Cách viết phần kỹ năng “chất như nước cất” cho CV của bạn

967

Bài viết được sự cho phép của tác giả Lê Tuấn Anh

Là người làm công tác tư vấn hướng nghiệp và tìm việc, một trong các đầu việc mình làm là tư vấn CV cho các bạn có nhu cầu tìm/đổi việc. Tư vấn, tức là chỉ ra cho các bạn những lỗi sai, gợi ý cách viết mới phù hợp – chứ không phải viết hộ CV cho các bạn. CV của ai phải do chính người đó tự viết, như vậy mới đúng là hồ sơ tìm việc của mình. Một bản CV qua tư vấn không phải là bản CV hoàn hảo nộp đâu trúng đó, nhưng là bản CV có cơ hội trúng tuyển cao hơn và gây ấn tượng tốt hơn với nhà tuyển dụng.

Có rất nhiều thành tố tạo nên một bản CV hay, từ thông tin cá nhân, học vấn, kinh nghiệm, kỹ năng. Trong đó, kỹ năng là một phần mình thấy nhiều bạn viết qua loa và ít đầu tư vào nhất. Thực tế nếu đầu tư viết phần kỹ năng tốt, bạn có thể làm cho CV của mình gây ấn tượng hơn với nhà tuyển dụng, nộp đơn được vào các công việc trái ngành hoặc mình còn ít kinh nghiệm trong lĩnh vực đó.

Thực trạng viết phần kỹ năng hiện nay trong các CV?

Nếu bạn đã có CV, hãy mở CV hiện tại của bạn ra (hoặc xem CV của bạn bè xung quanh bạn) và xem xem hiện tại bạn đang có những từ khoá kiểu như Communication (giao tiếp), Teamwork (làm việc nhóm), MS Office, Presentation (thuyết trình) ở trong CV hay không? Nếu chỉ đang có các kỹ năng như trên, CV của bạn đang nằm trong nhóm “số đông”.

Khi đi tìm việc, chúng ta không muốn thuộc nhóm ứng viên “số đông”. Chúng ta cần là người đặc biệt, nổi bật, khác biệt so với các ứng viên khác, cộng thêm tiêu chí phù hợp với công việc, chúng ta sẽ là người được chọn. Vậy tại sao ghi những kỹ năng ở trên vào CV lại khiến chúng ta trở thành “số đông”?

Thứ nhất, không có số liệu chính xác, nhưng từ kinh nghiệm cá nhân của mình, cứ 10 CV thì có đến 7-8 CV chỉ ghi những kỹ năng trên mà không có các kỹ năng khác. Như vậy thì ai cũng giống ai.

Thứ hai, các kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, thuyết trình, cộng với kỹ năng tin học văn phòng cơ bản gần như đang là những kỹ năng bắt buộc phải có, thông dụng với bất kỳ lĩnh vực, công việc nào – tức là công việc nào cũng cần. Chỉ ghi những kỹ năng như vậy vào CV không giúp cho người đọc biết được bạn đang định ứng tuyển kế toán, Marketing hay IT.

Tạo CV online nhanh chóng, đẹp dành cho dân IT

Dưới đây là một số hình ảnh ví dụ các “mẫu CV” trên mạng để bạn thấy người ta viết kỹ năng rất giống nhau.

cv

cv

cv

Cách Viết Kỹ Năng (Skills) Trong CV

  Phân tích “keyword” trong JD để viết CV hiệu quả

  Các kỹ năng cần có trong CV IT để chinh phục mọi nhà tuyển dụng

Một lỗi nhỏ nữa khi viết kỹ năng

Ngoài vấn đề viết kỹ năng chung chung như đã chia sẻ ở trên, có một vấn đề nữa liên quan đến kỹ năng mà bạn đọc cũng cần lưu ý đó là sử dụng các thanh đánh giá. Việc sử dụng các thanh đánh giá trong CV có thể giúp CV của bạn trông đẹp và xịn hơn, tuy nhiên hãy cẩn trọng khi sử dụng các thanh đánh giá. Thực sự rất khó để đánh giá kỹ năng làm việc nhóm của mình là 4/5, hay kỹ năng thuyết trình là 5/5 – không có tiêu chí rõ ràng xác nhận cho việc này. Nếu bạn có bằng TOEIC 550 hay bằng tiếng Nhật N3, những tiêu chí như vậy rõ ràng hơn để đánh giá.

Giải pháp: đừng dùng thanh đánh giá nếu bạn không có tiêu chí rõ ràng để đánh giá.

Cách viết kỹ năng hay

Một danh sách kỹ năng hay ở trong CV vừa phải là toát lên thế mạnh của bạn trong công việc, vừa cần giúp cho nhà tuyển dụng nhanh chóng thấy sự phù hợp của bạn với công việc đó. Để CV của bạn phù hợp với công việc bạn đang nộp, bạn nên bắt đầu từ việc phân tích Job Description thật kỹ. Nhà tuyển dụng đã dành rất nhiều thời gian để viết JD, bạn hãy tận dụng bản JD đó. Việc cần làm là đọc từng gạch đầu dòng ở phần mô tả công việc, trong mỗi gạch đầu dòng đó hãy chọn ra những từ khoá (một cụm động từ) mô tả công việc bạn phải làm. Lấy ví dụ JD công việc dưới đây.

Mô tả công việc

  • Tìm kiếm khách hàng mới
  • Chăm sóc khách hàng cũ theo data được công ty giao.
  • Tư vấn sản phẩm
  • Đàm phán, soạn thảo hợp đồng bán hàng, theo dõi tiến trình thực hiện hợp đồng của khách hàng.
  • Tham gia phục vụ hội chợ, triển lãm, trưng bày giới thiệu sản phẩm, các khóa đào tạo.
  • Đặt hàng cung cấp cho khách hàng
  • Tổng kết công nợ khách hàng, theo dõi và thu hồi công nợ khách hàng
  • Thực hiện bảo hành hàng hóa.
  • Báo cáo (ngày, tuần, tháng) theo yêu cầu của quản lý.

Sau khi phân tích JD ở trên, chúng ta lọc được ra các từ khoá cụm động từ bao gồm.

  1. Tìm kiếm khách hàng.
  2. Chăm sóc khách hàng.
  3. Tư vấn sản phẩm.
  4. Soạn thảo hợp đồng.
  5. Tổng kết công nợ.
  6. Báo cáo.

Nếu đã từng làm Sales, bạn sẽ dễ dàng nhận ra ở trên là những kỹ năng cần của một nhân viên kinh doanh. Vậy nếu định ứng tuyển vào công việc này, bạn cần xem lại xem ở 6 gạch đầu dòng trên mình làm được những gạch đầu dòng nào – nếu gạch đầu dòng nào bạn tự tin mình làm được, đó có thể tính là kỹ năng của bạn. Chỉ cần thấy bản thân là được 70% trở lên các gạch đầu dòng của một công việc, bạn hãy cứ tự tin nộp cho công việc đó nhé.

Như vậy, khi một nhà tuyển dụng đọc và so sánh hai bản CV dưới đây ứng tuyển cho công việc Nhân viên kinh doanh, bạn nghĩ rằng học sẽ thấy bản CV nào ấn tượng hơn?

Kỹ năng

  • Tìm kiếm khách hàng.
  • Chăm sóc khách hàng.
  • Tư vấn sản phẩm.
  • Soạn thảo hợp đồng.
  • Tổng kết công nợ.

Kỹ năng

  • Giao tiếp
  • Làm việc nhóm
  • Thuyết trình
  • Giải quyết vấn đề
  • MS Office

Để viết được như hướng dẫn trên, đòi hỏi với mỗi công việc khác nhau, bạn cần dành thời gian để phân tích kỹ từng JD công việc. Việc này đúng là hơi tốn thời gian, nhưng thực sự đáng và nên làm để tăng hiệu quả trúng tuyển cho CV của bạn nhé.

Chúc bạn có một bản CV thật hay.

Bài viết gốc được đăng tải tại anhtuanle.com

Xem thêm:

Xem thêm các việc làm về CNTT hấp dẫn tại TopDev