Cách Giao Tiếp Giữa Các Service Trong Hệ Thống Có Tải Cao

13260

Bài viết được sự cho phép của tác giả Trần Văn Dem

Tại sao không nên dùng Http1.1 để giao tiếp giữa các service trong hệ thống có tải cao

Để thiết kế một hệ thống tin cậy có thể chịu được tải cao thì chúng ta cần quan tâm rất nhiều yếu tố :

  • database : nosql, sql, in-mem database, index, partition,…
  • caching
  • design service
  • load balance

Thời điểm hiện nay chúng ta sẽ dễ dàng tìm được các bài báo cũng như các bài hướng dẫn, so sánh về các mục bên trên. Thời điểm hiện tại đa số các hệ thống sẽ được xây dựng trên mô hình microservice nhưng khi sử dụng mô hình trên thì còn một điều khá quan trọng chúng ta cần phải quan tâm đó là cách giao tiếp giữa các service với nhau (service communicate). Khi mới bắt đầu vào lập trình hầu hết các bài báo cũng như hướng dẫn tôi được đọc thì họ đều sử dụng http1 để lấy làm ví dụ cho hệ thống của họ. Nhưng trong quá trình trải nghiệm trong thực tế tôi thấy việc sử dụng http1 có rất nhiều hạn chế khi hệ thống gặp tải cao. Tại bài viết này với kinh nghiệm cá nhân của mình thì mình sẽ chia sẻ cho mọi người biết các hệ thống có tải cao của mình từng làm sẽ dùng cách thức nào để giao tiếp với nhau.

Giới thiệu một chút các hệ thống tải cao và yêu cầu độ trễ thấp mình từng làm là :

  • Hệ thống Antispam của Viettel
  • Sàn Trading của công ty Nextop.asia

1. TCP Socket

Vì tất cả hệ thống của mình đều sử dụng TCP nên mình sẽ chỉ chia sẻ về TCP tại đây. TCP là một giao thức truyền tin qua mạng có đảm bảo dữ liệu được truyền tải thành công điểu này mọi người đều đã biết. Hầu hết các giao thức khác đều dựa trên TCP và UDP nên việc biết về 2 mô hình socket này trước là điều cần thiết.

1.1. Client

Chúng ta có một ví dụ đơn giản về một TCP client đơn giản bằng ngôn ngữ Java. Đây là một ví dụ trên mạng

import java.net.*;  
import java.io.*;  
class MyClient{  
public static void main(String args[])throws Exception{  
Socket s=new Socket("localhost",3333);  
DataInputStream din=new DataInputStream(s.getInputStream());  
DataOutputStream dout=new DataOutputStream(s.getOutputStream());  
BufferedReader br=new BufferedReader(new InputStreamReader(System.in));  

String str="",str2="";  
while(!str.equals("stop")){  
str=br.readLine();  
dout.writeUTF(str);  
dout.flush();  
str2=din.readUTF();  
System.out.println("Server says: "+str2);  
}  

dout.close();  
s.close();  
}}

Để tạo ra một kết nối TCP thì chương trình sẽ phải tốn những tài nguyên sau :

  • file descriptor (mỗi TCP connection đều cần 1 file descriptor) khoảng 4KB.
  • Buffer size của kết nối TCP.
  • Chi phí mạng.
  • Một Thread đọc dữ liệu từ server trả lại.

Chi phí này là khá lớn và nếu quá nhiều kết nối TCP cùng tồn tại thì sẽ gây quá tải cho hệ thống của bạn.

1.2. Server

Với server lượng chi phí của chúng ta cũng sẽ mất tương tự như phía client nếu sử dụng mô hình Blocking IO (một số server nổi tiếng đang sử dụng mô hình này). Nhưng nếu sử dụng mô hình Non Blocking IO thì chi phí sẽ thấp hơn vì không nhất thiết phải tạo luồng mới để đọc dữ liệu của client gửi lên. Mọi người nếu chưa biết về 2 mô hình socket này thì nên tham khảo trên mạng.

Nhưng có một điều lưu ý là số lượng TCP connection của một server sẽ có giới hạn. Theo lý thuyết thì một TCP connection sẽ bao gồm (source IP, source port, dest IP, dest port) vậy số lượng connection tối đa một server có thể có sẽ là 2^48. Vì số connection chỉ phụ thuộc vào :

  • số lượng source IP 2^32 và
  • source port 2^16 connection có thể xảy ra. Nhưng thực tế sẽ dựa vào nhiều yếu tố khác:
  • OS: số lượng file descriptor tối đa của hệ điều hành có thể mở ra (mỗi TCP connection đều cần 1 file descriptor). Trên linux kiểm tra bằng lệnh ulimit -a
  • RAM : không tính đến buffer của mỗi socket thì mỗi file descriptor sẽ có dung lượng khoảng 4KB.

Vậy nếu điều kiện nào đến trước thì đó sẽ là giới hạn của server của hệ thống.

2. Http1.1

http1.1.png

Mọi người không ai còn xa lạ với giao thức này nữa. Tại giao thức này đã cho phép chúng ta khả năng pipeline request nhưng khi dùng pipeline thì các request và response phải được gửi và nhận lần lượt. Nếu điều này bị vi phạm sẽ dẫn đến client không thể biết response này là của client nào. Tiếp đến nếu một request không may bị thất lạc thì khiến các request khác trong pipeline sẽ không được gửi lên server điều này sảy ra tình huống HOL gây giảm hiện năng. Vì những lý do trên nên hiện tại mình chưa từng dùng được một thư viện nào hỗ trợ mình chức năng pipeline của Http1.1.

Điểm yếu của Http1.1

Như phần trên chúng ta có thể nhận ra điểm yếu của Http1.1 đó chính là chúng ta sẽ không thể tái sử dụng một Http connection để gửi request nếu nó chưa nhận được response của server. Trong khi hệ thống cao tải thì chúng ta cần gửi rất nhiều request cùng một lúc đến các service khác nhau điều này bắt buộc chúng ta phải tạo ra rất nhiều Http connection và như đã biết việc tạo ra nhiều Http connection bên trên sẽ gây quá tải cho hệ thống của các bạn.

Tất nhiên các thư viện viết Http1.1 client đều cho phép bạn tạo connection pool nhưng khi hết connection trong pool một số thư viện sẽ tạo mới (tốn kém tài nguyên ), một số sẽ cố gắng đợi connection được trả lại trong pool điều này sẽ khiến các request mới sẽ không được gửi gây giảm hiệu năng hệ thống của bạn xuống.

Vậy nên hệ thống bạn mà giao tiếp dựa trên http1.1 thì sẽ là hệ thống synchronous, hệ thống này sẽ không thể đáp ứng được những ứng dụng có tải cao và yêu cầu độ trễ thấp.

Các bạn sẽ có thể bị bối rối việc các thư viện http1.1 cho phép sử dụng các asynchronous api? Các thư viện đó thực chất sẽ sử dụng các Thread khác để thực hiện request của bạn chứ không sử dụng chỉ Thread của bạn nên tốc độ của khi gửi request sẽ tốt hơn. Nhưng đứng dưới góc độ của Http connection nó vẫn sẽ là synchronous.

3. Cách thay thế Http1.1

3.1. Http2

Câu trả lời của hầu hết mọi người là Http2 vì nó quá nổi tiếng mà.

Tất nhiên việc nâng cấp lên Http2 cũng không hề dễ dàng như mọi người nghĩ. Mình đã từng làm một bài về Http2 in real project mình cảm thấy các thư viện Http2 client hiện tại vẫn chưa hỗ trợ hết tính năng của Http2 nếu cần thì bạn hơn thì bạn cần viết một client dành cho riêng mình. Với mình thì là tự viết client để giao tiếp với APNS của Apple.

Mình cũng đã thử config Http2 server trên spring-boot với tomcat và cũng cảm thấy khi config server này bằng spring-boot hiện tại cũng chưa hỗ trợ hết tính năng của Http2.

Nếu bạn chưa biết thì Http2 sẽ cho cung cấp cho chúng ta giải pháp ghép kênh (multiplexing) nghĩa là cho phép chúng ta sử dụng một http2 connection gửi nhiều request và response nhận về vẫn có thể biết được đó là của request nào. Còn việc gửi nhiều thì bản thân TCP socket đã giúp bạn gửi nhiều request rồi. Gửi nhiều request trên cùng một connection không phải là tính năng mới trên Http2. Tính năng mới trên Http2 là gửi nhiều request và response nhận về vẫn có thể biết được đó là của request nào ( Điều quan trọng phải nhắc lại 2 lần :)) ).

Vậy tại sao Http2 có thể làm được điều đó. Nó làm được điều đó vì mỗi request sẽ được đánh ID và được biết với tên Stream IDServer và Client gửi request và response phải gửi kèm theo Stream ID này để có thể phân biệt với nhau.

Vì bài này không chia sẻ về Http2 và Http2 còn rất nhiều thông tin thú vị khác các bạn xem thêm tại bài viết : httpwg.org/specs/rfc7540.html#top

3.2. Đánh ID cho từng request

Trước khi Http2 ra đời, các công ty công nghệ lớn như AppleGoogle đã sử dụng phương pháp đánh ID cho từng request để giúp phân biệt response thuộc về request nào. Cũng có thể đây là động lực cho sự ra đời của Http2. Cách này giúp chúng ta tái sử dụng được các connection được tạo ra mà không cần đợi response

Cụ thể hơn là mình đã được làm việc với service gửi thông báo về các thiết bị Android và IOS của 2 thanh niên công nghệ trên. Và 2 thanh niên này thì có tải cực kỳ lớn và do đó họ đều không sử dụng Http1.1 là công cụ giao tiếp chính cho client.

Cụ thể như sau :

  • Apple : Gần đây APNS đã dịch chuyển từ TCP Socket sang Http2 giúp cho khách hàng có thể sử dụng một connection gửi nhiều thông báo với các máy IOS. Vậy trước đây khi sử dụng APNS tại project cũ bọn mình cần phải tạo ra kết nối TCP Socket đến Apple và mỗi khi push notify đến thiết bị IOS thì request mình gửi lên Apple sẽ phải đính kèm một unique id trên một connection. Và Apple sẽ trả lại kết quả qua Tcp Connection trên và sẽ đính kèm theo ID của request để mình còn map lại được request với response
  • Google : Google thì cung cấp Firebase API dưới dạng Http1.1 và dạng XMPP. Dạng Http1.1 thì đơn giản dễ hiểu với mọi người nên nếu không có quá nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ và không gửi nhiều request để notify thì hầu hết mọi người sẽ chọn giao thức này. Chúng ta sẽ không thể nghi ngờ khả năng của Google được nên khi chúng ta cần gửi nhiều thông báo khác nhau cho nhiều thiết bị khác nhau và sử dụng Http1.1 mà bị chậm thì chúng ta cần phải xem lại project của mình. Trong trường hợp này thì mọi người nên chuyển sang giao thức XMPP vì giống với Apple tại đây Google sẽ bắt client của mình tạo ra các ID khác nhau cho từng request gửi lên. Nhưng có một điều là giao thức XMPP không hỗ trợ dạng Batch nên nếu bạn cần gửi cho nhiều thiết bị và nội dung giống nhau 100% thì nên quay lại dùng Http1.1nhé.

4. Mình đã sử dụng phương pháp nào tại các sản phẩm đã làm.

Phương pháp hiện tại mình đang sử dụng cách đánh ID cho từng request sau đó gửi sang các Service thông qua :

  • Non Blocking Socket (Sử dụng Netty) nếu share API cho bên ngoài. Sắp tới nếu có bên nào cần thì bên mình chắc sẽ viết dưới dạng Http2 server cho hợp thời đại.
  • message queue đối với giao tiếp nội bộ của hệ thống.

Sau đó response sẽ đính kèm ID cũng gửi theo các đường này về client .

Hệ thống của mình giao tiếp giữa các service là dạng asynchronous điều đó khiến khi cao tải thì hệ thống cũng không tạo thêm các TCP connection để giao tiếp. Điểu đó cũng giúp giảm tài nguyên của hệ thống xuống khá nhiều.

Kết bài tại đây mình muốn khuyên cho mọi người khi xây dựng hệ thống nếu yêu cầu có tải lớn và độ trễ thấp thì nên di chuyển giao tiếp từ Http1.1 sang các dạng khác theo các công ty lớn như AppleGoogle. Mặc dù cách này sẽ tốn rất nhiều thời gian gian đoạn đầu nhưng giai đoạn sau khi có nhiều khách hàng mọi thứ sẽ hoạt động trơn tru và không phải chịu cảnh hệ thống quá tải vì giao tiếp. Các bạn sẽ ít nhất không phải trải qua cảnh gateway của mình chỉ làm nhiệm vụ forward cũng sẽ tốn rất nhiều tài nguyên ( RAM, CPU).

Mình biết các thư viện và mô hình micro service có sẵn trên mạng có thể vẫn dùng chủ yếu là Http1.1 nên việc thay đổi mô hình không phải là điều dễ dàng.

Tại các công ty mình đã làm việc thì việc chọn giao tiếp dưới dạng REST API dưới dạng Http1.1 là điều thường xuyên xảy ra và cũng đã trải qua những đắng cay vì Http1.1 khi tải cao và số lượng connection nó tạo ra là quá lớn.

Tất nhiên việc tạo ra một hệ thống chạy tốt cần phải có nhiều yếu tố khác nhau nữa nhưng việc giao tiếp với các service là một điều cần quan tâm.

Bài này hoàn toàn là kinh nghiệm cá nhân trong quá trình làm việc rất mong có sự góp ý của mọi người để giúp mình và mọi người nâng cao khả năng lập trình.

Bài viết gốc được đăng tải tại demtv.hashnode.dev

Đọc thêm:

Hàng loạt việc làm IT hấp dẫn trên TopDev đang chờ bạn ứng tuyển..