Thử làm 5 điều sau để cảm thấy hạnh phúc hơn trong công việc

203

Bài viết được sự cho phép của tác giả Lê Tuấn Anh

Nếu ở thời điểm này chưa đổi hoặc chưa tìm được công việc mới tốt hơn, dưới đây là gợi ý 5 điều bạn có thể áp dụng vào công việc hiện tại để xem có cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc hơn không.

Thử làm 5 điều sau để cảm thấy hạnh phúc hơn trong công việc

1/ Tìm cơ hội chia sẻ lại kiến thức mình biết cho người khác

Nếu bạn đã đi làm trên 1 năm, mình tin bạn hoàn toàn có thể chia sẻ lại kiến thức công việc bạn đã và đang làm cho người khác. Người đó có thể là một em học sinh cấp ba, một em sinh viên hoặc một người đang muốn chuyển ngành nhưng còn thiếu thông tin. Có những việc mỗi ngày bạn làm hoàn toàn thấy bình thường nhưng với người khác là cả một chân trời kiến thức mới.

Ví dụ, một chị make-up artist chia sẻ với mình rằng công việc hàng ngày của chị trang điểm cho người nổi tiếng là rất bình thường với chị, không có gì đặc biệt, nhưng với những người mới vào nghề make-up hoặc đang tìm hiểu về nghề thì rất muốn nghe chị chia sẻ về những điều đó.

Khi bạn chia sẻ kiến thức của mình cho người khác, tự nhiên bạn sẽ cảm thấy vui hơn. Cảm giác y chang lúc bạn đi từ thiện vậy đó.

Bạn có thể chia sẻ bằng cách (1) viết bài chia sẻ trên mạng xã hội (cứ viết thôi, đừng lo đếm like hay có ai comment), (2) làm mentor cho ai đó hoặc (3) tham gia làm diễn giả, người chia sẻ cho một chương trình, sự kiện hay đơn giản là một số Podcast của ai đó.

2/ Viết lại quy trình những công việc mình đang làm

Một trong những lý do khiến một người có thể chán một công việc đó là cảm giác lặp đi lặp lại mỗi ngày đến chán ngắt. Vì mình đã quá quen với công việc đó nên cảm giác làm mà chẳng cần suy nghĩ. Tuy nhiên, với những người mới bắt đầu công việc đó thì lại không như vậy. Hãy nhớ lại thời điểm bạn mới bắt đầu công việc bạn đang làm, bạn đã bỡ ngỡ, phải tự mày mò kiến thức tự bơi như thế nào.

quy trình công việc

Bây giờ, hãy giúp người đi sau và giúp công ty một việc – viết lại quy trình công việc bạn đang làm ra giấy theo từng bước chi tiết nhất có thể. Ví dụ bạn đang làm công việc chăm sóc khách hàng trên điện thoại, quy trình hàng ngày của bạn là (1) tìm kiếm khách hàng trên những trang web nào -> (2) nhập liệu những thông tin gì vào đâu -> (3) gọi điện khách hàng thì nói gì, nếu khách hàng phản hồi lại thì trả lời thế nào -> (4) theo dõi khách hàng bao nhiêu ngày một lần, qua kênh nào…

Công việc nào cũng có thể ghi lại quy trình. Hãy tưởng tượng nếu bạn đang chỉ cho một người mới toanh làm công việc bạn đang làm, bạn sẽ viết ra từng bước như thế nào. Việc này là cách để mình tổng hợp, hệ thống hoá lại công việc mình đang làm, tìm xem có điểm nào cải thiện tốt hơn không, và cũng giúp ích cho công ty (thành thật mình thấy các công ty nhỏ rất thiếu quy trình, cần những thứ như thế này).

3/ Tìm cơ hội học tập ở chỗ làm hiện tại

Thêm một lý do nữa mình thường nghe được khi làm tư vấn hướng nghiệp cho những bạn đang chán việc đó là cảm giác “không học hỏi được gì mới” hay là “không có cơ hội học tập” trong công việc bạn đang làm. Điều này có thể đúng một phần, nếu đặc thù công việc của bạn quá dễ hoặc sếp của bạn là một người giỏi làm nhưng không giỏi hướng dẫn và truyền đạt cho nhân viên cấp dưới. Hãy thử suy nghĩ về những cách học mới dưới đây:

  • Nếu công ty có các trang thư viện, tủ sách, kênh tài nguyện – có tài liệu nào trong đó bạn có thể download về nghiền ngẫm, ngâm cứu mà khó kiếm ở ngoài hay không?
  • Công ty có ai khác giỏi ở bộ phận khác hoặc đang làm ở vị trí khác mà bạn đang quan tâm hứng thú để xin vài buổi cafe hỏi đáp về ngành đó hay không? Ví dụ bạn đang làm Sales mà quan tâm đến nhân sự, có ai trong phòng nhân sự có thể trò chuyện hay không?
  • Kĩ năng quản lý là một kĩ năng rất cần ở nhiều công việc, trong công ty hiện tại có ai bạn thấy giỏi kĩ năng quản lý để xin học hỏi từ họ hay không?
  • Bạn đã thử xin công ty hỗ trợ tiền để học các khoá học trực tiếp và trực tuyến liên quan đến lĩnh vực bạn làm hãy chưa? Nhiều công ty có thể chưa nghĩ đến việc này, nhưng nếu có thể giúp nhân viên của mình tiến bộ lên và bạn có cam kết đóng góp nhiều hơn nữa cho công ty, rất có thể bạn sẽ tiên phong cho quyền lợi này ở công ty bạn.

  Áp dụng quy tắc IRAC trong công việc cho developers

  Tips hiệu quả giúp cải thiện hiệu suất công việc cho developers

4/ Khám phá tính cách của bản thân và tính cách của người khác

khám phá tính cách

Một lý do khác khiến cho một người cảm thấy không hạnh phúc với công việc hiện tại là xung đột trong cách làm việc với đồng nghiệp, hoặc không hợp tính sếp. Một trong những lý do dẫn đến việc này là từ tính cách và giá trị sống khác nhau. Ví dụ dân Marketing thích mọi thứ nhanh lẹ để “bắt trend”, trong khi người làm kế toán cần cẩn thận, tỉ mỉ, có thời gian. Thế là choảng nhau.

Một trong những điều bạn có thể làm và mình thấy việc này có thể tạo sự gắn kết hơn với mọi người trong công ty đó là học về một công cụ khám phá bản thân. Thông thường mình sẽ hướng các bạn tìm hiểu công cụ Mật mã Holland, tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể tìm hiểu một công cụ khác như Thần số học, Sinh trắc vân tay, MBTI, DISC hoặc …xem bói.

Cái gì cũng được, cốt lõi là bạn dùng công cụ đó để hiểu hơn về tính cách của bản thân mình, và hiểu hơn về tính cách của người khác. Khi bạn thấy được sự khác nhau giữa mình và người khác, bạn sẽ thông cảm hơn, ít tranh cãi hơn. Nếu bạn có khả năng truyền đạt tốt, bạn tìm hiểu xong mang đến công ty truyền đạt lại cho mọi người để tất cả mọi người hiểu nhau hơn, từ đó hạnh phúc hơn.

5/ Can đảm ngắt điện thoại, cho bản thân nghỉ ngơi ở một số thời điểm

Mình hiểu rằng mỗi công việc có tính chất khác nhau, có những công việc đòi hỏi bạn phải trực điện thoại mọi lúc mọi nơi, ví dụ như bán hàng chẳng hạn. Tuy nhiên chính vì việc chúng ta 24/7 hiện diện cho công việc cũng là một lý do khiến bạn cảm thấy burn-out, stress, mệt mỏi và không muốn tiếp tục công việc hiện tại.

Bạn không cần work-life balance kiểu 8 tiếng ở công ty và về nhà ngắt điện thoại, việc đó không khả thi với nhiều ngành nghề. Tuy nhiên mỗi ngày hãy tối thiểu có được 30 phút ngắt điện thoại không nhận các cuộc gọi, tin nhắn, hoặc mỗi tuần có được 1-2 tiếng cho việc này. Nếu bạn sợ bỏ lỡ thông tin từ ai đó, hãy đặt điện thoại ở chế độ tự động trả lời tin nhắn trong thời gian này, sau đó bạn sẽ liên hệ lại sau. Mình cho rằng 30 phút, 1-2 tiếng không gọi được bạn cũng không thực sự làm ai quá lo lắng hoặc khiến bạn ảnh hưởng quá lớn đến công việc – nếu bạn đã có thông tin rõ ràng cho mọi người rằng khung giờ đó bạn sẽ off.

Không cần nghỉ ngơi nhiều, nếu bạn thuộc loại “sạc pin nhanh”. Nhưng nếu không nghỉ ngơi thì chắc chắn sẽ chết. Phải sống, mới làm và cống hiến được.

Nếu tất cả những điều trên bạn đã làm và thử và vẫn không cảm thấy vui vẻ hơn trong công việc, đây là lúc bạn có thể suy nghĩ đến việc tìm kiếm một cơ hội mới. Hãy tìm đến một người tư vấn hướng nghiệp để giúp bạn tuốt tát lại hồ sơ, tìm hiểu về thị trường lao động và sẵn sàng tìm kiếm công việc mới phù hợp hơn cho bản thân.

Bài viết gốc được đăng tải tại anhtuanle.com

Xem thêm:

Cập nhật tin tuyển dụng IT lương cao tại TopDev