Giới Thiệu Về Android & Môi Trường Phát Triển Phần Mềm

1693

Bài viết được sự cho phép của tác giả Nhựt Danh

Xin chào các bạn. Bạn đang ở đây và đang đọc các dòng mở đầu cho các bài viết về lập trình Android của mình, chứng tỏ bạn đang quan tâm đến lĩnh vực lập trình cho các thiết bị Android này. Dù cho bạn có đang là một người mới muốn làm quen và thử sức với lập trình Android, hay bạn là người đã có kinh nghiệm nhất định về Android và đang muốn tham khảo thêm các thông tin và ý kiến từ những lập trình viên khác, thì việc bạn chú ý đến các bài viết này, theo mình nghĩ, đều là các quyết định sáng suốt.

Với chuỗi bài viết về lập trình Android này, mình sẽ cố gắng mang đến cho các bạn các thông tin cơ bản và cơ sở nhất, cùng những xây dựng từng bước, giúp các bạn mới làm quen với Android có thể dễ dàng tiếp cận và thực hiện mong ước xây dựng một ứng dụng Android hoàn chỉnh của các bạn. Đồng thời mình sẽ tìm hiểu các bài viết từ các nguồn khác để nói rộng hơn một chút về Android cho các bạn đã hiểu về lĩnh vực này có cơ hội cùng chia sẻ kiến thức.

Tuy cố gắng trong việc xây dựng một bộ kiến thức ổn về Android là vậy, nhưng thực sự với tốc độ phát triển và sự nâng cấp nhiệt tình từ chính Google dành cho hệ điều hành của họ, cũng khiến mình nhiều phen “hụt hơi”“chới với” (trong việc viết và cập nhật trên blog). Do đó nếu bạn có đang đọc các bài viết trong chuỗi bài này của mình mà thấy kiến thức đã cũ, thì vui lòng giúp mình để lại comment ở mỗi bài viết, đồng thời cũng hãy chủ động tìm kiếm thông tin mới mẻ hơn từ các trang web khác hoặc trang “chính chủ” Google nhé, dĩ nhiên mình luôn để link đến trang web gốc ở các mục liên quan rồi.

Hãy bắt đầu nào. Trước tiên, để có thể yêu thích lập trình Android, thì mình mời bạn tìm hiểu về Android trước.

  Mobile App Developer là gì? Cơ hội nghề nghiệp và mức lương hấp dẫn

Giới Thiệu Android

Vâng, Android là một hệ điều hành, và hệ điều hành này là một hệ điều hành mã nguồn mở.

Giới Thiệu Android
Biểu tượng hình chú robot của hệ điều hành Android

 

Ban đầu hệ điều hành này được xây dựng hướng đến việc sử dụng trên các điện thoại di động thông minh, sau này nó tiếp tục được phát triển để sử dụng rộng rãi trên các máy tính bảng, TV, thiết bị đeo được, xe hơi,…

Liệt kê ra như vậy để bạn thấy rằng, tiếp cận vào lập trình Android không chỉ gói gọn trong một lĩnh vực là viết ứng dụng cho các điện thoại thông minh, mà bạn còn có cơ hội mở rộng hơn kiến thức bản thân cho các nền tảng khác, như TV chẳng hạn. Hơn nữa với việc đây là hệ điều hành mã nguồn mở, bạn có thể còn phát triển được các ứng dụng chạy trên rất nhiều thiết bị phần cứng của nhiều hãng sản xuất khác nhau. Về cơ bản tất cả các hệ điều hành liên quan này đều dựa trên nền tảng Android, nhưng mỗi nhà sản xuất lại đưa vào những cập nhật riêng, mang đến các diện mạo khác nhau đôi chút hoặc rất nhiều tùy từng nhà sản xuất (sự đa dạng này vừa là lợi thế nhưng cũng gây ra các vấn đề tương thích khá hóc búa cho các lập trình viên chúng ta, nhưng không sao, hãy cùng nhau trải nghiệm thôi).

Tham khảo việc làm Mobile Developer hấp dẫn trên TopDev

Tại Sao Lại Chọn Lập Trình Android?

Sau khi nhìn “sơ” qua Android là gì, chúng ta đến một bước lựa chọn nữa khi tìm hiểu sâu hơn về Android dưới con mắt của một lập trình viên.

Dễ Tiếp Cận

Có thể nói trở thành một lập trình Android là một quyết định khá dễ dàng, chỉ cần bạn thích và… bùm, bắt tay vào thôi.

Có được điều này thứ nhất phải kể đến Trang thiết bị. Chắc chắn để lập trình thì bạn phải trang bị máy tính rồi, nhưng máy tính nào thì lập trình được Android? Thì có thể nói là, hầu như bạn chẳng cần quá bận tâm về nó.

Dù máy tính bạn có chạy được Windows, Mac, Linux hay thậm chí Chrome OS, bạn đều thoải mái bắt đầu với Android. Còn về một điện thoại di động thông minh để kiểm thử ứng dụng ư? Điều đó cũng không quá khó khi mà các điện thoại Android trên thị trường hiện nay đa số đều có giá khá “mềm”, bạn rất dễ để tìm mua một chiếc nếu chưa có thiết bị này trong tay.

Thêm nữa, các lập trình viên Android được Google trang bị cho một công cụ lập trình có tên Android Studio, bạn sẽ được làm quen công cụ này sau. Công cụ lập trình này phải nói là khá mạnh mẽ, và như mình nói ở trên, tương thích được với nhiều loại hệ điều hành, khiến chúng ta vừa dễ cài đặt, dễ tiếp cận, lại yên tâm code vì rõ ràng ở những bước đầu tiên này chúng ta đã cảm nhận được sự trang bị đầy đủ từ Google như nào rồi ha.

  Android Studio: Phần mềm hỗ trợ lập trình ứng dụng Android

Android Studio
Nhìn giao diện hiện đại này của Android Studio bạn có thấy kích thích không?

 

Điều tiếp theo dẫn đến lập trình Android trở nên dễ tiếp cận, đó là Ngôn ngữ lập trình. Nếu bạn đã biết Java, điều đó thật tuyệt, bạn sẽ chỉ cần học thêm về cách thức tương tác với hệ điều hành thông qua Java. Nhưng nếu như bạn chưa từng biết đến Java, thì việc học Java cũng không quá khó khăn, đặc biệt nếu bạn đã từng biết đến một ngôn ngữ lập trình Hướng đối tượng nào khác như C++ hay C# (bạn có thể tìm hiểu về Java qua các bài viết của mình ở đây). Hoặc một lựa chọn tuyệt vời hơn, đó là bạn tìm hiểu luôn Kotlin, một ngôn ngữ khá hiện đại và mạnh mẽ. Tóm lại nếu bạn biết Java hay Kotlin đều có thể bắt tay vào lập trình Android ngay được rồi.

Java và Kotlin
Biết Java hay Kotlin đều có thể lập trình Android

 

Tính Tương Thích

Mục này cũng có thể hiểu với nhiều ý.

Thứ nhất, có thể thấy sự tương thích nằm ở Hệ điều hành. Android là một hệ điều hành mở, lại là một hệ điều hành nổi tiếng số một trên thế giới hiện nay. Việc Android được ứng dụng trên nhiều lĩnh vực khác nhau mang đến cho bạn có cơ hội suy nghĩ đến việc phát triển một ứng dụng trên thiết bị điện thoại thông minh, lại có thể nhanh chóng mở rộng ra để chạy trên các thể loại thiết bị khác, như TV hay các thiết bị giải trí khác.

Sự tương thích cũng nằm ở Ngôn ngữ lập trình cho hệ điều hành này. Không cần phải nói đến việc ngôn ngữ Java được sử dụng rộng rãi cho các lĩnh vực khác nhau như thế nào vì ai cũng biết, điều này cho thấy nếu bạn từng lập trình Android bằng Java, bạn cũng có thể nhanh chóng ứng dụng logic hay nền tảng của ứng dụng này cho các lĩnh vực khác cũng dùng ngôn ngữ Java. Hay nếu bạn biết Kotlin, bạn cũng dễ dàng phát triển ra các ứng dụng cho iOS hay các ứng dụng Web khác cũng bằng ngôn ngữ Kotlin này.

Ứng Dụng Của Bạn Được Đưa Lên Google Play

Chắc hẳn bạn cũng biết cái “chợ” cho các ứng dụng Android này. Nó được gọi là Google Play, hay Google Play store. Không cần phải là một lập trình viên, bạn vẫn thường xuyên sử dụng nó, và bạn cũng nhận ra rằng Google Play là một nơi chứa vô số các ứng dụng khác nhau.

Google-Play
Giao diện Google Play quen thuộc

 

Đúng vậy, mình đã từng nghe Google Play đã cán mốc 2,6 triệu ứng dụng được đưa lên đây. Và bạn hãy tưởng tượng mà xem, trong số 2,6 triệu ứng dụng này, cũng có vài ứng dụng của bạn trên đó thì sao. Khi đó, có khi có đến hàng trăm, hoặc hàng ngàn, hoặc hơn nữa, người dùng trên khắp thế giới đang sử dụng ứng dụng của bạn hàng ngày thì sao. Nghĩ thôi đã thấy thích rồi.

Ngoài việc dễ dàng tải ứng dụng xuống, thì việc đưa ứng dụng lên Google Play cũng khá dễ dàng. Bạn chỉ cần bỏ ra $25 cho một lần duy nhất trong đời để mua tài khoản trên đây, rồi sau đó thoải mái phát triển các ứng dụng của riêng bạn và xuất bản.

Thêm nữa, bên cạnh có nhiều người dùng trên thế giới biết đến và sử dụng ứng dụng của bạn, bạn còn có khả năng kiếm thêm tiền nhờ vào việc tận dụng hiển thị quảng cáo trong ứng dụng, hoặc xây dựng các chức năng có trả phí, hoặc xây dựng các ứng dụng cần người dùng phải mua mới dùng được. Thật tuyệt đúng không nào.

Chưa hết, khi bạn đã quyết định đưa ứng dụng lên Google Play thì chỉ mất vài giờ để ứng dụng của bạn đến với người dùng trên toàn thế giới (con số này so với Apple App Store là vài ngày, thậm chí có khi đến cả tuần). Việc đưa các bản cập nhật hay sửa lỗi lên Google Play chính vì vậy cũng khá là nhanh chóng và dễ thở hơn nhiều.

Môi Trường Phát Triển Phần Mềm

Chúng ta đã hiểu về Android qua tìm hiểu các ý trên đây rồi. Nhưng bài hôm nay sẽ không dừng lại sớm vậy, hãy cùng xem thêm chút nữa về cái gọi là Môi trường phát triển phần mềm là gì nhé.

Môi trường phát triển phẩm mềm là một môi trường mà ở đó nhà Phát Triển Phần Mềm có được những công cụ cần thiết nhất để viết ra một ứng dụng hoàn chỉnh. Vì bài học liên quan đến Android, do đó chúng ta sẽ tập trung vào tìm hiểu Môi trường phát triển phần mềm Android (Android Development Environment) sẽ bao gồm những công cụ cần thiết gì tiếp theo đây.

Hệ Điều Hành (Operating System)

Như mình có nói trên kia, ứng dụng Android có thể được lập trình trên hầu hết các nền tảng hệ điều hành phổ biến nhất hiện nay như Windows, Mac, Linux hay thậm chí Chrome OS.

Operating System
Dù bạn có đang dùng hệ điều hành nào thì cũng đừng quá lo lắng

 

Java Development Kit (JDK)

Bộ Công Cụ Phát Triển Cho Java, chắc chắn rồi, vì ứng dụng Android được viết dựa trên ngôn ngữ Java mà, do đó chúng ta cần phải có bộ JDK này để các công cụ khác có thể dùng nó để biên dịch ra mã Java, rồi từ Java sẽ biên dịch tiếp thành các mã máy. Ngay cả như nếu bạn dùng Kotlin để lập trình Android, thì bạn vẫn cần đến bộ JDK này, vì Kotlin vẫn tận dụng máy ảo JVM bên trong JDK mà thôi.

Java JDK
JDK

 

Android Software Development Kit (Android SDK)

Tương tự như JDK, Android SDK là Bộ Công Cụ Phát Triển Cho Android. SDK này sẽ cung cấp cho chúng ta một bộ các thư viện và công cụ cần thiết để chúng ta có thể build, kiểm tra và debug cho các ứng dụng Android mà chúng ta sắp lập trình đây.

Android SDK
Android SDK

 

Android Studio

Cuối cùng chúng ta phải cần công cụ này, như đã nói ở trên, đây là công cụ mà chúng ta sẽ tương tác trực tiếp và dài lâu. Android Studio cung cấp cho chúng ta một giao diện trực quan để chúng ta có thể viết code, chỉnh sửa, biên dịch, debug, quản lý bộ nhớ,… tất cả mọi thứ cần thiết để chúng ta có thể tạo nên một phần mềm trên đó.

Android Studio
Android Studio

 

Kết Luận

Chúng ta vừa có cái nhìn sơ lược nhất về việc xây dựng ứng dụng trên hệ điều hành Android này. Hi vọng các thông tin căn bản này giúp tạo cho bạn một kiến thức và một động lực nhất định để xây dựng ước mơ lập trình trên nền tảng di động của chính bạn.

Bài viết gốc được đăng tải tại yellowcodebooks.com

Xem thêm:

Tìm việc làm IT mọi cấp độ tại TopDev