Dưới 20 tuổi thì học lập trình như thế nào?

6845

Bài viết được sự cho phép của tác giả Phạm Bình

Chào các bạn,

Dạo gần đây mình thấy có rất nhiều bạn trẻ quan tâm tới việc học lập trình, nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu, nên mình viết bài này với mong muốn chia sẻ vài điều về “Cách học lập trình khi bạn dưới 20 tuổi”.

Lưu ý: Cách học dưới đây sẽ đem đến cho bạn nhiều trải nghiệm, nhưng lại tốn thời gian, nên sẽ phù hợp với các bạn:
– Có nhiều thời gian và sức khỏe
– Chưa đặt nặng vấn đề “cơm áo”
– Nhiệt huyết

Đó cũng là lý do tại sao bài viết này chỉ dành cho các bạn dưới 20 tuổi.

Dài dòng quá, bắt đầu thôi …

  10 câu nói cực hay về lập trình
  10 lý do cho thấy tại sao bạn nên theo học ngôn ngữ lập trình Java

BƯỚC 0: SUY NGHĨ TRƯỚC KHI BẮT ĐẦU

Mình gặp rất nhiều bạn vào nghề IT, hoặc học trường ĐH về IT rồi mới biết mình không hợp với nghề này. Đương nhiên không phải họ kém cỏi, mà đơn giản là các dòng code không làm cho họ cảm thấy thú vị, đáng nói hơn là không ít trong số họ từng có mong muốn được làm việc trong ngành này.

Kể ra như vậy không phải để dọa, mà để các bạn hãy suy nghĩ nghiêm túc trước khi bắt đầu học lập trình. Bởi nếu không thích, thì có nhét mấy, nhét nữa thì bạn cũng chẳng viết được vòng lặp for đâu. Bạn cũng không nên ép bản thân phải thích thì bạn không thích, vì bạn còn trẻ, bạn còn rất nhiều thời gian để khám xem bản thân mình thích gì.

– Tôi từng rất thần tượng những người đánh máy tính nhanh
– Tôi rất tò mò về thế giới công nghệ
– Tôi nhận thấy “phần mềm” sẽ làm thay đổi thế giới
– Tôi xem các video hướng dẫn học lập trình trên mạng, và tôi bị chúng cuốn hút

Vậy là tôi quyết định học lập trình

>> Đọc thêm: Để trở thành lập trình viên bạn cần gì

BƯỚC 1: XÁC ĐỊNH BÀI TOÁN

Bước này tập trung trả lời 2 câu hỏi sau

  • Câu hỏi 1: Bạn muốn tạo ra phần mềm gì?
  • Câu hỏi 2: Để tạo ra phần mềm đó, bạn cần học những công nghệ gì?

Câu hỏi 1: Bạn muốn tạo ra phần mềm gì?

Tại sao phải trả lời câu hỏi này

Thế giới lập trình nói chung rất rộng, bạn không thể nào học được hết. Thậm chí khi đã xác định được bạn sẽ theo học lập trình mảng nào (web, desktop, mobile), thì mảng đó cũng là cả một bầu trời kiến thức. Mặt khác việc học lập trình là để tạo ra phần mềm, cho nên để rõ ràng mục tiêu của việc học thì hãy trả lời câu hỏi “Bạn muốn tạo ra phần mềm gì“.

Làm sao để trả lời câu hỏi này?

Chẳng có công thức nào cả, chính bạn còn không biết thì ai biết.

Tôi muốn lập trình ra một website dạng blog cá nhân, để có thể viết bài, chia sẻ kiến thức cho mọi người.

Câu hỏi 2: Để tạo ra phần mềm đó, bạn cần học những công nghệ gì?

Tại sao phải trả lời câu hỏi này?

Một phần mềm có thể được tạo ra bằng những công nghệ khác nhau, bạn cần làm rõ đó là công nghệ gì để tiếp tục theo học.

Làm sao để trả lời câu hỏi này?

Hãy mô tả về phần mềm bạn muốn làm lên các nhóm, diễn đàn về lập trình, hỏi mọi người trên đó xem một phần mềm như vậy cần phải học những gì.

Tôi thấy mọi người bảo để tạo ra một website thì cần học html, css, javascript, php và mysql

BƯỚC 2: BẮT TAY VÀO HỌC

Sau khi lựa chọn được các công nghệ cần học, bạn hãy lên kế hoạch để học từng thứ một.

Lưu ý, đây là bước quan trọng nhất, quyết định kết quả của việc học lập trình, trong thực tế, rất nhiều bạn đã bỏ cuộc ở bước này.

– Tôi mất một tuần chỉ để hiểu HTML là gì trước khi thật sự code nó
– Tôi mất 4h đồng hồ chỉ để tìm ra lỗi “Tại sao ảnh không hiển thị – lý do là tôi viết sai thẻ <img src> thành <img scr>”
– Tôi mất cả ngày trời tìm lỗi, vì tôi không hiểu tại sao ‘1’ + ‘1’ lại bằng ’11’ trong js, kết quả tôi quên ép về string về dạng int
– Tôi mất vài ngày trời để khởi động xampp, vì skype chiếm cổng 80
– Tôi mất vài tuần trời để hiểu hiểu lập trình hướng đối tượng là gì, tại sao người ta ưa chuộng nó hơn hướng cấu trúc
– Tôi mất cả tháng trời để học mysql và cách thiết kế database: 1 – 1, 1 – n, n – n
– Sau nhiều lần gặp lỗi và search gooogle, tôi biết search bằng Tiếng Anh sẽ cho ra nhiều kết quả hơn Tiếng Việt
– Sau nhiều search google bằng Tiếng Anh, tôi biết rằng kết quả từ stackoverflow thường cho tôi câu trả lời
– Tôi tự nhận thấy rằng mình cần học thêm nhiều thứ nữa, và lại lên kế hoạch để học tiếp: giải thuật sắp xếp, giải thuật tìm kiếm, đệ quy, coding convention,…

>> Đọc thêm: Cách học một công nghệ mới hiệu quả

BƯỚC 3: BẮT TAY VÀO CODE

Hãy áp dụng tất cả các kiến thức mà bạn đã học được, tích lũy được trong thời gian qua để làm cái phần mềm mà bạn đã ao ước thực hiện bấy lâu.

– Tôi hăm hở tới nỗi, code liên tục 2 ngày trời mà không cần chạy thử, cho tới lúc chạy thử thì lỗi bung bét
– Tôi từng đập đi xây lại không dưới 20 lần cái blog cá nhân
– Tôi từng code từ 4h sáng tới 11h đêm liên tục (đương nhiên là vẫn ăn đủ 3 bữa)

LỜI KẾT

Bạn chỉ mất 3 phút để đọc hết bài viết này, nhưng có thể mất tới 3 năm để thực hiện hết các bước. Hãy kiên nhẫn và đừng từ bỏ, nếu định từ bỏ, hãy nghĩ tới lý do bạn bắt đầu.

Chúc các bạn thành công.

Bài viết gốc được đăng tải tại phambinh.net

Có thể bạn quan tâm: