Game Designer là gì hay Thiết kế game là gì đang là chủ đề được nhiều bạn trẻ quan tâm. Nhiều bạn thắc mắc “đam mê chơi game thì có thể trở thành một nhà thiết kế game được không?”. Cùng TopDev giải đáp bằng những thông tin dưới đây.
1. Game designer là gì?
Trước tiên, bạn nên hiểu Thiết kế game là gì (Game Design). Thiết kế game là việc thiết kế tất cả những yếu tố tạo nên một trò chơi như bối cảnh, level, cách chơi, nhân vật gì, thử thách ra sao, …
Thiết kế game sẽ bao gồm hai mảng lớn nhất là Art (nghệ thuật) và Design (thiết kế). Hình dung đơn giản, phần Design đảm nhận nhiệm vụ tạo nên cốt lõi của câu chuyện (trò chơi) còn phần Art sẽ phác thảo thô những ý tưởng này trước khi nó chuyển sang giai đoạn hiện thực hóa bằng đồ họa 2D/3D.
Vậy, Game Designer là gì?
Game Designer là người định hình trò chơi. Họ sáng tạo, đề xuất ý tưởng về đối tượng mục tiêu, cốt truyện, thể loại, nhân vật, ảnh hưởng của việc thắng và thua, giao diện người dùng, thiết kế cấp độ, thiết kế bản đồ, và ti tỉ thứ khác nữa.
Nhà thiết kế game có nhiệm vụ tạo ra bản mô tả trò chơi một cách dễ hiểu nhất ở cả góc độ nghệ thuật và kỹ thuật. Bản mô tả này được xem là “kim chỉ nam” cho toàn bộ quá trình xây dựng, phát triển và hoàn thiện một trò chơi điện tử. Do đó, vị trí Game Designer rất quan trọng và đòi hỏi chuyên môn cao.
Bởi sự thiếu hụt nhân tài nên nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chi những mức lương cao để tuyển dụng Game Designer. Cụ thể, theo thống kê từ SalaryExpert, trung bình mỗi giờ một nhà thiết kế game kiếm được 207 nghìn đồng.
Một fresher đáp ứng đủ nhu cầu cơ bản như biết lên ý tưởng, thiết kế chi tiết kịch bản theo từng cấp level… có thể bắt đầu với mức lương khoảng 27 triệu đồng/tháng. Đối với Senior có thể khoảng 44 triệu đồng/tháng, với các cấp bậc quản lý sẽ còn cao hơn nữa.
2. Mô tả công việc thiết kế game
Những công việc mà Game Designer đảm nhiệm có thể kể đến như:
- Xác định yêu cầu đối với một trò chơi của khách hàng (nhà đầu tư) hoặc của chính nhà thiết kế game.
- Nghiên cứu đối tượng mục tiêu, lên ý tưởng nội dung, concept cho trò chơi.
- Phát triển cốt truyện, nhân vật, quy tắc, độ khó của trò chơi.
- Phối hợp làm việc với các bộ phận phát triển Game, đồ họa Game để hoàn thiện một trò chơi.
- Theo dõi game sau khi đã ra mắt và có người dùng, so sánh và đánh giá kết quả với mục tiêu ban đầu để tính toán cải tiến hoặc lược bỏ tính năng giúp thu hút và gắn kết người dùng hơn.
Chắc hẳn bạn đã hình dung được phần nào những công việc của một nhà thiết kế game. Để đáp ứng được những đầu việc này, một Game Designer cần những tố chất, kỹ năng gì? Ta cùng tìm hiểu nội dung bên dưới.
Ứng tuyển ngay các vị trí tuyển dụng lập trình Game lương cao trên TopDev
3. Những kỹ năng của một Game Designer
3.1. Sáng tạo, sáng tạo, sáng tạo
Điều quan trọng phải nói lại 3 lần. Để một trò chơi luôn tạo ra sự hứng thú, hấp dẫn và thách thức đối với người chơi thì nhà thiết kế game cần có khả năng sáng tạo tốt. Với thị trường game khó tính như hiện nay thì sáng tạo sẽ giúp Game Designer liên tục làm mới ý tưởng của mình để đáp ứng đủ nhu cầu của các game thủ.
3.2. Kỹ năng giao tiếp và thuyết trình
Làm thế nào để bạn có thể truyền tải ý tưởng trò chơi của mình để thuyết phục đồng đội, cấp trên hay các nhà đầu tư? Một kỹ năng giao tiếp và thuyết trình tốt sẽ giúp bạn làm tốt việc này.
3.3. Kỹ năng viết tài liệu kỹ thuật
Một tài liệu kỹ thuật được viết mạch lạc, rõ ràng sẽ giúp giải đáp những thắc mắc của mọi người. Điều này giúp quá trình phát triển game diễn ra thuận lợi và hiệu quả.
3.4. Làm việc nhóm
Không chỉ riêng Game Designer mà hầu hết các vị trí đều đòi hỏi bạn cần có kỹ năng làm việc nhóm. Vì sao? Đơn giản vì mỗi dự án, mỗi sản phẩm không thể được xây dựng chỉ với một cá nhân mà cần có sự phối hợp của nhiều bộ phận, nhiều thành viên với nhau.
Game Designer teamwork tốt tức mỗi thành viên dễ dàng trao đổi ý tưởng và hỗ trợ lẫn nhau, từ đó đi đến một ý tưởng chung sáng tạo nhất.
4. Game Designer bắt đầu từ đâu?
4.1. Thiết kế game học ngành gì?
Tại thời điểm này, có thể ở Việt Nam chưa có trường đại học đào tạo chuyên môn ngành thiết kế game. Do đó, bạn có thể xem xét học những ngành gần với nghề này nhất và có thể tạo lợi thế cho bạn khi làm hoặc ít nhất là khi thực tập. Một số ngành liên quan đến Thiết kế game như:
- Thiết kế đồ họa
- Khoa học máy tính
- Kỹ thuật máy tính
- Công nghệ đa phương tiện
Việc có sẵn kiến thức toàn diện và cái nhìn bao quát tạo điều kiện thuận lợi để bạn thăng tiến lên cấp quản lý hoặc mở công ty riêng.
4.2. Bắt đầu học từ đâu?
Bên cạnh chuyên tâm học tập những chuyên ngành nói trên bạn cần phải tự học hỏi, mày mò hoặc đi làm để có thêm các kiến thức về thiết kế game. Bạn có thể học miễn phí thông qua kênh youtube của các Game Designer, đọc thêm sách về thiết kế, đăng ký các khóa học online và cuối cùng là đi thực tập.
Dưới đây là một số kênh youtube, sách và khóa học mà mình tìm hiểu được, các bạn có thể tham khảo.
Kênh Youtube về Game Design
- Michail Katkoff (deconstructoroffun.com)
- Jesse Schell (The Art of Game Design: A Book of Lens)
- Raph Koster (A Theory of Fun for Game Design)
- Ernest Adams (Fundamentals of Game Design)
Sách thiết kế game
- Cơ bản: The Art of Game Design, Fundamental of Game Design.
- Nâng cao hơn: Game Mechanic (Advanced Game Design), Challenges for Game Design.
- Tổng hợp các nguyên lý trong thiết kế nói chung: The Gamer’s Brain, 100 Things Every Designer Needs to Know about People.
Khóa học online
- Extra Credits: Game Design Highlights trên Youtube
- GDC Vault: nơi tổng hợp tất cả các bài trình bày trong Game Developer Conference, hội thảo về game lớn nhất cho người làm game.
Cuối cùng, sau khi đã xác định Game Designer là gì, những công việc của nhà thiết kế game cũng như trang bị đủ lý thuyết bạn đã đủ tự tin để tìm kiếm cơ hội thực tập. Cố gắng thực hành càng sớm để học được những kinh nghiệm thực chiến nhé. Bạn có thể tham khảo những công ty game thường tuyển dụng thực tập sinh như: VNG, Amanotes, Gear Inc, Gameloft,…. Chúc bạn thành công!
Xem ngay những tin đăng tuyển dụng IT mới nhất trên TopDev