5 điều bạn cần phải biết khi bắt đầu một công việc mới

361

Bài viết được sự cho phép của tác giả Lê Tuấn Anh

Khi bắt đầu một công việc mới, bạn sẽ có chút phấn khích với những cơ hội được phát triển, mối quan hệ mới. Đồng thời chắc hẳn cũng có chút lo lắng về việc làm sao để hoà nhập hay liệu mình có làm tốt công việc không? Dưới đây là một vài ‘bí kíp’ để bạn chuẩn bị bắt đầu công việc mới một cách tự tin nhất.

1/ Tìm hiểu về đồng nghiệp làm việc cùng

Dù làm công việc gì, có đồng nghiệp dễ thương và hỗ trợ sẽ giúp ích cho mình rất nhiều trong công việc. Một ‘bí kíp’ đầu tiên mình thường khuyên các bạn mới đi làm đó là hãy dành thời gian làm quen với đồng nghiệp trong một vài tuần đầu tiên.

Cách làm là có thể mời đồng nghiệp ăn trưa, cà phê. Không cần quá lê thê dài dòng, gặp nhau khoảng 30-45 phút là đủ để tìm hiểu về nhau. Khi nói chuyện với đồng nghiệp mới thì bên cạnh việc hỏi han cũng hãy chia sẻ về bản thân một chút, tránh để người khác cảm thấy khó chịu như đang bị hỏi cung.

2/ Hỏi sếp về định hướng và mục tiêu

Hỏi sếp về định hướng và mục tiêu

Khi đi làm bạn cần hiểu rằng mỗi công ty, mỗi nhân sự có những cách quản lý và con người làm việc khác nhau. Có công ty quy trình rõ ràng nghiêm ngặt, sếp khó tính, có công ty chẳng có quy trình gì cả, sếp dễ tính. Một trong những vấn đề có thể gặp ở những công ty ít quy trình đó là bạn không biết mình cần làm gì hoặc mục tiêu công việc cụ thể là gì trong thời gian đầu đi làm.

Giải pháp là hỏi sếp và hỏi đồng nghiệp xung quanh. Sếp là người chịu trách nhiệm cho kết quả làm việc của mình, vì vậy đừng ngại hỏi sếp về kì vọng của sếp. Nếu sếp có kì vọng chưa rõ ràng, hãy hỗ trợ sếp bằng việc đề xuất một vài kì vọng từ phía bản thân.

Một ví dụ về đặt mục tiêu khi mới đi làm là “Kế hoạch 30-60-90 ngày” – trong 3 mốc thời gian trên bạn muốn đạt được gì? Hãy suy nghĩ và trình bày kế hoạch này với sếp, sau đó cứ đến từng mốc thì gặp sếp để review. Nhiều sếp sẽ rất thích nhân viên có sự chủ động như vậy.

Ngoài việc gặp sếp thì cũng cần sắp xếp thời gian gặp đồng nghiệp. Các anh chị đã làm ở công ty một thời gian sẽ biết người từng làm ở vị trí của bạn thường ngày công việc làm gì, tiếp xúc với phòng ban nào.

3/ Hãy nhìn xa, rộng để hiểu hơn về doanh nghiệp

Một trong những ‘bí kíp’ để tạo động lực cho bạn làm việc tốt hơn đó là hãy tìm hiểu sâu về doanh nghiệp mình đang làm việc. Nếu bạn đang làm việc cho một doanh nghiệp lớn có hàng ngàn nhân viên, sẽ rất dễ dàng để bạn tìm được những thông tin về tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi. Nếu là một doanh nghiệp nhỏ, hãy nghe câu chuyện khởi đầu của người lập nên doanh nghiệp. Mình tin rằng những điều trên khi bạn hiểu kĩ sẽ giúp bạn cảm thấy ‘thuộc về’ hơn nơi mình đang làm việc, từ đó có động lực đóng góp và cống hiến nhiều hơn.

  Mẹo nâng cao kỹ năng xã hội để thành công trong công việc

  4 cách giúp bạn thoát khỏi nhàm chán trong công việc

4/ Dành riêng cho thực tập sinh: đừng để thời gian của mình trống

Nếu bạn đi thực tập, bạn có thể rơi vào 2 trường hợp đó là:

  • không có quá nhiều việc để làm
  • có quá nhiều việc lặt vặt không đúng chuyên môn

Những điều cần làm khi là Thực tập sinh

Hãy nhớ rằng khi mình đi thực tập là đi học. Học ở đây không chỉ là học về chuyên môn công việc. Chúng ta còn học nhiều thứ khác như cách thích nghi với môi trường công sở, mối quan hệ đồng nghiệp, quan sát cách vận hành của một doanh nghiệp… Vì vậy hãy xem mỗi trải nghiệm khi đi làm thực tập đều là một cơ hội để học, đừng ngại làm những việc ngoài chuyên môn. Nếu thời gian của bản thân hơi rảnh khi đi làm thực tập, hãy đề xuất với các anh chị đồng nghiệp xem mình có thể làm gì để hỗ trợ các anh chị ấy không?

5/ Hãy nhẫn nại

Bạn là một nhân viên mới, vì vậy bạn và mọi người chắc chắn cần thời gian để làm quen và thích ứng với nhau. Vì vậy nếu thời gian đầu bạn có cảm thấy chưa ‘thuộc về’ nơi này, mọi người có vẻ xa cách, công việc có vẻ khó thì đó cũng là chuyện hoàn toàn bình thường. Từ từ bạn sẽ dần quen hơn với công việc, các đồng nghiệp cũng từ từ chào đón bạn hơn, bạn sẽ thấy vui hơn với mỗi ngày đi làm.

Chúc bạn thành công.

Bài viết gốc được đăng tải tại anhtuanle.com

Xem thêm:

Xem thêm IT Jobs for Developer trên TopDev