một số phương pháp mà mình thấy mọi người và bản thân mình đã áp dụng, nó mang lại hiệu quả khá cao đối với cá nhân mình.
Cụ thể thì mình sẽ nói về cách tiếp cận và cách học một ngôn ngữ lập trình mới sao cho hiệu quả nha.
#1. Định hình loại ngôn ngữ lập trình
Đây là một bước tuy đơn giản nhưng nhiều anh em bỏ qua mà cứ thế lao đầu vào học cú pháp của ngôn ngữ luôn.
Vậy thế nào là định hình loại ngôn ngữ lập trình? Thực ra, ngôn ngữ lập trình được chia thành nhiều loại với nhiều mục đích và bản chất khác nhau.
Mình giả sử như bạn đang là một lập trình viên front-end (làm về giao diện) – như vậy bạn phải biết về JavaScript và cách dụng một Framework của nó (VueJS, ReactJS, Angular…)
Còn nếu bạn muốn học thêm về Back-end thì bạn chọn Java để học. Thực tế thì JavaScript và Java chả liên quan gì với nhau cả. Vậy nên việc bạn áp dụng cách học JavaScript cho Java sẽ không bao giờ đem lại hiệu quả cao được.
Vì vậy mà, trước khi học một ngôn ngữ lập trình mới thì bạn nên xác định ngôn ngữ đó thuộc loại nào (ngôn ngữ biên dịch hay thông dịch, bậc cao hay bậc thấp, có hướng đối tượng hay không…)
#2. Nắm được cú pháp cơ bản
Phần đa ngôn ngữ lập trình có cú pháp khác nhau và đây cũng là một trong những điểm quyết định ngôn ngữ lập trình có dễ học hay không.
Mình lấy ví dụ, nếu các bạn đem so sánh cú pháp của Python và Java thì chắc chắn 90% các bạn sẽ chọn học Python, đơn giản là vì cú pháp của Python tương đối dễ hiểu và dễ học cho người mới.
Nhưng xét cho cùng, dù là ngôn ngữ lập trình nào thì về cơ bản nó cũng sẽ có biến, có hàm, có các câu lệnh điều kiện và các cấu trúc dữ liệu.
Thứ bạn cần học đầu tiên đó chính là, nắm được cách mà ngôn ngữ lập trình triển khai các khái niệm cơ bản đó.
Nếu bạn đã có nền tảng vơi một ngôn ngữ lập trình nào đó trước rồi thì việc học và nắm được các khái niệm này sẽ không mất quá nhiều thời gian đâu.
Nhưng bạn đừng chỉ học theo kiểu biết cách viết, mà bạn phải học làm sao để biết cách dùng và áp dụng vào các ví dụ thực tế (để làm được điều này thì các bạn hãy thực hiện giải các bài toán cơ bản nhé).
#3. Làm một vài project với những gì học được
Sau khi đã nắm được hòm hòm về cú pháp rồi thì đã đến lúc các bạn nên làm ra một ứng dụng hay một chương trình nào đó từ những gì mà các bạn học được.
Câu hỏi ở đây là: tại sao không học sâu hơn nữa, vì nắm được cú pháp thì đã làm được gì đâu? Mình tin chắc nhiều bạn sẽ có thắc mắc như vậy, nhưng mình cũng đặt ngược lại cho các bạn một câu hỏi là học sâu nữa thì bạn định học đến bao giờ?
Học phải đi đôi với thực hành, hơn nữa khi làm ra được cái gì đó (có kết quả) thì bạn sẽ có động lực để học tiếp, vì nó giống như là một thành quả cho sự cố gắng của bạn vậy.
Quay lại với câu hỏi là làm sao để làm được một project với những gì mà các bạn có trong tay, khi mà chỉ là cú pháp của ngôn ngữ?
Thì đơn giản thôi, bạn có thể xem các video hướng dẫn trên mạng, đọc một bài tutorials nào đó mà người ta hướng dẫn chi tiết rồi làm theo, hoặc đơn giản là làm theo cách của các bạn.
Chắc chắn sẽ có chỗ các bạn chưa hiểu đâu, mình cá là như vậy! Nhưng đừng vội dừng lại, hãy cứ làm cho đến khi các bạn ra sản phẩm nhé.
#4. Ngồi xem lại các Project vừa làm
Nếu các bạn chỉ dừng lại ở bước làm theo như ở bên trên thì coi như các bạn chỉ dừng lại ở việc học thuộc cú pháp và làm theo người ta mà thôi.
Và nếu là như thế thì bạn sẽ không bao giờ có thể tiến bộ được bởi vì các bạn chưa biết cách biến code đó thành code của các bạn.
Chính vì vậy, sau khi làm xong các project rồi thì các bạn hãy ngồi lại và review chúng xem mình đã học được gì, tại sao người ta lại code như thế, mình có thể code hay hơn không, hoặc làm sao để thay đổi đi cho khác?
Đây giống như là bước để các bạn tổng hợp lại kiến thức vậy, vì bản chất, nếu cứ học chay mà không làm cái gì đó thì các bạn sẽ không thể biết được kiến thức mà bạn học được áp dụng vào đâu và áp dụng như thế nào.
Mình nhắc lại lần nữa, đây là một bước cực kỳ quan trọng nha, các bạn hãy cố gắng ngồi xem lại những gì minh đã làm chứ đừng vội nhảy qua làm project khác luôn.
#5. Chịu khó đọc docs để hiểu sâu hơn, rộng hơn
Sau khi xem lại những gì mà bạn đã làm thì mình đảm bảo với các bạn là bạn vẫn chưa hiểu hết 100% đâu ᵔᴥᵔ, mà muốn hiểu tường tận hơn buộc các bạn phải đọc tài liệu về em nó.
Bản chất của các bài hướng dẫn hay các video hướng dẫn là họ hướng đến việc các bạn làm theo và làm ra một cái gì đó có thể giống hoặc khác một chút so với người ta.
Kể cả khi bạn có ngồi xem lại thì đó vẫn là ý tưởng của người ta chứ không phải là ý tưởng hay kiến thức của bạn.
Vì vậy, bước đọc tài liệu (là các tài liệu chi tiết của ngôn ngữ lập trình đó, thường là documments do chính đội ngũ phát triển viết) là bước RẤT QUAN TRỌNG nếu bạn muốn trả lời cho câu hỏi: tại sao người ta lại code như vậy trong mục #4.
Có thể đọc tài liệu sẽ hơi chán một xíu do phần đa tài liệu không phải là hướng dẫn mà thiên về giải thích, nên đôi khi hơi dài và nhiều chữ.
Nhưng các bạn hãy cứ kiên trì đọc và mình tin chắc nếu đọc và hiểu thì các bạn sẽ ngỡ ra rất nhiều điều đó.
#6. Phát triển hoặc tối ưu các Project đã làm
Sau khi làm theo và hiểu được người ta làm như thế nào rồi thì đã đến lúc các bạn nên tự làm một project nào đó.
Về mặt ý tưởng, tốt nhất vẫn nên là ý tưởng của riêng các bạn. Nhưng nếu bạn không có ý tưởng gì thì các bạn có thể tham khảo trên mạng.
Sau khi có ý tưởng rồi thì dựa vào những gì đã học được, bạn hãy cố gắng tự làm từ đầu đến cuối project đó (tất nhiên cũng có những chỗ phải xem lại nhưng hãy cố gắng đừng copy – paste nhé). Có như thế bạn mới hiểu sâu và nhớ lâu hơn.
Tất nhiên đây là giai đoạn khó nhất, mình đã từng trải qua rồi nên mình hiểu rất rõ, bạn buộc phải tự mình tư duy, tự mình mày mò tìm kiếm cách giải quyết khi có vấn đề.
Nhưng nếu làm tốt bước này thì có thể nói là bạn đã thành công trong việc học một ngôn ngữ lập trình mới.
#7. Lời kết
Đó là một quy trình 6 bước giúp bạn học một ngôn ngữ lập trình mới được hiệu quả hơn.
Mình xin nhắc lại lần nữa là mỗi người sẽ có một phương pháp học tập khác nhau và mình chỉ đang chia sẻ những gì mà mình và nhiều người khác từng làm và nó đem lại hiệu quả.
Các bạn có thể áp dụng một cách linh hoạt nếu cảm thấy 6 bước trên phù hợp với cách học của các bạn. Xin chào và hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo nha !
À quên, bạn đang sử dụng phương pháp nào để tiếp cận với các ngôn ngữ lập trình mới? Rất hi vọng bạn sẽ chia sẻ cho anh em cùng biết cách học tập của bạn, để anh em cùng học hỏi và trao đổi thêm. Thank you !
CTV: Nguyễn Đức Cảnh – Blogchiasekienthuc.com
Bài viết gốc được đăng tải tại blogchiasekienthuc.com
Có thể bạn quan tâm:
- Lập trình viên nên HỌC NHIỀU HƠN một ngôn ngữ lập trình?
- So sánh ASP.NET và PHP? Lập trình website nên học ngôn ngữ nào?
- Ruby vs Python: Đâu mới là ngôn ngữ tốt hơn cho lập trình ứng dụng
Xem thêm Việc làm Developer hấp dẫn trên TopDev