Chia sẻ kinh nghiệm khi chuẩn bị ra trường, xin việc và phỏng vấn (Phần 1)

3335

Bài viết được sự cho phép của tác giả Nguyễn Trương Trung Tín

Bài post đầu tiên của blog, mình muốn chia sẻ với các bạn chút ít kinh nghiệm của mình về những vấn đề xoay quanh việc chuẩn bị ra trường, xin việc và phỏng vấn. Thật ra mình cũng chưa ra trường nhưng cũng đã từng đi phỏng vấn được 3 lần (pass 2 lần) và bên cạnh đó cũng tham khảo được ít kinh nghiệm từ các anh đi trước về việc viết CV, về việc chuẩn bị cho những buổi phỏng vấn,… Nên mình mong bài post này sẽ có ích cho các bạn đang chuẩn bị đi xin việc lần đầu.

Chuẩn bị cá nhân:

Chọn công việc và công ty: Theo cá nhân của mình thì bước chuẩn bị này rất quan trọng. Đầu tiên bạn phải xác định được chính xác công việc mà bạn muốn làm, đừng thấy bạn bè hay chạy theo công việc này công việc kia mà ham. Sẽ rất mau chán về sau khi bạn làm lâu dài và đương nhiên bạn sẽ không đầu tư được tốt hơn so với công việc mà bạn thích. Còn về việc chọn cty mình có biết được 1 bài blog này cũng khá hay về việc đó nên mình share link cho các bạn luôn cho nhanh.(Chọn công việc, chọn công ty – Binhtvt)

Chuẩn bị kiến thức: Từ công việc mà bạn đã xác định muốn làm ở trên bạn hãy chuẩn bị thật tốt (lưu ý là thật tốt) những kiến thức xoay quanh nó vì khi vào phỏng vấn người ta sẽ hỏi đến chừng nào bạn bí ở 1 kiến thức nào đó, nếu bạn bí sớm quá thì coi như khả năng bạn “tạch” càng cao. Ví dụ như bạn muốn làm Android thì chuẩn bị thật tốt Java, kiến trúc Android, được thì thêm C/C++, OOP,… đừng có mà ráng cố gắng nhồi nhét thêm C#, SQL, PHP,… này nọ. Bạn có thể biết, có thể ghi vào CV, nhưng chả ai hỏi tới đâu, yên tâm.

Tự PR bản thân: Ngoài ra bạn cũng phải chuẩn bị 1 vài thứ để PR bản thân. Ví dụ như 1 link github chứa đầy các project và số lượng commit rất đều đặn. Cũng có thể là vài ứng dụng trên store có vài nghìn lượt down chẳng hạn. 1 vài bài blog kiến thức hay. Hoặc là 1 số giải thưởng hackathon, học bổng,…. Nó sẽ gây ra ấn tượng tốt đối với người phỏng vấn cho bạn hơn. Nên tốt hơn hết nếu bạn chưa có những thứ đó thì bây giờ nên chuẩn bị là vừa.

Dọn sạch trang cá nhân: Cuối cùng thì nếu bạn có để những trang thông tin cá nhân lên CV như facebook, google+,… thì bạn nên dọn sạch những stt mang đậm chất giải tỏa, nói xấu người này người kia, share link bậy bạ, hay chửi tục này nọ gì đó. Vì mấy sếp xem CV mà “lở” có vào trang của bạn thì “tạch” vì biết đâu được mấy sếp sẽ nghĩ là: ”tuyển thằng này về cho sau này nó nói xấu, chửi bới sau lưng mình à”. Và những trang cá nhân đó nên để hình thật và tên thật của bạn thì tốt hơn. Hoặc ít nhất là tên tiếng anh và hình cũng được, như vậy sẽ trông bạn chuyên nghiệp hơn. Cuối cùng thì tốt nhất là trang cá nhân của bạn nên có những bài post mang tính công nghệ xíu, hoặc những bài share đâu đó cũng được.

  Làm gì để có được một công việc tốt sau khi tốt nghiệp

Viết CV:

Về phần viết CV có thể mình viết vẫn chưa được tốt lắm. Nhưng do hôm trước mình đọc thử vài CV của 1 số bạn cũng khóa thì có vẻ CV mình cũng còn ngon lành lắm. CV mình nộp 3 lần đều được bên cty họ cho pass vào vòng interview hết. Nên mình xin chia sẻ 1 về phần này luôn.

Ngôn ngữ: Về ngôn ngữ CV thì mình không nói đến nha, vì có người giỏi tiếng anh thì họ viết bằng tiếng anh, còn không giỏi thì viết bằng tiếng Việt cũng chả ai nói gì. Còn nếu người ta yêu cầu viết bằng ngôn ngữ gì thì bạn không giỏi ngôn ngữ đó thì ráng tìm cao nhân mà giúp đở cho 1 bảng CV “đúng ngữ pháp” xíu.

Thông tin cá nhân: Đầu tiên trong CV thì đương nhiên mình phải có 1 phần thông tin cá nhân. Phần này quan trọng nhất vẫn là Tên, email, sđt để người ta còn biết mà liên lạc. Nhưng mình nghĩ quan trọng nhất là hình cá nhân và đường link dẫn đến trang cá nhân, vì qua 2 thứ này như mình nói ở trên thì nếu bạn chuẩn bị tốt họ sẽ có cái nhìn tốt về bạn ngay từ đầu CV luôn.

Vị trí mong muốn và lí do: Phần tiếp theo là phần vị trí mong muốn và tại sao bạn lại muốn vào vị trí đó. Phần này mình nghĩ là phần tối quan trong của cả CV. Bạn phải cho nhà tuyển dụng thấy được tại sao họ nên chọn bạn, bạn phải thể hiện được sự hiểu biết của mình về cty họ trong phần này. Ví dụ bạn muốn vào làm vị trí android developer ở cty họ. Vì sao? Bạn có thể trả lời là vì mình nghĩ cty abc gì đó là một cty trẻ, nhiệt huyết, là một môi trường thuận lợi để phát triển bản thân, nơi mà ý kiến mọi người đều được tôn trọng, cty thuộc top abc, xyz gì đó. Phần này mình nghĩ các bạn nên nâng tầm cty đó càng cao thì càng tốt.

Học vấn và giải thưởng: Về phần học vấn và giải thưởng thì mình xin cho qua, không đề cập đến, vì phần này có bao nhiêu bạn cứ liệt kê ra hết là được. Và càng về sau thi người ta cũng chả quan tâm cấp ba bạn học trường chuyên gì, giải mấy quốc gia,…

Kĩ năng nghề nghiệp: Đến phần kĩ năng nghề nghiệp, phần này các bạn nên nhớ là càng thể hiện mình biết nhiều thì càng chết nhé. Người tuyển dụng sẽ hỏi dựa vào CV, nếu bạn tham lam ghi càng nhiều vào thì người ta sẽ hỏi bạn càng nhiều. Ví dụ bạn phỏng vấn android và ghi là biết tất cả về android là bạn xong rồi đấy. Tốt nhất nên ghi những thứ bạn thấy mình giỏi nhất như làm multithread, service, custom layout,… thì họ chỉ hỏi những phần bạn ghi thôi. Bạn cứ yên tâm, ghi ít không phải là không biết nhiều nhé, Người ta hỏi bạn 1 lĩnh vực mà bạn trả lời thật tốt, hiểu sâu đến mức mà không thể hiểu được nữa. Thì người ta sẽ đánh giá bạn rất chịu khó tìm hiểu, sau này giao task rất yên tâm, bạn sẽ làm rất là cặn kẻ. Còn ghi nhiều mà hỏi 1 vấn đề bạn chỉ trả lời được vài ba câu là bí thì làm sao người ta tin tưởng giao bạn làm gì được.

Kinh nghiệm và project đã làm: Về phần project và kinh nghiệm, thì 2 phần này thì do mình làm ít project và đi làm chưa lâu nên cũng ko biết chia sẻ gì, các bạn cứ thấy project nào thật sự tốt hoặc kinh nghiệm đã làm gì rồi thì ghi vào thôi. Nhớ là ghi rõ ràng vào nhé, làm ở đâu năm nào tới năm nào. Project làm về gì, mô tả, team bao nhiêu người,… đây là những thứ mà người ta sẽ quan tâm đến.

Đam mê, sở thích cá nhân, kỹ năng mềm: Cũng như trên phần đam mê sở thích hay là soft skill này nọ, các bạn cứ ghi vào. Nhưng phần này nhớ đừng ghi nhiều quá, người ta không quan tâm lắm đâu. Chỉ làm dài thêm CV không đáng thôi, để dành đất mà ghi phần khác vào.

Hướng phát triển (hướng nghiên cứu): Cái này cũng nên tùy thuộc vào công ty và công việc bạn làm mà ghi vào nhé. Ví dụ như muốn vào Zalo của VNG làm thì các bạn có thể ghi hướng nghiên cứu mà bạn thích là VOIP, real-time system, mobile application optimization. Còn vào công ty nào làm web thì hứng thú bên web sercurity chẳng hạn, phần này tùy cách bạn chém gió nhé.

Reference: Cuối cùng là phần các bạn có cũng được mà không có cũng không sao. Nhưng có vẫn tốt hơn, bạn nên xin phép và ghi tên 1 số anh chị mà hướng dẫn bạn, hoặc từng làm việc với bạn ở công ty trước vào. Có thể là team leader của bạn lúc trước. Hoặc thầy hướng dẫn luận văn gì đấy. Có thể là độ nổi tiếng của họ sẽ giúp bạn 1 vé được đi phỏng vấn đấy. Ví dụ như team leader của bạn cũng từng làm team leader bên cty này. Và làm rất tốt nên họ sẽ đánh giá cao những người đã được người đó lead.

Phần sau mình sẽ chia sẻ về việc đi phỏng vấn “lần đầu” cho các bạn chưa đi pv lần nào hoặc chuẩn bị sẽ đi.

Bài viết gốc đăng tải tại tinntt.github.io

Bạn có thể xem thêm các mẫu CV cho sinh viên mới ra trường hoặc tạo CV online miễn phí tại TopDev để tăng khả năng tìm được công việc phù hợp.

Xem thêm các việc làm Developer hấp dẫn tại TopDev