Tại sao hồ sơ của bạn chưa được gọi đi phỏng vấn?

1404

Bài viết được sự cho phép của tác giả Lê Tuấn Anh

Bạn cảm thấy kĩ năng và kinh nghiệm mình rất phù hợp với vị trí đó, nhưng cuối cùng hồ sơ vẫn không được gọi đi phỏng vấn. Những lúc như vậy có thể khiến bạn cảm thấy nghi ngờ bản thân một tí, hay là mình chưa đủ tốt, chưa đủ giỏi, mình đang làm sai chỗ nào mà ứng tuyển mấy nơi đều chưa thành công.

Bài viết này mình chia sẻ đến các bạn những lý do vì sao bạn có thể bị loại khi ứng tuyển để từ đó bạn hiểu rõ vấn đề hơn, nhìn nhận việc ứng tuyển chưa thành công ở một góc nhìn tích cực hơn để tiếp tục ứng tuyển cho những vị trí tiếp theo.

Những lý do khách quan

(1) Job Description quá chung chung nên nhà tuyển dụng chưa có tiêu chí đánh giá rõ ràng

Thật ra có những Job Description viết quá chung chung, không làm rõ được kinh nghiệm, kỹ năng hay bằng cấp mà họ đang cần là gì. Với những Job Description kiểu thế này, khó mà biết được lý do vì sao mà bạn không trúng tuyển vì làm gì có tiêu chí gì đâu để đánh giá. Chính vì tiêu chính đánh giá không rõ ràng, nên việc chọn hay không chọn một cá nhân hoàn toàn có thể dựa theo cảm tính, chính vì vậy bạn bị loại chưa chắc đã là vì bạn không giỏi bằng ứng viên được chọn.

Thực tế không phải nhân sự của công ty nào cũng biết cách viết Job Description đúng chuẩn để tìm ra ứng viên phù hợp. Chính vì vậy, ứng viên học cách viết CV thì nhà tuyển dụng cũng phải học qua những khoá học về cách viết Job Description chuẩn.

(2) Tin tuyển dụng đó chỉ đăng cho có và đủ quy trình, thực tế đã tuyển được người nội bộ mất rồi

Đây là trường hợp mình cũng thường gặp ở nhiều công ty lớn trong quá trình làm việc. Với một số tin tuyển dụng, công ty ưu tiên cho ứng viên nội bộ nộp đơn trước – chính vì vậy đôi khi bạn thấy một tin tuyển dụng được đăng lên và sau đó nộp đơn nhưng không thấy phản hồi, rất có thể vì công ty đã tuyển thành công một ứng viên nội bộ rồi.

(3) Bộ phận tuyển dụng bỏ sót mất CV của bạn

Trường hợp này thì mình thường hay gặp ở các công ty nhỏ, hoặc những phòng ban tuyển dụng có nhiều cá nhân cùng sử dụng một email chung. Rất có thể ai đó đã mở email ứng tuyển của bạn nhưng sau đó quên mất, khiến cho hồ sơ của bạn bị thất lạc. Chính vì vậy, nếu sau deadline ứng tuyển 1-2 tuần mà chưa thấy phản hồi, bạn đừng ngại mà email hỏi, biết đâu bị rơi vào trường hợp này.

(4) Hồ sơ của bạn hay, nhưng của người khác lại còn hay hơn

Đây là lý do mà bạn hoàn toàn không thể kiểm soát được và ở mỗi thời điểm bạn ứng tuyển thì tình huống có thể khác nhau. Có những thời điểm không nhiều ứng viên thì hồ sơ của bạn sẽ là một hồ sơ nổi bật. Ngược lại, có những giai đoạn có nhiều người đi tìm việc thì có thể có những ứng viên giỏi hơn bạn cũng đang nộp đơn vào vị trí đó.

  5 mẹo viết CV IT giúp đánh bại hệ thống sàng lọc tự động ATS

Những lý do chủ quan

(5) Hồ sơ của bạn có thể hiện được động lực và sự phù hợp với công việc đó hay không?

Hãy thử trả lời một số câu hỏi dưới đây để tìm ra câu trả lời:

  • Mục tiêu nghề nghiệp trong CV hoặc Cover Letter của bạn có nói rõ được lý do vì sao bạn quan tâm đến vị trí đó, công ty đó hay không? Hay bạn chỉ đang nói chung chung là “tìm kiếm môi trường phù hợp”, “đóng góp cho sự phát triển của công ty”?
  • Nếu bạn đang ứng tuyển cho vị trí quản lý, bạn đã có thể hiện những kỹ năng quản lý ở trong CV hay chưa – hay chỉ đang đưa vào những kỹ năng như “làm việc nhóm”, “giao tiếp”.
  • Khi viết kinh nghiệm làm việc, bạn đã đưa vào những kết quả công việc bạn làm được hay chưa? Hay bạn mới chỉ liệt kê các đầu việc.
  • Bạn nói rằng mình là người chỉn chu, cẩn thận, thái độ tốt – liệu bạn có đang gặp phải các lỗi sai chính tả hay lỗi trình bày trong CV hay không?

  Góp ý khi viết CV cho sinh viên mới ra trường

(6) Bạn đã viết email đúng hay chưa?

Trường hợp này thường gặp ở các bạn sinh viên nhiều hơn. Nhiều bạn hồ sơ rất hay nhưng cách viết email tệ làm cho nhà tuyển dụng có ấn tượng xấu. Trong bài viết này mình đã hướng dẫn rất kỹ từng bước cách viết email gửi đơn ứng tuyển, bạn tham khảo nhé.

(7) Bạn đã mở rộng cách tìm việc chưa?

Nếu chỉ đơn thuần ứng tuyển công việc trên các trang tuyển dụng như TopDev, TopCV, CareerBuilder mà chưa thành công, bạn cần mở rộng thêm cách thức ứng tuyển của bản thân. Ví dụ bạn ứng tuyển qua LinkedIn, tìm thông tin nhân sự đang làm việc trong công ty đó và gửi thư tự giới thiệu, tìm đến các buổi hội thảo có nhân sự công ty đó tham gia để làm quen. Hoặc có những công ty bạn đang thích nhưng chưa đăng tuyển, mình đã từng chia sẻ về cách nộp đơn vào các công ty kiểu này.

Trải nghiệm công cụ Convert CV online ngay tại đây!

Nói chung là

Một vài điều mình muốn tóm gọn lại cho bài viết này:

  • Bạn có thể ứng tuyển chưa thành công vì nhiều lý do chủ quan và khách quan; tuy nhiên đừng bao giờ tự cho rằng mình kém cỏi hay không đủ năng lực. Chỉ đơn giản là bạn chưa phù hợp, bạn sẽ thử lại cho đến khi tìm được lựa chọn phù hợp.
  • Bên cạnh việc bị động nộp đơn, bạn cần chủ động thêm trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân, xây dựng mạng lưới quan hệ chuyên nghiệp và chủ động giới thiệu bản thân với công ty.

Bài viết gốc được đăng tải tại anhtuanle.com

Có thể bạn quan tâm: